Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Những giá trị nghi vấn trong nghệ thuật của Trần Trọng Vũ

Dec 27, 2022 | By Art Republik

Triển lãm “Chuyện của Vũ” mang đến hai phần đặc trưng trong nghệ thuật của Trần Trọng Vũ là hội họa và sắp đặt. Nghệ sĩ tạo ra một không gian đẹp đẽ, nhưng trong cái tưởng chừng như thơ mộng lại ẩn chứa nhiều hạt “sạn” nhận thức.

Trần Trọng Vũ, “Những Năm Tháng Ấy” (2021), sắp đặt, 60 tấm nylon, 270 x 100 cm (mỗi tấm). Ảnh: Trần Thu Huyền

Toàn bộ tác phẩm trong triển lãm lần này được tác giả hoàn thành trong hai năm, 2021 và 2022. Có thể coi đây là những tác phẩm cuối cùng thuộc thời kỳ nghệ thuật thứ hai của Trần Trọng Vũ (thời kỳ này kéo dài hơn hai mươi năm sáng tác ở Pháp, có thể tính từ sau khi bố của anh, nhà thơ Trần Dần, mất vào năm 1997, cho tới nay) – một thời kỳ nghệ thuật chứa đầy những hình ảnh ẩn dụ đáng nghi vấn về những giá trị của con người trong đời sống xã hội.

Trần Trọng Vũ, “Chẳng Có Gì Là Vô Nghĩa” (2022), sơn dầu trên vải, 65 x 87 cm. Ảnh: Trần Thu Huyền

Những kịch cảnh thơ mộng

Bước vào phòng triển lãm là một tác phẩm sắp đặt chiếm lĩnh không gian có tên: “Những năm tháng ấy”. Trần Trọng Vũ bày ra một không gian đầy hình ảnh hoa hồng, những tấm màn nylon trong suốt phản chiếu ánh sáng lấp lánh. Tác phẩm được làm bằng 60 tấm nylon có kích thước 270 x 100 cm. Một không gian tự do không có cửa, không có bắt đầu và kết thúc. Ai cũng có thể ra vào từ bất cứ điểm nào, sờ chạm và tương tác cùng những tấm màn đó. Anh nói có thể coi đó là một “sân khấu”. Và thế là khán giả sẽ đóng vai những diễn viên trong tác phẩm đó.

Trần Trọng Vũ, “Những Năm Tháng Ấy” (2021), sắp đặt, 60 tấm nylon, 270 x 100 cm  (mỗi tấm). Ảnh: Trần Thu Huyền

Trên những tấm nylon là những bông hoa cỡ lớn được vẽ tay, với côn trùng và những đứa trẻ đang độ tuổi biết bò. Tác phẩm thoạt đầu đem đến cho người xem cảm giác vui tươi bởi màu sắc bắt mắt và cách sắp đặt đan xen. Những bông hoa đỏ tươi, được vẽ sáu cánh rõ ràng như hình vẽ của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, đậu trên cánh hoa thơ mộng không phải là những chú ong chăm chỉ hút mật mà là ruồi nhặng. Hình ảnh những đứa trẻ với gương mặt đỏ ửng như màu hoa có gì đó bất thường, đang dò dẫm đầy sợ hãi, và chúng làm cho người xem cũng sờ sợ.

Trần Trọng Vũ, “Cuộc Đời Có Phẳng Lặng” (2022), sơn dầu trên vải, 95 x 140 cm. Ảnh: Trần Thu Huyền

Trần Trọng Vũ đưa ra một khung cảnh có vẻ thơ mộng và đẹp đẽ. Chính anh đã chia sẻ khung cảnh thơ mộng đại diện cho những ký ức tươi đẹp còn lại của tuổi thơ. Nhưng trong cái đẹp luôn tồn tại những thứ “người ta không muốn nhớ đến nhưng cũng không dễ gì quên được“.

Những tấm màn nylon vẽ tay tương tự như vậy đã từng xuất hiện trong rất nhiều triển lãm trước đó của tác giả tại Pháp. Có khi đó là những tấm màn hoa ẩn giấu cả một cuộc chiến của những người lính trên tay đầy súng đạn. Có khi những tấm màn vẽ những con người lầm lũi đi khắp căn phòng. Có khi đó là một đám đông đang đứng xum xoe chúc tụng, hoặc có khi đồng loạt cười thẳng vào mặt người xem… Với hình thức những tấm màn nylon, Trần Trọng Vũ đã mang đến những kịch cảnh đa dạng để người xem hóa thân, hay những hiện thực khác phong phú hơn hiện thực mà người ta thường thấy.

