All About Art Gallery: Phòng tranh tương lai, nơi bao quát mọi khía cạnh sưu tập nghệ thuật
Từng là KTS đã giúp Jonathan Toh có nhiều thế mạnh khi tham gia vào lĩnh vực bán lẻ nghệ thuật. Phòng tranh All About Art của Jon tại Singapore đang chứng tỏ sự tiếp cận linh hoạt với lĩnh vực này khi anh từng bước xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng nghệ sĩ – nhà sưu tập mới nổi và kỳ cựu, lên kế hoạch kết hợp NFT và tác phẩm vật lý, đồng thời biến All About Art đúng như tên gọi của nó, là bao quát mọi khía cạnh của hành trình sưu tập.
Ra đời trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 vào năm 2020, All About Art là một phòng tranh có trụ sở tại Singapore do Jonathan Toh thành lập. Dự án kinh doanh này bắt đầu như một “cuộc chơi liều lĩnh” nơi Jon bán lại những tác phẩm mà anh từng sưu tập. Jon chia sẻ rằng các giao dịch đã được thực hiện trong khoảng thời gian ngắn trước khi anh chuyển đến một nơi kinh doanh thích hợp.
Phòng tranh tương lai: Nơi bao quát mọi khía cạnh sưu tập nghệ thuật
Với Jon, ý tưởng kinh doanh nghệ thuật đến một cách tự nhiên vì thưởng lãm và sưu tầm là niềm đam mê của anh. Trong quá trình trải nghiệm này, anh nhận ra thông tin được tiết lộ với người mua và chi phí ẩn là vấn đề thiếu minh bạch, gây bối rối và trở ngại không chỉ cho người trong ngành mà còn cả bản thân anh (một người chân ướt chân ráo bước vào nghề).
Vì thế, Jon quyết định phòng trưng bày này sẽ thu hẹp khoảng cách cho cả những nhà sưu tập mới và dày dạn kinh nghiệm. Hướng tiếp cận ấy hỗ trợ anh xây dựng một cộng đồng riêng cho phòng trưng bày đồng thời mở rộng phạm vi tiếp cận với những khách hàng mới tiềm năng.
Từng là kiến trúc sư khiến Jon tự tin hơn trong việc đưa ra lời khuyên cho khách hàng khi họ muốn mua một tác phẩm mới. Nhận thức về không gian, thiết kế và màu sắc là kim chỉ nam để Jon đưa ra đa dạng phương án linh hoạt và phù hợp. Mục tiêu không chỉ là chốt một giao dịch mà trên thực tế là cung cấp những lựa chọn tốt nhất với không gian, ngân sách và thẩm mỹ mà khách yêu cầu.
Jon chia sẻ rằng quá trình anh chuyển đổi từ kiến trúc sang lĩnh vực nghệ thuật diễn ra rất suôn sẻ. Anh luôn chú tâm đến chất lượng giao dịch, vì vậy, không còn thích việc lên quá nhiều kế hoạch, mà cứ tập trung xây dựng nền tảng, dù điều này đòi hỏi thời gian từ 2 đến 3 năm. Giờ đây, doanh nhân tự học này đang cảm thấy khá hài lòng với tốc độ doanh thu ngày càng nhanh của ngành nghệ thuật, nơi các tác phẩm mới liên tục được tạo ra và trưng bày trong nhà ở, mang lại niềm vui và sự thỏa mãn cho người thụ hưởng.
Nghệ thuật không chỉ được đánh giá cao ở khía cạnh thẩm mỹ mà theo Jon, vấn đề đầu tư đang ngày càng thu hút giới sưu tập. Cũng như việc tiền điện tử, đồng hồ và xe hơi sang trọng đang được coi là tài sản thay thế, nghệ thuật đương đại hiện đã đạt mức độ chấp nhận tương tự.
