BUSINESS OF LUXURY

Tương lai Fintech: Bạn đã sẵn sàng bước vào xã hội không tiền mặt?

Aug 19, 2022 | By Ton Binh

Vai trò của tiền mặt (cold/hard currency) đang giảm dần khi xu hướng của chúng ta giờ đây đang hướng đến những giao dịch không tiền mặt. Nhưng bấy nhiêu đó đã đủ để ta nói về tương lai của tài chính công nghệ (fintech) hay chưa?

Chỉ một thập kỷ trước, một thế giới không có tiền xu và tiền giấy là điều không thể tưởng tượng được. Một viễn cảnh mà tiền giấy không còn giữ vững vị trí độc tôn thật khó chấp nhận. Mặc dù thanh toán kỹ thuật số đã có những bước phát triển đáng kể vào năm 2020 nhưng Covid-19 đã giúp đốt cháy giai đoạn phát triển của tiền kỹ thuật số, đánh dấu thời điểm hình thức thanh toán kỹ thuật số lên ngôi. Dù đã qua một khoản thời gian, tôi tin rằng rất nhiều người trong chúng ta vẫn đang vật lộn với thói quen mới, với khái niệm không tiền mặt và có chút mông lung mơ hồ về cách một nền tài chính công nghệ trong tương lai sẽ vận hành như thế nào.

Dù muốn dù không, những người bạn xung quanh ta và kể cả những hàng quán với quy mô khiêm tốn nhất, cũng đang cho thấy bước dịch chuyển đáng kể của họ: trang bị sẵn những ứng dụng giao dịch tiền và số tài khoản cá nhân được dán ở ngay quầy thanh toán. Còn các ngân hàng thì đang ráo riết dịch chuyển lên ngân hàng số, điều này cũng đang khiến cho ngành nghề này đang thiếu hụt về mặt nhân sự. Hiện tại, đã có 15 quốc gia đang hướng đến việc không dùng tiền mặt trong một thập kỷ tới, bao gồm: Thụy Điển, Trung Quốc, Na Uy, Hà Lan, Phần Lan, Vương quốc Anh…

Trong một cuộc khảo sát của Visa, khoảng 64% người tiêu dùng ở Đông Nam Á tự tin về việc không dùng tiền mặt trong cả ngày. Hơn nữa, báo cáo từ World Payment năm 2019 cho thấy giá trị của các giao dịch không dùng tiền mặt ở châu Á dự kiến sẽ tăng từ 96.2 tỷ USD vào năm 2017 lên 352.8 tỷ USD vào năm 2022, tăng hơn 266%.

Nhưng chúng ta đã sẵn sàng để không dùng tiền mặt chưa?

Bất chấp những tiến bộ trong công nghệ blockchain, hay nền tài chính toàn cầu đang dịch chuyển, nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này tin rằng nền kinh tế toàn cầu kỹ thuật số vẫn còn cách chúng ta rất xa. Theo đó, Udo Mueller, Giám đốc điều hành của Paysafecard tại Paysafe lý giải: “Thực tế hiện nay là chúng ta chưa và có thể chưa bao giờ sẵn sàng cho một xã hội thực sự không tiền mặt. Nếu tiền mặt biến mất vào ngày mai, nó sẽ chỉ làm trầm trọng thêm khó khăn mà những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội phải đối mặt, và mức độ loại trừ tài chính cực đoan đó sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế.”

Cụ thể, khi các chính sách của chính phủ ở Ấn Độ hướng tới việc khuyến khích một xã hội không tiền mặt, nông dân không thể mua hạt giống cho cây trồng của họ, và những người có mức lương thấp buộc phải lựa chọn giữa một ngày làm việc hoặc dành cả ngày xếp hàng để đổi tiền tại ngân hàng. Ngay cả những quốc gia như Thụy Điển, nơi có mức độ bình đẳng và tài chính toàn diện (mức độ tiếp cận các dịch vụ/giải pháp về tài chính) cao hơn, đã phải đưa ra các biện pháp để làm chậm lại sự thay đổi theo hướng không dùng tiền mặt, để đảm bảo người dân nông thôn và người dễ bị tổn thương không bị bỏ lại phía sau.

Theo cơ sở dữ liệu của World Bank Global Findex, trong khi khoảng 90% người trưởng thành sống ở các nước thu nhập cao có tài khoản ngân hàng, thì con số này rơi vào khoảng 45% ở các nước thu nhập trung bình và chỉ hơn 20% ở các nước thu nhập thấp. Điều này cho thấy, mặc dù vai trò của tiền mặt có thể thay đổi, nhưng ngay cả đại dịch cũng không thể thúc đẩy chúng ta hướng tới một xã hội thực sự không tiền mặt.

Cố vấn của Expert Market, Zara Chechi cũng đồng tình với quan điểm trên: “Mặc dù hầu hết mọi người dựa vào các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, họ vẫn có thể truy cập tiền mặt của mình bằng cách đưa vào máy rút tiền. Trong một xã hội không dùng tiền mặt, điều này sẽ không còn là một lựa chọn nữa và có cảm giác rằng mọi người sẽ phải vật lộn vì không có cảm giác an toàn.” Ví dụ, nếu có một thảm họa gây mất điện trên diện rộng hoặc sự cố băng thông rộng, nền kinh tế sẽ bị tê liệt và không ai có thể thực hiện bất kỳ giao dịch nào.

