BUSINESS OF LUXURY

LUXUO POINT: Làm thế nào để đưa ngành trang sức về thời kỳ hoàng kim?

Aug 27, 2021 | By Stephanie Nguyen

Theo báo cáo của McKinsey & Company và tạp chí Business of Fashion, thập kỷ mới mở đầu với một sự kiện “thiên nga đen” – cuộc khủng hoảng sức khỏe và kinh tế toàn cầu khiến thị trường tài chính bị phá vỡ, chuỗi cung ứng và nhu cầu tiêu dùng cũng sụp đổ. 

Cartier Relaunches Its Juste Un Clou Collection

Mặc dù nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán đại dịch sẽ tấn công mạnh vào các lĩnh vực như tài chính và khách sạn, báo cáo mới nhất của McKinsey, “The State of Fashion 2020 Coronavirus Update”, lại cho thấy thời trang là ngành đặc biệt dễ bị tổn thương do tính dễ thay đổi và không thiết yếu. Đây là bản cập nhật báo cáo thường niên được thực hiện vào tháng 11/2019 của McKinsey. Theo đó, ngành công nghiệp xa xỉ cá nhân bao gồm thời trang, phụ kiện, đồng hồ, trang sức xa xỉ và mỹ phẩm cao cấp ước tính bị giảm doanh thu từ 35% đến 39%.

Từ góc độ tập đoàn 

Tập đoàn Richemont 

Doanh số quý IV năm tài chính của Richemont đến ngày 31/03/2020 giảm khoảng 18% do hậu quả của đại dịch Covid-19 và các cuộc biểu tình ở Hong Kong. Nhóm trang sức phân phối online là phân khúc phục hồi mạnh mẽ nhất của tập đoàn, với doanh thu của các thương hiệu trang sức cao cấp tại Richemont tăng 2%, đạt 7,80 tỷ USD. Đây là kết quả của việc khai trương cửa hàng Cartier online đầu tiên trên nền tảng TMall do tập đoàn Alibaba điều hành vào tháng 1.

Các BST được yêu thích bao gồm Clash de Cartier của Cartier và Juste un Clou, Perlée của Van Cleef & Arpels. Thị trường có tốc độ tăng trưởng từ trung bình khá đến tốt là châu Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, trong khi thị trường châu Á – Thái Bình Dương tụt dốc. Nhu cầu tiêu dùng có xu hướng bật dậy tại Trung Quốc và Richemont đang hy vọng vào tương lai.

Tập đoàn Kering 

Diamonds.net - Jewelry Proves Strong for Kering in 2019

Kering từng lập kế hoạch cho một năm 2020 triển vọng. Tập đoàn đã có một khởi đầu tốt vào tháng 1, nhưng rồi mọi thứ xoay chuyển nhanh chóng trong tháng 2, khi Covid-19 bùng nổ khiến nhiều cửa hàng bị đóng cửa và doanh thu quý đầu giảm 16%. Tổng doanh thu năm tài chính của Kering là 3,47 tỷ USD, trong đó đồng hồ, trang sức là những nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Giám đốc tài chính Jean-Marc Duplaix cho hay: “Nhóm hàng xa xỉ rắn (hard luxury) gặp nhiều khó khăn do phải đóng cửa cửa hàng bán lẻ, kênh phân phối chính. Boucheron và Pomellato là hai thương hiệu chịu ảnh hưởng chính do phụ thuộc thị trường Tây Âu. Ngược lại, Qeelin, thương hiệu trang sức lấy cảm hứng từ Trung Quốc lại hoạt động tốt.” Doanh số bán lẻ của Kering giảm 19% trong quý I, doanh số online tăng đến 21% và tăng đến ba chữ số ở Trung Quốc đại lục. 

Tập đoàn LVMH 

LVMH Revenue +16% in 2015; Jewelry a<b></b>nd Watches +19%‎

Không ngoài dự đoán, doanh số của gã khổng lồ LVMH cũng giảm mạnh trong quý đầu năm 2020 khi Covid-19 đổ bộ lên hầu hết các cửa hàng và nhà máy của họ trên toàn thế giới. Cụ thể, doanh thu quý I giảm 15% với mức 11,52 tỷ USD. Đồng hồ, trang sức và một số bộ phận bán lẻ khác chịu tác động mạnh nhất. Người phát ngôn của tập đoàn cho biết: “Chúng tôi đang hy vọng vào sự phục hồi trong tháng 6. Trước mắt, doanh thu quý II vẫn sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt ở thị trường châu Âu và Hoa Kỳ.”

Công ty Tiffany & Co.

Your Essential Guide to the New Tiffany T Collection - Prestige ...

