ART & LIFE

Phan Thị Thanh Nhã: “Thực vật họa là con người nhìn thực vật, hay thực vật nhìn thực vật?”

Jun 21, 2024 | By Art Republik

Phan Thị Thanh Nhã hiện là họa sỹ minh họa thực vật được bảo trợ bởi Lân Tinh Foundation, có xuất phát điểm là một nhà thực vật học.

Họa sỹ Phan Thị Thanh Nhã

Tính đến thời điểm hiện tại, Phan Thị Thanh Nhã là người Việt Nam hiếm hoi thực hành với cả hai vai trò nhà thực vật học và nhà thực vật họa. Câu chuyện về việc bảo tồn, giới thiệu các loài thực vật bản địa của Việt Nam, cũng như các dự án cộng đồng của Thanh Nhã, gợi nhiều suy tưởng về mối quan hệ của con người và thực vật: Chúng ta đang mang điểm nhìn như thế nào về sự hiện diện của các loại thực vật? Thế giới quan ấy có ảnh hưởng đến cách chúng ta tiếp nhận và đối xử với hệ sinh thái trong thời đại ngày nay? Điều đấy được Nhã tổng kết trong một câu hỏi mở: “Thực vật họa là con người nhìn thực vật, hay thực vật nhìn thực vật?”.

Phan Thị Thanh Nhã hiện là nghệ sỹ được bảo trợ bởi Lân Tinh Foundation, có xuất phát điểm là một nhà thực vật học, trợ giảng tại Phòng thí nghiệm Thực vật, bộ môn Sinh thái – Sinh học Tiến hoá, khoa Sinh học – Công nghệ sinh học, Đại học Khoa học Tự Nhiên, ĐHQG-HCM, từ năm 2016. Từ cuối năm 2021, Nhã quyết định trở thành họa sỹ thực vật (botanical artist). Cô là đại diện đầu tiên của Việt Nam trong các triển lãm quốc tế về minh họa thực vật, chẳng hạn như triển lãm “Flora of Southeast Asia” (Singapore, 2022) và triển lãm “Margaret Flockton Award” (Úc, 2023). Ngoài ra, tranh của cô cũng có mặt ở một số triển lãm như: “TABA Plantae Documentary năm 2022 và 2024 ở Đài Loan; “Botanical Art Thailand: Tropical Plants of the World” và “Botanical Art Thailand: Herbs & Medicinal Plants”, lần lượt tại Thái Lan vào năm 2023 và 2024; hay gần đây nhất, trong năm 2024, là triển lãm “Inherent Nature” tại Hồng Kông.

“Cyperus surinamensis Rottb.”. Triển lãm “TABA Plantae Documentary”, Đài Loan, 2022–2023

Nguồn cảm hứng đối với thực vật học và nghệ thuật khởi phát từ những điều nhỏ nhất

Nhã lý giải nguồn cảm hứng của cô cũng đồng điệu với quan điểm rằng con người có thể nhìn rõ và hiểu rõ sự vật hay sự việc, bằng cách sử dụng toàn bộ năm giác quan:

Để có cái nhìn toàn diện và sâu sắc nhất, con người cần dùng mắt để nhìn, tai để nghe, mũi để ngửi, tay để chạm và nếu an toàn thì sẽ dùng lưỡi để nếm. Vì vậy, mình thường thích vẽ những cây mà mình có thể quan sát tận mắt, rồi thì lắng nghe tiếng cành lá cọ sát, ngửi mùi hương, chạm tay lên bề mặt lá và khi biết loài cây này ăn được “nhiều lần” thì sẽ cho vào miệng để nếm. Mình muốn sử dụng tất cả năm giác quan để tìm hiểu “cặn kẽ” về mọi loài cây”.

“Rhynchospora corymbosa (L.) Britton”. Triển lãm “Flora of South East Asia”, Singapore, 2022

Từ thủa bé, nguồn cảm hứng của Nhã đến từ khoảng sân nhỏ trước nhà: từ việc vò lá ngửi, hái hoa, quả để ngắm, rồi tách cánh hoa, quả để nhìn cấu tạo bên trong, học cách chơi với sâu – côn trùng “an toàn”, v.v.. Rồi lấy phấn vẽ lại những điều mình quan sát trên sân.

