ART & CULTURE

Tấm áo tỷ đồng: Long bào ngự dụng hay đồ tuồng hoàng cung?

Mar 06, 2025 | By La Quốc Bảo

Thị trường cổ vật Việt Nam lại một lần nữa sôi động với sự xuất hiện của một tấm Long bào lạ thường trên sàn đấu giá Lynda Trouve tại Paris, ngày 5/3/2025 vừa qua.

Hệt như lần đấu giá chiếc Long bào được cho là của vua Bảo Đại trong phiên đấu của nhà Delon – Hoebanx vào tháng 12 năm 2023, những câu hỏi về độ thật giả lại rộ lên không ngớt. Nhưng tình huống lần này đặc biệt  nảy ra nghi vấn mới: đây là áo ngự dụng hay áo tuồng cung đình?

Phiên đấu giá mang tên Indochine – Chapitre 19 bao gồm 271 mẫu vật đa dạng như sách ảnh, tranh thêu, đồ sứ, nội thất, v.v. trải dài từ thời Nguyễn đến Đông Dương. Tấm áo kì lạ này thuộc lô số 86, cũng là trang phục duy nhất trong danh mục đấu giá, được định giá từ 30.000 EUR tới 50.000 EUR (khoảng 825 triệu đến 1 tỷ 400 triệu VND trước thuế phí, hoặc 1 tỷ 100 triệu đến 1 tỷ 800 triệu VND sau thuế phí).

Truy cứu về lịch sử giao dịch, đây không phải lần đầu tiên chiếc áo xuất hiện. Chính xác hơn, lần đầu chiếc áo được giới thiệu là tại phiên đấu giá MOA+ MODE ngày 30/5/2024, thuộc lô số 255 từ nhà đấu giá Boisgirard-Antonini, Paris. Bộ long bào được giới thiệu khá sơ sài nên không nhận được nhiều sự chú ý. Cuối cùng tấm áo đã được gõ búa với giá 9.100 EUR sau thuế phí (khoảng 250 triệu VND).

Chiếc áo lần đầu tiên xuất hiện tại phiên đấu giá MOA+ MODE ngày 30/5/2024

Tiền lệ Tứ linh bào chánh hoàng

Hiện vật có màu vàng thuần, gọi là “chánh hoàng sắc”, được may theo lối Đại triều bào với cổ tròn, phía sau gắn hai chiếc cánh theo quy định nhà Nguyễn. Đây là loại bào phục được hoàng đế ngự dụng trong lễ thiết đại triều (cử hành vào ngày mồng một và rằm hằng tháng), lễ đăng quang và một số dịp long trọng khác. Trước mắt, áo tuy đã có vài chỉnh sửa nhỏ, có thể đã được sử dụng thành phục trang dạ hội khi lưu lạc tại Pháp, nhưng tổng thể vẫn trong tình trạng tốt, không ảnh hưởng đến cấu trúc. Hiện vật này thêu toàn bộ bằng tơ bóng và kim tuyến rất uyển chuyển. Dựa vào phối màu và cách đánh tay áo hơi võng (gọi là tay áo tì bà) có thể ước định hiện vật được tạo tác vào nửa cuối thế kỉ 19.

Điểm lạ thường là thay vì thêu hình rồng mây đơn thuần như điển lệ, hiện vật này thêu đồ án Tứ linh: hai con rồng lớn, một con bay từ ngực vòng qua cổ, một con sau lưng theo hướng ngược lại; một đôi long mã cõng bát quái chầu dưới con rồng mặt trước, một đôi chim phụng ngậm cổ đồ chầu dưới con rồng mặt sau; dưới phần sóng nước gấu áo trước sau có đôi rùa thần cõng kiếm.

Đây là tổ hợp thường chỉ thấy trên Mãng bào (trước đây gọi là Tứ linh bào) của các hoàng tử, tôn thất (được phong từ hương công, huyện hầu, hương hầu trở lên) và quan lại (từ tam phẩm trở lên). Tuy nhiên, đây cũng không phải trường hợp duy nhất về việc hoàng đế nhà Nguyễn vận mãng bào có đồ án Tứ linh hay áo Tứ linh có sắc vàng – vốn dành riêng cho bậc đế vương.