Nhóm nhà sưu tập thường bị vô thức xếp vào một độ tuổi nhất định, thường trên 50. Và với họ, nghệ thuật phần lớn chỉ giới hạn trong một số phương tiện quan trọng. Tuy nhiên, quan niệm này không còn đúng, Jon quan sát thấy rằng ngày càng có nhiều người chấp nhận những phong cách nghệ thuật đương đại hay những phương tiện mới. Một số nghệ sĩ như Takashi Murakami, Roby Dwi Antono, Javier Calleja… đều đứng đầu danh sách của nhiều nhà sưu tập.
Đồng hành với những nghệ sĩ này là một nhóm sưu tập trẻ tuổi hơn. Jon quan sát những nhà sưu tập thường xuyên lui tới phòng trưng bày của anh là những người từ 30- 42 tuổi. Nhóm này đại diện cho một làn sóng sưu tầm mới, coi nghệ thuật như một nguồn sở thích khác mà họ có thể bỏ tiền vào.
Tại All About Art, bạn có thể tìm thấy vô số tác phẩm nghệ thuật từ các nghệ sĩ nổi tiếng và mới nổi. Không giống như nhiều phòng trưng bày khác ở Singapore thường chú trọng nghệ sĩ địa phương, Jon thu thập những gì thu hút sự chú ý của mình, bất kể quốc tịch và địa điểm. Anh cũng cởi mở với đề xuất của các nghệ sĩ từ những nhà sưu tập và phòng trưng bày đối tác.
Chỉ sau khi thiết lập mối quan hệ thực sự với nghệ sĩ, Jon mới cân nhắc làm việc với họ. Hiện tại, hồ sơ nghệ sĩ mà anh đại diện bao gồm nhiều quốc tịch khác nhau như Anh, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Brazil, Hà Lan, Nga… Ngoài đội ngũ nghệ sĩ quốc tế đáng “ghen tỵ”, Jon còn có một lượng người hâm mộ toàn cầu. Phòng trưng bày này đã gửi nhiều tác phẩm nghệ thuật đến những nước như Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc và thậm chí cả Canada.
Khi đề cập đến việc sưu tầm và mua nghệ thuật, NFT là một chủ đề thường xuất hiện và Jon không còn xa lạ với chủ đề này vì rất nhiều khách hàng cũng đã hỏi về nó. Đối với Jon, “NFT là một ngành nghệ thuật khác”. Thay vì xem xét NFT từ phương cách tổng bằng 0 (zero-sum), anh cho rằng đôi bên cùng phải có lợi vì nghệ thuật trong thế giới vật lý vẫn có thể thu lợi nhuận từ sự xuất hiện của tài sản kỹ thuật số này. Sự hội tụ của cả NFT và nghệ thuật là điều Jon mong chờ nhất. Đối với Jon, tính chất tiện ích của hai tài sản này là điều khiến anh tò mò nhất.
Hiện tại, Jon vẫn đang nghiên cứu thêm về cách anh có thể kết hợp cả hai yếu tố này vào phòng trưng bày. Jon nảy ra ý nghĩ đó là sử dụng NFT như một công cụ xác thực kỹ thuật số, nơi khách hàng có thể xác thực giao dịch mua của họ.
Từ Featurespace Art, Jon đã đổi tên thành All About Art, diễn giải cho việc phát triển từ “không gian nghệ thuật nổi bật” thành một doanh nghiệp bao gồm đa dạng hoạt động – lĩnh vực nghệ thuật khác nhau như trình diễn, lưu trú nghệ thuật và hậu cần. Về cơ bản, All About Art hy vọng sẽ bao quát mọi khía cạnh của hành trình sưu tầm nghệ thuật.
Trong thời gian sắp tới, phòng tranh sẽ tổ chức một cuộc triển lãm bắt đầu từ ngày 4 tháng Ba và kéo dài trong một tháng. Với tựa đề “JOGJA: The Next Chapter”, sự kiện sẽ giới thiệu sáu nghệ sĩ mới nổi mà Jon hợp tác trong thời gian qua.