BUSINESS OF LUXURY

GRAND HOUR SS4 EP.004 | Founder, CEO & Giám đốc sáng tạo thương hiệu ADT, Antonio De Torres: “Sự kiêu hãnh làm nên thương hiệu”

May 03, 2024 | By Luxuo Vietnam

Có thời gian trau dồi kỹ năng và kiến thức tại nhiều thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới như Gucci Group, Dior, Bally of Switzerland,… Antonio De Torres sở hữu bề dày kinh nghiệm về thời trang cao cấp nói chung và là thời trang nam bespoke nói riêng. Với việc thành lập thương hiệu cá nhân mang tên của chính mình – Antonio De Torres (ADT), anh đã và đang góp phần vào hành trình phát triển nghề may đo thủ công đích thực. 

Không chỉ gói gọn trong việc “làm mọi thứ bằng tay”, 20 năm sống và làm việc tại Việt Nam, Antonio De Torres đã truyền đạt kiến thức về may đo thủ công của mình cho đội ngũ đầy tài năng và mang đến một góc nhìn mới mẻ cho ngành công nghiệp này. 

Xin chào Antonio, được biết ông là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực thời trang nam bespoke tại Việt Nam, vậy ông định nghĩa thời trang bespoke như thế nào?

“Bespoke” thường mang tiếng xấu bởi rất nhiều người đang sử dụng nó sai cách và sai với ý nghĩa thật sự. Vậy nên, tôi ở đây và mong muốn giải nghĩa cụm từ một cách chính xác hơn và nói lên phần nào bản chất của cụm từ này. 

Về cơ bản, bespoke là một khái niệm mà chỉ 0,01% đàn ông sẽ thực sự hiểu nó là gì và tôi nghĩ thị trường bespoke phát triển là nhờ có 0,01% khách hàng chất lượng như thế. Họ muốn thứ mà không ai có và bespoke sẽ là lựa chọn phù hợp nhất dành cho họ. Không cần nhãn hiệu, chỉ cần nó được làm từ những loại vải tốt nhất, bởi người có tay nghề khéo léo nhất – đó là bespoke. 

Bạn sẽ phải trả 2000 USD hay 5000 USD để có một bộ đồ bespoke, bởi nó mất rất nhiều thời gian và công sức để làm ra một sản phẩm may đo thủ công như thế, có thể là 1 tháng, 2 tháng hoặc nhiều hơn. Mục đích của bespoke là sự cao cấp và tính độc bản, là bạn có thể sở hữu thứ mà không ai có.  

Theo ông, 3 cột mốc quan trọng đã định hình một Antonio De Torres như ngày hôm nay là gì?

Tôi nghĩ cột mốc đầu tiên là việc chọn Việt Nam làm nơi gắn bó của mình. Đến đây, tôi có những trải nghiệm văn hóa mới, nói một ngôn ngữ mà thậm chí tôi còn không hiểu, đó là một thách thức. Và hiện tại tôi nghĩ mình đã vượt qua thách thức ấy! Nhìn lại hành trình của mình, tôi thấy thú vị lẫn tự hào về những gì tôi đã làm được ở Việt Nam – tôi đến đây, đặt ra những mục tiêu riêng và cố gắng để hoàn thành những mục tiêu đó. 

Cột mốc thứ 2 chính là việc đầu tư vào một dây chuyền sản xuất, đồng thời mở cửa hàng đầu tiên với cái tên Massimo Ferrari. Đó cũng là một trong những cửa hàng tiên phong cho phong cách thời trang nam Napoli ở Việt Nam.

Cột mốc thứ 3 là khi tôi đổi tên thương hiệu từ Massimo Ferrari thành chính tên mình – Antonio De Torres. Không biết có một sức mạnh thần bí nào không nhưng kể từ ấy tôi gặp được những khách hàng tuyệt vời và công việc kinh doanh của tôi bắt đầu mở rộng hơn. 

“Mục đích của bespoke là sự cao cấp và tính độc bản, là bạn có thể sở hữu những thứ mà không ai có” 

Vậy với tham vọng thiết lập nên chuẩn mực thời trang cao cấp tại Việt Nam, anh làm thế nào để xác định tiêu chí để phát triển ADT?

Trước khi tôi bắt đầu với thời trang cao cấp và phát triển ADT, tôi phải xác định cao cấp (couture) là gì. Couture, theo nghĩa đen, là “được làm bằng tay” hay “chế tác 100% bằng tay” và đó cũng chính là tiêu chí đầu tiên tôi cân nhắc khi phát triển thương hiệu. 

Tiêu chí thứ hai đến từ việc luôn trả lời câu hỏi: “Có ai làm điều đó chưa?” Vào thời điểm tôi khởi nghiệp ở Việt Nam, rất ít người làm thời trang nam bespoke, vậy nên mọi thứ khá tiềm năng cho doanh nghiệp của tôi. Tuy nhiên, để phát triển một thương hiệu thời trang cao cấp không dễ dàng. Tôi đã mất khoảng 8 năm chỉ để xây dựng nhà máy và đào tạo nhân sự. Có thời điểm, nhiều người hỏi tôi rằng tôi đã thu được lợi nhuận sau những gì đã bỏ ra chưa. Câu trả lời đương nhiên là có, chúng tôi làm ra tiền từ khoảng thời gian và công sức ấy, nhưng thị trường tiêu thụ đang quá nhỏ. Đổi lại tôi có một tệp khách hàng thực sự biết được giá trị, đánh giá cao những giá trị ấy trong các phẩm của ADT và họ trung thành với thương hiệu của chúng tôi.

