Nghệ thuật

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi: “Không quyết tâm bài trừ tranh giả thì thị trường khó lòng lớn lên nổi”

Sep 30, 2021 | By Trang Ps

Gần đây, một số cây viết – nhà nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam liên tục lên tiếng về vấn nạn tranh Đông Dương bị làm giả, thậm chí sự kiện lật tẩy các vụ tranh giả ở các nhà đấu giá tại Pháp,… Art Republik Vietnam và LUXUO đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi, một trong những người đã phát hiện tranh giả Đông Dương vài ngày vừa qua.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi bên tranh sơn mài của trường Mỹ thuật Đông Dương

Vào ngày 27/09, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi có lên tiếng khẳng định về việc một Facebooker đăng tranh của họa sĩ Nam Sơn là giả. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Trong mọi trường hợp, người nghiên cứu cũng như nhà sưu tập cũng nên/phải trang bị cho mình một hành trang hiếu biết tối thiểu. Ở đây, hãy khoan nói về nhân thân. Dưới cương vị nghiên cứu, bức tranh được cho là của họa sĩ Nam Sơn mà nhà sưu tập đăng trên trang Facebook cá nhân của họ, đối với tôi tràn đầy nét vụng về, thô thiển. Ngay cả người mới tập vẽ cũng có thể vẽ đẹp hơn. Nếu cho đó là tranh của họa sĩ Nam Sơn, người đã từng đào tạo một thế hệ họa sĩ Đông Dương rực rỡ thì mọi đánh giá nền hội họa Việt Nam trên diễn đàn quốc tế sẽ như thế nào?

Theo Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, búc này nhái theo một bức tranh của họa sĩ Nam Sơn, dùng làm bìa cho quyển sách “Cô Mai, scènes de la vie annamite” của Georges Seiler.

Cũng giống mỗi người trong chúng ta đều hun đúc tâm hồn khác nhau, thì trong mỗi họa sĩ đều có phong cách riêng của họ. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhái theo phong cách nhưng phần hồn cốt rất khó mà nắm bắt được. Nói về bức tranh giả thứ nhất của Nam Sơn vẽ phong cảnh chợ quê dưới gốc đa bên cổng làng, thoạt nhìn, nó có thấp thoáng phong cách của Nam Sơn, nhất là trên tranh có ghi năm 1923, vào lúc biệt hiệu Nam Sơn xuất hiện thường xuyên qua các tranh bìa, tranh minh họa bằng bút lông, bút sắt, mực nho…, trang trí cho các báo chí thời bấy giờ như Đông Dương tạp chí (Revue Indochinoise), Nam Phong tạp chí, Viễn-Á (Extrême-Asie), Trang Đông Dương (Pages Indochinoises)…  Các đề tài của ông qua các tranh bìa và tranh minh họa này thường diễn tả cuộc sống thường nhật và phong cảnh thiên nhiên, ngoài ra ông còn vẽ theo những phù điêu hoặc trầm điêu chạm hoa văn sắc sảo của các miếu đền đông phương. Ở đây, ngoài sự vụng về, tranh này hoàn toàn không có hồn cốt của Nam Sơn, ngay cả dù bắt chước bố cục. Đi sâu hơn trong lãnh vực nghiên cứu, tôi có tài liệu để khẳng định tranh này bắt chước làm giả theo một bức tranh của Nam Sơn, được dùng làm bìa một quyển truyện của Georges Seiler, “Cô Mai, scènes de la vie annamite” (Cô Mai, phong cảnh sinh hoạt của người An Nam, trung tâm Lưu trữ Quốc gia Việt Nam, kho Đông Dương, N° M3906. Ngoài tranh bìa, trong sách này Nam Sơn cũng đã minh họa rất nhiều khung cảnh đời thường của Hà Nội xưa).

Bìa một quyển truyện của Georges Seiler, “Cô Mai, scènes de la vie annamite” (Cô Mai, phong cảnh sinh hoạt của người An Nam, trung tâm Lưu trữ Quốc gia Việt Nam, kho Đông Dương, N° M3906).

