BUSINESS OF LUXURY

Game Changers – Trần Hà Mi: Khám phá giá trị thật của thời trang

Aug 05, 2024 | By Luxuo Vietnam

Chị Trần Hà Mi – đồng sáng lập Style-Republik luôn có nỗi niềm trăn trở việc làm thế nào để có thể góp phần mang lại một giá trị thật trong ngành thời trang Việt, chính điều đó đã trở thành động lực cho chị tạo nên một sân chơi thời trang đúng nghĩa dành cho các local brands và nhà thiết kế Việt.

Với chủ đề ấn phẩm “Game Changers”, vậy ở vị trí một nhà đồng sáng lập của trang thời trang Style-Republik và SR Fashion Business School, quan điểm của chị như thế nào về “Một người thay đổi cuộc chơi” trong ngành thời trang?

Một “cuộc chơi” cần có nhiều người chơi và theo cùng một quy luật chung. “Cuộc chơi” thời trang ở Việt Nam bị chia nhỏ thành nhiều nhóm người chơi và mỗi nhóm có 1 luật riêng và tự đặt ra một tiêu chuẩn riêng. Vì thế tôi nghĩ “Người thay đổi cuộc chơi” là người có thể tái thiết lập lại luật chơi và thống nhất các nhóm nhỏ thành một tập thể chung vì mục tiêu phát triển ngành công nghiệp thời trang đúng nghĩa. Nhưng, điều đó đến giờ thật sự chưa ai làm được.

Với bề dày kinh nghiệm hoạt động hơn 10 năm trong ngành thời trang, chị có tự cảm nhận bản thân là “Người thay đổi cuộc chơi”?

Quan điểm của tôi thì danh xưng này quá “đao to búa lớn” và bản thân cũng không thích gắn nhãn mác nào cho mình. Hãy để những gì chúng ta làm nói lên tất cả thay vì phải theo đuổi một danh xưng nào.

Giới mộ điệu nhìn thấy sự thay đổi của chị với “SR Celebrating Local Pride” và sàn diễn thời trang dành riêng cho các Local Brands, động lực nào khiến chị muốn thúc đẩy sự phát triển của ngành thời trang Việt Nam?

Dù “Celebrating Local Pride” là một chương trình có tuổi đời trẻ so với những show thời trang khác ở Việt Nam, nhưng đây là một phiên bản mới của những buổi trình diễn thời trang mà tôi từng làm trước đây và thật ra tôi cảm nhận bản thân cũng không phải thay đổi một điều gì lớn lao cả.

Năm 2011, tôi làm show thời trang đầu tiên ở Việt Nam với tiêu chí không chiêu trò, drama, không trình diễn, múa hát, chỉ có sân khấu chữ T màu trắng đơn giản và chỉ xuất hiện những sải bước tự tin của người mẫu để tôn vinh bộ trang phục và sau show thì rất nhiều bộ sưu tập bán “cháy hàng”. Thời điểm đó, fashion show này thật sự tạo nên một sự đổi mới cho ngành thời trang Việt và cứ mỗi mùa, chúng tôi nỗ lực truyền thông bằng những tuyên ngôn mạnh mẽ như là “Hãy trả lại giá trị thật cho thời trang”. 

Rồi nhiều chương trình liên tiếp ra đời, ban đầu cũng theo đuổi tinh thần này, nhưng lại bị cuốn theo hiệu ứng FOMO nên phải cố gắng tạo thêm nhiều chiêu trò đánh bóng “phản giá trị thật của thời trang” và cuối cùng đi một vòng lớn, đến 2024 chúng ta vẫn đâu đó nằm ở vạch đích như những năm 2011.

