ART & CULTURE

51 tranh chân dung văn nghệ sĩ trong sách và triển lãm Vọng của Trần Thế Vĩnh

Oct 19, 2020 | By Trang Ps

Cuốn sách và triển lãm Vọng (khai mạc lúc 18h ngày 28/10/2020 tại Mai House Saigon Hotel) giới thiệu 51 tranh chân dung văn nghệ sĩ mà Trần Thế Vĩnh mất khoảng 2 năm để hoàn thành.

51 chân dung gồm: Tuệ Sỹ, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn, Phạm Đình Chương, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Xuân Tiên, Lê Uyên Phương, Cung Tiến, Lam Phương, Trầm Tử Thiêng, Nguyễn Ánh 9, Trúc Phương, Y Vân, Hoàng Thi Thơ, Trần Thiện Thanh, Nguyễn Hiến Lê, Trần Đức Thảo, Quang Dũng, Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung, Phùng Quán, Trần Dần, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Tất Nhiên, Nguyễn Bính, Nguyễn Bắc Sơn, Du Tử Lê, Nguyên Sa, Minh Đức Hoài Trinh, Hàn Mặc Tử, Đỗ Long Vân, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Vũ Trọng Phụng, Trần Vàng Sao, Nguyễn Giá Trí, Vĩnh Phối.

Nói chung một phác thảo về những gương mặt tiêu biểu, xuyên suốt thế kỷ 20, trải dài từ Bắc chí Nam. Tiêu chí chọn nhân vật: tác phẩm của họ phải tạo được cảm hứng cho Trần Thế Vĩnh vẽ, nên Vọng có thể “sót” nhiều người, nhưng vẽ ai thì đều xuất phát tự sự đồng điệu.

Trần Thế Vĩnh: Định tâm sáng tác là chìa khóa quan trọng

Sự định tâm vô cùng quan trọng trong nghiệp sáng tác của người họa sĩ. Trong quá khứ, anh ta có thể băng qua nhiều biến cố, với những vết sẹo chưa lành, nhưng anh ta phải chấp nhận rằng mọi chuyện đã trôi vào dĩ vãng, lắng đọng và sắp xếp lại, thì lúc này anh ta có thể nhìn thấy chính mình qua những gì anh ta đã trải qua.

“Ngày nào tôi cũng vẽ, và thường vẽ vào buổi chiều đến đêm khuya. Vẽ cần sự tĩnh lặng bên trong lẫn bên ngoài và cùng với đó là sự nhập tâm. Dù trước lúc ấy, tôi đã đọc và nghiên cứu nhiều tác phẩm của họ, hiểu thơ ca và tư tưởng, nhưng khi vẽ, tôi quên mọi ngôn ngữ ấy đi để tập trung vào ngôn ngữ của chính mình. Không áp đặt. Vẽ trong vô thức. Và chính lúc này là khoảnh khắc diệu kỳ tạo nên trạng thái thăng hoa để đạt được một tác phẩm tốt.”

Vẽ xong thì thật sự sung sướng, y như tôi đang đối diện với chính mình, thích có người bạn cụng ly bia và ngồi với nhau tâm sự, chia sẻ. Hoặc không, tôi sẽ châm điếu thuốc và ngâm bức hình trong trạng thái miên man, say đắm”. – Họa sĩ Trần Thế Vĩnh trả lời Luxuo.

Có lẽ Trần Thế Vĩnh đã chia sẻ được quan niệm của Edgar Degas (1834 – 1917): “Sao chép lại những gì ta thấy cũng tốt, nhưng còn tốt hơn nhiều khi vẽ lại những gì giờ ta chỉ còn thấy trong ký ức. Đó là sự biến chuyển mà trí tưởng tượng kết hợp với trí nhớ”.

Trừ họa sĩ Vĩnh Phối là thầy dạy ở đại học, còn lại Vĩnh chưa gặp bất kỳ ai trong 50 nhân vật, vài người đã qua đời trước khi cha mẹ của Vĩnh sinh ra. Nên ký ức của Vĩnh là những dư âm từ lịch sử, từ sách vở, từ tinh thần văn nghệ, từ sự ngưỡng mộ… được truyền lưu qua năm tháng. Bằng trí nhớ gián tiếp, sự tưởng tượng dạt dào, cũng như kiến văn tự thân, Vĩnh đã thành công trong việc lột tả thần thái. Chính điều này làm cho các tranh chân dung – mới nhìn tưởng giống nhau – nhưng lại có được hồn cốt riêng và câu chuyện sâu sắc.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho rằng: “Vẽ chân dung không bao giờ là một điều đơn giản, vì ngoài tính chất truyền đạt được thần thái, tác phẩm còn phải mang tư tưởng nghệ thuật thẩm mỹ. Đó phải là những bay bổng sáng tạo chứ không chỉ gò bó vào những đường nét “truyền thần” y theo người mẫu. Tính nghệ thuật càng cao, sự thành công càng lớn, vì nó mang lại cho người ngắm nhiều cảm xúc hơn qua những giai điệu sắc màu cũng như chiêm nghiệm sáng tạo”.

Phần sáng tạo của chân dung nằm ở bút pháp, bạn có thể thấy những “nét phá”, tưởng chừng như linh tinh trong tranh, lại là cái đặc biệt và đắt nhất của tác phẩm. Để đạt được điều đó, người nghệ sĩ phải biết buông, biết chấm, biết phá và biết thả. Đó chính là bản lĩnh.

Cũng có thể gọi đây là cách vẽ theo trực giác. Trực giác không có nghĩa là cảm giác suy đoán, phán đoán không cần cơ sở nào, mà là nhận thức mang tính trừu tượng. Người nghệ sĩ thường sở hữu trực giác quyết liệt, họ vẽ bằng trực giác ấy và lấy đó làm cơ sở tạo nên phong cách riêng của mình”.

Ảnh: Trương Bách Thảo


 
Back to top