So sánh hai bức họa, ngay cả không phải là người nghiên cứu, chúng ta không thể nào không nhìn ra sự khác biệt giữa thô thiển và tinh tế.

Soi kỹ hơn, nhìn chữ ký trên bức tranh giả, chúng ta cũng nhận ra người vẽ cố tình bắt chước chữ ký của Nam Sơn dùng trong những bức tranh khác, nhưng nét chữ không có tí gì của Nam Sơn cả. Những điều này đưa ra một kết luận rằng đây có sự nghiên cứu cố tình với mục đích đánh lừa những người không có kinh nghiệm trong việc sưu tầm tranh cổ.

Ông Ngô Kim Khôi khẳng định bức này không phải phong cách Nam Sơn. Chỉ cần xem mộc ở góc dưới bên phải.

Về bức tranh thứ hai, đặt kế bên một ảnh chụp chân dung Nam Sơn, với ý tưởng rằng đây là bức “Chân dung tự họa“. Cách đây mấy năm, có một người đã gửi bức tranh này nhờ tôi thẩm định, tôi trả lời ngay rằng đây không phải chân dung cũng như không phải tranh Nam Sơn.

Thoáng qua, giữa hai người, nét tương đồng duy nhất là bộ râu, ngoài ra chẳng có gì giống nhau cả. Chuyện này làm tôi nhớ cách đây hơn 20 năm, trên một tờ báo đăng ảnh chân dung Nam Sơn, nhưng lại ghi chú “chân dung Hồ Chí Minh” (!) Dí dỏm hơn là khi cụ Hồ gặp Nam Sơn, có nói “chúng ta là những người bạn có râu“. Điều này nói lên rằng không phải hơi hơi có nét tương đồng, do cặp kính hay bộ râu mà vội vàng đánh giá.

Xem xét kỹ hơn, dưới góc phải của bức tranh này có mộc và chữ ký không hề liên quan đến Nam Sơn! Và đây là tôi chưa nói đến hai bức họa “cho là” của Victor Tardieu được đăng cùng một lúc. Cũng xin nói thêm là các nhà sưu tập cần phải tìm hiểu và học hỏi để tự bảo vệ lấy mình.

Ông Ngô Kim Khôi bên bức “Thiếu nữ Bắc kỳ” của Nam Sơn.

Ông nhận định ra sao về hiện tượng giả tranh họa sĩ Nam Sơn nói riêng và tranh họa sĩ Đông Dương nói chung, và ảnh hưởng của nó đến mỹ thuật nước ta từ trước đến nay?

Vấn nạn (quốc nạn) này là một vấn đề nan giải đối với thị trường tranh vừa chớm nở của nền Mỹ thuật Việt Nam. Lên tiếng về tranh giả của họa sĩ Nam Sơn vừa qua, với vai trò và bổn phận của người nghiên cứu và nhân thân, vì tôi không thể im lặng. Tôi hoàn toàn không có ý đồ công kích người đăng, đôi khi họ cũng chỉ là nạn nhân và tôi còn phải cám ơn họ cho tôi có cơ hội lên tiếng.

Thị trường tranh Việt Nam, hay nói đúng hơn tranh Đông Dương, có một thời lên rất cao, nhờ vào tiếng nói của Victor Tardieu, hiệu trưởng trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tại các triển lãm quốc tế. Bức tranh Việt Nam đầu tiên được chính quyền Pháp mua vào năm 1929 là tác phẩm “Chợ gạo bên sông Hồng” của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn. Tiếp theo đó là các tên tuổi như Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Tô Ngọc Vân… đã tỏa sáng rực rỡ trong các buổi triển lãm tại Pháp, cũng như tại Ý, Hoa Kỳ…

Từ sau 1954, trước tình hình chính trị và chiến tranh, thị trường tranh Việt Nam hoàn toàn chìm sâu vào im lặng và lãng quên. Trong khi đó, mỹ thuật tại các nước bạn tại vùng Đông Nam Á, dù sinh sau đẻ muộn, vẫn có môi trường lớn lên.

