BUSINESS OF LUXURY

GRAND HOUR SS4 EP.002 | Doanh nhân Ryan Ng: “Nghệ sĩ dấn thân làm kinh doanh là một lợi thế”

Apr 16, 2024 | By Luxuo Vietnam

Nhắc đến ngành công nghiệp piano cao cấp, không thể không nhắc đến cái tên Ryan Ng – người đại diện và dẫn dắt hệ sinh thái piano cao cấp Impressivo Klaviere & Flugel. Và Ryan cũng chính là nhân vật Grand Hour hân hạnh được chào đón trong buổi trò chuyện hôm nay. Hứa hẹn cuộc trò chuyện sẽ mang đến cho chúng ta những góc nhìn độc đáo và câu chuyện thú vị về lĩnh vực nghệ thuật đặc biệt này. 

Xin chào anh Ryan, rất vui vì anh đã đồng hành cùng Grand Hour! Trước tiên anh có thể giải thích về cái tên “Impressivo” không?

“Impressive” hay “Ấn Tượng” chính là điều nói lên tất cả những gì khách hàng có thể trải nghiệm khi đến với Impressivo Klaviere & Flugel. Đó cũng là ngụ ý khi tôi đặt tên cho thương hiệu của mình. Trong thuật ngữ âm nhạc tiếng Ý, ‘piano’ nghĩa là nhẹ thì ‘pianissimo’ là rất nhẹ. Tương tự, ‘forte’ nghĩa là mạnh thì fortissimo là rất mạnh, vì thế vần ‘i’ hoặc ‘o’ giúp cường hoá tính chất của một từ ngữ. Nên “Impressivo” có nghĩa là “rất ấn tượng” hay “ấn tượng cực mạnh” – điều tôi luôn hướng đến trong hành trình đồng hành cùng thương hiệu.

Được biết anh xuất thân là người chơi piano, vậy cơ duyên nào đã đưa anh đến với việc kinh doanh đàn piano cao cấp tại Việt Nam?

Chơi nhạc là một đam mê của tôi từ nhỏ, và tôi dừng lại ở đàn piano sau khi thử qua nhiều loại nhạc, bởi tôi tìm thấy và yêu âm thanh tự nhiên, mộc mạc của loại nhạc cụ này. Bên cạnh đó, tôi cũng theo đuổi ngành công nghệ thông tin nên tôi luôn có thói quen đặt câu hỏi “tại sao” với mọi thứ. 

Đến với piano, tôi liên tục tìm tòi và để giải đáp câu hỏi “tại sao” ấy, từ đó đi sâu hơn vào những đặc điểm và tính chất của chiếc đàn. Càng đi sâu, tôi càng thấy thích thú, tôi bắt đầu đi đến nhiều nơi trên thế giới để nghiên cứu thêm về loại nhạc cụ này, từ việc tìm hiểu ở các nhà máy đến việc nghiên cứu xu hướng thị trường âm nhạc, nguyên vật liệu,… Tôi nghĩ chính tình yêu với piano và đặc biệt là sự tò mò liên tục đối với nó đã đưa tôi đến với con đường kinh doanh piano cao cấp và đam mê công việc này lúc nào không hay.

“Sự tò mò không ngừng nghỉ đã đưa tôi đến dấn thân kinh doanh piano cao cấp”

Vậy việc vừa là một nghệ sĩ chơi đàn, vừa là một người làm kinh doanh piano giúp ích gì cho anh trong việc điều hành Impressivo?

Người ta hay nói “nghệ sĩ thì khó làm kinh doanh”, nhưng đối với tôi đó là một lợi thế! Việc chơi piano song hành với việc kinh doanh nhạc cụ này giúp tôi có khả năng thấu hiểu được cả người cung cấp lẫn người sử dụng. Từ đó nắm bắt được tâm tư của nhiều đối tượng khách hàng – một trong những chiếc chìa khóa trong việc kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh xa xỉ phẩm. 

Vậy khi dẫn dắt Impressivo với lợi thế trên, anh đưa ra những chiến lược, hướng đi độc đáo như thế nào cho thương hiệu?

