Richard Trịnh và những cuộc nhượng quyền thương mại quốc tế
Tiên phong trong việc nhượng quyền thương mại các thương hiệu thời trang quốc tế về Việt Nam, công ty Maison và tiếp đến là Xuân An được xem như nhân tố quan trọng góp phần định hình nền thời trang trung và cao cấp.
Luxuo.vn đã có dịp gặp gỡ ông Richard Trịnh, người đồng sáng lập công ty Maison Retail Management và công ty Xuân An, để nhìn lại cuộc hành trình dài đưa thời trang quốc tế vào Việt Nam.
Ông được biết đến như một trong những người đầu tiên đưa các thương hiệu thời trang quốc tế về Việt Nam. Ông có thể chia sẻ đôi chút về điều này?
Tôi và chị Mai Son thành lập công ty Maison vào năm 2003. Vào thời điểm đó, tại Việt Nam chưa có công ty nào có hoạt động về nhượng quyền thương mại thương hiệu quốc tế. Thương hiệu đầu tiên mà tôi mang về là Mango, được khai trương vào tháng 8 năm 2004.
Sau Mango, chúng tôi nhận thấy còn rất nhiều thương hiệu tiềm năng khác có thể được đưa vào thị trường Việt Nam. Từ đó, tôi và chị Mai Son, CEO Group hiện tại, đã đưa thương hiệu Charles & Keith và Pedro của Singapore về. Điều may mắn là khi các thương hiệu này vào thị trường Việt Nam đều rất thành công. Đó cũng là bàn đạp để công ty Maison đưa thêm nhiều thương hiệu khác về, như Karen Millen, Oasis, Warehouse, Coast, Accessorize.
Sau khi đạt thành công với các thương hiệu đại chúng và tầm trung, công ty Maison mới thử sức với thời trang cao cấp như Versace, Jimmy Choo, Christian Louboutin. Hiện tại, công ty Maison có trên dưới 30 thương hiệu cùng khoảng 100 cửa hàng tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng.
Vậy còn về Xuân An thì sao, thưa ông?
Đến năm 2015, công ty Maison được rất nhiều thương hiệu tiềm năng khác tìm đến với mong muốn thâm nhập vào thị trường Việt Nam, như Santoni, Kiton, Casadei, Stuart Weitzman, Lovisa… Tôi và chị Mai Son buộc lòng phải ngồi lại để đánh giá tình hình và đưa ra giải pháp. Một mặt, chúng tôi tiếp tục phát triển những thương hiệu hiện tại của Maison. Mặt khác, tôi lập ra công ty Xuân An để đưa các thương hiệu khác về, vì cho rằng nếu bỏ đi một thương hiệu tiềm năng nào, cũng là mình mất đi cơ hội vào tay các đối thủ cạnh tranh.
Hiện tại, Xuân An đang có hai thương hiệu cao cấp dành cho nam, hai thương hiệu cao cấp dành cho nữ, và một thương hiệu phụ kiện đại chúng.
Vào thời điểm năm 2004, ở Việt Nam chưa có thương hiệu thời trang nào được nhượng quyền thương mại. Vì sao ông lại có quyết định táo bạo đó?
Đó là một cơ duyên đến sau sự cố ngày 11/9/2001. Thời điểm đó, tôi và chị Mai Son đều đang làm việc trong ngành hàng không. Sự kiện khủng bố tại Mỹ khiến ngành hàng không trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết. Chúng tôi cảm thấy hoang mang và bắt đầu suy nghĩ về một hướng đi khác. Mai Son đã gợi ý nên làm thời trang dù chúng tôi chưa hề có kinh nghiệm trong mảng này, chỉ với một suy nghĩ đơn giản: những gì không biết, chúng ta sẽ học!
Ông có thể chia sẻ gì về hành trình đưa Mango – thương hiệu đầu tiên đồng ý nhượng quyền thương mại cho Maison – về Việt Nam?
Chính là Mai Son đã gợi ý cho tôi thương hiệu Mango, vì thương hiệu này lúc đó đang được rất nhiều người yêu thích. Tôi cùng Mai Son đến cửa hàng Mango ở Takashimaya Singapore năm 2003, lấy địa chỉ từ cuốn catalogue, và gửi fax cho họ ngay khi về Việt Nam. Bản fax ấy bị rơi vào im lặng, tôi quyết định trực tiếp gọi điện để trình bày rõ hơn. Tuy nhiên, tôi bị từ chối ngay với lý do là họ vẫn chưa nghiên cứu đến việc đưa thương hiệu về thị trường Việt Nam.
Những gì không biết, chúng ta sẽ học! – Richard Trịnh.
Nhiều tháng sau, tuần nào tôi cũng gọi điện thuyết phục họ, cho đến khi được mời sang Tây Ban Nha để trao đổi trực tiếp. Tôi nghĩ phần lớn là do họ quá sợ phải nghe điện thoại của tôi rồi (cười lớn). Tại Tây Ban Nha, tôi và Mai Son gặp phó chủ tịch nhượng quyền toàn cầu của Mang. Chúng tôi đã tạo được ấn tượng tốt khi cam đoan rằng sẽ không làm cho họ thất vọng. Có lẽ phía Mango cảm nhận được quyết tâm đó nên đã đồng ý nhượng quyền.
