Đồng hồ giả: Cơn ác mộng, tấn trò đùa của những tay chơi đồng hồ?
Đồng hồ giả – cơn ác mộng của các tay chơi chân chính và là mối nguy hại tiềm tàng của các thương hiệu đồng hồ uy tín. Nhưng hơn hết, sự phát triển tràn lan và ngày một tinh vi của mặt hàng này còn gây ra rất nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp đồng hồ xa xỉ.
“Fake watches are for fake people – Be authentic buy real” là thông điệp mà Hiệp hội đồng hồ Thụy Sĩ đang truyền tải đến các nhà sưu tầm chuyên nghiệp và khách hàng. Thông điệp này nói lên sự thật đáng buồn mà ngành đồng hồ đang đối mặt, sự cạnh tranh của đồng hồ giả tràn ngập thị trường, không những làm giảm đi sức mua của đồng hồ thật mà còn đánh lừa nhiều nhà sưu tập còn non trẻ mới bắt đầu chơi đồng hồ.
Theo một số nhận định, việc mua đồng hồ giả đối với một số nhà sưu tập có sức hấp dẫn khó cưỡng. “Tôi đã thấy khá nhiều nhà sưu tập đồng hồ đáng kính sở hữu những bộ sưu tập đáng ngưỡng mộ, nhưng họ không thể chạm tay đến chiếc đồng hồ độc bản mà họ ao ước, do đó họ phải lùng mua cho bằng được mẫu đồng hồ giả đó để thỏa mãn trí tò mò”, ông Anthony Perkin – quản lý một thương hiệu danh tiếng cho biết.
“Cũng có những trường hợp các khách này luôn mua từ đại lý có ủy quyền nhưng rồi bất lực trước giá của chiếc đồng hồ đó và phải tìm đến nguồn không đảm bảo trên mạng để mua giá rẻ hơn và tin rằng họ đã mua được giá hời trên mạng. Dĩ nhiên, những người khách này sẽ phải lên cơn đau tim khi phát hiện ra rằng họ bị hố khi phải trả từ 20.000 đến 25.000 USD cho một chiếc đồng hồ giả tinh xảo”.
Thông điệp từ các hãng đồng hồ và cố vấn pháp lý của họ luôn tư vấn khi có những vụ kiện tụng, thậm chí gây cấn, xô xát khi biết mình mua nhầm hàng giả là hơn lúc nào hết những người sưu tập đồng hồ phải ý thức rõ ràng và thận trọng về nguy cơ khi mua đồng hồ cao cấp của những hãng có tên tuổi qua các đại lý không được ủy quyền, nhất là các trang web bán lẻ đồng hồ trên mạng rao bán giảm giá trên 20%.
Đó là bởi sự phát triển ồ ạt của dòng đồng hồ “super fake”, hàng giả của những mẫu đồng hồ tên tuổi nổi tiếng, được sản xuất chủ yếu ở Trung Quốc và giống hàng thật đến 90%. “Hai mươi năm trước, hàng giả trông rất giả”, ông Michael Lucern – chuyên gia chống hàng giả của Hiệp Hội cho biết. “Bạn chỉ cần lướt qua là biết đó là đồ bỏ đi và nhìn nó một cách đáng dè bỉu, nhưng ngày nay mọi người lại xúm nhau và trầm trồ sao lại giống hàng thật đến thế”.
Mọi chuyện giờ đã khác. Ngày nay, các thương hiệu đồng hồ truyền tai nhau câu chuyện về những chiếc đồng hồ giả giống thật đến mức chính họ cũng khó lòng phân biệt. Chúng không chỉ giống diện mạo bên ngoài, như vỏ, mặt số, dây đeo v.v. mà còn cả chất lượng của bộ máy cơ bên trong. Ông Michel Arnoux – trưởng bộ phận chống hàng giả của Liên Ngành Đồng hồ Thụy Sĩ (FH) đưa ra dẫn chứng là chiếc đồng hồ Hublot Big Bang Tourbillon giả do nhân viên Hải quan Thụy Sỹ thu giữ được.
