The Luxe Anatomy Issue: “Mỏ vàng xa xỉ tương lai” tại Việt Nam và Đông Nam Á
Theo báo cáo của Savills, giai đoạn năm 2022-23 chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc trong sự quan tâm của các thương hiệu quốc tế đến khu vực Đông Nam Á, trong đó nổi bật là các quốc gia Singapore, Việt Nam, Thái Lan và Phillipines. Phân khúc bán lẻ xa xỉ theo đó cũng có theo những sự dịch chuyển, xuất hiện những xu thế mới.
Ngành xa xỉ toàn cầu dồn trọng tâm về Đông Nam Á
Trong năm 2023, thế giới chứng kiến sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư vào khu vực châu Á, như một cách để mở rộng danh mục hoạt động của các thương hiệu xa xỉ vốn đã thống trị từ lâu ở các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ và đã dần đi đến sự bão hòa. Tuy nhiên, không như một số dự đoán, dòng đầu tư không đi vào Trung Quốc, mặc dù Đại Lục vốn được xem là thị trường thế mạnh với số dân đông đảo và tiềm lực kinh tế của người dân đang ngày càng phát triển.
Sau tình trạng đóng cửa kéo dài ở Trung Quốc, thách thức gia tăng trong thị trường và sự xuất hiện của các thương hiệu xa xỉ nhỏ trong nước khiến quốc gia này không còn tiềm năng. Nick Bradstreet, Giám đốc Bộ phận bán lẻ châu Á Thái Bình Dương của Savills cho biết: “Suy thoái kinh tế tại Trung Quốc đã khiến các nhà đầu tư xa xỉ phải suy nghĩ lại về việc bán lẻ của họ tại đây. Trung Quốc từng là động cơ tăng trưởng cho các thương hiệu xa xỉ trong vòng 5-7 năm qua, nhưng những thách thức kinh tế hiện tại đã khiến nhiều giám đốc điều hành cảnh giác. Họ muốn đa dạng hóa để tiến xa hơn và Đông Nam Á đang trở thành tâm điểm”.
Như vậy, các thị trường đáng chú ý khác tại Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Phillipines lại trở thành những lựa chọn đương nhiên cho sự đa dạng hóa này. Theo Bain, doanh số bán hàng xa xỉ của Đông Nam Á đạt 12 tỷ euro vào năm 2022, tăng trưởng mạnh mẽ hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Federica Levato, lãnh đạo của EMEA về ngành thời trang và hàng xa xỉ, đồng thời là đối tác cấp cao tại Bain, so sánh con số này rất đáng kể so với mức tăng khoảng 20-30% ở khu vực nước Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản, cùng sự suy giảm ở Trung Quốc liên quan đến lệnh phong tỏa thời gian vừa qua. Dự kiến đến năm 2030, khu vực Đông Nam Á sẽ có thêm khoảng 25 đến 30 triệu người tiêu dùng có thu nhập trung bình và cao và ông Levato cho biết, Đông Nam Á sẽ đại diện cho một “sự tăng trưởng đáng kể của ngành hàng xa xỉ, và các thương hiệu nên chuẩn bị nắm bắt và tận dụng điều đó”.
Theo ông Damien Yeo, nhà phân tích tiêu dùng và bán lẻ tại công ty nghiên cứu thị trường BMI, Singapore hiện đang là quốc gia dẫn đầu trong khu vực. Những điểm mua sắm sang trọng như The Shoppes tại Marina Bay Sands hay Ion Orchard đều chứng kiến sự khai trương của một loạt của hàng xa xỉ mới. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang là thị trường phát triển vô cùng nhanh chóng. Theo ông Yeo, thị trường hàng xa xỉ của Việt Nam dự kiến sẽ đạt trị giá 957 triệu bảng Anh vào cuối năm 2023 và dự báo tiếp tục đạt mức tăng trưởng 3,3% hàng năm, cho đến năm 2028.
