“Tường Biển” của Văn Ngọc – Một sự trưng bày một tác phẩm
“Tường Biển” là một tác phẩm lớn – rất lớn, một sự trưng bày chuỗi cảm giác về biển chạy xuyên 20 năm, cho đến khi tìm thấy một không gian có thể ứng tác, khi đó mới tạm dừng lại mà va, bật vào khán giả.
Để tìm vào “Tường Biển”, có lẽ cần chuẩn bị một tinh thần khám phá tự thân, bởi mọi sự dẫn hướng đều mơ hồ. Nói theo cách của nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Vũ Huy Thông: “… cũng như tiêu đề triển lãm, chúng chỉ là một cánh cửa mở ngỏ để chúng ta bước vào nghệ thuật, vào trong lòng tác phẩm theo đúng nghĩa đen. Bước vào trong tác phẩm, tôi rất muốn đề nghị quý vị để lại ngoài cửa mọi lý thuyết định kiến về nghệ thuật. Những câu hỏi (nếu có) về cái đẹp nằm ở đâu, nghệ thuật ở chỗ nào, nội dung ý nghĩa gì v.v., xin tạm nhường vai cho cảm giác, hãy lắng nghe cảm giác và cảm giác sẽ dẫn chúng ta đến với cảm xúc”.
Về mặt vật lý, “Tường Biển” là một tầng bê tông thô rộng hơn 1.000 m2 nằm trong một tòa dân cư ở thành phố Vũng Tàu.
Về mặt ý niệm, “Tường Biển” là tầng không đa chiều, nơi những tác phẩm tùy ý được gọi là hội họa, điêu khắc hoặc sắp đặt – cả ở tính chất đơn lẻ lẫn tổ hợp – hội thoại với người xem thông qua đa chiều không-thời, từ đó mỗi người tự hình thành những diễn ngôn cá nhân về vật chất, hiện sinh, vi mô và vĩ mô.
Về mặt cảm giác, “Tường Biển” là một tác phẩm lớn – rất lớn, một sự trưng bày chuỗi cảm giác về biển chạy xuyên 20 năm, cho đến khi tìm thấy một không gian có thể ứng tác, khi đó mới tạm dừng lại mà va, bật vào khán giả. Khi cánh cửa gỗ kẽo kẹt mở ra, một người bước vào qua một khung cửa nhỏ liền bị hút, cuốn vào sàn, tường, trần, cột – đột ngột, bỡ ngỡ thâm nhập vào trái tim tác phẩm, cũng là tâm của người nghệ sĩ, thật hiếm khi mở ra chào đón từng người, từng người bước vào. Không có ranh giới của tranh và của sắp đặt, không có giới hạn của không gian trưng bày và bề mặt tác phẩm, mọi sự cử động, di chuyển, lướt nhìn đều chạm tới, bước lên, đi vào tác phẩm. Ai đó có thể nói “Tường Biển” là một cuộc trình diễn. Nhưng không phải nghệ sĩ trình diễn mà là tác phẩm tự trình diễn – liên tục, không ngừng, không chờ đợi ánh nhìn của một ai. Và như thế, mỗi khán giả đang nhìn thấy một tác phẩm “Tường Biển” với cảm xúc riêng, thời khắc riêng của mình, không một “Tường Biển” nào giống nhau, cũng như không có cảm xúc nào vẹn nguyên mãi mãi.
Khán giả của Văn Ngọc có lẽ chưa bao giờ và không bao giờ là người xem thụ động. Họ bước vào tác phẩm đa chiều của nghệ sĩ, thì đồng thời tác phẩm của nghệ sĩ cũng “bước” vào họ, tương tác và soi chiếu lẫn nhau, dấn thân vào hành trình tự vấn tự đáp, cho đến khi người rời đi, mối quan hệ giữa nghệ sĩ và tác phẩm, giữa tác phẩm và người xem, giữa quá khứ và hiện tại, đã đổi thay…
Từ trong lòng tác phẩm “Tường Biển”, khi đã đủ đầy những cuộc va chạm cảm giác với tác phẩm, tìm lối để tâm hồn hướng ra bên ngoài, liệu ta có trông thấy vạn vật vô tri cũng trở nên đẹp hơn, khác trước, và “cảm giác về cuộc sống này” trở nên mới, mới như lần đầu cảm thấy.
Một lần nữa, hãy lưu ý rằng: Mọi sự dẫn hướng đều mơ hồ. Thế nhưng, như người nghệ sĩ ấy bâng quơ nói: Mơ hồ có khi là hay, có khi nhìn rõ tinh tường đến cả sợi tóc mà cảm thấy chán, có khi nhìn không thấy gì, cứ lơ mơ lơ mơ… lại thấy hay.
THÔNG TIN TRIỂN LÃM
“Tường Biển” mở cửa miễn phí và kéo dài đến hết tháng 12 năm 2024, tại tầng 1, chung cư Hodeco, 199 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 3, thành phố Vũng Tàu (đối diện Bến xe khách Vũng Tàu).
VỀ NGHỆ SĨ
Nghệ sĩ Văn Ngọc sinh năm 1959 tại tỉnh Phú Thọ, Việt Nam. Ông từng theo học trung cấp mỹ thuật ở quê nhà, sau đó vào bộ đội vào năm 1983 và tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc Việt Nam. Sau khi xuất ngũ, ông học tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội (1986–1992). Năm 1993, Văn Ngọc vùng vợ chuyển vào Nam và định cư ở Vũng Tàu cho đến nay.