Nghệ thuật / Đấu giá

9 nghệ sĩ đương đại nổi bật Việt Nam

Feb 12, 2019 | By admin

Tại các phòng tranh lớn, hay những các sự kiện triển lãm quốc tế, nhiều nghệ sĩ Việt Nam ngày càng được đón nhận, nhờ vào cách diễn đạt nghệ thuật sâu sắc và độc đáo của cá nhân. 

Dưới đây là 9 nghệ sĩ đương đại để lại nhiều dấu ấn sự nghiệp nghệ thuật trong những năm qua.

Lê Quang Đỉnh

Lê Quang Đỉnh  – tác phẩm Persistence of Memory #10 | 2000-01 | C-print và linen tape | Bộ sưu tập: Joy of Giving Something, Inc., New York .

Sinh năm 1968 tại Hà Tiên, định cư ở Mỹ, họa sĩ Lê Quang Đỉnh đã có nhiều triển lãm tại các tổ chức và phòng tranh uy tín: Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MOMA) New York, Bảo tàng Mỹ thuật Houston, phòng trưng bày Whitechapel ở Luân Đôn, hội chợ 5 năm một lần DOCUMENTAL(13) ở Kassel…

Trong đó, đáng chú ý nhất là sự kiện buổi triển lãm chiêm nghiệm về quá trình làm việc của Lê Quang Đỉnh, được Bảo tàng Nghệ thuật Mori tại Tokyo tổ chức, vào năm 2015.

Các tác phẩm của Lê Quang Đỉnh thường là những câu chuyện cá nhân và ngữ cảnh của chúng, lấy nguồn từ lịch sử chiến tranh hiện đại Việt Nam. Thông qua các tác phẩm sắp đặt đa phương tiện và các nhiếp ảnh “dệt” (một kĩ thuật cắt dán tranh), những thể hiện của ông đào sâu vào bên trong quá khứ để khám phá những gì đã mất và đã bỏ quên, mang lại những ký ức đã từng bị từ chối, được che đậy hoặc bị bỏ rơi trong sự phát triển của xã hội.

Tác phẩm gần đây được trưng bày tại triển lãm PPOW New York, Lê Quang Đỉnh không đề cập đến bản thân, mà chỉ tập trung vào việc trải nghiệm nghệ thuật, khám phá những ranh giới của ngành nhiếp ảnh.

Hiện sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Quang Đỉnh là đồng sáng lập tổ chức nghệ thuật đương đại phi lợi nhuận – Sàn Art vào tháng 10 năm 2007.

Jun Nguyen-Hatsushiba
Jun Nguyen-Hatsushiba: Towards the Complex – For the Courageous, The Curious and the Cowards, 2001

Jun Nguyen-Hatsushiba. Towards the Complex – For the Courageous, The Curious and the Cowards, 2001.

Jun Nguyễn-Hatsushiba, mang hai dòng máu Việt – Nhật, sinh năm 1968 tại Tokyo và học tập tại Mỹ. Các Tác phẩm của anh được trưng bày tại bảo tàng nghệ thuật Mori (Tokyo), bảo tàng Arte Contemporanea (Rome), Kunsthalle Wien, Smithsonian Freer, phòng trưng bày Smithsonian Freer and Sackler, phòng trưng bày nghệ thuật Manchester, cùng nhiều nơi trên thế giới…

Các tác phẩm truyền thông của Nguyễn-Hatsushiba thường đề cập đến các vấn đề toàn cầu hóa, quốc tế hóa và ảnh hưởng của chúng đến văn hóa xã hội. Các tác phẩm trước đây của anh cũng bao gồm nhiều tài liệu về Việt Nam, như Cơn lốc xoáy dưới nước – một video nổi tiếng với cộng đồng nghệ thuật quốc tế năm 2001. Được quay tại Nha Trang, tác phẩm thể hiện khung cảnh ngư dân kéo xích lô dưới nước, tượng trưng cho sức nặng của truyền thống và quá khứ lịch sử trong cuộc hiện đại hóa đất nước mà người Việt đã trải qua và phải vượt qua.