Mọi thứ đều trông như thật, kể cả chiếc dây cao su có mùi thơm vani đặc trưng. Chỉ khi kiểm tra thật kỹ, ông mới phát hiện những dấu hiệu mà chỉ người có kinh nghiệm mới có thể nhận ra: miếng nhựa trên vỏ đáng ra phải là carbon, và kính chống lóa thay vì chỉ là kính thường. Nhưng ấn tượng nhất là bộ máy cơ.
“Đó là lần đầu tiên tôi cầm trên tay một chiếc đồng hồ tourbillon giả được lắp máy có tính chính xác cao thực sự làm tôi hơi bối rối”, ông Arnoux cho biết.
Vụ việc tốn nhiều giấy mực liên quan đến đồng hồ giả vừa xảy ra gần đây nhất chính là chuyện ngôi sao nhạc rap Lil Baby mua phải một chiếc đồng hồ Patek Philippe nhái với số tiền lên đến 400.000 USD tại cửa hàng Rafaello & Co.. Cả nam rapper lẫn nhân viên của cửa hàng cũng không biết rằng họ đang mua – bán đồng hồ giả, cho đến khi anh ta đeo trên tay trong một lần biểu diễn trước công chúng và bị họ phát hiện.
Gần như mọi hãng đồng hồ Thụy Sỹ cao cấp đều đang phải đối mặt với hàng superfake, ông Jon Omer – Chủ tịch của AWA (American Watches Association), cựu Giám đốc DeWitt America LLC, nói. “Ta đang phải đối mặt với một vấn nạn mới, và ngày càng trầm trọng. Chúng tôi muốn nói đến những chiếc đồng hồ được bán với giá hơn 50.000, thậm chí 100.000 USD nhưng là hàng giả, điều này không thể chấp nhận được. Đó là sự lừa dối. Mọi người phải đấu tranh với điều đó thì thị trường hàng giả mới không hoành hành như hiện nay”. Ông chia sẻ thêm, cách duy nhất để người tiêu dùng tránh được vấn đề này là mua từ đại lý có ủy quyền.
AWA và hơn 30 công ty đồng hồ thành viên đã chiến đấu với hàng đồng hồ giả suốt hàng thập kỷ. Các công ty đồng hồ hoạt động độc lập để bảo vệ thương hiệu và các sản phẩm mang tính trí tuệ của mình. Trong đó, hàng năm, một số công ty đã đầu tư khổng lồ vào cuộc chiến đa mặt trận này. Họ phối hợp với Hải quan Hoa Kỳ, Thụy Sỹ, Châu u và các cơ quan hành luật của liên bang, và địa phương, thậm chí còn thuê đội điều tra riêng, để chiến đấu với bọn tội phạm ăn cắp tài sản trí tuệ (Intellectual Property).
Đặt trụ sở tại Washington, AWA chiến đấu trên mặt trận lập pháp và kiểm soát. Sứ mệnh của AWA rất cụ thể: là tiếng nói của các thành viên ở Washington, và đảm bảo rằng ngành đồng hồ cần được đặt dưới sự quản lý của pháp luật, từ thuế và các quy định được đặt ra cho các loại dây đồng hồ bằng da cá sấu hoặc da bò sát tới nồng độ thủy ngân trong pin đồng hồ. Ban cố vấn pháp lý của hiệp hội là công ty luật có tiếng tại Washington, D.C., Covington & Burling. Trong cuộc chiến chống hàng giả, AWA đóng vai trò quan trọng. “Hiệp hội đóng vai trò chính trong việc trình dự thảo chống hàng giả năm 1984 qua Hạ viện Mỹ và trở thành luật”, Giám đốc Điều hành Emilio “Toby” Collado nói. Đây là đạo luật đầu tiên khép việc làm hàng giả thành trọng tội.