Lớp bụi thời gian dày đặc ấy được phủi đi vào đầu thập niên 1980 với các tên tuổi Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm. Từ đó thị trường tranh giả bắt đầu bùng phát. Tiêu biểu nhất là tranh Bùi Xuân Phái, là một trường hợp đau đầu nhất hiện nay, làm giá trị tranh của ông từ đỉnh cao tuột dốc một cách không kềm hãm được.

Trong khi thị trường mỹ thuật các nước chung quanh dần dần trưởng thành, thì chúng ta, đối  diện với vấn nạn tranh giả, vẫn chỉ dừng lại ở tuổi chập chững biết đi. Dĩ nhiên chúng ta không thể đánh giá mỹ thuật qua thương mại, nhưng ảnh hưởng của nó không kém phần quan trọng trong tiếng nói chung đối với quốc tế.

Khi bức tranh “Gia đình” của họa sĩ Lê Phổ cán mốc triệu đô, tôi cho rằng thị trường tranh Việt bắt đầu bước vào tuổi dậy thì. Và nếu chúng ta không quyết tâm cùng nhau bài trừ tranh giả thì khó lòng lớn lên nổi.

Tranh giả: Cây bút Sơn Ca phát hiện một nghi án nữa về bức lồng chim sắp đấu tại nhà Tajan ở Paris ngày 13.10.2021, nhìn khác hẳn các bản in từ tranh gốc đã xuất hiện.

Thời gian qua có nhiều vụ lật tẩy tranh giả Đông Dương, đặc biệt tranh giả Đông Dương xuất hiện tại sàn đấu giá Pháp. Như vậy, vấn đề này đã thực sự quá lớn, quá tràn lan, người ta không biết đâu là thực đâu là giả nữa?!

Hiện nay, tranh giả tràn lan, ngay cả trên sàn đấu giá danh tiếng, vì đây là một miếng mồi béo bở. Các nhà đấu giá chỉ là chợ bán tranh, miễn có lời là họ sẽ làm. Tại sao họ không thể giả tranh Picasso, Van Gogh… ? Đó là vì tại các nước tiên tiến, luật pháp bảo vệ tác quyền rất phân minh, xử phạt nặng nề, các nhà đấu giá cũng có thể ngại việc ảnh hưởng đến danh tiếng của họ.

Riêng đối với tranh Việt Nam nói chung, và tranh Đông Dương nói riêng, các nhà đấu giá chỉ cần bán được tranh để lấy tiền, danh tiếng không hề lung lay vì luật pháp của chúng ta chưa có gì phân minh trong việc bảo vệ tác quyền.

Thị trường tranh Đông Dương càng lên cao, món mồi càng béo bở, việc giả tranh càng lộng hành, tinh vi, thì vấn nạn tranh giả trở thành một vết thương ngày càng lở loét, mưng mủ đối với nền mỹ thuật Việt Nam.

Tranh giả: Ngày 10.10.2021, Sotheby’s Hongkong lại mở phiên ngày bày bán nhiều tác phẩm Đông Dương, trong đó có bình phong “Nhà tranh gốc mít” (1957) của Nguyễn Văn Tỵ, 90×118.5cm. Giá dự toán 90,000-130,000 USD. Theo cập nhật của giám tuyển Ace Lê, con gái Nguyễn Văn Tỵ, đã khẳng định bình phong Sotheby’s là giả.

Từ kinh nghiệm của một nhà nghiên cứu mỹ thuật, theo ông, đâu là giải pháp?

Chúng ta cần nghiên cứu theo các nước đã có kinh nghiệm, xây dựng một pháp luật chặt chẽ và khắc khe, có tầm ảnh hưởng quốc tế. Tất cả những ai yêu mến mỹ thuật phải quyết tâm đồng lòng lên tiếng tẩy chai khi khám phá tranh giả trên thị trường, trong và ngoài nước, dù nhà đấu giá danh tiếng hay không. Và nên thành lập một đội ngũ chuyên gia minh bạch, có tiếng nói chung để bảo vệ tranh Việt trên sàn quốc tế.


 
Back to top