Các thương hiệu lớn đã bắt đầu mở rộng dấu ấn tại đây. Vào tháng 7 năm 2023, nhà bán lẻ xa xỉ đa thương hiệu Runway đã khai trương cửa hàng lớn nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh, với nhiều thương hiệu từ Chanel đến Rick Owens và Self-Portrait. Hermès, Tory Burch và nhãn hiệu thời trang đường phố Hàn Quốc, ADLV cũng đã mở cửa hàng trong thành phố. Trong khi Dior và Louis Vuitton đã có các cửa hàng flagship đầu tiên tại Hà Nội trong năm 2022.
“Phân khúc xa xỉ đang phát triển nhanh chóng ở Việt Nam có thể định vị đất nước này trong tương lai trở thành một thị trường lớn của châu Á về thời trang cao cấp, cùng với những quốc gia đang dẫn đầu khu vực phát triển của châu Á hiện nay như Nhật Bản và Hàn Quốc”, ông Yeo bổ sung.
Những xu hướng bán lẻ cao cấp thống trị trong năm 2024
Trang Cegid.com tổng hợp những xu hướng bán lẻ cao cấp sẽ trở thành chủ lực trong năm 2024, bao gồm:
1 – Tiếp tục chuyển đổi kỹ thuật số
Theo dự đoán của McKinsey, đến năm 2026, 20% doanh số bán hàng xa xỉ sẽ đến từ doanh thu trực tuyến. Vì vậy, các thương hiệu đã và đang đẩy mạnh hoạt động kỹ thuật số vào bán lẻ. Chẳng hạn như Louis Vuitton ra mắt dịch vụ chatbot trực tuyến mới tại VivaTech vào năm 2021; Gucci cung cấp cho khách hàng quyền truy cập với các cố vấn bán hàng trực tuyến và CHANEL đã phát triển dịch vụ phòng thử đồ ảo kết hợp với Farfetch.
2 – Livestream
Năm 2021, Lancôme lần đầu tiên ra mắt sự kiện Lancôme Happiness Nights với một hành trình sống động được phát trực tiếp từ cửa hàng trên đại lộ Champs-Élysées ở Paris. Tháng 7 năm 2022, Dior trao cho khách hàng quyền truy cập độc quyền vào các buổi trình diễn thời trang và cơ hội trao đổi trực tuyến với các chuyên gia trang điểm của hãng.
3 – Bán hàng và chăm sóc khách hàng trực tuyến
Nhiều giải pháp di động đang được chú trọng trong bán lẻ xa xỉ. Chẳng hạn như, Rimowa đã trang bị cho nhân viên thiết bị POS di động và sử dụng giải pháp Cegid Retail nhằm cải thiện dịch vụ khách hàng, mang lại trải nghiệm mua sắm cá nhân hóa và giảm thời gian chờ đợi tại các cửa hàng.
4 – Thực tế ảo và Metaverse
Louis Vuitton đã tạo ra trang phục cho các nhân vật trong trò chơi điện tử Liên Minh Huyền Thoại, Dolce & Gabbana đã bán 9 NFT với giá 1.885.719 Ether, tương đương hơn 6 triệu euro. Eric Briones, Giám đốc điều hành của Journal du Luxe cho biết: “Hàng xa xỉ đi đầu trong thế giới mới này vì chúng có chung các giá trị: hiếm, độc quyền, các mặt hàng có giá trị cao và đẳng cấp VIP”.
5 – Bán lại hàng cao cấp
Thị trường bán lại xa xỉ đã phát triển đến mức 33 tỷ euro vào năm 2021, tăng 65% kể từ năm 2017. Theo Bain & Company, thị trường bán lại xa xỉ có thể chiếm tới 20% doanh thu của một thương hiệu vào năm 2030 mà vẫn chưa được các thương hiệu xa xỉ chú ý đúng mức, chỉ trừ một vài thương hiệu đồng hồ. Tại Gucci, năm 2021, cựu Giám đốc sáng tạo Alessandro Michele đã sáng lập ra một cửa hàng ý tưởng trực tuyến cung cấp các món đồ cổ điển nhân kỷ niệm 100 năm thành lập thương hiệu.