Một thập kỷ sau, AWA đang dẫn đường trong việc soạn thảo và vận động cho các điều luật mạnh hơn để chống lại hàng giả. Hiện tại, AWA đang nỗ lực để thông qua “dự luật chống các trang web lừa đảo” (Luật bảo vệ các tác phẩm trí tuệ năm 2011) để giúp loại bỏ các trang web chuyên bán đồng hồ giả. Ông Collado nói cuộc chiến còn dài do vấp phải sự phản đối quyết liệt của các trang web kinh doanh đồng hồ trên mạng. “Ngoài ra, chúng tôi đang phối hợp với những người khác để nâng cao hình phạt đối với những tội phạm vi phạm tác phẩm trí tuệ tái phạm và đối với những tội liên quan đến các băng nhóm và tập đoàn tội phạm có tổ chức sản xuất và tiêu thụ mạnh như ở Trung Quốc và Mỹ”.
Bình thường ngành đồng hồ rất kín tiếng về những nỗ lực chống hàng giả của mình. Nhưng sự bùng nổ của hàng superfake sẽ có tác động ngày càng tiêu cực, không chỉ đến các thương hiệu mà còn đến người tiêu dùng. Những người tiêu dùng hoàn toàn không hề biết những hàng mình mua hay được tặng là hàng giả cho đến khi họ mang chiếc đồng hồ đó đến đại lý ủy quyền hay Boutique chính hãng để sửa chữa hay bảo hành, thì được thông báo rằng đó là hàng giả. Đại lý hay Boutique cho dù không mong muốn phải thông báo tin không vui này đến khách hàng, nhưng sợ bị vạ lây và sợ bị nghi ngờ tráo đổi hàng giả họ đành phải báo cho chủ nhân biết.
Điều này thôi thúc AWA rung lên hồi chuông cảnh báo. Gần đây, Hiệp hội đã đăng lên trang web của mình một văn bản được gọi là “10 tội ác của đồng hồ giả” nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về vấn nạn hàng giả. Văn bản tóm lược những điểm chính mà các nhà quản lý đồng hồ và luật sư đã đưa ra tại cuộc họp bàn tròn của AWA về lý do tại sao người tiêu dùng nên tẩy chay đồng hồ giả.
AWA nhận thức được rằng ở thị trường Mỹ, “hàng giả” không hẳn mang nghĩa xấu. Một số người tự hào khi mua và dùng chúng. Ông David Perlman, nhà cố vấn của Citizen Mỹ, nêu ra ví dụ là túi xách Hermès. Ông nói: “Chúng giá hàng nghìn USD, nhưng người ta có thể mua túi Hermès giả với giá vài trăm USD. Họ mua những thứ mà họ biết không phải hàng thật vì lý do thời trang hoặc bất cứ lý do nào khác. Đó là môi trường mà chúng ta đang hoạt động, sinh sống và đó là vấn đề nhận thức văn hóa”. Ông Brian Shadwell, một luật sư đang làm việc chặt chẽ với một hãng đồng hồ danh tiếng cho biết: “Họ nghĩ việc sở hữu hàng giả chẳng làm hại ai và cũng chẳng ai rỗi hơi quan tâm đến việc đó của họ”.
Tuy nhiên, theo ý kiến chuyên gia, việc sản xuất và phân phối đồng hồ giả làm hại rất nhiều người. Sản xuất và kinh doanh đồng hồ giả là một thị trường lớn. Hiệp Hội Đồng Hồ của Thụy Sỹ ước tính rằng mỗi năm có 40 triệu chiếc đồng hồ giả được sản xuất, nhiều hơn tổng số lượng hàng năm của các nhà chế tác đồng hồ Thụy Sỹ là 25%. Doanh thu từ việc mua bán đồng hồ giả đã đạt con số khoảng 1 tỷ franc Thụy Sĩ vào năm 2011 (1,08 tỷ USD). Thị trường hàng giả bị thống trị bởi tội phạm có tổ chức và sử dụng lao động trẻ em.
Nhìn chung, Trung Quốc là kinh đô của ngành sản xuất đồng hồ giả, và trung tâm của nó là tỉnh Quảng Đông. Các nhân viên hành luật cũng nói rằng việc sản xuất hàng giả còn có liên quan đến nạn khủng bố quốc tế. Hơn nữa, quan niệm chẳng hại gì khi mua chiếc đồng hồ giả giá 50 USD là một sai lầm. Có rất nhiều tác động tiêu cực từ việc mua bán này và nó ngày càng nghiêm trọng nếu tiền này được chi trả cho các tổ chức khủng bố để chúng tồn tại.
