DINING LIBRARY / Dining Culture & Art

Ba trường phái lớn của ẩm thực miền Trung

Nov 25, 2024 | By Stephanie Nguyen

Ẩm thực miền Trung nơi vốn được miêu tả là nơi có khẩu vị cay – nóng – khô liệu đã thực sự chính xác? Liệu rằng có sự khác biệt nào trong một tổng thể ẩm thực giản dị mà cuốn hút ấy?

Món cao lầu trứ danh của thành phố Hội An

Ẩm thực Việt với sự đa dạng, phong phú của mình đã trở thành nguồn cảm hứng to lớn cho cộng đồng yêu ẩm thực trên khắp thế giới. Chỉ từ một vị trí địa lý nhỏ bé so với nhiều quốc gia khác, nhưng hàng trăm món ăn nơi đây đã chinh phục được nhiều chiếc lưỡi khó tính. Với ẩm thực Việt, mọi người thường quen thuộc với ẩm thực ba miền rõ rệt: Bắc – Trung – Nam. Và riêng với địa hạt miền Trung, ẩm thực cũng tiếp tục chia thành ba trường phái.

Với đặc trưng địa lý có nhiều đồi núi lan sát ra biển chia cách nhiều vùng đồng bằng có diện tích nhỏ, hẹp và khí hậu, thổ nhưỡng, chất đất thường khắc nghiệt hơn hai vùng Bắc – Nam, lại là nơi cư trú của nhiều tộc người khác nhau, miền Trung là nơi giao thoa nhiều nền văn hóa cũng như ẩm thực. Ẩm thực miền Trung hàm chứa những sự tách biệt rất rõ ràng. Vùng Bắc Trung Bộ có ẩm thực Huế làm điểm nhấn, khu vực Nam Trung Bộ thì không thể thiếu ẩm thực Quảng Nam mà hạt nhân chính là khu vực Đà Nẵng – Hội An và cuối cùng khu vực Tây Nguyên nổi bật với ẩm thực Đà Lạt.

Tôm khô – thành phần không thể thiếu của món tôm chua, món ăn phổ biến tại khu vực miền Trung

Huế – ẩm thực cung đình xa xỉ, ẩm thực bình dân gần gũi

Ẩm thực Huế trù phú, xa xỉ, đầy sáng tạo mà cũng thật nghiêm cẩn và quy củ tới từng chi tiết nhỏ nhất.

Đặc trưng của ẩm thực hoàng thất là vậy. Sự lộng lẫy, xa hoa khẳng định tầm vóc của những người đứng đầu một đất nước, đồng thời là bức tranh phản chiếu sự thịnh vượng, đủ đầy của cả một giang sơn (theo cách gọi đất nước thời bấy giờ). Ẩm thực cung đình Huế phục vụ vương triều nhà Nguyễn, với đặc trưng hơn 30 món ngự thiện và 8 trong 30 món ấy được gọi là bát trân – tức là đặc biệt quý hiếm. Hương vị ẩm thực cung đình Huế tổng hòa của 05 vị cơ bản: chua – cay – đắng – mặn – ngọt theo lối chế biến nêm nếm gia vị nhiều lần, ninh nấu kỳ công và hương vị thành phẩm hài hòa chứ không mang dấu ấn cay – khô – nóng như ẩm thực bình dân.

Bún bò Huế

Ẩm thực bình dân Huế cho tới ngày nay lại là một địa hạt độc đáo và khác biệt. Vốn mang đậm dấu ấn của ớt, tiêu đem lại vị cay, đồ ăn Huế không dễ tiếp cận và thân thiện với tất cả mọi người. Tuy nhiên, khu vực này vẫn thu hút được một lượng lớn du khách ghé thăm chỉ vì danh mục đồ ăn trải dài từ bún bò, bánh bèo, bánh bột lọc, chè, cơm hến, bánh canh, môn (canh môn, cháo môn)… Cùng nằm trong khu vực Bắc Trung Bộ, nếu đi lên phía trên các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An… dễ thấy nền ẩm thực ở các vùng ấy khác biệt hẳn với ẩm thực Huế. Huế dường như đã tự định hình và tạo ra một phong cách ẩm thực riêng biệt, không hòa lẫn và khó sao chép.

