Dining Library: Thịt thực vật “làm quen” với thị trường châu Á
Thị trường thịt thực vật đang trở nên nóng dần tại thị trường châu Á sau thời gian bão hòa tại thị trường Mỹ và châu Âu.
Thịt thực vật và tham vọng thay thế thịt động vật
Thịt thực vật (plant base meat) hay còn gọi là thịt giả, thịt chay là những loại thịt có nguồn gốc thực vật như đậu nành, gluten, trái cây…
Với làn sóng ăn chay, ăn nhiều thực vật và giảm thịt động vật đã khiến cho thịt thực vật có cơ hội len lỏi vào đời sống người tiêu dùng và các nhà kinh doanh thực phẩm đã bắt kịp trào lưu này để tung ra những sản phẩm được cam kết có thành phần dinh dưỡng gần với thịt động vật. Hơn nữa, họ cố gắng sản xuất ra sản phẩm có các mô thịt để tạo cảm giác nhai giống thịt nhất có thể với độ béo, độ dai và tỉ lệ nước “hoàn hảo”.
Trên tờ USA Today, Tiến sĩ Joel Gilmore, nhà dinh dưỡng học ở Brisbane chia sẻ rằng: “Việc tái tạo thịt thực vật rất phức tạp và là một thách đố”. Những miếng thịt được tạo ra từ protein, chất béo, acid amin và vitamin từ thực vật. Các bó sợi protein được nhào nặn và kéo thành sợi nhằm mô phỏng thớ thịt bình thường và miếng thịt giả này được xếp vào khuôn và tạo mùi vị cho chúng từ phụ gia thực phẩm. Tại Mỹ, cái nôi của thịt thực vật đã đưa món thịt này phân phối rộng rãi và dần thay đổi thói quen ăn thịt của người tiêu dùng bản địa. Khoảng bảy, tám năm trước, xu hướng ăn thịt giả tại Mỹ dần nhen nhóm, từ từ bùng nổ và được người dân đón nhận tích cực.
Tháng 8 năm 2019, “ông trùm” thức ăn nhanh KFC đã kết hợp với công ty sản xuất thịt nhân tạo hàng đầu thế giới Beyond Meat để tạo ra món gà Beyond Fried Chicken tại cửa hàng Atlanta, Mỹ. Sản phẩm đã “cháy” hàng sau 5 giờ mở bán và tạo ra 2 tỷ lượt hiển thị trên các phương tiện truyền thông. Tiếp nối thử nghiệm đầy thành công, KFC đã thử nghiệm trên 65 nhà hàng khác vào tháng 2 năm 2022. Dường như người dân phương Tây rất đón nhận xu hướng này.
Thịt thực vật “làm mưa làm gió” tại thị trường Mỹ và châu Âu
Các công ty sản xuất thịt thực vật đã bắt trúng xu hướng của người dân tại Mỹ và phương Tây. Họ nắm được tâm lý muốn ăn uống tối giản, ít chất béo bão hòa và đảm bảo được các tiêu chí về bảo vệ môi trường của người tiêu dùng. Hơn nữa, các công ty này khéo léo tận dụng sức mạnh của truyền thông và cố gắng cam đoan sản phẩm của mình giúp giảm khí nhà kính và giảm lượng tiêu thụ nước đáng kể.
Những ai đã tìm hiểu sâu về quá trình sản xuất thịt động vật sẽ biết rằng để có một cân thịt heo sẽ cần khoảng 4.800 lít nước, đặc biệt là thịt bò cần đến gần 16.000 lít nước.
Việc giảm thiểu tiêu thụ nước sạch và hạn chế hiệu ứng nhà kính trong quy trình sản xuất thịt thực vật là một bước đi tích cực trong việc bảo vệ môi trường. Năm 2013, nhà tỉ phú nổi tiếng thế giới Bill Gates đã đầu tư vào Beyond Meat và Impossible Foods. Nhiều người có sức ảnh hưởng khác cũng đã đầu tư vào thị trường này. Vào năm 2016, tại California, công ty Impossible Foods đã tung ra sản phẩm bánh mì burger kẹp nhân thịt thực vật và được đón nhận mạnh mẽ.
Các sản phẩm thịt thực vật được tung ra thị trường cũng có yêu cầu nhất định. Ví dụ như công ty Beyond Meat, đơn vị đã thu về 1,4 tỉ USD vào năm 2021 trong lĩnh vực thịt thực vật có những tiêu chí sản xuất chặt chẽ trước khi tung ra thị trường. Thịt của họ cảm quan phải giống y hệt thịt thật với những thớ thịt sống động và hương vị hấp dẫn.
Thịt thực vật làm quen với thị trường châu Á
Tuy nhiên sau những ảnh hưởng từ đại dịch Covid – 19, thị trường thịt thực vật dần suy thoái tại Mỹ và các nước châu Âu. Các công ty kinh doanh thịt thực vật như Impossible Foods và Beyond Meat đã mở rộng thị trường sang châu Á, một thị trường đầy tiềm năng.
Sự thành công ở châu Á đòi hỏi các công ty thích nghi vào tạo ra sản phẩm phù hợp với khẩu vị địa phương. Mặc dù thị trường thịt thay thế ở châu Á hiện vẫn nhỏ so với Mỹ và châu Âu nhưng hứa hẹn sẽ là một thị trường tiềm năng bởi sự tăng trưởng nhanh chóng. Các quốc gia tại Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Thái Lan và cả Việt Nam là những thị trường được nhắm tới đầu tiên. Tiếp theo sau sẽ là những thị trường “khó tính” hơn như Hàn Quốc, Nhật Bản…
Tuy nhiên, khác với quan niệm của các nước phương Tây và Mỹ, dường như người tiêu dùng châu Á không mấy quan tâm tới các vấn đề liên quan tới môi trường kể trên. Điều này khiến các chương trình tiếp thị của các công ty phải thay đổi. Tại châu Á, mọi người quan tâm nhiều tới sức khỏe, hương vị món ăn cũng như tính ổn định và quen thuộc của món ăn. Chính vì thế, một lãnh đạo của công ty Green Rebel Foods tại Indonesia đã tiếp thị món thịt thực vật của mình với khẩu hiệu: “Sản phẩm của chúng tôi khiến khách hàng cảm thấy giống như đang ăn cơm nhà”. Cùng với sự tấn công của các đơn vị sản xuất thịt thực vật từ châu Âu và Mỹ vào thị trường châu Á, các công ty tại khu vực này cũng bắt đầu xuất hiện.