ART & CULTURE

#PrideMonth: Sự bộc bạch trần trụi và giải phóng trong “You Can’t Please All” của Bhupen Khakhar 

Jun 15, 2021 | By Xu

Bhupen Khakhar, một hoạ sỹ hàng đầu trong nền nghệ thuật đương đại Ấn Độ. Một nghệ sỹ đồng tính công khai và thẳng thắn bộc lộ qua những tác phẩm hội hoạ của mình, trong một thời đại và ở một đất nước còn nhiều cấm đoán. 

“You Can’t Please All”, 1981, oil paint on canvas, 175 x 175 cm. Nguồn: Tate.org.uk

Nghệ sỹ đồng tính nổi tiếng trong thế kỷ XX, Bhupen Khakhar (hay Bhupen Khakkar), sinh ngày 10 tháng 3 năm 1934, tại Bombay và mất ngày 8 tháng 8 năm 2003 tại Baroda [*]. Ông là một nghệ sỹ hàng đầu trong nền nghệ thuật đương đại Ấn Độ. Ông là một đại diện của trường phái Baroda và đã được quốc tế công nhận về thành tựu nghệ thuật của mình. 

Khakhar là một nghệ sỹ tự học và bắt đầu sự nghiệp hoạ sỹ của mình khá muộn. Các tác phẩm của ông có bản chất tượng hình, liên quan đến cơ thể con người và danh tính của nó. Là một nghệ sỹ đồng tính công khai, do đó vấn đề định nghĩa giới tính và bản dạng giới là chủ đề chính trong hầu hết các tác phẩm của ông. Tranh của Khakhar thường liên quan đến các thần thoại Ấn Độ và bao gồm các chủ đề về văn hoá, truyền thống.

“Escape Into Life Half”, 2000. Nguồn: Worldofwonder.net

Nhân vô thập toàn, sự vô hoàn mỹ

Tác phẩm “You Can’t Please All” (tạm dịch: Sống Sao Cho Vừa Lòng Người, hay Nhân Vô Thập Toàn) được Bhupen Khakhar vẽ vào năm 1981 tại Baroda, Gujarat, Ấn Độ. Ông mất 5 tháng để hoàn thành bức tranh này, từng phần một, vẽ một cách chậm rãi. Ông bắt đầu bằng cách phác thảo bố cục trên canvas bằng than củi, sau đó Khakhar vẽ bằng bút lông cỡ nhỏ hoặc cỡ trung bình với canvas được trải phẳng trên sàn. Ông tin rằng “cuối cùng thì màu sắc mới là yếu tố quyết định bức tranh” và ông đã làm việc miệt mài để đạt được màu sắc mà ông muốn. Những công đoạn cuối cùng thường bao gồm việc bôi bột màu trực tiếp từ ống, góp phần tạo nên độ dày cực lớn của sơn ở một số khu vực trên các bức tranh sơn dầu của ông.  

Hình ảnh trần trụi trên ban công tách biệt một cách riêng tư với xã hội được miêu tả, nhưng đồng thời, hoàn toàn là một cuộc sống phức tạp tạo nên sự mâu thuẫn của một Ấn Độ hiện đại” – Dexter Dalwood

Tên tác phẩm xuất phát từ một câu chuyện ngụ ngôn của nhà văn Hy Lạp cổ đại Aesop, kể về một người cha và người con dắt lừa đi chợ. Đây cũng là câu chuyện “Hai cha con và con lừa” mà nhiều người Việt biết tới với cốt truyện tương tự, có ý nghĩa giáo dục rằng cuộc đời muôn vẻ, vô sự thập toàn, chúng ta không thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Do đó không nên chịu ảnh hưởng từ lời ra tiếng vào, hay những lời phán xét của người xung quanh, thay vào đó, cần biết tiếp thu những điều phù hợp miễn sao không hổ thẹn với lương tâm. 