Phan Thị Thanh Nhã có niềm đam mê mãnh liệt với sách vở, đặc biệt là sách về thực vật và hình minh họa khoa học, trong đó có thực vật họa. Sau này, cô thi vào ngành Sinh học của Đại học Khoa học Tự nhiên, thuộc Đại học Quốc gia TP. HCM, với mong muốn làm nghiên cứu học thuật “thuần túy” về thực vật. Giữa năm 2010, sau khi lần đầu đọc bộ ba quyển sách “Cây cỏ Việt Nam”, “Hiển hoa bí tử”, “Sinh học Thực vật” của GS. Phạm Hoàng Hộ; sau đó là “Khuyết Thực vật” của GS. Lê Công Kiệt, và “Địa lý học Thực vật” của tác giả Jules Carles (GS. Lê Công Kiệt dịch) khi học tập ở Phòng thí nghiệm Thực vật; Nhã đã bắt đầu say mê và yêu thích phân loại học, hình thái giải phẫu và cả những bản vẽ tay của thầy Hộ, thầy Kiệt trong những ấn phẩm này.

“Liparis ferruginea Lindl.”. Triển lãm “Orchid Extravaganza”, Singapore, 2023

Một động lực rất lớn trong quyết định trở thành nhà minh họa khoa học cho thực vật của cô là cuốn “Weeds of Rice in Indonesia” của Mohamad Soerjani và cộng sự (xuất bản năm 1987). Chính những hình minh họa của họa sỹ Ahmad Satiri trong quyển sách này đã giúp cô quyết định theo đuổi con đường minh họa khoa học cho thực vật. Từ đó, Nhã tự học minh họa khoa học cho thực vật với bút kỹ thuật, cô cũng minh họa cho chính luận văn Thạc sĩ của mình và các bài báo khoa học.

Sau đại dịch Covid-19, Nhã muốn bước ra khỏi vùng an toàn và học thêm các khóa vẽ chì, bút kỹ thuật, màu nước và bút chì màu để rèn luyện kỹ năng cho vai trò họa sỹ thực vật.

“Scleria oblata S.T.Blake ex J.Kern”. Triển lãm “TABA Plantae Documentary”, Đài Loan, 2022–2023

Quy trình sáng tác lấy việc mô tả chân thực làm trung tâm

Thông thường, Nhã sẽ xác định loài cây muốn vẽ và tiến hành nghiên cứu nó. Nếu loài cây đó có ở Việt Nam, cô sẽ tìm địa điểm và môi trường sống của nó để đi thực địa hoặc nhờ đồng nghiệp thu mẫu và chụp hình. Trong trường hợp không có ở Việt Nam, cô sẽ nhờ sự hỗ trợ của đồng nghiệp ở nước ngoài. Dựa vào tên khoa học của loài cây muốn vẽ, Nhã sẽ tiếp tục tra cứu thông tin và các bài nghiên cứu về loài này để có cái nhìn tổng quan nhất. Sau đó, cô tiến hành phân tích và quan sát mẫu cây dưới kính lúp và kính hiển vi rồi ghi chú bằng chữ và hình vẽ.

“Habenaria diphylla (Nimmo) Dalzell”. Triển lãm “Orchid Extravaganza”, Singapore, 2023

Đến bước sáng tác, cô bắt đầu với việc phác thảo – sắp xếp các chi tiết lên giấy nháp, và gửi bản phác thảo cho chuyên gia đầu ngành về họ, chi của loài cây đang vẽ để hỏi ý kiến. Quá trình sửa chữa những điểm chưa chính xác và bổ sung được lặp lại nhiều lần để bản thảo cuối cùng có được sự đồng thuận giữa họa sỹ thực vật và nhà thực vật học. Sau những bước công phu như vậy, cô mới vẽ lên giấy.

