ART & CULTURE

Game Changers – Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: Sống, yêu và làm phim

Jul 29, 2024 | By Luxuo Vietnam

Ở mỗi giai đoạn trong hành trình (nghề nghiệp) của mình, ta sẽ luôn có những câu hỏi và sự nghi hoặc cần làm sáng tỏ. Tôi thiết nghĩ trong những khoảnh khắc chênh vênh như thế, ta hãy nhớ về sự chân thành và tinh khôi của mình từ những ngày đầu tiên. Sự thuần khiết đó sẽ là ánh sáng soi tỏ đêm tối. 

Xin chào anh Lê Minh, nửa đầu năm 2024 của anh như thế nào? 

Tôi có tháng Một bận rộn hoàn thành phần sản xuất phim “Ngày xưa có một chuyện tình”, và bắt đầu một học kỳ mới với công việc giảng dạy. Có một tháng Tết để hồi phục năng lượng và giữ khoảng cách với phim, tôi lại dành phần lớn thời gian để dựng phim, đi tìm cấu trúc hoàn hảo cho bộ phim của mình. 

Chắc hẳn trong sự nghiệp của mình, anh có nhiều bước ngoặt khác nhau, nhưng lần này anh có thể chia sẻ về một cột mốc mà anh tự hào nhất không?

Tôi nghĩ đến buổi công chiếu phim đầu tay “Thưa mẹ con đi” với những phản ứng tích cực từ giới chuyên môn và những lời chúc mừng nhiệt thành từ đồng nghiệp. Tôi luôn có niềm tin vào năng lực của mình. Nhưng chính khoảnh khắc đó mới khiến tôi cảm thấy mình đã thực sự là một đạo diễn phim điện ảnh. 

Đến với chuyên đề “Game Changers”, tôi tin mỗi một hành động, nỗ lực, lý tưởng của một người đều góp phần tạo nên tác động nhất định trong lĩnh vực của họ, thiết lập nên những tiêu chuẩn mới, thành công mới. Nhìn lại quá trình của anh, câu chuyện của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh sẽ được kể như thế nào? 

Tôi tự hào vì mình đã đem được những vấn đề nhạy cảm trong “Thưa mẹ con đi” lên màn ảnh, khiến khán giả đồng cảm, muốn chia sẻ và nói nhiều hơn về nó. Bộ phim không đi vào quên lãng sau khi trình chiếu mà nó được nhắc lại, sống lại trong Tháng Tự hào, trong mỗi lần người ta nhớ đến phim như một sự an ủi, đồng cảm vào tình yêu, tình mẫu tử và gia đình. 

Số lượng tác phẩm của anh không quá nhiều nhưng đều có một sự đặc biệt, nói nôm na là ít người dấn thân làm, ví như “Bằng chứng vô hình” hay “Thưa mẹ con đi”. Cảm giác khi đi con đường ít ai đi, đưa ra lựa chọn hiếm người chọn của anh, như thế nào?

Tôi luôn chọn cho mình con đường chậm mà chắc. Mất nhiều năm sau khi tiếp xúc với điện ảnh và chập chững theo con đường sản xuất phim, tôi mới ra mắt “Thưa mẹ con đi”, bộ phim tình cảm, tâm lý với nhịp điệu chậm rãi, để rồi sau đó một năm là “Bằng chứng vô hình”, một sự thay đổi về cả nhịp điệu, tiết tấu, lẫn đề tài. Sau 4 năm, tôi mới chuẩn bị ra phim dài tiếp theo, “Ngày xưa có một chuyện tình”. Con đường làm đạo diễn điện ảnh đúng là ít ai đi, lại nhiều chông gai, có nhiều cái bẫy và ảo tưởng cả về năng lực lẫn tài chính, nhưng đúng là nó đem đến nhiều phần thưởng và sự thỏa mãn. 

“Được nhìn thấy những thước phim của mình chạy trên màn ảnh, thấy các diễn viên có những khung hình lưu giữ họ trong khoảnh khắc ấy, được nghe những tiếng thở của diễn viên, đồng điệu của khán giả, cả những sự run lên vì xúc động, hạnh phúc hay sợ hãi, đó là một cảm giác thật tuyệt vời.”