Jun Nguyễn hiện anh sinh sống và làm việc tại Mỹ và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiffany Chung

Tiffany Chung dựng lại hành trình dòng thuyền di cư ở châu Á, 2017 .

Tiffany Chung sinh năm 1969 tại Đà Nẵng, cô tốt nghiệp Đại học California, Santa Barbara với bằng cử nhân BFA về Nhiếp ảnh năm 1988 và thạc sỹ MFA ngành Studio Art năm 2000. Các tác phẩm của Tiffany đều có sức ảnh hưởng và được trưng bày tại các triển lãm trên thế giới, bao gồm “Disrupted Choreographies” tại bảo tàng nghệ thuật Đương đại Nime và “My Voice Would Reach You” tại Bảo tàng Mỹ thuật, Houston,Texas. Năm 2013, cô được mời tham gia triển lãm Nghệ thuật quốc tế Sharjah Biennale, giám sát bởi Yuko Hasegawa, quản lý chính tại Bảo tàng Nghệ thuật Mori ở Tokyo.

Tác phẩm của cô làm mờ ranh giới giữa nhân chủng học, xã hội học và nghệ thuật, động thời gợi nhớ đến hình ảnh của khảo cổ học. Tiffany Chung thường đi sâu vào nghiên cứu đến quá trình đô thị hóa cùng mối tương quan với lịch sử và văn hóa. Cô cũng phân tích sự thay đổi về địa lí, sự tăng trưởng và suy giảm của chúng do xung đột, di cư, thảm họa tự nhiên, tác động của khí hậu khắc nghiệt kèm sự hủy diệt của con người.

Nghệ sĩ hiện đang sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguyễn Mạnh Hùng

Nguyễn Mạnh Hùng. Living Together in Paradise, 2011 – Điêu khắc.

Trong những năm gần đây, các tác phẩm của Nguyễn Mạnh Hùng thường thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Anh đồng thời cũng tham gia khá nhiều triển lãm danh tiếng  có thể kể tên: Triển lãm nghệ thuật đương đại châu Á Thái Bình Dương (năm 2012) tại Phòng trưng bày nghệ thuật Queensland, Brisbane; Triển lãm cùng nghệ sĩ lưu trú Jun Nguyễn-Hatsushiba tại Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Val-de-Marne, Pháp (năm 2014).

Làm việc với nhiều loại hình như nghệ thuật sắp đặt, vẽ và điêu khắc, Nguyễn Mạnh Hùng thường đặt ra các vấn đề liên quan đến cuộc sống xã hội Việt Nam đương đại, cũng như các khía cạnh của lịch sử quốc gia và văn hóa. Cách tiếp cận của anh bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi yếu tố siêu thực.

Là con trai của một phi công lái máy bay chiến đấu, anh  thường khắc họa hình ảnh máy bay chiến trong tác phẩm của mình, thổi vào đó vẻ ngoài nhân văn như trong tác phẩm điêu khắc Go to Market (2013), một phần của triển lãm cá nhân năm 2013 One Planet tại Galerie Quỳnh. Tác phẩm cho thấy một chiếc máy bay phản lực với túi hàng tạp hóa trên đôi cánh và tiêu đề gợi lên hành động hàng ngày của con người, làm dịu đi sự hiện diện của chiến tranh và bạo lực (máy bay phản lực) với một hành động đầy hy vọng và vui vẻ (đi chợ). Sự phê phán vui tươi và hài hước khiến anh khác biệt với các thế hệ nghệ sĩ trước đây.

Nguyễn Mạnh Hùng sinh năm 1976 tại Hà Nội, hiện làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Danh Võ

Danh Võ Chandelier .

Là một trong những nghệ sĩ Việt Nam nổi tiếng, các tác phẩm của Danh Võ được trưng bày tại các tổ chức lớn như: bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Thành phố Paris, phòng trưng bày Quốc gia Đan Mạch và Bảo tàng Stedelijk ở Amsterdam. Sự nghiệp của Danh còn được cộng đồng nghệ thuật lưu ý đến, khi anh nhận được giải thưởng nghệ thuật danh giá Hugo Boss vào năm 2012; triển lãm cá nhân tại Guggenheim ở New York năm 2013 và Triển lãm Venice về Đan Mạch, năm 2015.

