BUSINESS OF LUXURY

Giới đầu tư Trung Quốc dần chuyển hướng sang đồng hồ hạng sang

Dec 25, 2021 | By Ton Binh

Nhiều dấu hiệu cho thấy giới thượng lưu tiếp tục chi mạnh cho đồng hồ cao cấp khi các cuộc suy thoái kinh tế dần ảnh hưởng đến lĩnh vực bất động sản.

Các nhà đầu tư bất động sản ở Trung Quốc đang dần tập trung vào mảng đồng hồ xa xỉ như một khoản đầu tư có giá trị lâu dài trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm và chính phủ tăng cường các biện pháp chống đầu cơ nhà ở.

Các tay buôn có tiếng trên thị trường đồng hồ thứ cấp chia sẻ với Financial Times rằng gần đây việc kinh doanh của họ rất khởi sắc khi giới doanh nhân chi mạnh cho đồng hồ hạng sang thay vì mua bất động sản như trước. Các chuyên gia cho biết, trào lưu mua sắm đã góp phần làm tăng 40% kim ngạch nhập khẩu đồng hồ Thụy Sĩ của Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2021, ngay cả khi nền kinh tế lớn hơn giảm nhiệt.

Camille Gaujacq – một nhà phân tích tại Daxue Consulting thuộc một nhóm nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Thượng Hải cho biết sự suy thoái trong ngành bất động sản – lĩnh vực từng là “khoản đầu tư” của tầng lớp giàu có ở Trung Quốc đã khiến nhiều người phải tìm kiếm các giải pháp thay thế.

Gaujacq nói: “Đồng hồ hạng sang có thể là câu trả lời”.

Hầu hết bất động sản ở các thành phố của Trung Quốc đã được đặt cọc một chiều kể từ khi thị trường nhà ở đô thị của nước này được tự do hóa vào cuối những năm 1990. Nhưng quyết tâm của chủ tịch Tập Cận Bình trong chính sách “sự thịnh vượng chung”, cũng như sự sụp đổ của Evergrande và các nhà phát triển bất động sản có đòn bẩy tài chính cao khác đã dẫn đến sự sụt giảm hiếm hoi về giá bất động sản trong những tháng gần đây.

Các nhà phân tích và khách mua bất động sản kỳ vọng rằng cuộc suy thoái này sẽ kéo dài. Gần đây, chính phủ Trung Quốc đã nhắc lại khẳng định của ông Tập rằng “nhà là để ở, không phải để đầu cơ” ngay cả khi ông đang thực hiện các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế chung. Mới đây, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã công bố giảm năm điểm cơ bản trong “lãi suất cơ bản cho vay” một năm xuống còn 3,8%, nhưng vẫn giữ nguyên lãi suất 5 năm được sử dụng để định giá các khoản thế chấp không đổi ở mức 4,65%.

Trong khi nhu cầu của người tiêu dùng bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế, những chiếc đồng hồ cao cấp lại đã trở nên phổ biến hơn đối với giới giàu và siêu giàu. Một cuộc khảo sát do CSG Intage – một công ty tư vấn có trụ sở tại Hồng Kông thực hiện vào tháng 10 năm nay với 1.500 người trưởng thành có thu nhập hộ gia đình hàng năm trên 78.480 USD đã cho thấy rằng, có đến 88% trong số họ có dự định sẽ giữ hoặc tăng chi tiêu cho đồng hồ xa xỉ trong 12 tháng tiếp theo.

Simo Tye – tác giả của nghiên cứu trên cho biết: “Thị trường đồng hồ đang phát triển rất mạnh mẽ. Nếu bạn đến một cửa hàng đồng hồ Thụy Sĩ ngay lúc này, chắc chắn họ sẽ không có đủ đồng hồ để bán cho khách hàng.”

Đối với nhiều vị khách giàu có, những chiếc đồng hồ xa xỉ không chỉ là vật đánh dấu địa vị xã hội mà còn là hàng “rào chống lạm phát”, một vật phẩm để đầu tư về lâu về dài.

Sam Yu – chủ một công ty sản xuất lò sưởi điện và có hai căn hộ, hiện đang sống tại phía đông tỉnh Giang Tô cho rằng việc mua một chiếc đồng hồ Patek Philippe trị giá 700.000 Rmb vào tháng 8 của mình là một khoản đầu tư khôn ngoan. “Sau hai năm, tôi có thể bán chiếc đồng hồ này và mang về một khoản chênh lệch đáng kể. Điều đó sẽ không xảy ra nếu tôi mua một căn hộ với những bất ổn về chính sách, thậm chí có thể mất nhiều tháng để tìm được người mua trừ khi tôi giảm giá sâu”. Anh còn cho biết thêm rằng, bất động sản gần nhất anh mua là cách đây 5 năm.

Theo Watcheco – trang mua bán đồng hồ thứ cấp trực tuyến hàng đầu Trung Quốc cho biết, nhiều thương hiệu cao cấp đã có giá bán tăng mạnh trong những năm gần đây. Thậm chí một số mẫu ghi nhận mức tăng đến gấp 5 lần so với giá ban đầu.

David Wang – một nhà bán lẻ đồng hồ cao cấp có trụ sở tại Thượng Hải cho biết: “Nhu cầu đồng hồ cao cấp hiện rất cao và chúng tôi đang cạn kiệt nguồn cung đối với một số mẫu cao cấp nhất định. Đó là chưa kể đến việc giá bán sẽ không giảm trong tương lai gần”.

Động lực thứ ba thúc đẩy sự bùng nổ của thị trường đồng hồ xa xỉ tại Trung Quốc chính là tính di động, điều này giúp những công dân giàu có dễ dàng chuyển tài sản của họ ra nước ngoài nếu cần. Wang cho biết một số khách hàng của anh đã chi hàng chục nghìn USD cho một chiếc đồng hồ để hợp thức hóa các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt áp đặt giới hạn hàng năm là 50.000 USD cho việc chuyển tiền của các cá nhân ra nước ngoài.

Wang nói: “Các quan chức hải quan sẽ không biết rằng chiếc đồng hồ của bạn có giá trị như thế nào. Điều đó vô tình giúp việc chuyển tiền của họ ra nước ngoài an toàn và hiệu quả hơn”.

Theo Báo cáo bổ sung của Xinning Liu ở Bắc Kinh và Tom Mitchell ở Singapore


 
Back to top