Khi làm “Celebrating Local Pride”, tôi cũng chỉ cố gắng tiếp tục những giá trị bản thân theo đuổi 13 năm nay chính là tạo nên một Tuần lễ thời trang thực thụ nơi có thể giúp người trẻ có một sân chơi vừa tôn vinh sáng tạo, vừa có thể kích cầu thương mại, giúp các sản phẩm sáng tạo của họ có thể bán được để có thể tạo nên doanh thu, tồn tại lâu với đam mê và trụ vững trong ngành thời trang.

“SR Celebrating Local Pride” khá tiệm cận với cách vận hành của những thương hiệu quốc tế, khi thời trang thực thụ là “See now buy now”, bán được sản phẩm sau buổi trình diễn, giới thiệu bộ sưu tập đến người mua hàng, chứ không diễn show để rồi kết thúc và cất sản phẩm vào kho lưu trữ, quan điểm của chị thế nào?

Bản chất ngành công nghiệp thời trang của thế giới mang tính toàn cầu và theo mùa Xuân Hạ, Thu Đông nên việc ra mắt bộ sưu tập trước 6 tháng để thương hiệu có đủ thời gian nhận đơn đặt hàng, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu trưng bày, quảng bá là đúng quy trình vận hành của chuỗi cung ứng mang tính toàn cầu, phục vụ từ bán sỉ đến bán lẻ. Trong khi đó ở Việt Nam, chúng ta đa số chỉ là bán lẻ, bộ sưu tập làm xong phải được bán ngay tại cửa hàng sau 1 tuần nên việc làm show trước 6 tháng là không khả thi.

Với tình hình của thị trường Việt Nam hiện tại thì “See Now Buy Now” là cách hợp lý nhất. “Celebrating Local Pride” không phải show đầu tiên làm “See Now Buy Now” mà năm 2016, khi làm cho 1 sàn thương mại điện tử, tôi đã từng áp dụng điều này cho buổi diễn thời trang của một local brand bán độc quyền trên trang, đây cũng là 1 trong những fashion show được giới mộ điệu quan tâm thời điểm bấy giờ.

Tuy nhiên, thời điểm đó công nghệ, nhân lực vẫn chưa đáp ứng được nên việc thực thi “See Now Buy Now” vẫn còn chưa đủ lực, nhưng bộ sưu tập vẫn bán rất tốt tại cửa hàng. Chỉ đến vài năm gần đây, khi gặp được đối tác phù hợp, tôi mới có thể triển khai ý tưởng này lần nữa một cách trọn vẹn hơn.

Celebrating Local Pride khẳng định vị thế sàn diễn thời trang chuyên nghiệp dành cho Local Brands Việt

Cách chị đang làm đi ngược lại với guồng vận hành từ trước đến nay của thời trang Việt Nam, chị có từng gặp khó khăn hay những áp lực muốn bỏ cuộc?

Tôi còn nhớ thời điểm bắt đầu Style Republik và thực hiện chiến lược “Local Pride” – Tôn vinh giá trị Việt, tôi nói với mọi người rằng SR sẽ tập trung vào thương hiệu Việt và sẽ là nền tảng kiến thức chỉn chu cho những người làm kinh doanh thời trang. Thời điểm đó năm 2016, cụm từ local brands và kinh doanh thời trang gần như chưa được mấy ai nhắc đến. Nhiều bạn bè thân quen còn hỏi tôi rằng “Làm với local brands làm gì có tiền mà nuôi công ty”, nhưng bây giờ là 2024 và SR dần khẳng định vị thế là 1 sân chơi thời trang được local brands tin tưởng và đón nhận.

Tôi nghĩ không chỉ riêng bản thân mình, mà rất nhiều người đang làm thời trang muốn có một sân chơi chuyên nghiệp, nơi sẽ gắn kết những người có quan điểm cấp tiến để cùng nhau xây dựng một cộng đồng thời trang tử tế, chỉn chu và văn minh.

Trong 15 năm làm thời trang, mỗi ngày tôi đều muốn bỏ cuộc. Nhưng, cứ mỗi lần muốn bỏ cuộc thì tôi sẽ gặp được những đối tác, các người bạn, thậm chí 1 nhân viên tin vào những giá trị tôi đang làm, thế là tôi lại được tiếp sức để làm tiếp.

