BUSINESS OF LUXURY

Vì sao tỷ phú Bernard Arnault thực hiện cuộc cải tổ lớn trong ban lãnh đạo LVMH?

Nov 21, 2024 | By Luxuo Vietnam

LVMH, tập đoàn xa xỉ hàng đầu thế giới, đón nhận làn gió mới khi Chủ tịch Bernard Arnault quyết định trẻ hóa bộ máy lãnh đạo, đưa con cái lên nắm giữ vị trí cấp cao hơn trong bối cảnh đầy biến động của nền kinh tế.

Bernard Arnault và vợ Hélène Mercier-Arnault, ở giữa, cùng các con lần lượt từ trái sang phải: Alexandre, Frédéric, Jean, Delphine và Antoine Arnault. Ảnh: LEWIS JOLY

Cuộc cải tổ lớn trong ban lãnh đạo của LVMH lần nữa dấy lên nhiều suy đoán về người thừa kế tương lai của tập đoàn. Mặt khác, những thay đổi này diễn ra trong bối cảnh ngành hàng xa xỉ toàn cầu đang đối mặt với sự chững lại, đặc biệt ở các thị trường lớn như Trung Quốc và Mỹ, đã thu hút sự quan tâm của giới truyền thông.

Cuộc chuyển giao quyền lực giữa các thế hệ

Ảnh: AP Photo

Jean-Jacques Guiony, hiện đảm nhiệm vị trí Giám đốc Tài chính (CFO), sẽ chuyển sang đảm nhận vai trò Giám đốc Bộ phận rượu vang và rượu mạnh từ ngày 1/2/2025. Ông sẽ kế nhiệm Philippe Schaus, người sẽ rời tập đoàn sau 21 năm gắn bó.

Đáng chú ý, Alexandre Arnault, con trai thứ 3 của Chủ tịch Bernard Arnault, sẽ chính thức gia nhập trụ sở chính của tập đoàn. Ông sẽ rời vị trí Phó chủ tịch tại Tiffany & Co. để đảm nhận vai trò Phó tổng giám đốc điều hành Bộ phận rượu vang và rượu mạnh của tập đoàn. Dù được kỳ vọng mang lại làn gió mới cho bộ phận này, vị lãnh đạo trẻ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi doanh thu rượu vang và rượu mạnh trong 9 tháng đầu năm của LVMH giảm 8%, do sức mua kém đi rõ rệt tại 2 thị trường chủ chốt là Mỹ và Trung Quốc. 

Cùng với thay đổi nhân sự mảng kinh doanh rượu, LVMH xác nhận sự ra đi của Giám đốc Nhân sự Chantal Gaemperlé sau 17 năm. Bà Gaemperlé bị đình chỉ chức vụ vì cuộc điều tra nội bộ về việc tích lũy “các lợi ích hiện vật” từ các công ty con. Maud Alvarez-Pereyre, Giám đốc tài năng và chuyển đổi, sẽ lên thay vị trí này.

Những thay đổi trên được công bố chỉ vài tuần sau thông báo nghỉ hưu của Chris de Lapuente, thành viên Ban điều hành và CEO Bộ phận Phân phối chọn lọc (gồm Sephora, Le Bon Marché và các hoạt động bán hàng miễn thuế). Trước đó, LVMH bổ nhiệm Stéphane Bianchi (59 tuổi), cựu CEO Yves Rocher, làm Phó tổng Giám đốc vào tháng 3, thay thế Antonio Belloni sau nhiều thập kỷ phục vụ tập đoàn.

Bernard Arnault luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì quyền kiểm soát và tính liên tục trong cơ cấu kinh doanh của gia đình. Trên thực tế, quá trình trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo và củng cố quyền lực cho các thành viên gia đình đã được tỷ phú Bernard Arnault chú trọng trong những năm gần đây. Cả 5 người con của ông đều nắm giữ các vị trí chủ chốt trong tập đoàn. Bên cạnh Alexandre Arnault với vị trí mới ở mảng kinh doanh rượu, Delphine Arnault (49 tuổi) hiện giữ chức Chủ tịch Dior, thương hiệu lớn thứ 2 của LVMH. Antoine Arnault (47 tuổi) là Giám đốc hình ảnh và môi trường. Frédéric Arnault (30 tuổi) là CEO Bộ phận đồng hồ của tập đoàn, trong khi con trai út Jean Arnault (26 tuổi), là CEO mảng đồng hồ của Louis Vuitton.

Trong rất nhiều các cuộc phỏng vấn, Chủ tịch LVMH liên tục khẳng định mục tiêu chính của ông là vị thế hàng đầu thay vì lợi nhuận. Theo Sidney Toledano, người đứng đầu tập đoàn thời trang LVMH kiêm giám đốc điều hành lâu năm nhất của ông Arnault, không chỉ có cơ hội học hỏi và tiếp xúc với kinh doanh từ sớm, 5 người thừa kế sáng giá đã được đào tạo bởi những chuyên gia hàng đầu thế giới để sẵn sàng thực hiện trọng trách trong chương tiếp theo của LVMH. 

