BUSINESS OF LUXURY

Kim cương Nhật Bản đánh thức cả thế giới

Jan 02, 2020 | By Stephanie Nguyen

Sau khi những chủ sở hữu cũ qua đời, các viên kim cương quý trong nền kinh tế bong bóng của Nhật Bản những năm 1980 như được thức tỉnh và quay trở lại thị trường, khiến các thương nhân đổ xô đến Tokyo.

Kim cương Nhật Bản được các nhà đầu tư quốc tế săn lùng ráo riết.

Thương nhân nước ngoài hiện đang thống trị thị trường kim cương Nhật Bản. Theo Apre, trong số 80 nhà cung cấp thường xuyên tham gia đấu giá, khoảng 40% là người nước ngoài – gần gấp đôi con số một năm trước đó. Hơn 1000 người đổ xô đến trung tâm trang sức lớn nhất ở Okachimachi, Tokyo trong một cuộc đấu giá khốc liệt. Phiên đấu giá tháng 10 được đồng tài trợ bởi hai công ty địa phương Apre và Daiya, đem lại cuộc cạnh tranh không thể khốc liệt hơn.

Cuộc đấu giá chiếc nhẫn kim cương 2,5 carat rực rỡ bắt đầu với mức 600.000 yên. Cả khán phòng chật kín ghế ngồi, những người mua trò chuyện với nhau bằng tiếng Trung và tiếng Hindi. Khi chiếc búa gõ ở mốc “700.000 yên!” “750.000 yên!”, cuộc cạnh tranh bắt đầu gia tăng dữ dội. Cứ sau vài giây giá lại tăng lên một lần đến mức chóng mặt. Cuối cùng, một người mua đã hét lên “860.000 yên” và giành được chiếc nhẫn về tay mình. Một tiếng thở dài rõ rệt vang lên đâu đó trong số những người còn lại trong khán trường.

Các nhà đầu tư quốc tế tập trung tại Tokyo để đấu giá kim cương.

Kể từ khi quay trở lại, các viên kim cương này bắt đầu dòng chảy của chúng vào các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ, giúp nền kinh tế toàn cầu được thúc đẩy. Theo thống kê thương mại, xuất khẩu kim cương của Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục khoảng 8,5 tỷ yên (78 triệu USD) trong năm 2015. Mặc dù con số này đã giảm xuống còn 7,2 tỷ yên trong năm 2018 nhưng vẫn cao gấp ba lần so với 10 năm trước. Ba điểm xuất khẩu kim cương lần lượt là Hồng Kông, Trung Quốc và Israel. Ngoài Trung Quốc và Dubai ở Trung Đông, nhu cầu cũng đang gia tăng ở Đông Nam Á và Israel, nơi dân số giàu có tăng lên cùng với tăng trưởng kinh tế.

Nhập khẩu kim cương tại Nhật tiếp tục giảm sau khi đạt đỉnh khoảng 370 tỷ yên vào năm 1990 trong thời kỳ bong bóng, mặc dù đã tăng nhẹ sau năm 2009 với cú sốc Lehman, nhập khẩu vẫn chỉ đạt khoảng 94 tỷ yên trong năm 2018, khác xa so với thời hoàng kim. Có rất ít kim cương mới sản xuất ở Nhật Bản, vì vậy gần như tất cả viên trên thị trường là toàn bộ hiện có.

Nhưng tại sao kim cương Nhật Bản thu hút nhiều sự chú ý đến vậy? Chủ tịch Apre Atsuyuki Kikuchi giải thích: “Khi nền kinh tế bong bóng sụp đổ kéo theo số lượng giao dịch kim cương giảm. Nhiều viên kim cương đã bị lãng quên và mòn mỏi chờ đợi trong các ngăn kéo. Tuy nhiên khi chủ nhân cũ già đi hay qua đời, chúng lại được tung ra thị trường và trở thành món hàng được khao khát nhiều nhất.”

Kim cương mua trong thời kỳ bong bóng ở Nhật Bản có chất lượng tốt hơn và chi phí thấp hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Nhẫn cưới kim cương cổ điển từ lâu đã trở thành món đồ đáng thèm muốn ở Nhật Bản. Các nhà quan sát ngành công nghiệp cho biết, đất nước này trong giai đoạn bong bóng đã tiêu thụ trang sức trị giá hàng trăm tỷ USD. Giờ đây, khi xu hướng dần dịch chuyển, người trẻ thích làm việc và du lịch hơn là sở hữu trang sức quý, bên cạnh việc những người chủ cũ dần già yếu dẫn đến hệ quả ngày càng có nhiều kim cương hơn đang được tung ra thị trường. Theo một chuyên gia tư vấn giao dịch, số người đến để bán kim cương họ thừa kế hoặc được tặng tăng rất nhiều trong bốn, năm năm qua.

Khi những viên kim cương được tung ra thị trường, chúng lại trở thành món hàng được khao khát nhiều nhất.

Nhiều nhà đầu tư quan niệm kim cương mua trong thời kỳ bong bóng ở Nhật Bản có chất lượng tốt hơn và chi phí thấp hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Một người mua đại diện cho một nhà bán buôn thuộc sở hữu của Ấn Độ cho biết: “Một viên kim cương hiện có đã được bán đấu giá được mang đến Ấn Độ để đánh bóng và tái xử lý.” Đây là cách mà những viên kim cương Nhật Bản tìm đường đi khắp thế giới.


 
Back to top