BUSINESS OF LUXURY

CEO L’Oréal Vietnam: Chúng tôi không “toàn cầu hóa” cái đẹp!

Jun 21, 2021 | By Nguyen Huu Hon

Nếu bạn cần một cái nhìn khách quan, thẳng thắn nhưng trọng tâm và cởi mở về tiềm năng của thị trường làm đẹp Việt Nam thì mời bạn đến với cuộc trò chuyện với Giám đốc điều hành L’Oréal Vietnam – ông Valéry Gaucherand, nơi chúng ta sẽ cùng nghe “chuyên gia” nói chuyện “chuyên môn”.

Được biết ông đã có thâm niên hơn 20 năm gắn bó với tập đoàn L’Oréal Paris tại 8 quốc gia khác nhau. Vậy đâu là cơ duyên mang ông đến với Việt Nam?

Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh, tiềm năng mạnh trên thế giới, đặc biệt là thị trường làm đẹp. Điều này rất tự nhiên đã trở thành một trong những yếu tố thu hút tôi đến đây để được làm việc ở một đất nước tuyệt vời và góp phần vào sự phát triển của thị trường làm đẹp tiềm năng này.

Vào thời điểm ông đến Việt Nam, thị trường làm đẹp tại đây như thế nào? Và nó đã thay đổi ra sao cho đến hiện tại?

Thị trường làm đẹp của Việt nam đang thay đổi rất nhanh so với thời điểm tôi mới đến. Ngày càng có nhiều người tiêu dùng Việt chú trọng hơn vào hoạt động chăm sóc vẻ đẹp của mình và theo đuổi những quy trình làm đẹp chuẩn mực, chuyên nghiệp hơn mỗi năm. Người tiêu dùng Việt Nam đã đặt nhiều câu hỏi hơn về chất lượng của những sản phẩm làm đẹp mình mong muốn sử dụng. Họ yêu thích và tin tưởng hơn vào những gợi ý từ cộng đồng làm đẹp đang hoạt động tích cực trên các mạng xã hội. Họ cũng khám phá, trải nghiệm và mua sắm nhiều hơn các sản phẩm làm đẹp qua mạng so với thời điểm trước đây.

Đâu là những thói quen làm đẹp và đặc điểm phát triển riêng biệt của thị trường Việt Nam khiến ông ấn tượng nhất?

Việt Nam là một thị trường rất cởi mở và luôn trên tinh thần đón nhận những điều mới mẻ từ khắp nơi trên thế giới, từ những người có tầm ảnh hưởng, cho dù họ ở phương Tây hay ở khu vực châu Á. Người tiêu dùng Việt có khuynh hướng tin tưởng vào các thương hiệu tên tuổi và có uy tín, tìm kiếm các sản phẩm thật sự có chất lượng, hiệu quả đã được chứng minh khoa học, an toàn khi sử dụng và có lịch sử được tin dùng. Với thị trường làm đẹp Việt nam, ngành chăm sóc da là phân khúc phát triển mạnh mẽ nhất, trong đó các sản phẩm phục vụ cho quy trình làm sạch da đóng vai trò chủ lực do điều kiện khí hậu nhiệt đới của Việt Nam và loại da phổ biến của người tiêu dùng phần nhiều là da dầu.  Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng đang đón nhận và cập nhật theo nhiều khuynh hướng trang điểm, tạo cho mình những màu tóc hiện đại để xây dựng hình ảnh khỏe khoắn, cá tính, chuyên nghiệp, đặc biệt là giới trẻ.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng nhanh. Trong đó, thị trường làm đẹp cũng như một số ngành công nghiệp khác đang được định hình bởi sức mạnh của mạng xã hội và thế hệ người dùng mới Gen Z. Đối với một tập đoàn có lịch sử phát triển lâu đời như L’Oréal, đâu là điều nên được gìn giữ và đâu sẽ là điều nên được linh hoạt thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới?

L’Oréal sở hữu danh mục thương hiệu quốc tế hàng đầu thế giới và hoạt động theo định hướng đi theo văn hóa riêng biệt của từng quốc gia chứ không toàn cầu hóa cái đẹp. Chính điều này đã tạo nên một tập đoàn dẫn đầu thế giới trong ngành làm đẹp nhưng vô cùng uyển chuyển ở tất cả mọi quốc gia, rất gần gũi và hiểu sâu sắc người tiêu dùng để đáp ứng cho nhu cầu và mong đợi của tất cả khách hàng, theo phương châm lấy khách hàng làm trọng tâm của hoạt động kinh doanh. Chiến lược này đã diễn ra từ rất lâu và vẫn còn đang được áp dụng trên khắp toàn cầu. Với sự linh hoạt như vậy, L’Oréal đã có thái độ rất nhanh chóng trong việc chuyển đổi sang nền tảng kỹ thuật số không chỉ ở các trụ sở chính mà tất cả các bộ phận.