Danh Võ chuyên thực hiện các tác phẩm sắp đặt khái niệm (conceptual installations), với đề tài liên quan đến bản sắc, nguồn gốc xuất thân. Anh sử dụn tài liệu cũ, hình ảnh, các tác phẩm của các nghệ sĩ khác, đồ cổ và kỉ vật, để xây dựng nên các tác phẩm mang ý nghĩa lịch sử và dấu ấn cá nhân. Điều thú vị là, cùng với nét văn hóa Mỹ đặc trưng thường được thể hiện rất nhiều trong các tác phẩm của anh, từ đó tạo nên cuộc giao thoa, hoặc tương phản văn hoá, làm nên chiều sâu của tác phẩm.

We The People (2010-2012), là một trong những tác phẩm ấn tượng nhất của Danh Võ. Anh tái tạo và tách rời những mảnh của bức tượng Nữ thần Tự do, sau đó gửi các mảnh ghép khác nhau và trưng bày tại 15 nước trên thế giới.

Danh Võ sinh năm 1975 ở Bà Rịa, Việt Nam, từ nhỏ đã định cư ở Đan Mạch, hiện sinh sống ở Berlin.

Nguyễn Trinh Thi

Nguyễn Trinh Thi. UNSUBTITLED (video installation, 2010)  .

Nguyễn Trinh Thi sinh năm 1973 tại Hà Nội, là một nhà làm phim và video nghệ thuật được đào tạo tại Mỹ. Cô đồng thời là người sáng lập và là giám đốc sáng tạo DOCLAB, một trung tâm tư nhân về phim tài liệu và video nghệ thuật tại Hà Nội.

Các tác phẩm của cô được trình chiếu tại các tổ chức và liên hoan trên toàn thế giới, bao gồm Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á Fukuoka, ZKM Karlsruhe, Tate Modern ở London và Liên hoan phim Thử nghiệm Bangkok. Cô cũng tham gia triển lãm nghệ thuật Singapore Biennale năm  2013 và Disrupted Choreographies tại bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Nime năm 2014.

Tác phẩm của Nguyễn Trinh Thi thường nói về vai trò của người nghệ sĩ trong xã hội Việt Nam đương đại và khám phá ký ức lịch sử bị che giấu, thay thế hoặc hiểu nhầm. Trong bộ phim mới nhất của cô, Jo Ha Kyu (2012), dựa theo cấu trúc tự sự trong nghệ thuật đương đại Nhật Bản và khám phá kinh nghiệm cá nhân và chủ quan của nhà làm phim về Tokyo sau trận động đất năm 2011, khắc họa sự đối lập và cùng tồn tại của thế giới hiện thực và trừu tượng, những cái nhìn khách quan và chủ quan, tường thuật và không tường thuật, tài liệu và viễn tưởng. Video Unsubtiled của cô được giới thiệu tại Singapore Biennale 2013 là một khám phá về vai trò và vị trí của nghệ sĩ trong xã hội Việt Nam đương đại.

The Propeller Group

The Propeller Group, process view, The AK-47 vs. the M16.

Phù Nam Thúc Hà sinh năm 1974 tại thành phố Hồ Chí Minh, Tuấn Andrew Nguyễn sinh năm 1976 tại thành phố Hồ Chí Minh và Matt Lucero sinh năm 1976 tại California cùng nhau thành lập The Propeller Group vào năm 2006. Với sự đa dạng về bối cảnh trong nghệ thuật thị giác, phim ảnh và video, họ hợp tác và tạo ra các sản phẩm quy mô lớn.

Giừo đây, các tác phẩm của TPG đã là một phần quan trọng trong các buổi triển lãm trên thế giới như Bản đồ sáng kiến Nghệ thuật Guggenheim UBS, Disrupted Choreographie tại Carré d’Art- Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Nime và nhiều sự kiện khác…

TPG khám phá biểu tượng về lịch sử, xã hội và văn hóa thúc đẩy sự phê bình và chỉ trích của xã hội đương đại. Một ví dụ có thể thấy trong tác phẩm Monumental Bling (2013) được thể hiện ở Nîmes, đại diện cho hình ảnh của Lenin, nhà lãnh đạo Cộng sản quyền lực nhất của thời đại nhằm khám phá biên giới giữa nét riêng biệt và hình trang trí, khắc họa quyền lực xuyên suốt lịch sử và tính cách linh hoạt ở phạm vi công cộng. Hay tại Galerie Quỳnh năm 2012, triển lãm Static Friction, TPG đã khám phá nền văn hóa hóa đa dạng đằng sau chiếc xe gắn máy Việt Nam, đồng thời phản ánh khái niệm về không gian trong thành phố.