Tại đền Bạch Mã (Hà Nội) vẫn đang lưu giữ một chiếc Mãng bào dệt Tứ linh sắc vàng rất quý hiếm. Bào được may bằng chất liệu dệt cài hoa, gọi là trang hoa vân cẩm, phải đặt hàng dệt từ vùng Giang Nam (Trung Quốc) dưới sự giám sát của triều đình nhà Nguyễn.

Mãng bào sắc vàng tại đền Bạch Mã (Hà Nội). Ảnh: La Quốc Bảo

Mãng bào sắc vàng tại đền Bạch Mã (Hà Nội). Ảnh: La Quốc Bảo

Từ lâu, qua nhiều dịp tiếp cận hiện vật và trao đổi cùng chuyên gia mỹ thuật Việt Nam nổi tiếng ở Paris (Pháp) – tiến sĩ Nicolas Henni Trịnh Đức, tôi được biết kho lưu trữ của Bảo tàng Guimet (Pháp) có một tập hình được chụp bởi tuỳ viên của hoàng hậu Nam Phương là bà Bellaigue trong giai đoạn 1936–1937. Tập hình này có sự xuất hiện của hoàng đế Bảo Đại ngồi kiệu, ngay trước điện Thái Hòa – vốn là nơi cử hành lễ Đại triều. Người vận mãng bào dệt Tứ linh thay vì Long bào thêu truyền thống.

Bài viết của tiến sĩ Nicolas Henni Trịnh Đức về chiếc Long bào trước phiên đấu của nhà Lynda Trouve, đăng trên diễn đàn Đại Việt Cổ Phong (Facebook) với hình ảnh hoàng đế Bảo Đại vận Mãng bào.

Ảnh chụp hoàng đế Bảo Đại vận mãng bào dệt Tứ linh thay vì Long bào thêu truyền thống

Kỹ thuật chế tác, tạo hình và đặc tính Việt Nam

Áo được thêu theo phong cách Quảng Châu phổ biến ở nửa cuối thế kỷ 19. Lối thêu này tương đồng với chiếc Long bào thường triều (cổ chéo) của vua Đồng Khánh, từng được tặng cho Bảo tàng Khải Định (nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) vào năm 1923 và trưng bày vào năm 1931. Ngoài ra, còn tương đồng với nhiều hiện vật áo lá tua cùng thời kỳ được vua Đồng Khánh ban riêng cho điện Huệ Nam (tức điện Hòn Chén).

Long bào thường triều (cổ chéo) của vua Đồng Khánh

Áo lá tua được vua Đồng Khánh ban riêng cho điện Huệ Nam

Phần đầu của các con rồng, long mã, phụng hoàng được bắt kim tuyến lối bình kim (thêu phẳng) nhưng phần thân được độn gòn và thêu khoán vảy theo dạng lưới. Hiệu ứng dạng lưới này dần biến mất trên đồ thêu ở đầu thế kỷ 20, nhưng dễ dàng bắt gặp trên các hiện vật thuộc nửa cuối thế kỷ 19 như cuốn Ngự lịch thời Tự Đức (1883) hay chiếc bổ tử của tướng Nguyễn Tri Phương (1873). Hai con rồng trên tay áo cũng thêu độn gòn, nhưng trang trí những đường kim tuyến nghiêng 45 độ tạo ra hiệu ứng sọc chéo, thay vì hiệu ứng lưới được tạo nên bằng những đường tơ màu đen như trên thân rồng.

Ngự lịch thời Tự Đức (1883) tìm được ở Khiêm Lăng. Ảnh: La Quốc Bảo

Thường triều phục và bổ tử của tướng Nguyễn Tri Phương (1873). Ảnh: Nicolas Henni Trịnh Đức

Ta còn thấy đôi rồng trên hai chiếc cánh sau lưng được thêu lối “độn gòn thắt thịt” (tức độn gòn thêu đan rổ), vốn là một nét đặc trưng của nghệ thuật thêu Việt Nam.

Tổng cộng trên áo có ít nhất bốn kỹ thuật trang trí bằng kim tuyến, trong đó ít nhất ba kỹ thuật mang hơi thở Việt Nam mà ta khó tìm được trên đồ thêu Quảng Châu. Như vậy, ta có thể tự tin nhận định rằng áo này được thêu và may trong nước chứ không hề đặt hàng từ Trung Quốc.