Ngày nay, L’Oréal được nhận diện là công ty thật sự vận hành trên nền tảng kỹ thuật số và điều này cũng rất đúng với trường hợp của L’Oréal Vietnam. Điều chúng tôi muốn bảo vệ và giữ gìn tại Việt Nam là luôn mang đến cho người tiêu dùng Việt những thương hiệu hàng đầu, với những sản phẩm làm đẹp đáp ứng cho nhu cầu rộng lớn của tất cả mọi người, theo cách thức bao quát và bền vững. Chúng tôi liên tục điều chỉnh cách thức tương tác với người tiêu dùng ở nơi họ mong muốn chúng tôi tương tác và thực sự để họ gắn kết với các thương hiệu của chúng tôi theo cách mà họ mong muốn.

Cửa hàng Lancôme ở Đồng Khởi

Mặc dù thị trường Việt Nam luôn được đánh giá cao với nhiều tiềm năng nhưng những con số thực tế lại cho thấy sức mua của người tiêu dùng Việt thấp hơn các nước trong khu vực (khi cụ thể là thị trường Thái Lan hay Philippines). Ông nghĩ sao về thực tế này và L’Oréal có chiến lược gì để tối ưu hóa nguồn tiềm năng từ thị trường Việt Nam?

Việt Nam đang trong xu thế đi tắt đón đầu, bắt kịp rất nhanh với thế giới. Bên cạnh là một nền kinh tế mới nổi và hành trình phát triển ấn tượng, thì chính hành vi của người tiêu dùng Việt mới là yếu tố thúc đẩy thực sự cho sự phát triển này. Người Việt Nam khá lý trí trong việc mua sắm và thực sự chọn những thứ họ muốn để bỏ tiền vào. Sản phẩm chăm sóc da là một ví dụ, một phân khúc đang phát triển rất nhanh, bởi vì hơn bao giờ hết trong mọi thời điểm, người tiêu dùng đều muốn tiếp cận và sở hữu những sản phẩm chất lượng cao giúp tăng cường sức khỏe và vẻ đẹp của họ.

Giữa rất nhiều yếu tố tác động, ông nghĩ đâu là điều thị trường Việt Nam đang thiếu để có thể thực hiện một cú bức phá xứng tầm?

Tôi nghĩ là không có. Việt Nam đang ở giữa chặng đường tạo ra những bước đột phá trong ngành làm đẹp và hầu hết người tiêu dùng Việt đang kiểm soát được nhu cầu làm đẹp của chính mình. Tôi nghĩ đó là một điều thú vị. L’Oréal có một danh mục thương hiệu đa dạng từ dòng sản phẩm làm đẹp phổ biến như L’Oréal Paris, Maybelline, Garnier cho đến dòng dược mỹ phẩm như La Roche-Posay, Vichy, SkinCeuticals và dòng cao cấp như Kiehl’s, Lancôme, Shu Uemura, Yves Saint Laurent, Kerastase, L’Oréal Professionnel để luôn có thể đáp ứng tất cả nhu cầu của người tiêu dùng và đồng hành cùng với người tiêu dùng trong mọi khát vọng làm đẹp của mình.

Photo: Hình ảnh trong chuỗi sự kiện ra mắt nhãn hàng YSL Beauty (trực thuộc tập đoàn L’Oréal) tại Việt Nam

Ông có nhắc nhiều đến sự yêu thích của người tiêu dùng Việt đối với mặt hàng chăm sóc da.  Thói quen tiêu dùng này có ảnh hưởng gì đến phân khúc trang điểm mà L’Oreal đang tham gia tại thị trường Việt Nam?

Chúng tôi không phân biệt rạch ròi dưỡng da và trang điểm theo dạng như hai mặt của một đồng xu. Trang điểm là một khía cạnh xã hội khác của làm đẹp, một thứ có thể giúp phát triển sự tự tin của con người và tôn vinh nét đẹp riêng vốn có của mỗi cá nhân của chính. Thế hệ trẻ ngày nay cũng rất thích trang điểm, mặc dù chăm sóc da rõ ràng là ưu tiên làm đẹp số một ở Việt Nam.

Thế nhưng, có phải chính sự thật rằng “chăm sóc da rõ ràng là ưu tiên làm đẹp số một” đã khiến L’Oréal cân nhắc và quyết định mang thêm một thương hiệu chăm sóc da chuyên sâu là SkinCeuticals về Việt Nam trong đầu năm nay (cho dù thị trường làm đẹp vẫn ít nhiều bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19)?

Quả đúng như vậy! Người tiêu dùng Việt ngày càng tinh tế hơn trong cách tiếp cận với các sản phẩm chăm sóc da. Họ cũng rất quan tâm đến chất lượng và hiệu quả hàng đầu của sản phẩm này. Vì thế, chúng tôi tin rằng đã đến lúc chúng tôi nên mang SkinCeuticals, thương hiệu có quyền năng mạnh mẽ và ấn tượng về chống oxy hóa vào thị trường Việt Nam để phục vụ cho người tiêu dùng Việt.