Nhã chia sẻ: “Thực vật họa là một lĩnh vực đặc biệt, nơi khoa học thực vật và hội họa gặp gỡ – hỗ trợ – nâng tầm lẫn nhau. Để thực hiện điều này, mình sẽ dựa trên chuyên môn của bản thân và các nhà Thực vật học đồng nghiệp để định danh cây, tìm tài liệu, nghiên cứu và phân tích mẫu vật một cách kỹ lưỡng. Sau đó, mình sẽ sử dụng các kỹ năng hội họa để hoàn chỉnh tác phẩm Thực vật họa. Đó cũng là lý do vì sao các tác phẩm Thực vật họa vừa có thể tham gia triển lãm nghệ thuật, vừa trưng bày được ở các Viện nghiên cứu khoa học, Bảo tàng tự nhiên, Vườn thực vật…”.

Trên Trái đất này, thực vật thích nghi và biến đổi thế giới “vô sinh” thành “hữu sinh”, ấp ủ, nuôi nấng mọi loài. Từ ẩm thực, vật dụng hằng ngày, chăm sóc sức khỏe cho đến đời sống văn hóa tinh thần của con người ở mỗi vùng đất… đều được xây dựng, phát triển dựa trên hệ thực vật của chính vùng đất đó – Phan Thị Thanh Nhã

Đặc biệt, Nhã nhấn mạnh tính chân thực trong việc sáng tác của mình: Khi vẽ, cô luôn giữ nguyên trạng thái tự nhiên của cây và hạn chế chỉnh sửa. Mục đích của cô là để người xem thấy được loài cây trong trạng thái tự nhiên nhất, không có sự can thiệp quá nhiều từ con người. Cô muốn tranh của mình phản ánh chính xác về cây cỏ, không đưa thông tin sai lệch.

Vì từng độ lớn của góc đính cành – lá – hoa, độ mở của lá, số gân lá… đều dùng để mô tả loài và phân định loài này với các loài gần giống. Đối với mình, một bản vẽ “thất bại” là bản vẽ đưa thông tin “sai lệch” đến người xem về loài trong bản vẽ và người xem không nhận diện được loài này ở ngoài tự nhiên khi gặp. Mình muốn quên đi quan điểm của một con người nhìn vào cây, mà thay vào đó là cây nhìn chính nó như thế nào”.

“Elaeocarpus hygrophilus Kurz”. Triển lãm “Margaret Flockton Award”, Úc, 2023

Sự dung hòa giữa khoa học và nghệ thuật trong sáng tác

Mặc dù sáng tạo đòi hỏi sự tự do và tưởng tượng, nó vẫn cần dựa trên nền tảng kiến thức đã có sẵn. Ví dụ, để vẽ một loài cây thì cần biết loài cây đó có tên khoa học là gì, có đặc điểm “đặc biệt” nào, vai trò và ý nghĩa của loài cây trong đời sống, văn hóa, lịch sử để đưa ra bản thảo bằng viết chì; rồi kết hợp với các chất liệu cùng kỹ thuật vẽ. Tất cả sẽ cùng “hòa quyện” và “đắp nặn” nên bản vẽ cuối cùng có “tâm hồn” của riêng mình. Đây là minh chứng rõ ràng cho việc sáng tạo theo khuôn khổ – không chỉ dựa vào khả năng tưởng tượng mà còn dựa vào hiểu biết và phương pháp khoa học.

Sự dung hòa giữa khoa học và nghệ thuật trong sáng tác của Nhã thể hiện rõ nét qua từng tác phẩm thực vật họa. Mặc dù cô gửi bản phác thảo và bản vẽ cho các chuyên gia đầu ngành về họ và chi của loài cây đang vẽ để hỏi ý kiến và học hỏi thêm, cô vẫn giữ được sự thoải mái trong quá trình thể nghiệm. Điều này khác biệt với yêu cầu khắt khe về mặt khoa học khi công bố trên tạp chí hoặc ấn phẩm khoa học như Botanical Illustration. Nhờ đó, cô có thể tự do sáng tạo với các chất liệu, kích thước giấy và bố cục khác nhau, mang đến sự phong phú và đa dạng cho tác phẩm của mình.