Thuận lợi và thách thức cho bán lẻ xa xỉ tại Việt Nam và Đông Nam Á
Dữ liệu từ Statista cho thấy doanh thu tại thị trường hàng xa xỉ Việt Nam đang gần đạt đến mức 1 tỷ USD vào năm 2023, trong khi thị trường xa xỉ Thái Lan sẽ đạt 1,94 tỷ USD vào cuối năm nay, với mức tăng trưởng năm lần lượt là 3,2% và 5,70%. Theo Savills, việc khai trương các khách sạn hạng sang mới như Four Seasons, Fairmont, Waldorf Astoria và Ritz Carlton tại Hà Nội, thủ đô của Việt Nam, là điểm cộng lớn trong việc thu hút các thương hiệu hạng sang.
Đại diện đơn vị cho biết thêm, nhiều thương hiệu xa xỉ muốn được xuất hiện trên mặt tiền các trục đường chính ở quận trung tâm, với vị trí đắc địa nhất được xem xét xung quanh quận Hoàn Kiếm. Hà Nội là thị trường bán lẻ lớn duy nhất ở Đông Nam Á có giá thuê mặt bằng tăng từ năm 2019 đến năm 2021.
Chị Anh Trần, người sáng lập Runway Việt Nam, chia sẻ rằng tổng quan ngành bán lẻ hàng xa xỉ trong khu vực đã được vực dậy đáng kể nhờ tác động của du lịch, đặc biệt là tại Thái Lan, Malaysia và Singapore. Một lợi thế cạnh tranh quan trọng của thị trường bán lẻ cao cấp Đông Nam Á là giá thuê thấp hơn so với các trung tâm bán lẻ cao cấp lớn như Singapore, Hồng Kông, Thượng Hải hay Tokyo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức. Theo công ty tư vấn toàn cầu Kearney và Luxasia, việc khai thác tăng trưởng vẫn còn khó khăn do hệ sinh thái, bao gồm 6 vấn đề chính:
- Mạng lưới bán lẻ đa chiều;
- Sở thích sản phẩm địa phương không đồng nhất;
- Cách tiếp cận tiếp thị khác nhau;
- Thách thức từ khuôn khổ pháp lý;
- Chuỗi cung ứng hoạt động tốn kém và có nhiều quy tắc riêng
- Thông tin bất cân xứng trong lựa chọn đối tác.
“Điều quan trọng là các thương hiệu phải tìm được cách tạo ra sản phẩm, thông điệp mang tính toàn cầu theo hướng tích hợp và tương thích theo từng khu vực” – Báo cáo của Kearney và Luxasia
Báo cáo nhấn mạnh: “Mỗi người tiêu dùng hiện nay là đều là những công dân vừa địa phương, vừa toàn cầu. Họ có thể hiểu được thông điệp của thương hiệu tại các thị trường Mỹ, Châu Âu và Bắc Á nhưng cũng vô cùng kết nối với khu vực mình sinh sống. Vậy nên, điều quan trọng là các thương hiệu phải tìm được cách tạo ra sản phẩm, thông điệp mang tính toàn cầu theo hướng tích hợp và tương thích theo từng khu vực”.
Như vậy, có thể thấy trong tương lai, Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ trở thành “mỏ vàng” cho ngành bán lẻ xa xỉ. Để đón đầu thật tốt cơ hội khổng lồ này, đòi hỏi các thương hiệu phải tối ưu hóa hoạt động bán lẻ trên mọi phương diện, cập nhật những chiến lược mới từ hiểu biết sâu sắc về thị trường và người tiêu dùng địa phương; khai thác sự tăng trưởng liên tục của thương mại điện tử; thúc đẩy tăng tốc thương mại xã hội; xây dựng mạng lưới cung ứng chặt chẽ và linh hoạt và xây dựng các chiến lược bán lẻ đa kênh phù hợp.