20 tác phẩm trong triển lãm République D’Art: “Vùng nhiệt đới gió mùa”
Có thể lấy tên bức tranh “Vùng nhiệt đới gió mùa” của Nguyễn Minh Hiếu để định vị tinh thần cho cả cuộc trưng bày “République D’Art” mà Luxuo Art tổ chức tại La Vela Saigon Hotel (280 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM) từ ngày 23 đến ngày 26 tháng 7 này.
Có thể nói, “République D’Art” là cuộc trưng bày hiếm hoi tại Việt Nam được thực hiện với tinh thần của thị trường thứ cấp, chỉ giới thiệu những tác phẩm không còn thuộc sở hữu của họa sĩ mà là sở hữu của các nhà sưu tập như Trần Hậu Tuấn, Bùi Quốc Chí, Nguyễn Thanh Sơn; của các văn nghệ sĩ với niềm yêu thích sưu tầm như Vũ Ngọc Giao, Huy Tuấn, Hồng Ánh, Lê Y Lan, Nguyễn Hoàng Ngân, và nhiều người khác.
Với gần 20 tác phẩm, “République D’Art” quy tụ các tên tuổi kì cựu như Nguyễn Gia Trí (1908-1993), Lê Văn Xương (1917-1988), Văn Đen (1919-1988), Lưu Công Nhân (1929-2007), Lê Công Thành (1932-2019)… cũng như các tên tuổi thời danh như Phạm Lực, Phạm An Hải, Bùi Suối Hoa, Đỗ Trung Quân, Bùi Thanh Phương, Nguyễn Nghĩa Cương, Đỗ Minh Tâm, Đào Thành Duy, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Lê Ngọc Thanh, Nguyễn Minh Hiếu…
République D’Art: “Vùng nhiệt đới gió mùa”
Những tác phẩm hiện diện tại sự kiện như làn gió mùa ấm áp của vùng nhiệt đới nghệ thuật Việt Nam. Cách làm này của Luxuo Art cũng cho thấy vài tín hiệu riêng như: (1) mở ra một liên kết giữa các nhà sưu tập chuyên nghiệp với sưu tập tài tử, nhằm mang đến cho người xem phần nhỏ hình dung về công việc mà lâu nay vốn thiên về sở thích cá nhân và có tính âm thầm; (2) mở ra một cách cửa để thấy rằng việc sở hữu tác phẩm nghệ thuật bây giờ không chỉ là “đặc quyền đơn độc” của riêng giới sưu tập nhà nghề, mà đang ngày càng đông vui hơn và cuối cùng là (3) mở ra một góc nhìn để thấy sự định hình dần dần về thị trường nghệ thuật thứ cấp tại Việt Nam.
Về thế hệ nhà sưu tầm trong bối cảnh thị trường thứ cấp ở nước ta
Việt Nam đến nay đã có 5 thế hệ sưu tầm. Thế hệ sưu tầm thứ 5 bắt đầu cách đây khoảng một thập niên, và khác các thế hệ trước ở chỗ họ sưu tầm vì nhu cầu đầu tư chứ không chỉ vì cảm tình, cảm tính quá nhiều. Tất nhiên, như đã nói, nghệ thuật là vô dụng. Không xuất phát từ tình yêu và một chút “điên điên”, chẳng dại gì đầu tư vào mỹ thuật.
Đa số nhà sưu tầm thế hệ thứ 5 sinh vào những năm 1980, nhưng cũng có những người ở độ tuổi 70 vẫn đi sưu tầm. Họ có tài chính tự thân tốt, và khác với tiền bối của họ là Đức Minh hay Nguyễn Xuân Oánh – những nhà tài phiệt sưu tầm thời kỳ đầu, với xuất điểm là cảm tính và cảm tình. Thời đó, có những người trở thành nhà sưu tầm bất đắc dĩ. Sau khi Đức Minh mất, trong những người thừa hưởng tranh của ông có những nhà sưu tầm bất đắc dĩ đó.
Hấp lực và ám ảnh về tranh Đông Dương vẫn hãy còn nặng nề vì nó quá nổi tiếng. Giá cả cao nên giá trị thanh khoản từ đó cũng cao hơn. Nhà sưu tầm nào có một bức tranh Đông Dương trong kho tàng của mình đều cảm thấy dễ bán hơn, nên đa phần đều muốn bắt đầu công việc sưu tầm tranh bằng các dòng tranh Đông Dương để tăng “số má giang hồ”.
Tuy nhiên, vì thế hệ sưu tập thứ 5 là những người kinh tế tự thân nên họ vừa có lòng tự tôn vừa có sự tự tin để bắt đầu với lối đi riêng là sưu tập các dòng tranh của các tác giả hiện đại, dù chưa nổi tiếng. Cũng giống như Đức Minh, lúc ấy, người ta chơi tranh tàu, tranh phong cách cung đình… nhưng ông lại đi theo cách của riêng mình. Ông mua tranh của những họa sĩ đương thời, vài người nhỏ tuổi hơn ông, nhiều người trong số họ thậm chí còn chưa có tên tuổi.
Nhiều người thuộc thế hệ sưu tầm thứ 5 có mua tranh dựa trên lời cố vấn của chuyên gia nói riêng hay tầng lớp trung gian nói chung để giúp họ thẩm định tranh, áp dụng mua tranh ký hợp đồng, xuất hóa đơn đỏ, có luật sư công chứng… điều mà trước đây hiếm khi có. Đồng tiền của họ bây giờ là minh bạch và khi cầm hóa đơn đỏ về, đó là bằng chứng cho thu nhập của họa sĩ, là cơ sở để chúng ta đánh thuế thu nhập nghệ thuật, tạo điều kiện để thị trường này phát triển hơn nữa.
Theo Lý Đợi
Tiếp nối triển lãm thứ hai “Một Sớm Mai Xuân”, Luxuo Art trở lại với “République D’Art” diễn ra từ ngày 23 đến ngày 26 tháng 7 tại khách sạn La Vela Saigon.
Trong không gian ấm cúng và sang trọng của khách sạn La Vela Saigon, đêm tiệc khai mạc triển lãm diễn ra vào ngày 23/7 này sẽ mang 80 vị quan khách bước vào thế giới nghệ thuật muôn màu, thi vị và đầy rung cảm.