Ngành làm đẹp xa xỉ đang bán những gì?
Trong một năm đầy biến động như 2020, việc cập nhật xu hướng đã và đang trở thành thói quen của công dân toàn cầu. Riêng với ngành làm đẹp, đây sẽ là năm đầy thử thách khi nhu cầu và nhận thức của người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng mặt. Cùng Luxuo.vn nhìn lại những gì đang được ngành làm đẹp tập trung bán và tiêu thụ mạnh mẽ.
1/ Chăm sóc da trở thành sản phẩm chủ lực
Trước đại dịch, các sản phẩm chăm sóc da đã đạt được mức phát triển mạnh với doanh số bán hàng toàn cầu tăng 6,4% trong năm 2019 (theo Euromonitor International). Suốt thời gian đại dịch, xu hướng này vẫn tiếp tục tăng với những con số ấn tượng. Trong nửa đầu năm 2020, tập đoàn L’Oréal chứng kiến doanh số hạng mục chăm sóc da tăng 1,1%, trong khi trang điểm giảm 28%. Trong quý gần nhất, gã khổng lồ ngành làm đẹp Estée Lauder cũng có trải nghiệm tương tự khi doanh số sản phẩm chăm sóc da tăng 3% và trang điểm giảm 61%.
Dù tăng trưởng nhưng cấu trúc bên trong phân khúc chăm sóc da vẫn có nhiều thay đổi. Đại dịch đã khiến công dân toàn cầu thức tỉnh về ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Vì vậy, những sản phẩm làm đẹp được lựa chọn trong mùa đại dịch thường có thành phần tự nhiên hoặc cam kết không độc hại cho sức khỏe và môi trường. Theo 1010data, những sản phẩm chăm sóc da tiêu biểu được ưa chuộng mua sắm tại Mỹ trong tháng trải dài từ nước tẩy trang dịu nhẹ của Neutrogena đến các loại nước hoa hồng không chứa cồn, kem dưỡng không thử nghiệm trên động vật.
Ngoài ra, khách hàng mua sắm trên trang web Cult Beauty cũng đang tìm kiếm các sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ và giải pháp trị mụn. Khi thời tiết dần bước vào mùa hè, kem chống nắng lại lên ngôi với mức tăng 19% hàng tháng.
2/ Makeup sụt giảm nhưng vẫn “chưa chết”
Mặc dù bức tranh tổng quát vẫn không mấy khả quan cho phân khúc trang điểm, nhưng đó chưa phải là dấu chấm hết cho một nửa thế giới của ngành làm đẹp. Bầu không khí ảm đạm của đại dịch khiến việc trang điểm lộng lẫy không còn phù hợp hoàn cảnh. Tuy nhiên, sở hữu làn da khỏe mạnh không tì vết vẫn là một trong những nhu cầu đang được duy trì.
Thống kê của 1010data cho thấy, người tiêu dùng đang chuyển hướng mua sắm những bảng màu rực rỡ sang những dạng màu mắt trung tính và tự nhiên hơn. Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm kem dưỡng ẩm có màu (tint moisturisers) và sản phẩm dành cho mi. Nhất là khi khẩu trang dần trở thành bắt buộc với mọi người khi ra đường, phái đẹp đã và đang tập trung vào phần dễ thấy nhất: đôi mắt. Người Mỹ đang chi tiêu nhiều hơn 20% cho mascara so với năm ngoái (theo 1010data) và tại Cult Beauty, doanh số đồ trang điểm mắt tăng 9% hàng tháng.
Trong tương lai, L’Oréal đặt cược vào các sản phẩm trang điểm và chăm sóc da có thể chịu được mọi ma sát với khẩu trang. Chủ tịch L’Oréal, Jean-Paul Agon, cho biết trong cuộc nói chuyện ngày 01/08 vừa qua: “Rõ ràng, khi bạn không thể nhìn thấy đôi môi, đôi mắt là cực kỳ quan trọng. Do vậy, chúng tôi muốn phát triển mạnh mẽ những sản phẩm thuộc phân khúc trang điểm dành cho mắt hoặc các sản phẩm trang điểm nền như phấn và kem nền.”
3/ Mua sắm online nhưng cửa hàng vẫn quan trọng
McKinsey & Co. ước tính rằng trong bối cảnh đại dịch, doanh số bán hàng làm đẹp trực tuyến mặc dù tăng vọt nhưng vẫn chưa đủ bù đắp sự sụt giảm doanh số cửa hàng đang bị đóng cửa, vốn chiếm 85% doanh số trước Covid. Trải nghiệm tại cửa hàng truyền thống vẫn quyết định khả năng mua hàng của người tiêu dùng ngành làm đẹp.
Larissa Jensen, cố vấn ngành làm đẹp tại NPD Group, cho biết: “Mặc dù doanh số bán hàng trực tuyến tăng mạnh, nhưng trải nghiệm thực tế vẫn là yếu tố chính trong sự phục hồi của ngành”. Nhất là đối với những sản phẩm cao cấp, người tiêu dùng không chỉ dừng lại ở việc mua hàng mà còn muốn được trải nghiệm giá trị cộng thêm trong thời gian tham quan mua sắm. Đó cũng chính là một trong những lý do khiến doanh thu trang điểm sụt giảm mạnh trong đại dịch vì hầu hết tất cả các cửa hàng đều phải đóng cửa.
Không những vậy, có một sự thay đổi đáng chú ý khác trong thói quen mua sắm mỹ phẩm sau đại dịch. Theo NPD, trong quý II/2020, doanh số nước hoa cao cấp của Mỹ đã giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, danh mục này đã được tiêu dùng mạnh trong Ngày của Mẹ – doanh số nước hoa nữ tăng 96% mỗi tuần và Ngày của Cha – doanh số tăng 117% mỗi tuần. Có thể nói, mua sắm vào các dịp lễ vẫn tiếp tục là một cột mốc quan trọng mà các thương hiệu cần chú ý trong hoạt động marketing. Sự nhanh nhẹn nắm bắt thời cơ cho chiến lược hiệu quả có thể là yếu tố quan trọng giúp các thương hiệu phục hồi phần nào doanh thu trong nửa năm sắp tới – thời điểm tập trung rất nhiều ngày lễ quan trọng trong năm.