Trần Trọng Vũ, “Hình Và Bóng” (2022), sơn dầu trên vải, 75 x 114 cm. Ảnh: Trần Thu Huyền

Giá trị nghi vấn

Nụ cười là motif đặc trưng trong thời kỳ nghệ thuật thứ hai của Trần Trọng Vũ và cũng là một giá trị đáng nghi vấn tiếp theo. Trần Trọng Vũ tạo hình những con người vừa phổ quát, vừa kỳ dị. Phổ quát vì chúng có hình dáng người một cách cơ bản và giống hệt nhau. Kỳ di ở những khuôn mặt đỏ, vàng, các nét đậm, với mảng màu bẹt thô sơ. Việc thể hiện những người cười như hình ảnh đồ họa đem đến sự thống nhất cho nội dung và hình thức trào phúng của tác phẩm. Anh chia sẻ cách làm này lấy cảm hứng từ chính những năm tháng thời trẻ, khi còn học mỹ thuật, vẽ tranh cổ động đã từng là một nghề “kiếm cơm”. Mặc dù những năm tháng ấy anh đã từng nghĩ không bao giờ anh có thể dùng được những màu sắc và tạo hình đó trong hội họa của mình. Nhưng rồi, sau này, chính chúng lại là cách thức để anh thể hiện ý đồ nghệ thuật trong giai đoạn mới.

Trần Trọng Vũ, “Chân Trời Chéo” (2022), sơn dầu trên vải, 95 x 140 cm. Ảnh: Trần Thu Huyền

Ngoài những gương mặt cười trong các tác phẩm hội họa của triển lãm lần này, những người đang cười còn xuất hiện trong các sắp đặt của nghệ sĩ ở hình thức các tấm bảng đứng (standy), trong sắp đặt màn treo… những gương mặt to, miệng cười hết cỡ, dáng người xum xoe, khúm núm đầy vẻ giả tạo. Rõ ràng có thể thấy, nụ cười không biểu hiện cảm xúc vui của cá nhân mà là một cử chỉ uốn nắn theo xã hội. Hay nói một cách sâu sắc hơn, những nhân vật trong tác phẩm của Trần Trọng Vũ đang tha hoá. Về những người đang cười, tác giả còn giải thích thêm, khi bạn xem triển lãm bạn có thể cười họ, nhưng bạn sẽ có cảm giác như chính những nhân vật trong tác phẩm đang cười lại bạn. Nghệ sĩ có cả một series tác phẩm về những lời chúc tụng và những nụ cười. Những nụ cười, lời chúc tụng xuất phát từ những ký ức và suy nghĩ cá nhân của nghệ sĩ, cũng từ thói quen văn hóa cộng đồng không xa lạ gì trong đời sống của người Việt. Hiện thực này được lọc qua lăng kính trào phúng của tác giả để hiện lên thành một ngôn ngữ đặc trưng của Trần Trọng Vũ.

Khai mạc triển lãm “Chuyện Của Vũ”. Bên trái: Chị Dương Thu Hằng – Giám tuyển triển lãm. Ở giữa: Nghệ sĩ Trần Trọng Vũ. Trong không gian tác phẩm sắp đặt “Những Năm Tháng Ấy”, tại trung tâm nghệ thuật Ánh Dương.

Bên cạnh một sắp đặt không gian đẹp và những nụ cười, những bức tranh trong triển lãm lần này cũng chứa đựng rất nhiều giá trị mang tính nghi vấn để người xem khám phá. Với nhiều ý niệm trong tác phẩm, việc nghệ sĩ chọn cho nghệ thuật của mình lối thể hiện đơn giản bằng những vật liệu của văn hóa đại chúng, là một sự cân bằng khiến tác phẩm của anh không bị nặng nề, mang tính hài hước nhưng vẫn đủ ám ảnh thị giác để người ta phải ghi nhớ.

Trần T. Huyền


 
Back to top