“Trải nghiệm” và “Giá trị” mang đến cho khách hàng là những điều làm nên cái tôi của Impressivo. 

Vì sao lại là “Trải nghiệm” và “Giá trị”? 

Bởi mọi hoạt động của của Impressivo đều tập trung vào điều cơ bản nhất chính là đem đến trải nghiệm đáng có cho khách hàng. Và trải nghiệm ấy chính là niềm vui, sự thú vị – mục đích đầu tiên khi người ta tìm đến âm nhạc nói chung hay chiếc đàn piano nói riêng. Đồng thời, tôi xác định việc định hình “giá trị”, bản sắc thương hiệu cũng chính là cách nói lên điều tôi muốn, truyền tải thông điệp về nghệ thuật chơi piano đến thế giới. 

“Sở hữu piano cao cấp không đơn thuần là để thể hiện tính thượng lưu!”

Cụm từ “cá nhân hóa” thường được sử dụng trong ngành xa xỉ phẩm hiện nay để định hình tính cao cấp. Vậy anh Ryan có thể nói thêm về tính cá nhân hóa này không?

“Cá nhân hóa” (Bespoke) có thể đơn giản đến từ việc thay đổi chất liệu, màu sắc của chiếc đàn. Ở mức độ cao hơn, đó còn là việc đưa những chi tiết thể hiện bản thân, “cái tôi” của chủ sở hữu lên đàn. Đặc biệt việc đó sẽ thường được thực hiện bởi một nghệ nhân tay nghề cao. Ví như việc chế tác chữ ký của khách hàng bằng vàng hay đá quý và đưa chúng trở thành một phần của chiếc đàn; hay vẽ một bức tranh lên chiếc đàn piano chính là những điển hình của việc cá nhân hóa một xa xỉ phẩm. 

Nhưng chìa khóa của “cá nhân hóa” chính là quá trình chế tác nêu trên. Khi nói đến cá nhân hóa xa xỉ phẩm thì bắt buộc quá trình này phải được thực hiện một cách tinh tế và tỉ mỉ vô cùng. Ngoài ra, cá nhân hóa còn là việc tích hợp những công nghệ lên nhạc cụ của mình, chẳng hạn như công nghệ tự chơi đàn. Đó là điểm thể hiện tính cá nhân thường thấy trong ngành piano “high-end”. 

Theo anh, bí quyết để chọn một cây đàn piano tốt là gì?

“Touch” (Chạm) và “Tone” (Nghe) với tôi chính là 2 điều cơ bản, cốt lõi khi chọn một cây đàn tốt. 

Câu hỏi cuối cùng, việc sở hữu một cây đàn cao cấp đóng vai trò như thế nào trong việc định hình phong cách thượng lưu thưa anh?  

Theo tôi việc sở hữu một chiếc piano cao cấp không đơn thuần là để thể hiện tính “thượng lưu”. Sâu xa hơn, đó chính là cách chủ sở hữu thể hiện 4 giá trị cốt lõi: “Culture” – Chiều sâu văn hóa; “Experience” – Trải nghiệm tuyệt vời; “Excellence” – Tính độc bản hay Cá nhân hóa; “Position” – Vị thế trong xã hội. 

Cảm ơn những chia sẻ vô cùng thú vị của anh!

***

Thông tin về Grand Hour

Grand Hour Video Podcast là dự án do LUXUO Vietnam thực hiện, đem đến bức tranh toàn cảnh về câu chuyện kinh doanh của ngành công nghiệp xa xỉ, bên cạnh những khám phá về thú chơi của giới tinh hoa. Tại đây, các khách mời là những doanh nhân có tiếng trong nhiều ngành hàng xa xỉ sẽ chia sẻ về quá trình họ xây dựng và dẫn dắt những thương hiệu hàng đầu Việt Nam, cũng như bật mí về lối sống của tầng lớp thượng lưu. Grand Hour hứa hẹn đem đến cho quý khán giả nhiều góc nhìn sâu rộng về “thế giới của những giấc mơ”.

Bài: Vân Anh


 
Back to top