Phần đầu rồng được bắt kim tuyến theo lối bình kim, phần thân độn gòn và thêu khoán vảy dạng lưới

Thân rồng thêu lối “độn gòn thắt thịt” (tức độn gòn thêu đan rổ)

Không thể là áo tuồng

Trong hệ Tứ linh, quy không gắn bó mật thiết với vương quyền như long, lân, phụng, mà có mối liên hệ sâu sắc hơn với tín ngưỡng và thần quyền. Trên hiện vật này, hình tượng “quy” rất có thể là con ba ba hoặc con giải cõng kiếm, gắn liền một trong những truyền thuyết tiêu biểu về “linh quy” là sự tích thần rùa trả kiếm giúp Lê Lợi đánh giặc vào thế kỷ 15. Lưu ý rằng, áo tuồng không đặc tả chi tiết và chất liệu vì tính chất diễn xướng cần ngắm nhìn từ xa nên thường phải được trang trí theo mảng lớn. Ở đây, thân rùa lẫn mai được thêu và đặc tả chất liệu tách bạch, công phu. Chi tiết này vừa chứng minh tính bản địa của hiện vật vừa phản bác nhận định đây là đồ tuồng.

Ngoài ra, tấm áo chỉ được đính kim sa rải rác, vừa phải như bao lễ phục cung đình triều Nguyễn khác, chứ không hề gắn các hạt kim kính nhằm tăng độ bắt sáng như áo tuồng cùng thời kỳ. Có ý kiến cho rằng mắt rồng được gắn kim kính, nhưng khi thực sự tiếp cận hiện vật, ta sẽ phát hiện ra đó chỉ là viền mắt thêu bằng tơ mà thôi.

Tiếp đó, dù lớp lót áo đã được thay bằng loại vải mới màu đỏ chói dày hơn, nhưng dấu vết của lớp lót nguyên bản vẫn còn hiện hữu một phần tại gấu áo. Đây là loại sa long vân thuỷ ba rất đắt đỏ thời bấy giờ, được dệt từ tơ tằm đã nhuộm trước màu hỏa hoàng (cam). Đối với đồ tuồng, lớp lót vốn dĩ phải là loại vải dày, thô như sợi bông để chịu đựng được hoạt động mạnh và tần suất di chuyển liên tục, việc lót một chất liệu mỏng manh và đắt đỏ như vậy là hoàn toàn bất hợp lý.

Lớp lót nguyên bản là loại sa long vân thuỷ ba rất đắt đỏ thời bấy giờ

Tựu trung, chiếc Long bào vừa được nhà Lynda Trouve gõ búa thực là một hiện vật được tạo tác theo tiêu chuẩn hoàng gia với giá trị nghệ thuật cao, cũng như độ độc đáo có một không hai khi thể hiện tính bản địa khá tốt dù được thêu phỏng theo lối ngoại quốc. Với những đặc điểm của tấm áo và các dẫn chứng được khảo trong bài viết, tôi nghiêng về quan điểm rằng: Chiếc áo là Long bào ngự dụng, được chế tác theo lối phá cách khi điển chế được biến đổi linh hoạt và không còn khắt khe như thời Nguyễn sơ nửa đầu thế kỷ 19.

Tuy nhiên, một đặc điểm làm tôi thắc mắc không nguôi là trường hợp tất cả rồng trên áo đều có chân 5 móng nhưng luôn có một chân ẩn đằng sau lớp mây thì chỉ còn 3 móng, dường như là có chủ ý nhưng không rõ là gì. Hiện tại, áo không có minh văn được ghi bên trong, hoặc đã được ghi đâu đó trên lớp lót nhưng đã bị thay mất. Trước khi diễn ra phiên đấu giá ngày 30/5/2024, gia đình sở hữu áo này cũng từng cất giữ nhiều bộ lễ phục Việt Nam khá độc đáo. Dù có lai lịch cơ bản khá tốt nhưng để khẳng định thêm đây có phải là áo vua ngự đại triều hay không thì vẫn cần nhiều thời gian khảo cứu.

Vào 20:30 ngày 5/3/2025, một người mua có mặt tại phiên đấu giá đã giành được bộ Long bào với mức gõ búa 30.000 EUR. Nếu tính kèm thuế phí 31,5% của nhà Lynda Trouve, giá trị hiện vật tương đương 1 tỷ 100 triệu VND, một mức giá được xem là khá khiêm tốn cho một hiện vật hiếm có như vậy.


 
Back to top preload imagepreload image