The Quiet Luxury Issue (Kỳ 2): Vì sao 2023 sẽ là năm của “sự sang trọng thầm lặng?”
Năm 2023 sẽ là năm trở lại của “Quite Luxury” (sang trọng thầm lặng) khi mà gu thời trang thường thấy của những vị tỷ phú như Steve Jobs, Elon Musk được sùng bái. Trang phục có phần nhàm chán này lại trở thành biểu tượng cho địa vị của tầng lớp siêu giàu.
Mặc dù có sự tương đồng giống với phong trào tối giản “Nomcore” trong giai đoạn năm 2008 – 2016, nhưng “Quite Luxury” hướng đến tính sang trọng tổng thể từ chất liệu, tính thủ công và xuất xứ từ thương hiệu cao cấp.
Maja Dixdotter, Giám đốc sáng tạo của By Malene Birger – một nhãn hiệu gần đây đã đạt được sự nổi tiếng bằng cách tái định vị thương hiệu qua sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao. Cô cho biết: “Cảm giác sang trọng đến từ sự hài hoà trong bảng màu, kết cấu và phom dáng trang phục”.
Sự trỗi dậy của xu hướng “sang trọng thầm lặng” đã giúp tập đoàn Zegna, chủ sở hữu của Thom Browne tăng doanh thu lên 1,5 tỷ euro (1,6 tỷ USD) vào năm 2022. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Gildo Zegna cho biết: “Chúng tôi may mắn là một trong số ít thương hiệu kinh doanh sản phẩm theo hướng sang trọng, thanh lịch, đặc biệt đối với phân khúc khách hàng nam. Đây là những triển vọng tích cực để phát triển trong tương lai”.
Thị trường thời trang cũng chứng kiến sự nổi lên của nhà mốt Bottega Veneta trong hai năm qua dưới bàn tay sáng tạo của phù thuỷ Daniel Lee. Thương hiệu đã tạo nên cơn sốt “thanh lịch” với những trang phục không logo, đơn giản mà tinh tế. Hay thương hiệu Max Mara (Ý) cũng được tầng lớp quý tộc yêu thích khi hướng đến các sản phẩm thiết kế thủ công cho một số nhân vật như Nữ công tước xứ Cambridge (Kate Middleton).
Cùng với đó là Devaulx (Bỉ) cũng nổi tiếng với sản phẩm da cao cấp lâu đời được yêu thích bởi công chúa Hoàng gia Maxima (Hà Lan), Claire (Luxembourg) hay diễn viên Angelina Jolie, Sarah Jessica Parker, Katie Holmes,…
Trên những sàn diễn thời trang quốc tế, Gucci đã hoán đổi thiết kế in logo CC như thường thấy bằng các thiết kế dệt kim màu sâmpanh và áo khoác cộc tay thanh lịch. “Tagwalk” gần đây cũng phân tích những gam màu nổi bật của các buổi trình diễn Thu/ Đông 2023 là đen, trắng, xám, be, vốn là bảng màu phổ biến của phong cách “sang trọng thầm lặng”.
Covid và lạm phát là nguyên nhân chính
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, sự sang trọng thầm lặng trở thành xu hướng như chủ nghĩa tối giản. Một ví dụ được đưa ra vào năm 2008, sau một thập kỷ “cuồng logo”, các thương hiệu như Celine đã mang đến làn gió mới của trang phục thường ngày. Cohen – trợ lý của Giám đốc sáng tạo Phoebe Philo thời điểm đó chia sẻ: “Cô ấy may trang phục cho người phụ nữ hiện đại, có thể trở nên thật phong cách ngay cả khi đang chăm sóc cho tổ ấm của mình. Chưa bao giờ thời trang ứng dụng lại được ưa chuộng đến vậy”.
Ngoài ra, dịch bệnh Covid – 19 cũng được coi là nguyên nhân thứ yếu khiến nhu cầu mua quần áo giảm xuống.
Hơn cả một xu hướng
Chúng ta thường thấy tỷ phú Mark Zuckerberg mặc những chiếc áo phông bình thường. Thực tế, đó là các sản phẩm được tuỳ chỉnh bởi Brunello Cucinelli với giá trung bình khoảng 300 USD.
Tuy nhiên sự sang trọng thầm lặng không chỉ dừng lại ở cách thức ăn mặc mà đó còn thể hiện tư duy và phong cách sống.
Khi bạn đã đủ giàu để chi tiền cho những món hàng hiệu, bạn quan tâm nhiều hơn đến tính bền vững, sức khoẻ bên trong. Thay vì chi hàng chục ngàn đô la làm đẹp tại spa, bạn sẽ chăm sóc sắc đẹp qua chế độ ăn uống, sinh hoạt cá nhân. Quan tâm nhiều hơn với sức khoẻ tinh thần, thực hành thiền định, đọc sách hoặc nghe podcast.
Quên đi những buổi tiệc xa hoa, bạn có thể tự tay vào bếp và thưởng thức bữa ăn thân mật cùng bạn bè tại nhà. Hoặc thay vì lấp đầy căn phòng bằng túi đồ hàng hiệu xếp chồng lên nhau, nhiều người lựa chọn làm từ thiện, tham gia các hoạt động thiện nguyện một cách thầm lặng.