“Man In Pub”, 1979. Nguồn: Worldofwonder.net

Bức tranh của Khakhar thuật lại một câu chuyện cổ xưa, theo cách phô bày toàn bộ các tình tiết trong xuyên suốt khung cảnh quanh co của thị trấn. Lối diễn đạt này gợi lại cách các câu chuyện được mô tả trong các bức tranh thời kỳ đầu Phục Hưng mà bản thân ông rất ngưỡng mộ.

Một thời gian ngắn sau khi hoàn thành bức tranh “You Can’t Please All”, Khakhar tiết lộ rằng nhân vật nam khoả thân trong tranh là chính ông, và bức tranh đại diện cho một sự công khai rằng ông là người đồng tính (trong quyển Hyman, năm 1998, tr.69). Những khó khăn cá nhân mà ông phải đối diện vào thời điểm đó cũng ngụ ý trong tác phẩm, rằng những người xung quanh không phải ai cũng chấp nhận giới tính của ông. 

“Idiot”, 2003. Nguồn: Worldofwonder.net

Hoạ sỹ người Anh, Dexter Dalwood, sống ở Baroda từ năm 1985 đến năm 1986, đã viết về tác phẩm “You Can’t Please All” rằng: “Hình ảnh trần trụi trên ban công tách biệt một cách riêng tư với xã hội được miêu tả, nhưng đồng thời, hoàn toàn là một cuộc sống phức tạp tạo nên sự mâu thuẫn của một Ấn Độ hiện đại. Cách kết hợp những cảm xúc phức tạp này, trong một hình ảnh cố gắng thể hiện toàn bộ một hệ thống nhạy cảm, tôi cảm thấy nó vô cùng truyền cảm hứng – và giải phóng” (Hyman, 1998, tr.67)

“My Dear Friend”, 1983. Nguồn: Worldofwonder.net

“You Can’t Please All” được trưng bày lần đầu tiên như một phần của triển lãm nhóm với chủ đề “Place for People”, lưu diễn từ Bombay đến New Delhi vào năm 1981. Triển lãm được xem là một bước ngoặt trong nền nghệ thuật Ấn Độ vì đánh dấu một sự chuyển hướng từ hình ảnh tượng trưng và trừu tượng sang hiện đại và những chủ đề mang tính cá nhân. Đây cũng được coi là sự khởi đầu của trường phái Baroda ở Ấn Độ, ngoài Khakhar còn có những hoạ sỹ như Gulam Sheikh và Sudhir Patwardhan.

Tiểu sử và hành trình nghệ thuật

Gia đình Khakhar có nguồn gốc là những nghệ nhân đến từ thuộc địa Diu của Bồ Đào Nha. Ở nhà, họ nói tiếng Gujarati, Marathi và Hindi, nhưng không biết nhiều tiếng Anh. Bhupen Khakhar là người đầu tiên trong gia đình đạt được bằng cử nhân đại học Bombay, chuyên ngành Kinh Tế & Khoa Học Chính Trị.

Theo định hướng của gia đình, ông đã tiếp tục lấy bằng cử nhân Thương Mại từ trường cao đẳng Thương Mại & Kinh Tế Sydenham, đủ điều kiện trở thành Kế Toán Công Chứng. Ông đã làm công việc kế toán trong nhiều năm tại Bharat Parikh & Associates, và dành thời gian theo đuổi thiên hướng nghệ thuật của mình khi rảnh rỗi. Ông am hiểu về các câu chuyện thần thoại và văn học Hindu, cũng như có hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật thị giác. 

“Portrait of Bhupen Khakhar”, 1983. Chụp bởi nghệ sỹ Jyoti BHATT. Nguồn: Pinterest

Năm 1958, Khakhar gặp Ghulam Mohammed Sheikh, một nhà thơ, hoạ sỹ trẻ người Gujarati. Ghulam Mohammed đã kích thích niềm đam mê tiềm ẩn của Khakhar đối với nghệ thuật và khuyến khích anh đến với Faculty of Fine Arts (Khoa Mỹ Thuật) mới thành lập ở Baroda.

