ART & LIFE

J.C. Leyendecker – Nghệ sỹ minh họa nổi tiếng nhất Hoa Kỳ đầu thế kỷ XX

Aug 11, 2023 | By Xu

J.C. Leyendecker là người đứng đầu trong số các nghệ sỹ minh họa có vai trò và ảnh hưởng lớn trong văn hóa, xã hội lúc bấy giờ.

Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các họa sỹ minh họa là những người nổi tiếng. Trước khi các bức ảnh được sử dụng thường xuyên trên tạp chí và báo, họa sỹ minh họa là những người giúp xác định văn hóa thị giác vào thời đại đó. Joseph Christian Leyendecker là người đứng đầu trong số các nghệ sỹ minh họa có vai trò và ảnh hưởng lớn trong văn hóa, xã hội lúc bấy giờ.

Joseph Christian Leyendecker (hay còn gọi là J.C. hoặc Joe) sinh ngày 23 tháng 3 năm 1874 tại Montabaur, Đức. Leyendecker theo gia đình di cư đến Chicago (Hoa Kỳ) vào năm 1882. Khi còn là một thiếu niên, Leyendecker làm việc tại một công ty in và khắc, đồng thời tham gia các lớp học ban đêm tại Viện Nghệ thuật Chicago.

“Record Time, Cool Summer Comfort”, minh họa bằng tranh sơn dầu của J.C. Leyendecker, cho quảng cáo thời trang nam Kuppenheimer, khoảng năm 1920. Nguồn: Bảo tàng Minh họa Quốc gia Hoa Kỳ/đăng lại trên The New York Times

Em trai của nghệ sỹ, Francis Xavier (còn gọi là Frank), cũng là một họa sỹ minh họa. Họ cùng nhau học tại Học viện Julian ở Paris từ năm 1895 đến năm 1897. Sau khi học xong, hai anh em trở lại Chicago. Ở đây, Leyendecker nhận việc minh họa từ nhiều khách hàng địa phương. Năm 1899, Leyendecker được đề nghị minh họa cho trang bìa của The Saturday Evening Post, sự nghiệp của ông phất lên từ đây. Đơn đặt hàng này là khởi đầu của mối quan hệ hợp tác kéo dài 44 năm giữa họa sỹ và tạp chí, đưa Leyendecker trở thành một ngôi sao của giới minh họa.

Sinh thời, Leyendecker là một trong những nghệ sỹ thương mại tự do nổi tiếng và thành công nhất về mặt tài chính ở Hoa Kỳ. Ông cũng là một trong số ít nghệ sỹ đồng tính nổi tiếng làm việc ở Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ XX. Leyendecker có một phong cách đặc biệt với sự chú ý đến từng chi tiết, tính hiện thực và sở trường nắm bắt được bản chất của đối tượng.

Từ năm 1895 đến 1950, Leyendecker đã minh họa cho hàng trăm bìa sách và tạp chí, áp phích, tiểu thuyết, sách và quảng cáo. Sáng tác của Leyendecker trải dài qua 80 trang bìa cho Collier’s Weekly, 322 trang bìa của The Saturday Evening Post. Các minh họa quảng cáo được biết đến nhiều nhất của Leyendecker có thể kể đến như quảng cáo thời trang nam của hãng B. Kuppenheimer và áo sơ mi, cổ áo có thể tháo rời của thương hiệu Arrow.

Từ năm 1907 đến năm 1930, Leyendecker đã thực hiện các bức tranh quảng cáo cho áo sơ mi và cổ áo của Arrow. Các quảng cáo giới thiệu những người đàn ông sang trọng và phong độ, cùng ngoại hình điển trai, trở thành hình mẫu lý tưởng được các quý bà, quý cô ngưỡng mộ và các quý ông thì noi theo. Nhờ vào những tác phẩm minh họa của Leyendecker, cái tên “The Arrow Collar Man” trở thành mỹ từ dùng để gọi những người mẫu nam xuất hiện trong quảng cáo áo sơ mi và cổ áo tháo rời của thương hiệu Arrow. Chiến dịch quảng cáo diễn ra từ năm 1905 – 1931, nhưng rất lâu về sau, thương hiệu và người tiêu dùng vẫn tiếp tục gọi những người mẫu trong quảng cáo là “Arrow men”.

