Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Art Republik Next Gen: Trò chuyện cùng nhiếp ảnh gia Hứa Như Xuân

Oct 14, 2020 | By Trang Ps

Hứa Như Xuân là nhiếp ảnh gia người Việt đang định cư tại London. Với kinh nghiệm và tài năng xuất sắc, cô cộng tác với nhiều đơn vị quốc tế uy tín như tạp chí TIME, Financial Times, Dazed Beauty, Dior và Kenzo…

Nhu-Xuan-Hua-Ảnh-Lisa-Kaindé-

Chào nhiếp ảnh gia Hứa Như Xuân! Chị có thể chia sẻ về mối quan tâm trong sự nghiệp nhiếp ảnh của chị?

Tôi nỗ lực chia sẻ những câu chuyện chân thực thông qua nhiều hình thức trực quan khác nhau. Nhiếp ảnh là phương tiện biểu đạt chính của tôi suốt thập kỷ qua. Ở tuổi đôi mươi, tôi bị ám ảnh bởi ý tưởng về “sự hoàn hảo” trong từng chi tiết, hình dạng và kết quả cuối cùng, từ đó tạo điều kiện để bản thân làm việc ở những nơi cho phép tôi hiểu chính mình tốt hơn.

Tôi học cách hiểu ngôn ngữ và thông điệp đằng sau tác phẩm của mình bằng cách nhìn lại nó theo thời gian, rồi dần dần khám phá những lớp bao trùm nỗi ám ảnh mờ nhạt ấy của bản thân, nơi khái niệm “hoàn hảo” ngày càng tốt hơn như một cuộc nghiên cứu về “sự ưu tú”. Tôi vẫn đang giải mã ngôn ngữ định hình bởi kỳ vọng của người khác và những gì thực sự có ý nghĩa đối với tôi. Tầm quan trọng của chi tiết vẫn còn, nhưng để đi sâu vào gốc rễ của nó, tôi cho phép bản thân tránh xa nỗi ám ảnh ấy và tập trung vào những vấn đề khác.

Gần đây, công việc của tôi tập trung vào khao khát “phủi bụi” ký ức và kỷ niệm những khoảnh khắc cuộc sống thông qua phạm vi xúc cảm đa dạng. Tôi muốn thể hiện mọi khoảnh khắc trong phương thức biểu đạt hữu hình để con người có thể lưu giữ. Tôi thích khám phá nhiều câu chuyện kể về một địa điểm, một người hoặc một đối tượng và bằng cách nào những câu chuyện này có thể liên kết với nhau trên cùng một bức ảnh.

Vào năm 2018, độc giả Việt Nam biết đến Xuân nhiều hơn qua các bài báo tiết lộ chị là nhiếp ảnh gia đứng sau ảnh bìa BTS trên tạp chí TIME. Được biết, chị cũng đã và đang cộng tác với nhiều tạp chí/thương hiệu mang tầm cỡ quốc tế khác. Chị có thể chia sẻ về trải nghiệm thú vị này?

Làm việc với tạp chí TIME chắc chắn là một bước ngoặt lớn đối với tôi. Hầu hết những người đăng lại tác phẩm của tôi đều bất ngờ trước thực tế rằng nhiếp ảnh gia là nữ châu Á hay Việt Nam. Điều đó chứng tỏ sự thiếu vắng của người Đông Nam Á trên trường quốc tế trong ngành công nghiệp sáng tạo.

“Tropism: Consequences of a displaced memory”

Công việc của tôi được hỗ trợ bởi Elle Vietnam, Far Near Media (NYC) hay Matca Gallery (Hà Nội). Họ đã làm việc rất kiên trì để lan tỏa câu chuyện Á đông đến với độc giả toàn cầu. Vào tháng 12/2019, tôi là một trong số 10 nghệ sỹ Việt Nam được mời thực hiện tác phẩm cho triển lãm của NTK Công Trí. Tôi đã thực hiện một tác phẩm sắp đặt mang tên “Tropism: Consequences of a displaced memory”. Thông qua tác phẩm này, tôi cố gắng thể hiện ấn tượng của mình về “nhà” bằng cách thiết lập một khu bảo tồn đẹp như mơ, nơi những mảnh ký ức gợi nhớ “nhà” giữa Pháp và Việt Nam, được đặt cạnh nhau trong căn phòng khổng lồ để mời gọi khán giả đến trải nghiệm và nhập vai.

Kể từ năm 2018, tôi chụp hình cho các thương hiệu như Kenzo và Dior, hay chụp hình đạo diễn Asif Kapadia cho Financial Times hay Chủ tịch người Đài Loan Tsai Ing Wen cho tạp chí TIME và các nghệ sỹ âm nhạc như FKA Twigs cho Dazed Beauty…

Chị quan niệm như thế nào về một bức ảnh có hồn?

Khi hình ảnh mà bạn chuyển tải mang tính trung thực và kích thích xúc cảm người xem thì tức là nó đã chứa đựng tâm hồn. Thật lỗi thời khi cố gắng xác định tác phẩm theo tính nhị nguyên: tốt hay xấu, đen hay trắng. Tôi cho rằng tất cả các lớp đều mang và định nghĩa tinh thần tác phẩm nhiếp ảnh. Bạn chỉ cần dành nhiều thời gian hơn để nhìn vào bức ảnh và tự hỏi tại sao bạn bạn cảm thấy như vậy khi đôi mắt bạn chiêm ngưỡng nó.

Những cuộc hội thoại nào thường ảnh hưởng đến tư duy hình ảnh của chị?