Thương hiệu kim hoàn đại diện cho Mỹ cũng không phải ngoại lệ, với doanh số quý I giảm đến 45% xuống còn 556 triệu USD, so với mức 1 tỷ USD của năm 2019. Tiffany & Co. gặp nhiều khó khăn khi phải đóng cửa nhiều cửa hàng và gặp nhiều vấn đề trong việc hoàn tất thủ tục sáp nhập vào LVMH. Mới đây nhất, LVMH đã công bố với báo giới về việc không mua cổ phiếu của Tiffany.

Ngược với hoàn cảnh hẩm hiu của thị trường bán lẻ, doanh số online lại tăng đáng kể ở mức 23% trên thế giới và 14% riêng tại Mỹ. Doanh số bán online toàn cầu của hãng đang chiếm 15% tổng doanh thu, tăng hơn gấp đôi so với mức 6% trong ba năm liền trước đó. Tiffany T1 là BST duy nhất tăng trưởng đúng kỳ vọng của công ty, bất chấp tình hình thị trường.

Công ty Pandora 

Đại diện trang sức xa xỉ đến từ Đan Mạch đã có quý đầu tiên không hề suôn sẻ với doanh thu giảm 14%, đạt 606,5 triệu USD so với mức 698,4 triệu USD của năm 2019. CEO Alexander Lacik cho biết: “Công ty đang chuẩn bị cho sự phục hồi sau đại dịch. Với hiệu suất tốt trong 2 tháng đầu năm, chúng tôi tin thương hiệu sẽ nhanh chóng lấy lại thị trường.” Xét theo khu vực, châu Á – Thái Bình Dương là nơi có doanh thu giảm mạnh nhất với tỷ lệ giảm 45% xuống còn 89,3 triệu USD, đặc biệt Trung Quốc là thị trường có mức giảm chưa từng thấy. Xét theo kênh phân phối, các cửa hàng bán lẻ (bao gồm trực tiếp và online) giảm doanh số 15% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, riêng doanh số online lại tăng trưởng hữu cơ 29% (90,3 triệu USD) và tăng đến ba chữ số trong tháng 4. 

BVLGARI vừa trở lại và mở cửa hàng tại Việt Nam

LUXUO POINTS

Mặc dù các tổ chức và tập đoàn trang sức đang nỗ lực hết sức để quay lại thị trường cùng những kế hoạch đầy hứa hẹn, tuy nhiên chúng ta vẫn chưa thể nói trước được tương lai. Ngành công nghiệp anh em của ngành trang sức là kim cương đang phải đối mặt với khó khăn từ lượng hàng tồn kho khổng lồ sau Covid-19. De Beers, tập đoàn quốc tế chuyên khai thác kim cương tại Nam Phi đã hầu như không bán được bất kỳ viên kim cương thô nào kể từ hồi tháng Hai, tương tự như đối thủ cạnh tranh đến từ Nga, Alrosa PJSC.

Khối lượng kim cương dự trữ của 5 nhà sản xuất lớn nhất thế giới được Gemdax, một công ty chuyên tư vấn về kim cương, dự đoán là 3,5 tỷ USD và có thể đạt 4,5 tỷ USD vào cuối năm, tương đương ⅓ sản lượng kim cương thô toàn thế giới.

Tiếp đến là câu hỏi về mức độ sẵn sàng của người tiêu dùng khi quay lại thị trường trang sức xa xỉ sau Covid-19, khi nhận thức về lối sống và sự xa xỉ của họ đang dần thay đổi. Báo cáo vào tháng 04/2020 của McKinsey chỉ ra rằng: trang sức đứng đầu trong số các mặt hàng xa xỉ mà khách hàng sẵn sàng từ bỏ trước tiên.

Theo Luxuo Point, có một vài bài học rút ra từ kết quả kinh doanh của các tập đoàn lớn trong lĩnh vực trang sức xa xỉ như sau:

Nền tảng kỹ thuật số làm chủ tương lai

Trái ngược với doanh số cực kỳ thảm hại của các kênh phân phối trực tiếp, doanh số online của các thương hiệu đã chứng kiến sự tăng vọt trong khoảng thời gian cách ly vừa qua, có nơi thậm chí còn tăng đến 3 chữ số. Bước vào thời đại 4.0 của công nghệ, các không gian mua sắm trực tuyến là điều không thể tránh khỏi, không chỉ trong lĩnh vực trang sức mà hầu như đối với tất cả các ngành hàng xa xỉ. Thậm chí, Patek Philippe, cây cổ thụ trong giới đồng hồ cao cấp cũng đã bắt đầu thay đổi để thích ứng với thực tế mới. Các cửa hàng kỹ thuật số sẽ được thiết kế để khách hàng có thể tương tác và thử nghiệm sản phẩm từ khắp mọi nơi trên thế giới. 

