DINING LIBRARY

Bánh canh cua: Giao thoa ký ức và sự sáng tạo

Jul 13, 2024 | By Stephanie Nguyen

Rót vào menu City of LIBERTY hương vị đặc trưng của đường phố Sài Gòn, thân thuộc song mới mẻ,“Bánh Canh Cua” xuất hiện khác lạ nhưng vẫn mang đậm hơi thở của thành phố.

Đầu bếp Hậu Trần chia sẻ về món bánh canh cua

Tô bánh canh cua gợi nhớ hương vị quê nhà

Trở ra xứ Huế thân thương, ngoài món bún bò trứ danh, bánh canh cua cũng là lựa chọn của nhiều thực khách và người dân địa phương. Nước dùng của bánh canh lấy từ chính nước luộc cua, thêm gia vị đậm đà, ngọt thanh. Sợi bánh canh được làm từ bột gạo, tròn, dài và mềm, được thả vào nồi nước dùng lại càng thấm đẫm vị thơm ngon. Người ta thường nói linh hồn của món này chính là thịt cua và chả cua. Chả cua được làm từ thịt cua biển và thịt lợn xay nhuyễn, nặn thành viên tròn, rồi thả vào nồi nước dùng nấu chín. Một tô bánh canh cua nóng hổi, từng viên chả dai dai, đậm vị, béo ngọt, cùng với thịt cua ngọt và chắc, khiến thực khách khó lòng lãng quên.

Cũng bánh đó, nước dùng đó, song mỗi một địa phương lại có cách chế biến khác nhau, mang lại sự phong phú trong hương vị. Bánh canh cua ở làng Nam Phổ xứ Huế có nước dùng đặc, xứ Phú Khánh thì lại nồng mùi của cá và nước mắm. Bánh canh ở Ninh Thuận – Bình Thuận ngọt vị của thịt, xương hầm. Món bánh canh Trảng Bàng ở Tây Ninh với những thịt lợn lát mỏng gồm đủ da, gân, thịt và nước lèo trong vắt tỏa mùi thơm. Bánh canh Bình Định lại có sự pha trộn khiến hương vị gần như bánh canh cua ở Sài Gòn… Những biến tấu của bánh canh cua nhiều không kể hết, bởi lẽ, ngay ở Huế hay Bình Thuận, tại mỗi vùng miền đã lại có nhiều món bánh canh cua khác nhau về nguyên liệu, công thức nấu, tạo nên hương vị rất đặc trưng.

Tô bánh canh cua không có sợi bánh canh hay thịt cua

Vượt ngưỡng tưởng tượng của các thực khách, nhà hàng The Monkey Gallery DINING đã phục vụ các món ăn có tên gọi thuần Việt nhưng lại được chế biến theo phong cách của fine dining. Điển hình là món “bánh canh cua” song lại không có sợi bánh canh hay thịt cua, chả cua gì cả. Nguyên liệu chính của món này chỉ gồm tôm hùm, cua Cà Mau và tiêu đen.

Món ăn này “được trình bày như một ốc đảo”, theo lời bếp trưởng Trần Hậu, người đứng sau sáng tạo này. Thay vì dùng thịt cua xé nhỏ và sợi bánh canh thông thường thì nhà hàng sử dụng thịt tôm hùm; sốt bánh được nấu từ gạch cua, đầu tôm, sò điệp, trứng cá chuồn và nêm bằng ngò rí. Phần gia vị của món ăn vẫn có hành lá, hành phi và nấm nướng là một thành phần đặc biệt. Nhiều thực khách sau khi thưởng thức đã nhận xét tô bánh canh “vẫn mang đầy đủ hương vị truyền thống”.

Trên thực tế, sự sáng tạo của con người là vô tận. Ngay cả trong lĩnh vực ẩm thực, yếu tố sáng tạo vẫn đóng vai trò không thể thiếu bên cạnh kỹ năng chuyên môn. Vì vậy, sẽ chẳng khó hiểu nếu nhiều nhà hàng cao cấp hiện nay lấy cảm hứng từ chất liệu thân thuộc trong đời sống hàng ngày để tạo ra những món ăn độc đáo, thể hiện phong cách riêng của đầu bếp và mang đến trải nghiệm mới mẻ, khác biệt cho thực khách.

Dẫu là món ăn sang trọng hay bình dân thì để tạo nên ấn tượng khó phai về hương vị, đều phải được nấu cẩn thận. Đi đâu xa về, ăn ngay một tô bánh canh ở quán quen hoặc về nhà nơi đã có mẹ nấu sẵn quả là cảm giác nhẹ người. Người sành ăn không nhất thiết phải có nhiều tiền, mà là biết đi đến đâu, ăn đúng món đặc biệt của nơi đó và tại đúng cửa hàng chuyên nấu món ăn đó. Vậy nên, nếu đến miền Trung mà chưa một lần ăn bánh canh cua thì quả thực phí.

Bài: Tô Thư


 
Back to top