Tôi thích lắng nghe những cuộc trò chuyện của các nhà tư tưởng vĩ đại. Cuộc trò chuyện giữa Angela Davis và Toni Morrison vào năm 2014 là một ví dụ điển hình. Họ chỉ ra tầm quan trọng của thư viện và đa dạng thông tin. Cùng chủ đề đó, tác giả Chimamanda Ngozi Adichie đang chỉ ra sự nguy hiểm của một câu chuyện duy nhất và tại sao chúng ta cần nhiều người nói lên kinh nghiệm của chính họ để phá vỡ định kiến, nhấn mạnh tầm quan trọng của thư viện kiến thức, thông tin đa dạng.

Gần đây, giữa cuộc biểu tình Black Lives Matter đang diễn ra trên toàn cầu, tôi tình cờ xem cuộc trò chuyện bàn tròn đạo diễn bởi Lee Mun Wah mang tên “Color of Fear”, đề cập đến thông điệp “Công dân Mỹ có nghĩa là gì”. Cuộc trao đổi diễn ra giữa hai người Mỹ gốc Phi, hai người Mỹ Latinh, hai người Mỹ gốc Á và hai người Mỹ da trắng. Nó cho thấy ngày nay chúng ta cần thoát ra khỏi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hay phân biệt đối xử để tiến đến sự tiến bộ. Tôi thực sự tin rằng bằng cách kể chuyện chân thực hơn, chúng ta sẽ mang đến ánh sáng và hiểu biết cho những gì cần được ưu tiên trong cuộc sống này.

Một trong những trải nghiệm quan trọng của một nhiếp ảnh gia như chị?

Với một nhiếp ảnh gia làm việc theo nhóm, tôi nghĩ điều quan trọng là có thể xây dựng đội ngũ sáng tạo lâu dài. Mối quan hệ con người được đặt ngang hàng với tác phẩm đang được sản xuất.

Hẳn dự án sắp tới đây của chị rất thú vị?

Nhiều hoạt động đã bị hoãn do đại dịch. Đây là một thời khắc thật kỳ lạ và tất cả chúng ta đều đang nỗ lực tìm cách vượt qua dù viễn cảnh vẫn không mấy sáng sủa. Tôi đang chuẩn bị cho một triển lãm tại London nhằm giới thiệu dự án cá nhân “Tropism: Consequences of a displaced memory”. Đây là dự án mà tôi bắt đầu thực hiện từ vài năm trước khi bản thân đào sâu những bức ảnh gia đình. Dự án đặt câu hỏi về những phản ứng cảm xúc khi bạn nhìn vào một bức hình cũ. Đó cũng là nỗ lực để đặt câu hỏi về những ký ức không trực tiếp thuộc về bạn nhưng vẫn thúc đẩy điều gì đó bên trong bạn. Tôi gọi đó là hành trình khám phá chuyển động trong tâm hồn. Tôi dự định sẽ nghiên cứu dự án này dài hạn và xem nó sẽ mang tôi đến đâu.

“Tropism: Consequences of a displaced memory”

Chị có ước mơ gì trong sự nghiệp?

Khái niệm thành công và sự nghiệp với các chuẩn mực xã hội đi kèm áp lực khiến con người ta choáng ngợp. Dẫu từng rất đam mê theo đuổi sự nghiệp, nhưng tôi cũng nhận ra rằng áp lực ấy đang nuôi dưỡng tham vọng của tôi theo cách có hại thay vì giúp cho bản thân tiến bước. Có một bóng đen đang bao phủ lên ngành công nghiệp thời trang, nơi tôi đang làm việc, bởi thật khó dung hòa giữa sáng tạo và bền vững, còn thị trường thì quá tải. Một khi hiểu được điều này, tôi cảm thấy nên chậm lại một chút để tìm thấy sự cân bằng và ngẫm xem “sự nghiệp” thực chất có ý nghĩa gì với mình.

Cám ơn chị vì những chia sẻ chân thành nhé!


Về Art Republik Next Gen 2020

Là một dự án mới mẻ trong giai đoạn cách ly và hậu cách ly, Art Republik Next Gen 2020 có ý nghĩa quan trọng trong cộng đồng sáng tạo. Thông qua góc nhìn và nhận định của đội ngũ giám khảo dày dạn kinh nghiệm, Art Republik đã tìm kiếm thành công 19 gương mặt trẻ tài năng (trong tổng số 30 hồ sơ được lựa chọn và 70 hồ sơ gửi về) với những tác phẩm phản ánh suy nghĩ thực tế chứ không đơn thuần dừng lại ở chức năng duy mỹ, trong đó nổi bật rõ sự hội nhập với trào lưu nghệ thuật thế giới và bản sắc Việt.

+ Đọc thêm về dự án và danh sách tại: https://bit.ly/32w8TZV

Về Art Republik Vietnam:

Trong những năm gần đây, thị trường nghệ thuật Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mới mẻ, có thể kể đến việc các nghệ sĩ đang tìm cho chính mình những con đường mới với nhiều sáng tạo ra đời, hoặc thị trường nghệ thuật của chúng ta đang đứng trước bước ngoặt cách tân quan trọng..

Do đó, chúng tôi cảm thấy thời điểm này chính là cơ hội để ấn phẩm Mag/Book song ngữ Art Republik Vietnam ra đời để đóng vai trò cầu nối giữa người yêu nghệ thuật và nghệ sĩ, nhà sưu tầm tại Việt Nam, Đông Nam Á hay xa hơn thế nữa.

+ Đọc thêm về ấn phẩm số 1: Một diễn ngôn mới: https://bit.ly/39aieI8

+ Đặt mua ấn phẩm Art Republik: bit.ly/35bgI6N


 
Back to top