Tư duy là một điều không phải muốn thay đổi là sẽ làm được, với cá nhân chị làm sao để thay đổi tư duy thời trang của một bộ phận đang bị đi theo lối mòn cũ từ trước đến nay về việc vận hành thương hiệu thời trang?

Tôi thường nói với nhân viên rằng “ai cũng muốn thay đổi thế giới nhưng thế giới có bao nhiêu quốc gia thì không biết”. Để thay đổi tư duy, điều cần làm là nền tảng kiến thức. Thời trang gắn liền với lịch sử, nghệ thuật, văn hoá, xã hội và kể cả kinh tế, khoa học kỹ thuật và nếu bạn không có đủ kiến thức nền thì sẽ như một kẻ mù chạy trong bóng đêm.

Chúng ta cần nhiều nền tảng cung cấp kiến thức bổ ích và đúng đắn cho người làm thời trang, cũng như nhiều trường dạy về thời trang hay mang thời trang thành môn học trong trường để các bạn trẻ hiểu đúng từ lúc còn nhỏ thì “lối mòn” này mới có thể bị phá vỡ.

Nhiều người cho rằng ngày nay ở thị trường Việt Nam là thời đại của Local brands, còn nhà thiết kế trình diễn bộ sưu tập để giới mộ điệu biết đến đã là câu chuyện của nhiều năm về trước, chị nhận định thế nào về điều này?

Tôi nhận thấy sự thay đổi rõ rệt của thị trường thời trang Việt kể từ khi local brands ra đời. Cách làm thời trang của những bạn trẻ thật sự sáng tạo, chỉn chu và chuyên nghiệp. Điều quan trọng là họ giảm bớt cái tôi để cân bằng câu chuyện giữa sáng tạo và kinh doanh.

Chúng ta cũng bớt thấy những kiểu PR truyền thống giống như trước đây, thay vào đó là câu chuyện thương hiệu cùng một chiến lược kinh doanh mang tính bền vững. Và họ đang được đón nhận tốt, thành quả không còn nằm trên những trang giấy báo nào, mà là con số doanh thu, số lượng cửa hàng được nhân rộng.

Ngược lại, hiện có rất nhiều người vẫn làm show thời trang để PR tên tuổi hơn là “bán được sản phẩm”. Nhiều show diễn vẫn duy trì hàng năm, nhưng bộ sưu tập vẫn mang tính trình diễn, dù tạo hiệu ứng lan tỏa cao, được nhiều người nổi tiếng mượn, chụp vài bộ ảnh và sau đó thì cất vào kho lưu trữ vì tính ứng dụng không cao.

Chúng ta cần phân định rõ làm thời trang là làm performer (kẻ trình diễn) hay 1 thương hiệu vì đó sẽ là 2 chiến lược khác nhau. Và nếu làm thương hiệu thì cần đầu tư vào bộ sưu tập, kế hoạch sản xuất để sau khi ra mắt bộ sưu tập tại show thời trang thì sản phẩm đã sẵn sàng để trưng bày trên kệ, đến tay khách hàng.

Buổi trình diễn thời trang là yếu tố kích thích cảm xúc của khách hàng hiệu quả vì khi đã ưng ý thiết kế nào, khách hàng sẽ có tâm lý muốn sở hữu ngay. Càng nhiều lựa chọn thì càng giúp khách hàng chốt đơn hiệu quả. Dù bạn có bộ sưu tập rất đẹp khi diễn, nhưng sau đó người mua phải chờ quá lâu để sở hữu thì hiệu ứng sẽ tan biến và bạn sẽ phải làm marketing lại từ đầu.

Nếu được chọn 3 từ để nói về thị trường thời trang Việt Nam năm 2024, chị sẽ dùng những từ gì? Tại sao?