Mình biết rằng bằng một cách nào đó, mình đã tạo ra một sự kết nổi, một sự thấu hiểu dù tạm thời nhưng đã lưu lại như một dấu ấn.

Dõi theo anh Minh qua nhiều dự án, tôi nhận thấy sự ổn định và tập trung của anh dành cho các dự án là như nhau. Làm sao để anh duy trì được nội lực, sự tập trung, cũng như sự sáng tạo đều ở mức tối đa như vậy?

Tôi nghĩ điều mình đã làm là cân bằng giữa công việc và trải nghiệm cuộc sống. Nhờ những trải nghiệm, dù vui hay buồn, đau khổ hay hạnh phúc, tôi lại có một lý do để thổi hồn cho các tác phẩm của mình. Tôi giữ cho mình sự tò mò đón nhận những điều mới, để cho cảm xúc trong mình được rung động trước cái đẹp, tái khám phá những gì đã trở nên thân thuộc và có phần nhàm chán. Cuối cùng, tôi giữ cho mình sự trân trọng những gì đang và đã xảy ra với mình, bởi đó là điều tạo nên mình và tác phẩm của mình.

Từng trò chuyện với nhau, anh có nói rằng dù làm thể loại nào, thì quan trọng nhất vẫn là “kể một câu chuyện như thế nào”. Với dự án mới, anh sẽ kể câu chuyện này như thế nào, nhất là khi sách truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã lên màn ảnh không ít?

Tôi luôn quan tâm nhiều đến những chi tiết nhỏ bị bỏ qua trong đời sống. Với “Ngày xưa có một chuyện tình”, câu chuyện được kể ở ba góc nhìn khác nhau, từ đó chúng ta có cơ hội được nhìn thấy và đồng cảm trước những cảm xúc vụn vỡ, những góc khuất, cảm giác chuộc lỗi của tâm hồn mà nhân vật đang gánh chịu. Với bộ phim này, tôi vẫn trân trọng và thương yêu những người phụ nữ, muốn họ được kể câu chuyện của mình, muốn họ thật sự sống với những cảm xúc riêng tư, những nỗi bận lòng, cả những toan tính và sự hy sinh. 

Ở những dự án phim chuyển thể từ tiểu thuyết, với người đã đọc tiểu thuyết gốc sẽ có những nhận định và mong chờ khác so với những người chưa biết. Làm sao để anh đáp ứng được hai kiểu người xem điển hình này? 

Tôi nghĩ cách duy nhất để chinh phục người xem, dù đã đọc sách hay chưa, đó là trung thành với tinh thần của tác phẩm gốc và kể câu chuyện cùng cảm xúc của nó mang lại bằng tất cả sự tinh tế và chân thành. Cuối cùng, tôi mong khán giả ở lại cùng nhân vật trong sự phân vân, day dứt bởi sự không hoàn mỹ của những lựa chọn.

“Nhưng cuộc sống là thế, nó đẹp bởi sự không hoàn hảo, nó hạnh phúc bởi sự tréo ngoe.”

Tôi nghĩ sau khi tìm được điểm trung hoà giữa hai tệp người xem, điều tiếp tục hướng đến là làm nó trở nên mới mẻ hơn, mang dấu ấn của đạo diễn thể hiện trong tác phẩm, thông qua diễn xuất của diễn viên, bối cảnh, thoại… Anh đã làm điều này như thế nào?

Điện ảnh vẫn có những đặc trưng về hình thức, phương tiện và thể loại. Chúng ta có thể đắm chìm vào dòng suy nghĩ miên man của nhân vật khi đọc sách, nhưng trên phim, họ lại phải hành động và lựa chọn. Dĩ nhiên, điện ảnh cũng tạo ra những khoảng lặng để người xem chìm đắm, thả những cảm xúc và trải nghiệm của bản thân vào và lắng nghe được những tiếng gọi kết nối. Tôi vẫn luôn chú trọng vào diễn xuất của diễn viên, để họ thực sự là nhân vật và được “thở” trên màn ảnh. Chỉ khi họ sống động, có một đời sống thực thì mới có thể khiến khán giả tin và đồng cảm.