 Sự thật là các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ, điều này đi kèm với những rủi ro riêng. Sự thiếu tin tưởng vào các công nghệ hoàn toàn có cơ sở. Với các cuộc tấn công mạng và gian lận ngày càng phổ biến, bảo mật cho các giao dịch tài chính trực tuyến đòi hỏi mức độ bảo vệ ngày càng tăng. Điều này hiện nay thường áp dụng cho các phương pháp sinh trắc học theo dõi ngữ điệu giọng nói, dấu vân tay và hơn thế nữa.

Ở một phương diện khác, đối với nhiều người (mà trong đó có cả tôi), sử dụng tiền mặt chỉ đơn giản là một sở thích, một sự lựa chọn cho phép ta kiểm soát tài chính của mình ngay cả khi khoảng cách giữa ta với thanh toán trực tuyến chỉ là vài vài thao tác trên các ứng dụng thanh toán.

Thách thức xóa sổ tiền mặt nhiều vô kể

Vì vậy, trong khi công nghệ đang đổi mới với tốc độ chóng mặt, giúp thanh toán kỹ thuật số nhanh hơn và hiệu quả hơn bao giờ hết, thì chính sự dè dặt của người tiêu dùng khiến việc hoàn toàn không dùng tiền mặt là không thực tế. Người tiêu dùng vẫn coi tiền mặt là một phần quan trọng trong bối cảnh thanh toán.

Một nghiên cứu cho thấy 28% khách hàng sẽ không cân nhắc việc mua sắm tại một cửa hàng nếu nó không cung cấp lựa chọn thanh toán bằng tiền mặt. Rõ ràng, không chỉ là về việc có thể đạt được một thế giới không tiền mặt hay không, mà còn là việc lắng nghe những gì khách hàng muốn. Khi nói đến thanh toán, sự lựa chọn là tối quan trọng và việc tiếp cận tiền mặt – cũng như quyền của người tiêu dùng để tiếp tục thanh toán bằng tiền mặt – cần được bảo vệ.

Nói đi phải nói lại, đại dịch chắc chắn đã mở ra bối cảnh thanh toán mới, nhưng chỉ 10% người tiêu dùng cho biết họ có kế hoạch hoàn toàn không dùng tiền mặt trong vòng vài năm tới, con số này chỉ tăng 1% so với số liệu trước Covid-19, và 50% người tiêu dùng có kế hoạch thực hiện ít nhất 25% giao dịch của họ bằng tiền mặt trong tương lai.

Chuyển tiền trong nước là một chuyện, nhưng để hỗ trợ các giao dịch linh hoạt giữa các quốc gia, còn nhiều việc phải làm trong việc điều chỉnh các quy định. Ít nhất, các cơ quan quản lý sẽ cần tăng cường nỗ lực phối hợp để đảm bảo việc giám sát các giao dịch kỹ thuật số không bị cản trở bởi các sai lệch quy định giữa các khu vực tài phán. Chuyển đổi sang một xã hội không dùng tiền mặt sẽ đòi hỏi các khoản đầu tư công nghệ đáng kể từ tất cả các bên liên quan trong hệ sinh thái: ngân hàng, tổ chức thanh toán và chính các cơ quan quản lý. Cơ sở hạ tầng hiện tại không hướng tới quy mô giao dịch lớn như vậy.

Không chỉ vậy, nó còn thách thức cả mô hình kinh doanh truyền thống. Các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác hiện kiếm tiền bằng cách áp dụng phí cho các giao dịch của khách hàng. Trong một xã hội không dùng tiền mặt sẽ không có các khoản thanh toán bằng tiền mặt và do đó, những khoản phí này sẽ không còn nữa. Do đó, toàn ngành sẽ cần phải nhìn lại mô hình kinh doanh của mình.

Đó là chưa kể, sự gia tăng số hóa nền kinh tế đang tạo ra sự chia rẽ giữa nhóm hiểu biết về công nghệ và nhóm bị tước quyền/không theo kịp sự tiến bộ của thời đại. Điều này đòi hỏi phải có chính sách phù hợp của chính phủ để mọi người đều có thể hưởng lợi từ những khả năng mới của thế giới kỹ thuật số. Để một xã hội không dùng tiền mặt thực sự thành công, các khoản thanh toán kỹ thuật số phải có thể tiếp cận và hấp dẫn đối với tất cả mọi người.

Một xã hội không dùng tiền mặt không chỉ đòi hỏi một cuộc đại tu kinh tế hoàn toàn để đảm bảo mọi người không bị bỏ lại phía sau, mà còn đòi hỏi sự thay đổi đáng kể trong thái độ của người tiêu dùng – ngay cả đối với những người có khả năng tiếp cận với các phương thức thanh toán khác.

Tóm lại, tiền mặt vẫn có một vai trò quan trọng trong xã hội, đặc biệt là về mặt tài chính. Nó có thể đang không còn là lựa chọn hàng đầu nhưng để biến mất hoàn toàn thì là một câu chuyện hoàn toàn khác và phức tạp hơn rất nhiều.

Bài: Trương Huyền My


 
Back to top