Công ty khai thác kim cương của Nga, Alrosa vừa tổ chức một cuộc đấu giá kim cương thô trên nền tảng kỹ thuật số, cho phép người dùng thỏa thuận và ký hợp đồng giao dịch những viên đá đắt tiền này, bất chấp lệnh hạn chế đi lại giữa các quốc gia. De Beers cũng vừa cho phép người mua xem kim cương bên ngoài lãnh thổ Botswana, vốn là điều chưa có tiền lệ.

Xu hướng mua sắm hướng đến ý nghĩa

Pandora cam kết sử dụng 100% vàng bạc tái chế cho trang sức vào năm 2025.

Sau cơn khủng hoảng về sức khỏe cùng nhiều thiên tai trầm trọng về môi trường thời gian gần đây, nhiều khách hàng, đặc biệt là các khách hàng trẻ thuộc thế hệ Millennium, đang ngày càng đề cao giá trị môi trường và bền vững trong các quyết định mua sắm của họ. Người tiêu dùng đang tìm kiếm các sản phẩm thông minh và thân thiện với môi trường. 

Các tập đoàn trang sức hàng đầu thế giới cần thay đổi cách họ sản xuất và bán hàng, sao cho giảm thiểu lượng khí thải carbon và các tác động khác lên môi trường. Trong một thông báo mới nhất, nhà kim hoàn Pandora cho biết sẽ loại bỏ hoàn toàn vàng bạc khai thác từ mỏ vào năm 2025 và sử dụng kim loại tái chế. Hiện tại, hãng đã thay thế được khoảng 71% nguồn nguyên liệu.

Rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ

Mặc cho các tuyên ngôn của thương hiệu, vẫn tồn tại hàng ngàn trang web bán trang sức không rõ nguồn gốc, làm ảnh hưởng đến giá trị thương hiệu và niềm tin của khách hàng. Những thương hiệu có được tầm ảnh hưởng lớn nhất là những người đặt tính minh bạch lên hàng đầu. 

Một ví dụ điển hình đến từ đất nước Botswana và ngành công nghiệp kim cương của họ. Tính minh bạch được áp dụng triệt đã giúp đất nước đạt mức tăng trưởng GDP vượt bậc. Các quốc gia khác đang trên đà tiến bộ trong công nghệ trang sức là Israel, Peru, Brazil và Đài Loan.

Ngoài ra, công nghệ blockchain giúp truy xuất nguồn gốc kim cương trong suốt quá trình từ hầm khai thác đến tay người sử dụng. Sự phát triển của công nghệ làm cho thế giới đi nhanh hơn và trí tuệ nhân tạo là một trong những công nghệ nên được phát triển để hỗ trợ ngành công nghiệp trang sức xa xỉ trong tương lai.

KẾT LUẬN

“Ngành công nghiệp xa xỉ đang ở một vị trí đặc quyền, và nhóm hàng xa xỉ rắn (hard luxury) là hiện thân của hàng thế kỷ di sản về nghệ thuật thủ công. Tôi hoàn toàn có lý do để tin tưởng vào khả năng vượt qua khó khăn và phát triển trở lại của tập đoàn”,

ông Johann Rupert, Chủ tịch tập đoàn Richemont.

Ông Johann Rupert, Chủ tịch tập đoàn Richemont chia sẻ: “Ngành công nghiệp xa xỉ đang ở một vị trí đặc quyền, và nhóm hàng xa xỉ rắn (hard luxury) là hiện thân của hàng thế kỷ di sản về nghệ thuật thủ công. Cartier ra đời năm 1847 và đã sống sót qua hai cuộc chiến tranh thế giới; Vacheron Constantin bắt đầu sản xuất đồng hồ tại Geneva từ năm 1755 cho đến nay. Tôi hoàn toàn có lý do để tin tưởng vào khả năng vượt qua khó khăn và phát triển trở lại của tập đoàn.”

Trong khi đó, Kering không đưa ra dự đoán cho tương lai, nhưng CEO Pinault cho biết: “Tôi có niềm tin vào tương lai của Kering, dựa trên giá trị và sức mạnh mà các thương hiệu của chúng tôi đã gây dựng suốt hàng trăm năm qua. Đây là thời điểm vô cùng khó khăn và thử thách, nhưng cũng là lúc chúng tôi tập hợp tất cả khả năng và sức mạnh của mình để vượt qua và hướng đến tương lai thịnh vượng.”


 
Back to top