BUSINESS OF LUXURY

LUXUO Point – Sulwhasoo Vietnam x Hà Anh: Liệu hình thức Livestream đã thực sự lột xác tại Việt Nam?

Jan 25, 2021 | By Ton Binh

Trước đây, Livestream thường được xem là công công cụ đắc lực cho các cửa hàng nhỏ lẻ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, khi lệnh giãn cách xã hội được áp dụng tại hầu hết tất cả các quốc gia trên thế giới, hành vi người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng, và buộc các thương hiệu xa xỉ gia nhập cuộc đua Livestream để tồn tại.

Hiện nay, tiềm năng của livestream cũng đã được hầu hết các các thương hiệu quốc tế tận dụng. Và mới đây, bằng sự kết hợp cùng siêu mẫu Hà Anh, thương hiệu mỹ phẩm. Sulwhasoo cũng đã đánh dấu một bước thay đổi lớn trong cách tiếp cận người dùng Việt Nam

Livestream – Sulwhasoo x Hà Anh: Cách tiếp cận mới cho các thương hiệu xa xỉ tại Việt Nam

Sulwhasoo – thương hiệu mỹ phẩm uy tín số 1 tại Hàn Quốc – được biết đến là thương hiệu kết hợp giữa trí tuệ Đông y thảo dược và công nghệ tiên tiến để tạo nên những sản phẩm làm đẹp lành tính, chất lượng đồng thời mang lại hiệu quả vượt trội.

Với tham vọng tiếp cận gần hơn đến khách hàng Việt Nam, Sulwhasoo đã kết hợp cùng siêu mẫu Hà Anh trong chiến dịch bán hàng mới nhất của mình. Hiện chưa rõ doanh thu của Sulwhasoo sau lần kết hợp cùng Hà Anh cho buổi Livestream, thế nhưng, khả năng “viral” của sự kiện này là không thể bàn cãi. Bên cạnh uy tín và thương hiệu cá nhân của siêu mẫu, thông qua hình thức livestream người dùng tại Việt Nam cảm thấy tin tưởng sản phẩm hơn nhờ được “mục sở thị” hình ảnh thực tế sản phẩm. Bên cạnh đó, việc trò truyện trực tiếp, đặt ra các câu hỏi cùng siêu mẫu cũng khiến Sulwhasoo nhận được nhiều thiện cảm từ người dùng hơn.

Thông qua hình thức Livestream độc quyền kết hợp cùng siêu mẫu Hà Anh của Sulwashoo, khách hàng còn nhận được những ưu đãi đặc biệt như được tặng son hay các phần quà dưỡng da. Điều này thực sự tạo nên một cơn sốt và giúp tăng lượng tương tác cho chiến dịch tiếp cận khách hàng mới của Sulwhasoo.

Trung Quốc – nơi khơi mào cuộc đua livestream

Là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, cũng là thị trường được đánh giá là nhạy bén, linh hoạt nhất thế giới, nền kinh tế Trung Quốc nói chung và thị trường xa xỉ phẩm nói riêng vực dậy nhanh chóng, một phần nhờ vào tận dụng hình thức bán hàng Livestream.

Có thể nói, thị trường Livestream Trung Quốc là nơi đầu tiên thu hút các thương hiệu hàng đầu thế giới, đơn cử là Cartier. Thương hiệu này sử dụng kênh Live của Taobao để thực hiện buổi triển lãm độc quyền trưng bày đồng hồ, trang sức cao cấp của mình. Chỉ trong hai giờ, buổi livestream đã thu hút 770.000 người xem. Theo đại diện của Alibaba, kế từ sau đại dịch, hình thức bán hàng trực tuyến qua Livestream đã trở nên thịnh hành hơn ở nền tảng Taobao, kênh này nhận được lượng tương tác lên đến 80% là nữ giới vào khung giờ 20-22h. Theo một báo cáo mới từ KPMG, thị trường thương mại điện tử livestream tại Trung Quốc sẽ đạt 158 tỉ USD trong năm 2020 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng vào năm 2021 để đạt 302 tỉ USD và tỷ lệ người dùng là 14,3%. Trong đó, Taobao Live đã trở thành một công cụ tiếp thị và phân phối thiết yếu cho các nhà bán hàng, thương hiệu, KOL và các doanh nghiệp của chính nền tảng này.

Livestream – Tương lai của ngành xa xỉ phẩm ở Việt Nam?

Không riêng Sulwhasoo, các hãng mỹ phẩm nổi tiếng thế giới hiện cũng đã chọn cách Livestream để tiếp cận khách hàng Việt Nam có thể kể đến như L’oreal, Vichy, Laneige. Các thương hiệu này lựa chọn kênh livestream riêng của Lazada được gọi là LazLive cho các chiến dịch bán hàng của mình. Thật bất ngờ khi hình thức Livestream, vốn được đánh giá là khiến hình ảnh thương hiệu “phèn hoá”, lại thực sự phát huy hiệu quả doanh thu. Chỉ trong tháng 5/2020, tỉ lệ “cho vào giỏ hàng” của Lazada tăng đến 128% so với tháng 2/2020.

Không chịu thua Lazada, các trang thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam như Shopee hay Tiki cũng đang sở hữu kênh Livestream bán hàng bình dân và cao cấp với lượt xem đáng kinh ngạc. Các sàn này còn mạnh tay khi mời KOLs đình đám để tăng tính viral.  Số liệu tháng 9/2020 cho thấy, lượt xem livestream đã tăng 21 lần và lượt người mua hàng qua livestream đã tăng 24 lần so với tháng 9/2019.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, thị trường Việt Nam vẫn còn quá mới mẻ để các thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới thực hiện các buổi Livestream đình đám. Cần có thể thời gian để đánh giá và thay đổi tư duy của người tiêu dùng Việt Nam.

Vẫn biết livestream vẫn là hình thức tăng lợi nhuận nhanh chóng cho các thương hiệu. Thế nhưng, về lâu về dài, sau khi đại dịch đi qua, làm cách nào để các thương hiệu có thể duy trì và khiến hình ảnh của mình không “phèn hoá” đó là bài toán cần được giải quyết.


 
Back to top