“Melia dubia Cav.” Triển lãm “TABA Plantae Documentary”, Đài Loan, 2024

Tính kỷ luật, tính chính xác, làm việc theo quy trình, quy chuẩn là những đức tính Nhã đề cao hàng đầu. Sáng tạo và phát kiến mới trong khoa học luôn có sự kế thừa, tiếp bước các thế hệ đi trước và là kết quả đến từ sự chung tay của cả một tập thể, chứ không phải chỉ của một cá nhân. Theo Nhã: “Nghệ thuật nói chung, Botanical Art nói riêng, “cái tôi”, sự “sáng tạo” mới là những ưu tiên hàng đầu của một Nghệ sĩ. Thế nên, đến tận hôm nay sau 2 năm tiếp xúc với Botanical Art, mình vẫn thấy bản thân đang “chiến đấu” với chính mình, làm mới bản thân mỗi ngày, qua từng tác phẩm; học cách để dung hòa, kết hợp nhịp nhàng giữa “Nhà Thực vật học” và “Họa sĩ minh họa Thực vật”.

Cô chia sẻ thêm: “… nhận xét của mọi người khi xem các tác phẩm Botanical Art của mình là tranh của mình có sự khác biệt so với các tác phẩm Botanical Art của các họa sĩ khác. Đó chính là kết quả của sự hòa trộn những kiến thức, kỹ năng, tính chính xác và sự tỉ mỉ của Nhà Thực vật học với sự sáng tạo, góc nhìn và “cái tôi” nghệ thuật của Họa sĩ minh họa khoa học thực vật trong từng bản vẽ của mình”.

“Citrus hystrix DC.”. Triển lãm “Botanical Art Thailand”, Thái Lan, 2024

Từ phòng thí nghiệm, các bản vẽ trên giấy, đến các dự án cộng đồng

Theo quan sát của Nhã, khó khăn lớn nhất của Việt Nam để xây dựng một hiệp hội về minh họa thực vật là đa số vẫn nghĩ nghiên cứu khoa học cơ bản, hàn lâm là khô khan, không có vai trò quan trọng, không giúp ích cho đời sống, do đó mức đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản, hàn lâm rất thấp. Đồng thời, mọi người hay mặc định và có cái nhìn “không thiện cảm” với nghệ thuật, với người làm nghệ thuật. Thực vật họa còn rất mới, chưa nhiều người biết đến, và thực vật họa là sự kết hợp của “Khoa học Thực vật” và “Hội họa”, do đó gánh hết khó khăn từ cả hai lĩnh vực này.

Bởi vậy, ở các dự án cộng đồng như Mở Xưởng Thực vật họa, Nhã có cơ hội để đưa hai thế giới dường như xa lạ với công chúng là nghiên cứu khoa học thực vật và hội họa đến gần hơn với mọi người. Do thời gian có hạn của mỗi buổi chia sẻ, vừa đảm bảo đưa được những thông tin hữu ích về các loài cây, vừa không khiến mọi người cảm thấy “nhàm chán” hay “gây bội thực” thông tin, cô phải dành rất nhiều thời gian để thảo luận, lên kế hoạch và điều chỉnh cách trình bày cho phù hợp với không khí từng ca một. Sau khi nhận được phản hồi tích cực từ mọi người, cô mới quyết định nâng tầm chia sẻ trong các buổi tiếp theo, mang đến những trải nghiệm sâu sắc hơn.

“Mình muốn dựa vào những bản vẽ của mình để mọi người thấy được vẻ đẹp, sự thú vị của những loài bản địa, từ đó muốn trồng, nhân giống và bảo vệ những loài này, tránh xa những sản phẩm săn bắn, khai thác trái phép từ thiên nhiên” – Phan Thị Thanh Nhã

Nhã cũng có “chiến lược” trong việc truyền tải kho tàng kiến thức của bản thân ra với công chúng. Quay trở lại với cách chúng ta tiếp nhận đời sống bằng năm giác quan theo thứ tự: Thị giác – Thính giác – Xúc giác – Khứu giác – Vị giác. Ở Mở Xưởng Thực vật họa, Nhã xây dựng chuỗi workshop cũng theo trình tự tiếp nhận này.

