LUXUO Point: Hàn Quốc chi tiêu nhiều nhất cho hàng xa xỉ, và đây là lý do
Theo báo cáo từ ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, tổng chi tiêu của Hàn Quốc trong lĩnh vực xa xỉ đã tăng 24% trong năm 2022 lên 16,8 tỷ USD, tương ứng với 325 USD/ người. Con số cao hơn nhiều so với mức chi tiêu bình quân đầu người tại Trung Quốc (55 USD) và Mỹ (280 USD).
Cụ thể, doanh thu bán hàng của các thương hiệu cao cấp tại Hàn Quốc cũng ghi nhận doanh số tăng mạnh. Trong đó, Moncler cho biết doanh thu công ty đã tăng gấp đôi trong quý II so với thời kỳ trước đại dịch. Tập đoàn Richemont (chủ sở hữu của Cartier) nhận định, Hàn Quốc là một trong những khu vực có doanh số bán hàng tăng trưởng hai chữ số vào năm 2022.
Trong khi lệnh đóng cửa của Trung Quốc ảnh hưởng nặng nề tới doanh số của Prada tại quốc gia này thì ở Hàn Quốc, hiệu suất được tăng lên đáng kể.
LUXUO Point: Hàn Quốc chi tiêu nhiều nhất cho hàng xa xỉ, và đây là lý do
Nguyên nhân đến từ sự gia tăng giá trị tài sản ròng của các cá nhân tại Hàn Quốc, với mức tăng khoảng 11% trong năm 2021. Morgan Stanley cũng cho biết, nhu cầu tăng trưởng về hàng hoá xa xỉ đến từ đại sứ toàn cầu của những thương hiệu cao cấp đều là ngôi sao Hàn Quốc như thành viên của Blackpink (Jenni – Chanel, Rosé – YSL, Jisoo – Dior và Lisa – Bvlgari, Celine,…). Mới đây, Tiffany & Co. cũng lựa chọn Rosé của Blackpink trở thành gương mặt đại diện cho bộ sưu tập HardWear, giúp tăng gấp đôi doanh số cho dòng sản phẩm.
Tuy nhiên, Bain & Company đưa ra cảnh báo không thể lấy chỉ số bình quân đại diện cho mức độ tiêu dùng cho lĩnh vực xa xỉ. Weiwei Xing, đối tác của Bain & Co cho biết: “Chúng ta nên chia tỷ lệ tổng chi tiêu cho hàng xa xỉ theo số lượng dân số thuộc tầng lớp thượng lưu trở lên. Đây là thước đo chính xác hơn cho thái độ và hành vi tiêu dùng dành cho phân khúc xa xỉ”.
Đối với phạm vi toàn cầu, McKinsey dự báo thị trường xa xỉ sẽ tăng từ 5% đến 10% vào năm 2023, nhờ nhu cầu tiêu dùng chiếm phần lớn thị phần tại Mỹ và Trung Quốc.