Người bị ảnh hưởng trong giao dịch đó là nhà sản xuất đồng hồ chính hãng giá rẻ nào đó và thị trường bán lẻ đã mất đi một thương vụ mua bán. Ngoài ra, có khả năng số tiền thu được sẽ rơi vào tay các con buôn trên mạng đang hoạt động ở ngoài nước Mỹ và không phải trả thuế. Một nạn nhân khác là người tiêu dùng. Các công ty đồng hồ uy tín tuân thủ luật bảo vệ người tiêu dùng, như phần trăm chì trong vỏ đồng hồ hay quy định cấm thủy ngân trong pin đồng hồ ở một số bang đều rất khắt khe.
Người sản xuất đồng hồ giả không hề quan tâm tới những quy định này trong quy trình sản xuất, đồng hồ của họ có thể chứa chất độc như chì, catmi và thủy ngân và người tiêu dùng bị nhiễm độc lúc nào không biết nếu sử dụng chúng hằng ngày. Bị ảnh hưởng trầm trọng là những người sở hữu thương hiệu. “Công ty chúng tôi bỏ tiền để xây dựng thương hiệu, thông qua việc thiết lập các thương vụ bán lẻ, và chi hàng triệu USD cho việc tiếp thị marketing toàn cầu. Những người làm hàng giả không hề làm những điều đó. Họ giống như vật ký sinh hút máu của chúng tôi và hưởng lợi từ các quảng cáo và hình ảnh của hàng thật để rao bán hàng giả của họ”, ông Omer cho biết.
“Việc sản xuất hàng giả phá hoại thị trường kinh doanh. Giá trị của một thương hiệu là gì? Mục đích của luật thương mại là bảo vệ thứ đã được xây dựng suốt nhiều thế hệ. Và chúng đang bị hàng giả hủy hoại”. Một phần thông điệp của các Hiệp Hội gửi tới những người biết nhưng vẫn mua hàng giả là sản xuất và tiêu thụ hàng giả là một tội ác, mua hàng giả là ủng hộ hoạt động phạm tội. Cuối cùng, có nhiều nạn nhân vô tội lầm tưởng rằng chiếc đồng hồ tên tuổi mà họ mua là hàng thật.
Một CEO của Breitling tại Bắc Mỹ, nói: “Chúng tôi có những vị khách đến bàn dịch vụ khách hàng trong boutique chỉ để nhờ thẩm định đồng hồ, và chúng tôi phải tuyên bố trước sự bất ngờ của họ rằng chiếc đồng hồ đó là giả. Chúng ta khó lòng xử lý được các tổ chức sản xuất đồng hồ giả nhưng chí ít, chúng ta có thể bảo vệ người tiêu dùng bằng cách nói cho họ biết rằng trong ngành kinh doanh đồng hồ, bạn sẽ gặp rủi ro rất lớn khi mua hàng trên mạng, vì có thể bạn sẽ gặp đồng hồ giả”.
Cuộc chiến của các công ty đồng hồ với những kẻ ăn trộm tài sản trí tuệ của họ vẫn tiếp diễn. Khả năng bắt chước đồng hồ sẽ liên tục được cải thiện. Và không chỉ đồng hồ, họ còn làm giả hộp đựng, thẻ bảo hành, thậm chí trang web. Một thương hiệu đã phát triển hình dán hologram để chống hàng giả, và kẻ sản xuất hàng giả đã bắt chước chính điều đó. Ông Perlman của Citizen nói: “Đó là cuộc chiến không có hồi kết vì rất nhiều lý do, và bạn có thể mất cả đống tiền vào đó. Có thể bạn sẽ không bao giờ nhổ được tận gốc vấn đề nhưng mọi sự nỗ lực đều xứng đáng. Chúng tôi nợ các công ty, nhà bán lẻ và người tiêu dùng điều đó và chúng tôi sẽ cố gắng hết sức có thể, để bảo vệ người tiêu dùng và thương hiệu của chúng tôi”.