Business of Luxury: Đẹp hơn, “giàu hơn” trong mắt ông lớn xa xỉ
Nhận thấy lợi ích to lớn từ việc kinh doanh sản phẩm làm đẹp, không ít ông lớn ngành xa xỉ đang chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực đầy tiềm năng này.
Trong những tháng cuối nắm 2022, ngành công nghiệp làm đẹp trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của giới đầu tư khi chứng kiến những chuyển biến mạnh mẽ như: Estee Lauder tiếp quản Tom Ford, Puig mua lại Byredo, và Coty bán lại giấy phép thương hiệu cho Lacoste. Năm 2023 dự đoán sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều diễn biến mới trong ngành.
Để lý giải cho thực trạng này, có thể thấy việc kinh doanh sản phẩm làm đẹp là một trong những cách nhanh nhất giúp thương hiệu tăng doanh thu cũng như mở rộng đối tượng khách hàng. Theo báo cáo tài chính gần đây của LVMH, doanh thu nước hoa và mỹ phẩm của tập đoàn ghi nhận mức tăng trưởng 17%, tương đương lên đến 7.7 tỷ Euro vào năm 2022. Các công ty cùng ngành khác như L’Oréal, Coty và Shiseido cũng công bố doanh thu lần lượt đạt 38,2 tỷ, 5,26 tỷ và 8,2 tỷ đô.
Lợi ích tăng trưởng doanh thu
Trong giai đoạn đầu của dịch Covid-19, bên cạnh lạm phát gia tăng và chuỗi cung ứng gián đoạn, cách ly khiến nhu cầu trang điểm giảm trong khi nhu cầu trị mụn tăng cao do đeo khẩu trang. Trước thực trạng đó, các thương hiệu đã chuyển hướng tập trung sang lĩnh vực chăm sóc da để kịp thời bù đắp cho doanh số sụt giảm của ngành hàng trang điểm.
Một phân khúc làm đẹp khác cũng chứng kiến bước nhảy vọt đó là nước hoa. Báo cáo của NPD cho thấy doanh số nước hoa tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ vào những thay đổi trong hành vi tiêu dùng của Gen Z và nhu cầu gia tăng tại Trung Quốc. Thống trị thị trường mùi hương là các thương hiệu nước hoa thiết kế như Chanel, Christian Dior, Giorgio Armani, Paco Rabanne, Calvin Klein,… Một điểm chung dễ thấy của các thương hiệu này là đều có đối tác trong ngành thời trang. Qua đó thấy được hợp tác với những thương hiệu làm đẹp hàng đầu mang lại cho nhãn hàng thời trang nguồn thu nhập không hề nhỏ.
Thành công của LVMH là một ví dụ điển hình cho chiến lược kể trên, ngoài ra còn có Kering. Tập đoàn đã công bố thành lập bộ phận kinh doanh riêng là Kering Beauté và bổ nhiệm Raffaella Cornaggia – giám đốc điều hành lâu năm của Estee Lauder, làm CEO. Kering cũng lấn sân sang lĩnh vực làm đẹp khi sở hữu các thương hiệu danh tiếng như Veneta, Balenciaga và Alexander McQueen.
Lợi ích mở rộng tệp khách hàng
Không phải người tiêu dùng nào cũng có khả năng chi trả cho mặt hàng xa xỉ. Vậy nên, thông qua sản phẩm làm đẹp bình dân hơn như son, phấn mắt hoặc nước hoa, thương hiệu có thể mở rộng đối tượng người tiêu dùng của mình.
Đây cũng là cách hiệu quả để thương hiệu tăng độ nhận diện và khách hàng trung thành. Thông qua hợp tác với nhà sáng tạo nội dung hoặc nhân vật nổi tiếng, thương hiệu có thể thu hút sự chú ý và ủng hộ lớn từ công chúng, như cách Dior bổ nhiệm Jisoo của nhóm nhạc Blackpink làm đại sứ toàn cầu hay sắp tới là Minji của nhóm nhạc mới nổi NewJeans.
Đến nay, mức độ sẵn sàng chi trả cho sản phầm chăm sóc sắc đẹp chưa hề có dấu hiệu suy giảm. Dễ dự đoán được thị trường làm đẹp sẽ thu hút các thương hiệu ngày càng mạnh mẽ hơn.