Ví dụ, trong buổi Mở Xưởng 1: Lăng Kính Thực vật hoạ, cô tập trung vào giác quan “Thị giác + Thính giác” khi chỉ giới thiệu sơ lược về khái niệm “Thực vật họa” và tình hình phát triển của loại hình nghệ thuật này ở khu vực và trên thế giới, không đi quá sâu để tránh làm người tham gia bị quá tải thông tin. Đến buổi Mở Xưởng 2: Trạm Khứu Giác, mọi người được hiểu hơn về thực vật họa thông qua trải nghiệm với “Xúc giác + Khứu giác” khi được tận tay chạm vào các bộ phận có thể dùng để chiết xuất tinh dầu của cây và “ngửi” 19 loại tinh dầu, cũng như được nghe lý do các loài cây tạo tinh dầu, tìm hiểu bộ phận chứa tinh dầu của cây thông qua các bản vẽ và các phương pháp chiết xuất tinh dầu. Ở trải nghiệm “Vị giác”, Nhã đưa công chúng đến buổi trải nghiệm Sắc Vị – From Palette to Palate, nơi thực khách sẽ thưởng thức thực đơn được xây dựng dựa trên tất cả bộ phận của cây Sen, từ đó hiểu thêm những điều thú vị về “sen”, cách con người sử dụng sen trong y học, vật dụng hằng ngày, kiến trúc, v.v. thông qua những bản vẽ sen và những “câu chuyện” mà Nhã chia sẻ.

“Biocenosis on Melastoma branch”. Triển lãm “Inherent Nature”, Hồng Kông, 2024

Tiếp tục cuộc hành trình đưa thực vật họa Việt Nam ra thế giới

Hiện tại và sắp tới, Phan Thị Thanh Nhã sẽ tham gia nhiều triển lãm minh họa thực vật ở quốc tế. Đầu tiên là triển lãm “Inherent Nature” tại Hồng Kông, từ ngày 8 tháng 5 đến ngày 4 tháng 6 năm 2024. Đây là cơ hội tuyệt vời để cô trình bày tác phẩm và chia sẻ với công chúng về vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Nam.

Sau đó, cô sẽ tiếp tục tham gia triển lãm “Botanical Art Thailand 2024” tại Trung tâm Văn hóa và Nghệ thuật Bangkok, Thái Lan, từ ngày 23 tháng 7 đến ngày 8 tháng 8 năm 2024. Sự kiện này không chỉ quan trọng mà còn tạo điều kiện để cô giao lưu với các nghệ sỹ và nhà nghiên cứu thực vật hàng đầu trong lĩnh vực.

“Mình vẫn thấy bản thân đang “chiến đấu” với chính mình, làm mới bản thân mỗi ngày, qua từng tác phẩm; học cách để dung hòa, kết hợp nhịp nhàng giữa “Nhà Thực vật học” và “Họa sĩ minh họa Thực vật” – Phan Thị Thanh Nhã

Nhã cũng chuẩn bị tham gia triển lãm “BAAK International Botanical Art” lần thứ 10 (2024), do Hiệp hội Nghệ thuật Thực vật Hàn Quốc (Korea Botanical Art Association) tổ chức. Mục tiêu của triển lãm này là khám phá các nghệ sỹ thực vật mới nổi và thúc đẩy tầm quan trọng của mối quan hệ giữa thực vật và con người. Hằng năm, hiệp hội kêu gọi nghệ sỹ gửi tác phẩm dự thi và trưng bày tác phẩm của các nghệ sỹ thực vật nổi tiếng thế giới.

Ngoài ra, Thanh Nhã cũng sẽ tập trung sáng tác để được tham gia triển lãm quốc tế “Botanical Art Worldwide” năm 2025. Đây là lần tổ chức thứ hai của triển lãm này, nơi tập hợp các bản vẽ xuất sắc nhất của các họa sỹ thực vật trên toàn thế giới. Với chủ đề “Crop Diversity”, Hiệp hội Hoạ sỹ Thực vật hoạ thế giới (The Society of Botanical Artists – SBA) muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của thực vật đối với nhân loại và phục hưng loại hình “khoa học kiêm nghệ thuật” này.

“Calocedrus macrolepis Kurz”. Triển lãm “BAAK International Botanical Art” lần thứ 10, Hàn Quốc và Mỹ, 2024

Bài: Ngọc Nguyễn


 
Back to top