ART & LIFE

Art Republik Next Gen 2020: Phan Sang – “Cuộc đời này, không có gì là của mình!”

Jul 18, 2020 | By Trang Ps

Lúc cùng bước xuống mình rồng giữa Hồ Thủy Tiên (Huế) đã nhiều năm đóng cửa, họa sĩ Phan Sang bảo tôi: “Nhiều người bước qua đây cảm giác ớn lạnh, nhưng đôi khi, năng lượng tích cực trong ta lại át cái năng lượng tiêu cực xung quanh. Tức mình không tiếp nhận và bị ảnh hưởng bởi năng lượng tiêu cực đó.” Câu nói của họa sĩ khiến tôi chiêm nghiệm nhiều.

Bước vào studio của Phan Sang, người thưởng tranh đăm chiêu, gật gù suy ngẫm khi tiếp nhận thông điệp “cái chết là sự khởi đầu” trong bộ sưu tập mới của anh. Và như anh nói: “Tác phẩm dù phản ánh điều tiêu cực nhưng phải mang đến năng lượng tích cực.” Họa sĩ ưa dùng những gam màu hồng, vàng… làm chủ đạo, hoặc có khi màu tối lẩn khuất giữa những màu sáng để nhấn mạnh góc nhìn cá nhân: con người nên nhìn vào mặt tích cực của vấn đề.

Cái chết là sự khởi đầu

“Có một giai đoạn, tôi sống và sáng tác trong một ngôi nhà mà xung quanh là nghĩa địa. Huế là một vùng đất tâm linh. Vì thế, cái chết dường như là nỗi ám ảnh. Với hầu hết con người, chết là sự kết thúc. Chết là hết. Sống trong môi trường như vậy, tôi bị mê hoặc bởi cái chết. Nhưng tôi cho rằng, cái chết chính xác là sự khởi đầu.” – Phan Sang chia sẻ.

Tác phẩm dù phản ánh điều tiêu cực nhưng phải mang đến năng lượng tích cực.

Dưới tầng trệt của studio, họa sĩ dựng ba bức tranh “I Think” chưa hoàn thiện. Đó là ba bức họa đầu lâu trong gam màu xám tối, mà giữa hộp sọ nổi bật chi tiết hình học (hình tròn, tam giác và hình thang) trong gam màu hồng và vàng. Họa sĩ chia sẻ: “Cái chính yếu nằm ở biểu tượng hình học đó vì tôi đang nghĩ về nó.”

Khi nhìn vào bức tranh, người ta không còn rùng rợn bởi hình ảnh đầu lâu (chiếm diện tích gần như toàn bộ bức họa), mà chuyển hướng tập trung sang biểu tượng hình học trong gam sắc tích cực. Chính hành trình chiêm ngưỡng tác phẩm đã nói lên triết lý sáng tác của người họa sĩ: Mỗi thứ đều có hai mặt, quan trọng là chúng ta chọn nhìn vào mặt nào. Nếu chỉ nhìn thoáng qua sự vật sự việc, chúng ta dễ dàng đánh giá sai. Và cũng vì cái sơ sài ấy, chúng ta dễ dàng nhìn mà không thấy.

Cuộc sống này cũng vậy, nếu chỉ nhìn thoáng qua, chúng ta sẽ thấy biết bao tiêu cực, nhàm chán, đau khổ và hiểm nguy. Nhưng nhờ sự tĩnh tại và lạc quan, ta đóng vai trò vừa là người quan sát vừa là người trải nghiệm để có thể thấu hiểu bản chất sâu xa của vấn đề.

Nghệ thuật là một cuộc chơi

Tôi bảo: “Tranh của anh rất ngông! Ấn tượng nằm ở năng lượng, và càng đi sâu, mình mới thấy phần năng lượng tích cực ấy át hẳn năng lượng tiêu cực”

Phan Sang mới đáp: “Lúc vẽ tranh, mình nên chọn làm ông vua. Và vì là ông vua, mình có quyền quyết định số phận tác phẩm ấy.” Có lẽ, một ông vua tốt luôn muốn mang đến điều đẹp đẽ nhất cho dân chúng, mà lúc này, trong bối cảnh bức họa, là cho người thưởng tranh. “Nhưng, mình chỉ nên ngông khi sáng tác thôi. Còn ở đời sống hàng ngày, mình vẫn là con người bình thường cởi mở và thân thiện. Nếu đem cái ngông khi vẽ ra đời thường mà hành xử thì chán lắm!” Thật vậy, bất cứ ai chơi với Sang đều cảm nhận vẻ đẹp gần gũi và tràn đầy sức sống của anh.