Chè Huế

Ẩm thực Huế thú vị ở chỗ, ẩm thực cung đình là sự tổng hòa và phát triển từ ẩm thực trong dân gian với những nguyên liệu từ dân gian, những đầu bếp tuyển chọn trong dân gian để rồi khi một thời vàng son lụi tàn, những tinh hoa, hồn cốt tinh túy nhất của ẩm thực cung đình lại một lần nữa trở về với dân gian, từ từ chảy trôi và đúc kết thành ẩm thực bình dân Huế ngày nay.

Quảng Nam – ẩm thực đa dạng giàu sức sống

Đi sâu xuống miền Trung, ta đi vào vùng đất Quảng Nam bình dị, hiền hòa mà sống động. Ẩm thực Quảng Nam mang dấu ấn của hai nền văn hóa Chăm – Việt đồng thời có một sự giao thoa không sâu sắc với ẩm thực người Hoa (khu vực Hội An).

Món ăn vỉa hè tại Đà Nẵng

Ẩm thực Quảng Nam mang nét đặc trưng của xứ nóng gió Lào miền Trung vừa chất phác, hồn hậu, giản dị lại bền bỉ, mạnh mẽ và đầy sức sống. Ẩm thực vùng đất này mang nhiều đặc trưng của văn hóa Chăm hơn hai trường phái ẩm thực còn lại. Các món ăn được nêm nếm đậm đà, hương vị mạnh, không quá cay nóng nhưng rất nồng vị và thiên khô, ít các món nước. Một vài món ăn nổi bật có thể kể đến như mì Quảng, cơm gà, bánh canh, bánh tráng cuốn thịt heo, bánh tráng ngọt, bánh bột lọc, bánh thuẫn, cao lầu, bánh mì, măng trộn, nem nướng, ram tôm, bánh xèo…

Món nước mát bày bán tại phố cổ Hội An

Hương vị các món ăn nơi đây mang đầy sức sống, sự đa dạng đồng thời thể hiện được sự khéo léo của con người khi mỗi món ăn đều không xuất phát từ những nguyên liệu quá đặc biệt nhưng cách chế biến sáng tạo và tài tình khiến chúng trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Đà Lạt – ẩm thực giản dị mà cuốn hút

Ai đi du lịch Đà Lạt hầu như đều bị hút hồn bởi không khí trong lành, mát lạnh và con người hồn hậu, đáng mến. Những món ăn tại nơi đây cũng có nhiều sự mới lạ và thu hút. Không hề giống như hai trường phái trên, ẩm thực Đà Lạt mang nhiều dấu ấn của vùng cao nguyên ôn hòa, mát mẻ. Khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi khiến vùng đất này sản sinh ra nhiều nguồn thực phẩm quý như cà phê, trà, astiso, cacao và đặc biệt là nơi nổi tiếng về hoạt động sản xuất rượu vang của cả nước.

Khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi khiến vùng đất này sản sinh ra nhiều nguồn thực phẩm có giá trị như tiêu, trà, astiso

Ẩm thực nơi đây vốn nổi trội bởi sự đa dạng, tuy giản dị mà vô cùng cuốn hút. Những món như bánh căn, bánh tráng nướng, bánh mì xíu mại, bánh ướt, bánh bèo, lẩu gà lá é, lẩu bò, lẩu cá, ốc hấp, nem nướng, kem bơ, chè, thịt nướng… đã trở thành các món ăn quen thuộc của dân du lịch cũng như bộ phận người dân bản địa. Hương vị của các món ăn này mang nét khác biệt nhất trong tổng thể ẩm thực của khu vực miền Trung.

Có thể thấy, ba trường phái lớn của ẩm thực miền Trung là đại diện của từng nền văn hóa – ẩm thực đã xuất hiện ở vùng đất này trong các khoảng thời gian từ xưa tới nay. Sự đúc kết văn hóa và dấu ấn ẩm thực mạnh mẽ, đậm sâu của từng thời kỳ đã từng bước khắc họa và hình thành nên ba trường phái lớn góp phần vào sự phát triển của ẩm thực miền Trung nói riêng và ẩm thực Việt Nam nói chung.

Bài: Hà Chuu


 
Back to top