“Men With Golf Clubs”, minh họa bằng tranh sơn dầu của J.C. Leyendecker, cho quảng cáo áo sơ mi và cổ áo tháo rời của thương hiệu Arrow, khoảng năm 1909. Nguồn: Bảo tàng Minh họa Quốc gia Hoa Kỳ/đăng lại trên The New York Times

Ở các trang bìa theo chủ đề New Year’s Day (Ngày đầu năm mới) mà Leyendecker minh họa cho tờ The Saturday Evening Post, là hình ảnh một đứa bé sơ sinh, hay còn gọi là “em bé của năm mới”. Leyendecker không phải là họa sỹ minh họa đầu tiên lấy ý tưởng em bé đại diện cho năm mới, nhưng các tác phẩm của Leyendecker có tính phổ biến và được nhận diện bởi độc giả Mỹ nhiều hơn cả. Loạt minh họa “em bé của năm mới” này được bắt đầu vào năm 1906 và không gián đoạn suốt 37 năm, cho đến năm 1943. Mỗi bức tranh “em bé năm mới” của J.C. Leyendecker có bố cục và tạo hình khác nhau, nhưng đều truyền tải tinh thần của thời đại.

Trẻ em tiếp tục là đối tượng sáng tác của Leyendecker vào năm 1912, khi Leyendecker nhận việc minh họa quảng cáo cho dòng sản phẩm Corn Flakes (một dạng bánh bột ngô ăn sáng) của thương hiệu Kellogg’s. Ông đã thực hiện hơn 20 tranh minh họa “Những đứa trẻ của Kellogg”, mô tả những thiên thần bé nhỏ vui vẻ thưởng thức một bát ngũ cốc.

Sự nghiệp của Leyendecker bắt đầu đi xuống từ sau năm 1930. Trong thời gian này, ông từng đảm nhận dự án minh họa áp phích cho Bộ Chiến tranh Hoa Kỳ (U.S. Department of War), nay là Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (U.S. Department of Defense). Những bức tranh của Leyendecker đã giúp khuyến khích người Mỹ mua trái phiếu như một cách ủng hộ nước nhà trong Thế Chiến II.

Leyendecker qua đời vào ngày 25 tháng 7 năm 1951. Ngày nay, di sản của Joseph Christian Leyendecker được nghiên cứu và trưng bày, góp phần truyền cảm hứng cho các họa sỹ minh họa đương đại.

Chú thích:

The Saturday Evening Post là một tạp chí của Mỹ, hiện được xuất bản sáu kỳ một năm. Tạp chí từng được phát hành hàng tuần từ năm 1897 cho đến năm 1963, sau đó hai tuần một lần cho đến năm 1969. Từ những năm 1920 đến những năm 1960, The Saturday Evening Post là một trong những tạp chí có ảnh hưởng và được lưu hành rộng rãi nhất trong tầng lớp trung lưu Mỹ. Lượng độc giả của The Saturday Evening Post suy giảm trầm trọng trong suốt những năm 1960, đến năm 1969, tòa soạn phải đóng cửa. Nhưng chỉ hai năm sau đó, The Saturday Evening Post đã hồi sinh dưới dạng ấn phẩm theo quý, tập trung vào các bài báo về y tế. Tính đến cuối những năm 2000, The Saturday Evening Post đã được xuất bản sáu lần một năm bởi Saturday Evening Post Society (hiệp hội này đã mua bản quyền tạp chí vào năm 1982). The Saturday Evening Post đã được “thay da đổi thịt” với một phong cách mới từ năm 2013.

* Triển lãm “Under Cover: J.C. Leyendecker and American Masculinity” khám phá tác phẩm và tính ảnh hưởng của J.C. Leyendecker (1874 – 1951), đang diễn ra tại Bảo tàng & Hiệp hội Lịch sử New York (Hoa Kỳ), từ ngày 5 tháng 5 đến ngày 13 tháng 8 năm 2023. Nguồn ảnh: pan-art-connections

Biên dịch từ My Modern Met và en.wikipedia

Nguồn ảnh: pan-art-connections, mymodernmet.com, antiquetrader, The New York Times

 


 
Back to top