Mặt khác, ngành xa xỉ phẩm đang ở trong thời kì chuyển giao khi Gen Z vượt qua thế hệ millennials về mặt chi tiêu và trở thành nhóm khách hàng lớn trong danh mục xa xỉ phẩm vào đầu thập kỷ tới. Họ không chỉ là thế hệ giàu có nhất từng tham gia vào thị trường xa xỉ mà còn là thế hệ sáng suốt nhất. Trong bối cảnh đó, trẻ hoá bộ máy lãnh đạo dường như là sự thay đổi tất yếu để thích nghi với những biến động xã hội. Đặc biệt khi những vị trí chủ chốt hiện tại đều có mối quan hệ tiềm năng có tầm ảnh hưởng với nhóm người trẻ. Chẳng hạn, Alexandre Arnault, ứng cử viên sáng giá giá cho vị trí thừa kế, có mối quan hệ thân mật với những người nổi tiếng hàng đầu thế giới như David Beckham, Rihanna, Bella Hadid, Jay-Z, hay nhiều tỷ phú công nghệ như Jeff Bezos, Warren Buffett hay Evan Spiegel,… Đặc biệt, vị doanh nhân trẻ tuổi được biết đến với mối quan hệ thân thiết với gia đình Tổng thống Hoa Kỳ thứ 47 Donald Trump khi được mời dùng bữa tối tại dinh thự Mar-a-Lago.  Điều này là nền tảng quan trọng để phát triển những chiến lược kinh doanh tiếp cận và mở rộng tệp khách hàng trong tương lai. 

Những thay đổi đánh dấu bước đi chiến lược nhằm tái cấu trúc đội ngũ lãnh đạo của LVMH hứa hẹn mang đến “làn gió mới” trong mảng kinh doanh vốn đang gặp nhiều khó khăn.

Biến thử thách thành cơ hội 

Quyết định trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo được kỳ vọng cải thiện tình hình kinh doanh của đế chế xa xỉ LVMH diễn ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh ngày càng ảm đạm. Theo Bain & Company, thị trường hàng xa xỉ toàn cầu, trị giá 386 tỷ USD, dự báo giảm 2% năm nay. Giá cả tăng cao cùng nền kinh tế toàn cầu bất ổn là nguyên nhân thu hẹp tệp khách hàng từ 400 triệu người xuống còn 350 triệu người.

Đây là lần đầu tiên ngành xa xỉ suy giảm kể từ cuộc khủng hoảng 2008-2009, ngoại trừ thời đại dịch” – Federica Levato, chuyên gia của Bain –

Giới đầu tư lo ngại suy thoái sẽ kéo dài và nghiêm trọng hơn dự đoán. Tính đến ngày 15/11, cổ phiếu LVMH đã giảm gần 19% so với đầu năm. Doanh thu quý III của LVMH giảm 3%, đạt 20,8 tỷ USD, đánh dấu lần đầu tiên suy giảm kể từ đại dịch. Kể từ năm 2020, doanh số mảng thời trang và đồ da lần đầu chứng kiến sự suy giảm 5%, bất chấp được dự báo tăng trưởng. 

Ngày 15/11, DFS Group, nhà bán lẻ thuộc LVMH, thông báo đóng cửa chi nhánh tại Fondaco dei Tedeschi, Venice (Italy) và cắt giảm hơn 220 nhân sự. Cửa hàng này ghi nhận khoản lỗ 105,36 triệu USD trong 5 năm qua, chịu tác động từ Covid-19 và sự sụt giảm khách du lịch châu Á. DFS khẳng định đây là một phần của kế hoạch tái cơ cấu toàn cầu nhằm ứng phó với khó khăn kinh tế và dự bán thị trường ảm đạm của ngành bán lẻ du lịch.

Theo Bain, ngành xa xỉ dự kiến tăng trưởng tối đa 4% vào 2025, nhờ doanh số tại châu Âu và Mỹ, và sự phục hồi dự kiến vào nửa cuối năm sau ở Trung Quốc. Chuyên gia Levato cho rằng chiến thắng của ông Trump và chính sách miễn giảm thuế trong nước có thể thúc đẩy sức chi tiêu của người Mỹ. Dù vậy, triển vọng tăng trưởng còn phụ thuộc vào chiến lược của các thương hiệu và tầm nhìn của bộ máy lãnh đạo.  

Bài viết: Ngọc Anh | Ảnh: Tổng hợp 
Theo Thị trường & Thương gia


 
Back to top