“Cuối cùng thì màu sắc mới là yếu tố quyết định bức tranh” – Bhupen Khakhar

Các bức tranh sơn dầu của Khakhar thường mang tính tự sự và tự truyện. Ông bắt đầu tổ chức các triển lãm cá nhân vào đầu năm 1965. Các tác phẩm của ông sớm đã thu hút được sự chú ý và lời khen ngợi từ giới phê bình.  Các bức tranh của ông dựa trên nhiều cách biểu đạt nghệ thuật thị giác khác nhau, có sự kết hợp màu sắc và chi tiết của các bức tranh thu nhỏ của Ấn Độ, và sự táo bạo của nghệ thuật đại chúng phương Tây.

Bhupen Khakhar. Photo: Shailesh Raval

Trong suốt những năm 1970, Khakhar thường xuyên vẽ những người thợ buôn bán tại nơi làm việc, nhưng trong những năm 1980, ông bắt đầu khai thác các câu châm ngôn, và khía cạnh tường thuật trong tranh của ông có tầm quan trọng lớn hơn. Trong những năm 1980, Khakhar đã thực hiện các triển lãm cá nhân ở những nơi như London, Berlin, Amsterdam và Tokyo.

“Khakhar’s Window Cleaner”, 1982. Nguồn: Architexturez.net

Khakhar thường công khai sáng tác các chủ đề đồng tính do đó thu hút sự chú ý đặc biệt. Đồng tính là điều mà ở Ấn Độ thời đó hiếm khi được đề cập đến. Người nghệ sỹ khám phá chủ đề đồng tính theo những cách cực kỳ cá nhân, chạm vào cả hàm ý văn hoá lẫn những biểu hiện đa tình và nhu cầu tính dục của nó. Ông vẽ tình yêu đồng giới, cuộc sống và những cuộc gặp gỡ từ góc nhìn đặc biệt của một người Ấn Độ trong một nền văn hoá còn nhiều định kiến và cấm đoán. 

Vào những năm 1990, Khakhar bắt đầu thử nghiệm nhiều hơn với màu nước và ngày càng tự tin hơn trong cách thể hiện và kỹ thuật. Ông được miêu tả như một nhân vật “kế toán viên” trong cuốn tiểu thuyết “The Moor’s Last Sigh” của Salman Rushdie. Và Khakhar đã đáp lại sự ưu ái này bằng cách thực hiện một bức chân dung của tác giả mà ông gọi tên là “The Moor”, tác phẩm này hiện được đặt trong phòng trưng bày Chân Dung Quốc Gia (National Portrait gallery) ở London. 

“The Moor” Salman Rushdie. © the copyright holder. Photo credit: National Portrait Gallery, London

Năm 2000, nghệ sỹ Khakhar được vinh danh với giải thưởng Prince Claus tại Royal Palace of Amsterdam. Cùng với các danh hiệu khác, như học bổng Starr Foundation của Hội Đồng Châu Á (Asian Council), và giải Padma Shri danh giá (giải thưởng xuất sắc của chính phủ Ấn Độ) vào năm 1984. Các tác phẩm của ông có thể được tìm thấy trong các bộ sưu tập của British Museum, The Tate Gallery ở London, The Museum of Modern Art ở New York, và nhiều nơi khác. 

“Yagnya or Marriage”, 2000. Oil paint on canvas. 68 × 136 inches. © Estate of Bhupen Khakhar. Courtesy Tapi Collection, India. Nguồn: Brooklynrail.org.

Chú thích: 

[*] Nơi nghệ sỹ Bhupen Khakhar qua đời, thành phố Baroda (hay còn gọi là Vadodara), là thành phố lớn thứ ba ở bang Gujarat. Vùng đất này có tên Vadodara hay Baroda, vì do có rất nhiều cây Banyan (Vad) được tìm thấy trong thành phố. Ngoài ra còn được gọi là Sanskari Nagari (Thành Phố Văn Hoá) và Kala Nagari (Thành Phố Nghệ Thuật) của Ấn Độ. 

 

Nguồn: Tate.org, En.wiki.org, Luxuo.vn

Thực hiện: Xu


 
Back to top