Triết lý này còn được Phan Sang nhấn mạnh qua câu nói dân dã hơn: “Nghệ thuật là một cuộc chơi! Điều quan trọng là nghệ sĩ đó quyết định chơi như thế nào. Tôi nghĩ tôi chẳng có gì khác biệt! Tôi chỉ biết làm điều tôi thích nhất và bản thân chưa bao giờ làm tệ điều gì khi mà đã thật sự thích nó.”

Chia sẻ của Sang khiến tôi nhớ đến câu chuyện nhỏ như thế này:

Có hai đứa trẻ, một trai một gái, đang chơi cát trên bãi biển. Chúng hì hục đắp cát xây một tòa lâu đài với cổng to đồ sộ, những đỉnh tháp, thành trì và những lối vào quanh co. Nhưng lúc gần hoàn chỉnh, một cơn sóng lớn ập đến cuốn đi tất cả, chỉ còn lại một đụn cát ướt. Bạn nghĩ hai đứa trẻ sẽ khóc, thất vọng vì công trình của mình bị cuốn đi? Nhưng thật ngạc nhiên và đáng yêu làm sao, chúng nắm tay nhau chạy ra xa, tung tăng nhảy khỏi mép nước đang chực kéo tới, cười đùa rồi lại ngồi xuống và xây tòa lâu đài khác.

Tất cả mọi việc trong cuộc sống chúng ta, kể cả những thành tựu công phu mà chúng ta đã dành nhiều thời gian và công sức để tạo ra, đều được xây trên cát. Sớm hay muộn, những cơn sóng cũng sẽ tràn tới xô đổ tất cả những gì chúng ta đã khó nhọc xây đắp. Khi điều đó xảy ra, hãy như những đứa trẻ, hãy nắm tay cười đùa. Cuộc đời xét cho cùng là một cuộc rong chơi!

Cuộc đời này, không có gì là của mình!

Thật hiếm hoi khi một người nghệ sĩ trẻ tuổi đã có góc nhìn sâu sắc và trưởng thành đến vậy! Lúc dạo bộ trong Huyền Không Sơn Thượng (Huế), Phan Sang mới bảo: “Cuộc đời này, không có gì là của mình! Nếu bạn cứ khư khư bảo cái này là của mình, cái kia là của mình thì chính suy nghĩ đó sẽ là rào cản vô hình lên cuộc chơi của bạn.”

Điều đó cũng đồng điệu với thông điệp “nghệ thuật là một cuộc chơi” của anh, “được hay không được”, “thử thách hay cơ hội”, “đau khổ hay hạnh phúc”, đều có thể tận hưởng đến cùng như đang tận hưởng một cuộc rong chơi.


Về Art Republik Next Gen 2020:

Là một dự án mới mẻ trong giai đoạn cách ly và hậu cách ly, Art Republik Next Gen 2020 có ý nghĩa quan trọng trong cộng đồng sáng tạo. Thông qua góc nhìn và nhận định của đội ngũ giám khảo dày dạn kinh nghiệm, Art Republik đã tìm kiếm thành công 19 gương mặt trẻ tài năng (trong tổng số 30 hồ sơ được lựa chọn và 70 hồ sơ gửi về) với những tác phẩm phản ánh suy nghĩ thực tế chứ không đơn thuần dừng lại ở chức năng duy mỹ, trong đó nổi bật rõ sự hội nhập với trào lưu nghệ thuật thế giới và bản sắc Việt.

+ Đọc thêm về dự án và danh sách tại: https://bit.ly/32w8TZV

Về Art Republik Vietnam:

Trong những năm gần đây, thị trường nghệ thuật Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mới mẻ, có thể kể đến việc các nghệ sĩ đang tìm cho chính mình những con đường mới với nhiều sáng tạo ra đời, hoặc thị trường nghệ thuật của chúng ta đang đứng trước bước ngoặt cách tân quan trọng..

Do đó, chúng tôi cảm thấy thời điểm này chính là cơ hội để ấn phẩm Mag/Book song ngữ Art Republik Vietnam ra đời để đóng vai trò cầu nối giữa người yêu nghệ thuật và nghệ sĩ, nhà sưu tầm tại Việt Nam, Đông Nam Á hay xa hơn thế nữa.

+ Đọc thêm về ấn phẩm số 1: Một diễn ngôn mới: https://bit.ly/39aieI8

+ Đặt mua ấn phẩm Art Republik: bit.ly/35bgI6N

Bài: Trang Ps | Ảnh: NVCC


 
Back to top