“Tôi mong diễn viên trong phim của mình, dù chỉ xuất hiện thoáng qua, vẫn nằm trong tâm trí của khán giả. Tôi cũng luôn tìm kiếm sự kết nối giữa các diễn viên để tạo ra những khoảnh khắc duyên dáng trên màn ảnh.”

Thực hiện “Ngày xưa có một chuyện tình”, anh đã bước qua những ranh giới nào của bản thân?

Những cảnh quay khó như cảnh cháy, mưa bão trong phim mà nếu không có một ê-kíp giỏi, tôi sẽ không bao giờ thực hiện được. Làm một bộ phim lớn hơn, phải quay xa, tôi và ê-kíp của mình giữ gắn kết để tìm tiếng nói chung và giữ tinh thần thoải mái khi làm việc.

Tuy nhiên, điểm khó khăn nhất vẫn là kể một câu chuyện tình cảm với tất cả sự trong sáng của tuổi cập kê, sự tình tứ ở thuở yêu mãnh liệt, sự trưởng thành sau những vấp ngã, vụn vỡ. Những khó khăn về kỹ thuật đôi lúc có thể vượt qua, nhưng tìm được một cách kể, một cách thể hiện những cung bậc của tình bạn, tình yêu thì thật khó. Tôi hy vọng mình đã làm được qua bộ phim lần này.

Những câu hỏi nào anh thường đặt ra cho chính mình trước khi bắt tay thực hiện một dự án phim? 

Tôi thường tự hỏi, mình đã “đục” đi nhiều hơn sau những thăng trầm và liệu khi mình làm phim, có còn trong sáng như thưở ban đầu? Và rồi lần này, mình có những gì mới hơn để kể và chia sẻ? Cuối cùng, một lần làm phim là một lần tôi tìm về những rung động nguyên sơ ban đầu để cảm xúc luôn mới mẻ và thuần khiết. 

Có trường hợp, một đạo diễn thành công vang dội với một tác phẩm, nhưng gây thất vọng ngay với tác phẩm tiếp theo. Tôi nên hiểu vấn đề này theo hướng “đó là một cú ăn may” hay là “dấu hiệu về thực tài của một người”? 

Mỗi người làm sáng tạo đều có những vấn đề riêng và kể cả sự trùi sụt thất thường trong nghề nghiệp. Tôi tin một tác phẩm thất bại không nói lên hết những phẩm chất của người đạo diễn. Nếu nó vẫn lóe lên những đoạn phim bừng sáng, anh ta vẫn có cơ hội ở những bộ phim tiếp theo. 

Cảm ơn những chia sẻ của anh.

——–

Bài viết nằm trong chuyên đề “Game Changers” được thực hiện trên ấn phẩm Men’s Folio Vietnam #23

Trong bối cảnh với nhiều biến đổi khôn lường từ nhiều phương diện, có lẽ một trong số những thách thức lớn nhất đến từ chính bản thân mỗi người, đó là dám dũng cảm bứt phá, dám tiên phong tạo ra những tiêu chuẩn mới, dám tin tưởng vào chính mình, vì vậy chúng ta rất cần những người thay đổi cuộc chơi. Ban biên tập đã trò chuyện cùng chị Trần Hà Mi – nhà đồng sáng lập của trang thời trang Style-Republik và SR Fashion Business School, người luôn nỗ lực vinh danh những giá trị thật của thời trang; CEO Unimedia Trần Việt Bảo Hoàng – người đã vượt khỏi sự nhận diện bằng những thành công trong việc sáng tạo nên các sân chơi sắc đẹp; và đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, nhà làm phim không ồn ào và có niềm tin tuyệt đối vào năng lực của chính mình.

Theo Men’s Folio | Huyền My Trương


 
Back to top