Hà Mạnh Thắng

Hà Mạnh Thắng Tan Y 1 .

Hà Mạnh Thắng sinh năm 1980, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2004 và tập trung vào sự nghiệp hội họa ngay sau đó. Tác phẩm  của anh là một phần quan trọng trong các buổi triển lãm quốc tế bao gồm Cung điện Reök ở Budapest (2011), Phòng trưng bày ifa ở Stuttgart và Berlin (2009) và Bảo tàng Nghệ thuật Singapore (2008).

Tháng 9 năm 2014, anh tổ chức một show diễn cá nhân tại triển lãm Thavibu ở Bangkok. Anh là nghệ sĩ Việt Nam duy nhất được vinh danh tại Phaidon’s Painting Today (2009) cùng với Gerard Richter, Peter Doig và một số tên tuổi khác.

Trong triển lãm cá nhân đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2013 tại Galerie Quỳnh, mang tên Thiên đường là một địa điểm ( Heaven is a Place), anh đã đặt ra câu hỏi về mối quan hệ giữa kiến trúc và thông điệp mà chúng để lại. Anh khám phá các di tích mang tính biểu tượng như Lăng Hồ Chí Minh ở Hà Nội và thể hiện chúng dưới dạng khung kết cấu ban đầu và bản vẽ cấu trúc. Vẻ đẹp của chúng không còn nhìn thấy được nữa, mà chỉ có thể nhận ra trong hình hài ma mị, nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng, do đó chứng minh những lý tưởng mà chúng thể hiện đã ăn sâu vào ý thức của chúng ta.

Bùi Công Khánh

Bùi Công Khánh và Quá khứ đã qua .

Bùi Công Khánh sinh năm 1972, hiện đang sinh sống và làm việc tại phòng tranh Cá Gỗ Hội An và thành phố Hồ Chí Minh. Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh với bằng cử nhân BFA về sơn dầu, nhưng sau đó đi vào sáng tác, thực hiện nhiều tác phẩm đa dạng thể loại từ hội họa đến nghệ thuật sắp đặt, trình diễn, điêu khắc và gốm sứ.

Tác phẩm của Bùi Công Khánh chủ yếu là khám phá về lịch sử và xã hội Việt Nam đương thời và tác động toàn cầu. Anh dung hợp các hình tượng tượng trưng cùng với các dấu cá nhân vào những bình hoa sứ, là cầu nối giữa văn hóa xưa và hiện đại. Sử dụng nhiều kĩ thuật cổ truyền từ nhiều thế kỉ, trang trí bằng các thông điệp và biểu tượng dễ nhận ra ngay trong bối cảnh đương đại. Tuy có liên quan đến chính trị và xã hội, các tác phẩm của anh vẫn nhuốm màu hài hước và châm biếm.

Trong một triển lãm cá nhân năm 2010 tại Sàn Art có tên gọi Life is Consumption, Bùi Công Khánh đã chọn những đồ vật hàng hàng ngày như lon soda hay thùng dầu và vẽ chúng với những nét hài hước về cuộc sống đương đại ở Việt Nam, với cuộc sống hiện đại đầy mâu thuẫn. Gần đây nhất, triển lãm Lạc Chốn tại The Factory, anh sử dụng gỗ mít, kết hợp điêu khắc lối cổ với các phong cách mới mái tái hiện lại tinh hoa văn hoá Việt Nam với cảm hứng từ Hoàng thành Huế.

Bài : C.A XUAN MAO ARDIA | Chuyển ngữ: HỒNG ANH.
Theo Out and Out, tổng hợp từ theculturetrip, Simon Lee Gallery.


 
Back to top