Lý do gì khiến anh chọn Việt Nam thay vì những quốc gia khác để phát triển thương hiệu của riêng mình?

Tôi đã đến Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia để tìm kiếm nguồn lực trước khi đến Việt Nam, tôi yêu những đất nước này nhưng thật lòng chúng không dành cho việc kinh doanh của tôi, rồi tôi đến đây và tôi hoàn toàn bị thuyết phục!

Điều khiến tôi ấn tượng và muốn gắn bó với Việt Nam nhất chính là tính cách và tinh thần làm việc của người dân nơi đây. Họ thân thiện, chịu khó học hỏi và đặc biệt là họ tự hào về những gì mình làm ra – chìa khóa để làm nên sự thành công trong ngành xa xỉ phẩm. Thậm chí, nếu họ không làm được một sản phẩm, chi tiết nào họ vẫn sẽ cố hết sức để học hỏi và cải thiện, rồi làm tốt hơn trong lần sau. Điều đó thực sự đã khiến tôi ấn tượng và tôi xây dựng thương hiệu thời trang của mình dựa trên những điều ấn tượng như thế. 

Ngày nay, phong cách sống của các quý ông không chỉ quay quanh thời trang hay quần áo. Vậy anh có dự định dựa vào những khía cạnh khác để hoàn thiện trải nghiệm cho khách hàng không? 

Có chứ. Ngoài thời trang, ADT còn có một doanh nghiệp khác về thiết kế nội thất. Chúng tôi cộng tác cùng những người có sức ảnh hưởng, làm những món đồ nội thất cho riêng họ. Và tôi cảm thấy thật tuyệt vời khi làm điều đó, bởi nó góp phần kết nối đam mê thời trang với đam mê nội thất của tôi qua yếu tố bespoke. Có thể việc phát triển kinh doanh trong các lĩnh vực khác khá mất thời gian, nhưng tôi muốn làm điều đó trong tương lai.

“Tôi mất 8 năm để xây dựng nhà máy và đào tạo nhân sự, đổi lại tôi có một tệp khách hàng thực sự biết được giá trị của sản phẩm mà ADT mang đến” 

Theo ông, đâu là phần quan trọng nhất trong nội thất của một căn phòng?

Mọi người sẽ nói đó là bàn cà phê, nhưng với tôi đó là một chiếc ghế bành! Thử nghĩ xem, khi đến một căn phòng ai mà chẳng ngồi trên chiếc ghế ấy, từ khách cho đến chủ nhà. Vậy nên yếu tố quan trọng nhất trong một căn phòng là những chiếc ghế bành tốt – những chiếc ghế phải thoải mái và độc đáo. Ở nhà tôi có hai chiếc ghế Corbusier làm từ vải Koski và Calcium. Mỗi lần khách đến, ai cũng sẽ nói “chiếc ghế này thật tuyệt vời!” và tôi sẽ trả lời rằng “đúng vậy, và chúng cũng rất độc đáo nữa”. Khi có một chiếc ghế thoải mái, bạn có thể ngồi ở đó và từ từ cảm nhận phong cách và mọi thứ khác trong phòng và cả tính cách của gia chủ. 

Đâu là hình mẫu luôn truyền cảm hứng cho ông trong công việc?

Có rất nhiều, nhưng để nói về người truyền cảm hứng cho sự nghiệp thời trang của tôi, tôi sẽ nói về Tom Ford. Với cương vị là một nhà thiết kế thời trang, Tom Ford có nhiều nguyên tắc, sự thông minh, nhạy bén và nó là những gì tôi cần có trong tư duy  kinh doanh của mình. Đồng thời, sự cộng tác tuyệt vời của Tom Ford cùng Domenico De Sole cũng là điều tôi luôn học hỏi để vận dụng vào cách làm việc với những cộng sự của mình.  

Ngoài ra, ít người biết rằng, Tom Ford cũng từng theo đuổi kiến trúc và nếu ai đó từng làm việc ở cửa hàng Gucci thời Tom Ford, người đó sẽ thấy được sự tinh tế, tận tâm của ông ấy khi mọi thứ trong cửa hàng đều do ông chính tay lựa chọn: từ mặt sàn đến chiếc thảm được làm bằng lông thỏ! Điều đó một lần nữa truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều “Ông ấy làm mọi thứ từ A đến Z một cách thật chu đáo” tôi đã nghĩ như thế! Tom Ford mang lại cho tôi những bài học hay và ý nghĩa. 

Cảm ơn anh đã tham gia cuộc trò chuyện!

***

Thông tin về Grand Hour

Grand Hour Video Podcast là dự án do LUXUO Vietnam thực hiện, đem đến bức tranh toàn cảnh về câu chuyện kinh doanh của ngành công nghiệp xa xỉ, bên cạnh những khám phá về thú chơi của giới tinh hoa. Tại đây, các khách mời là những doanh nhân có tiếng trong nhiều ngành hàng xa xỉ sẽ chia sẻ về quá trình họ xây dựng và dẫn dắt những thương hiệu hàng đầu Việt Nam, cũng như bật mí về lối sống của tầng lớp thượng lưu. Grand Hour hứa hẹn đem đến cho quý khán giả nhiều góc nhìn sâu rộng về “thế giới của những giấc mơ”.

Bài viết: Vân Anh


 
Back to top