Người tiêu dùng hiện nay, đặc biệt là thế hệ millennials và Gen Z (cả ở Việt Nam và trên thế giới), thực sự quan tâm đến các vấn đề môi trường và xã hội. Họ đang yêu cầu nhiều trách nhiệm hơn từ phía thương hiệu và các sản phẩm họ tiêu thụ thay vì chỉ quan tâm đến bao bì hay công năng hiệu quả. L’Oréal và tất cả các thương hiệu trực thuộc đã xem xét và phản ứng như thế nào với sự thay đổi này?

Tính bền vững là tầm nhìn của chiến lược phát triển trong hàng chục năm qua của L’Oréal. Năm 2020, L’Oréal kết thúc chặng đường đầu tiên với những thành tích đáng chú ý như trở thành công ty duy nhất trên thế giới đạt chuẩn “AAA” về bảo vệ rừng, nguồn nước và chống biến đổi khí hậu do Tổ chức Môi trường Thế giới CPD bình chọn. Đồng thời, chúng tôi cũng đưa ra tham vọng mới mang tên L’Oréal for the Future với nhiệm vụ cùng với các nhà cung cấp và người tiêu dùng tạo nên những tác động tích cực cho môi trường dựa trên các mục tiêu khoa học. Song song đó, L’Oréal tạo ra Quỹ Đầu tư cho các Tác Động tích cực đến môi trường và hỗ trợ phụ nữ khó khăn trị giá 150 triệu euro.

Đến năm 2030, 95% nguyên liệu trong công thức sản phẩm của L’Oréal sẽ có nguồn gốc sinh học, chiết xuất từ các nguồn khoáng dồi dào hay từ các quy trình chế biến tuần hoàn. L’Oréal tin rằng chúng tôi có trách nhiệm thu hút mọi khách hàng, nhà cung cấp và người tiêu dùng cùng tham gia vào quá trình phát triển bền vững cũng như giúp người tiêu dùng đánh giá tác động của các sản phẩm họ mua và đưa ra quyết định mua hàng sáng suốt. Chẳng hạn như từ năm 2020, các sản phẩm của Garnier đều có “lý lịch môi trường” để giúp người tiêu dùng đưa ra các lựa chọn sản phẩm có ít tác động đến môi trường, bởi  phần quan trọng để đạt được sự bền vững là đánh giá chính xác tác động của sản phẩm và có hành động để giảm tác động đó. Vì thế, L’Oréal sẽ chia sẻ thông tin này với người tiêu dùng để họ có thể những lựa chọn bền vững và có hiểu biết.

L’Oréal đã  thực hiện quá trình chuyển đổi kỹ thuật số khá nhanh tại Việt Nam. Vậy cụ thể quá trình ấy là gì  và có ý nghĩa như thế nào với chính bản thân tập đoàn?

Chuyển đổi kỹ thuật số là một hành trình cần thiết đối với tất cả các công ty: nó giống như việc giải phóng những gì bạn đã làm trong nhiều năm và liên tục học hỏi những điều mới. Điều duy nhất quan trọng trong hành trình này là TỐC ĐỘ của nó. Nó không phải là BẠN LÀM GÌ mà là CÁCH bạn làm như thế nào mới cần được quan tâm. Đó là lý do tại sao không thể chỉ trong nháy mắt là hoàn thành công việc như vẫy cây đũa thần là mọi việc sẽ như mong ước, và cũng không thể có một giải pháp nào phù hợp cho mọi trường hợp. Nó phải dựa trên sự xây dựng năng lực thực sự, xây dựng kỹ năng của các nhóm, lựa chọn các đối tác tốt nhất. Nó là một hệ sinh thái đầy đủ để chúng ta thiết lập hoàn chỉnh. “Chuyển đổi kỹ thuật số hay đóng cửa”, chúng tôi thường nói như thế! Và trong kỷ nguyên kỹ thuật số này, chiếc bánh ngon lành nhất chính là xây dựng chiến lược marketing tương tác, có nghĩa là có khả năng đồng tạo ra nội dung cho thương hiệu và sản phẩm của bạn với đối tác quan quan trọng nhất của các thương hiệu: những người tiêu dùng thế hệ trẻ!

Sự nghiệp của ông thật sự là một câu chuyện truyền cảm hứng. Dù xuất phát điểm không phải từ ngành làm đẹp nhưng ông vẫn có thể gắn bó với L’Oréal trong khoảng thời gian rất lâu và đạt được nhiều thành tựu đáng nể. Nếu có thể đưa ra một lời khuyên thành công dành cho các bạn trẻ, ông sẽ nói gì?

Đơn giản là bạn hãy luôn mang tinh thần tiến về phía trước, luôn uyển chuyển, phải thật nhanh nhưng phải có sự kiên trì. Mỗi chúng ta đều có sự lựa chọn và chúng ta hoàn toàn có thể tạo sự khác biệt, điều này nằm chính trong đôi bàn tay của bạn.

Xin cám ơn ông rất nhiều vì cuộc trò chuyện thú vị này.

Bài: Phương Linh


 
Back to top