Việc tiếp theo là tạo dựng nền tảng cửa hàng ở Việt Nam, vì chưa từng có kinh nghiệm, tôi và Mai Son mất khá nhiều thời gian chuẩn bị. Từ mặt bằng, trang trí cửa hàng, đào tạo nhân viên, cho đến quy trình nhập hàng… mọi thứ đều mới mẻ, và chúng tôi phải học từng thứ một trong thời điểm chưa có Internet. Chúng tôi ký hợp đồng nhượng quyền từ tháng 10 năm 2003, nhưng mãi đến tháng 8 năm 2004, cửa hàng Mango mới được khai trương. Đó là những bài học kinh nghiệm tôi không bao giờ quên.
Ngoài Mango, ở thời điểm ban đầu, ông có còn gặp gỡ nhiều khó khăn khi đưa các thương hiệu quốc tế khác về Việt Nam?
Nói chung, việc đưa bất kỳ thương hiệu nào về cũng có khó khăn riêng. Khi đưa Mango về, tôi gặp khó khăn khi không có nhiều kiến thức về ngành bán lẻ. Sau khi đã có kinh nghiệm, tôi lại gặp khó khăn về thị trường. Khi đưa một thương hiệu quá cao cấp hay không được biết tới nhiều về Việt Nam, chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian để PR-marketing.
Trước đây, Maison cũng từng đưa một vài thương hiệu cao cấp về Việt Nam, nhưng do chi phí mặt bằng và vận hành quá lớn, chúng tôi buộc lòng phải đóng cửa. Điều này tất yếu đến từ thị trường chung, khi lúc đó Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng đón nhận các thương hiệu này.
Vậy đâu là tiêu chí để ông đưa các thương hiệu thời trang quốc tế về Việt Nam?
Trước hết, chúng tôi cân nhắc liệu thương hiệu này đã có mặt trong các thị trường gần Việt Nam như Singapore, Hong Kong, Thái Lan… chưa, có mặt trong bao lâu, với bao nhiêu cửa hàng, mỗi cửa hàng có diện tích bao nhiêu… Đó là những tiêu chí rất quan trọng, vì rủi ro sẽ rất cao nếu như thương hiệu này chưa được nhiều người biết đến. Thứ hai, tôi cân nhắc về giá cả và hàng hóa của họ.
Theo ông, thách thức lớn nhất đối với các thương hiệu quốc tế tại thị trường thời trang Việt Nam hiện tại là gì?
Việt Nam có quá ít trung tâm mua sắm đúng nghĩa, với F&B, spa, khu bán đồ điện máy, hiệu sách, khu vui chơi cùng nhiều dịch vụ khác. Khi đã ký hợp đồng, chúng tôi phải cam kết với thương hiệu mở tối thiểu từ 3-5 cửa hàng trong 3 năm, nhưng ở Việt Nam lại không có đủ trung tâm mua sắm để làm được như vậy.
Trong số các thương hiệu ông đưa về Việt Nam có Kiton, là một thương hiệu thời trang nam cao cấp rất nổi tiếng về bespoke. Ông có nghĩ rằng việc đưa thời trang bespoke về Việt Nam lúc này vẫn còn khá sớm?
Thực ra, người Việt Nam từ lâu đã quen thuộc với đồ bespoke hay Made-to-Measure như suit, áo dài cho các dịp đặc biệt. Sau này, mọi người mới đi đến cửa hàng để mua đồ may sẵn vì nhanh và tiện hơn. Đồ may đo dần không còn phổ biến. Tôi đưa Kiton về Việt Nam năm 2016, và đầu tư rất nhiều cho cửa hàng ngay thời điểm ban đầu. Vì tôi biết rất khó tìm được một khách hàng hiểu về Kiton, đánh giá cao mẫu mã, chất lượng, và di sản thương hiệu, nhưng một khi đã biết, họ sẽ luôn quay lại. Và đó là lý do Kiton vẫn hoạt động tốt đến thời điểm hiện tại.
Điều gì khiến ông có nhận định khách hàng sẽ luôn quay lại với Kiton?
Riêng trong lĩnh vực may đo suit, Kiton là thương hiệu hàng đầu trên thế giới. Khách hàng – khi tìm đến dịch vụ Made-to- Measure của Kiton – đều hướng tới những gì đặc biệt hơn so với những bộ suit thông thường. Tại đây, họ sẽ được người may đo kích cỡ chính xác, được giới thiệu và lựa chọn những chất liệu vải tốt nhất với giá cả và màu sắc khác nhau, để sở hữu bộ suit được hoàn thiện chuẩn xác, đúng sở thích cá nhân. Với Kiton, tôi cũng như công ty Xuân An mong muốn một lần nữa làm sống lại văn hóa sử dụng đồ Made-to-Measure, điều tạo nên phong thái lịch lãm đích thực của quý ông.
Ông có ngại hé lộ về dự định sắp tới của Xuân An?
À, tôi chỉ có thể nói trong năm nay, Xuân An sẽ đưa về các thương hiệu lớn khác, trong đó có cả cao cấp, trung cấp và đại chúng (cười).