“Hãy thực tế!”

Dù làm thời trang hay bất cứ ngành nào cũng cần thực tế.

1 campaign có viral thì cũng chỉ vài tuần đến 1 tháng rồi sẽ qua. Hôm nay anh này có 100 bài báo hay 200 social posts thì sau 24 giờ cũng đã có 1 tin tức khác, 1 người khác  thay thế. Nếu thời trang là đam mê thì hãy nghĩ làm sao để kiếm được tiền từ đam mê đó để tồn tại lâu với nghề chứ bài chục bài PR mà sản phẩm vẫn xếp xó trong kho thì phí tiền của lắm.

Làm gì cũng cần chiến lược để chi phí đầu tư trở thành doanh thu. Nếu rõ ràng sản phẩm đã không được khách hàng đón nhận thì có mua bao nhiêu bài PR cũng phí. Thà để tiền đó đầu tư chỗ khác như bất động sản chẳng hạn, có tiền thì lại mua thời trang ủng hộ cho local brands, như thế vẫn là đóng góp lớn cho sự phát triển của thời trang nước nhà.

Theo chị, trong năm 2024 với 6 tháng vừa qua, ngành thời trang Việt Nam có những bước tiến gì nổi bật?

Tôi nghĩ sự phát triển mạnh mẽ của thị trường local brands chính là dấu hiệu chuyển mình của ngành thời trang Việt Nam từ tình nghệ thuật, giải trí sang một nền công nghiệp kinh doanh thời trang. Và điều này đã bắt đầu từ đầu những năm 2020 chứ không chỉ đến bây giờ nhưng có vẻ như cụm từ “local brands” đang dần hot hơn bao giờ hết và kể cả những người không biết nhiều về thời trang vẫn đang chuyển hướng quan tâm đến local brands.

Tham vọng lớn nhất của chị dành cho thị trường Việt Nam nói chung và “SR Celebrating Local Pride” nói riêng trên con đường tương lai?

Năm 2012, tôi lần đầu được tham gia New York Fashion Week và khi ấy tôi thật sự choáng ngợp, không phải vì quy mô lớn mà vì sự chỉn chu, chuyên nghiệp và đặt nặng tính thương mại của họ. Chiếc lều khổng lồ ở Bryant Park không chỉ là 1 nơi để các thương hiệu/ nhà thiết kế trình diễn bộ sưu tập mà còn là 1 không gian trưng bày, triển lãm giúp giới thiệu đối tác, nhà tài trợ đến khách hàng rất hiệu quả. Ban tổ chức của fashion week thật sự đầu tư vào 1 platform mang tính quảng bá tốt, mang trải nghiệm experiential marketing rất sáng tạo cho nhãn hàng, bên cạnh việc kết nối thương hiệu trình diễn với truyền thông và người mua sỉ và lẻ khắp nơi trên thế giới.  Và đó là điều mà tôi hy vọng “Celebrating Local Pride” có thể làm được.

Tôi sẽ không gọi đấy là tham vọng vì tôi đã qua rồi cái tuổi “tham” và có tham sẽ có thâm. Tôi chỉ có một nguyện vọng sẽ có thể đào tạo nên 1 lớp trẻ thay thế những người của thế hệ cũ như tôi, hiểu đúng về thời trang, làm thời trang một cách văn minh, chuyên nghiệp và tử tế hơn thế hệ đi trước để chúng ta có một nền công nghiệp thời trang phát triển đúng với tiềm năng đang có.

Nếu có thế gửi gắm 1 lời cho thế hệ tương lai, tôi hi vọng các bạn sẽ bắt đầu sự nghiệp thời trang của mình bằng việc đầu tư vào kiến thức một cách tử tế.

“SR Celebrating Local Pride” là sàn diễn tôn vinh giá trị Việt với những màn trình diễn của các Local Brands

Theo Men’s Folio | Thai Khang Pham


 
Back to top