Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Họa sĩ Nguyễn Văn Hảo: Người chuyên chở ký ức vào những tác phẩm tranh

Oct 07, 2019 | By Trang Ps

Có thể nói, họa sĩ Nguyễn Văn Hảo là người chuyên chở những ký ức vào tranh. Thực hành sáng tạo nghệ thuật của anh kéo dài xuyên suốt hơn 30 năm nay nhưng có ai ngờ rằng đó là nghề tay trái. Anh vẽ tranh là để thỏa chí đam mê, và như anh nói, ngay cả giờ đây, khi mọi thứ đã yên bình, anh sẽ bắt đầu vẽ chuyên nghiệp và có thể hy sinh nhiều thứ chỉ để vẽ.

Cuộc trò chuyện giữa Luxuo.vn và họa sĩ Nguyễn Văn Hảo diễn ra tại nhà riêng của anh trên đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè. Không gian sáng tác phóng khoáng, yên tĩnh và chan hòa thiên nhiên. Ở Sài Gòn phồn hoa, tấp nập như thế này, có một chốn bình yên cầm cọ quả thực là quý hiếm.

Trong lúc vừa thưởng trà, vừa chia sẻ, họa sĩ cất lời: “Nhà sưu tầm tranh thực chất là sưu tầm họa sĩ. Họ sưu tầm con gà mái đẻ trứng tốt chứ không sưu tầm quả trứng. Vì tranh thì làm gì có ứng xử, chỉ có họa sĩ mới biết ứng xử thôi”.

Anh nhận xét mình là lãng tử, lãng mạn nhưng lại rất quy củ. Bất cứ ai chạm mặt anh trong lần đầu tiên đều có thể đoán anh là nghệ sĩ, nhưng cũng chính vì đứng bục giảng xuyên suốt 22 năm qua, nên anh đã tạo dựng được sự uy tín và quy củ riêng cho mình. Ngoài vẽ tranh, anh còn ham mê văn chương, đàn hát và sáng tác thơ.

Người nghệ sĩ đa tài, đa cảm Nguyễn Văn Hảo cũng là một trong 13 họa sĩ có tranh trưng bày tại triển lãm “nguyên” diễn ra từ ngày 10/10 đến 13/10 tới tại không gian The Sense by Alpha King. Trước thềm sự kiện, Luxuo.vn đã có cuộc trò chuyện thân mật với anh, để cùng lạc bước vào ký ức trong tranh của người họa sĩ.

Chào họa sĩ Nguyễn Văn Hảo! Có đôi chút khác biệt trong con đường sáng tạo nghệ thuật của anh là dù nó diễn ra xuyên suốt nhưng lại đóng vai trò như một nghề tay trái. Anh có chia sẻ gì về điều này?

Với riêng tôi, con đường thực hành mỹ thuật có thể ví như ngọn lửa không cháy mạnh nhưng lại cháy rất dai dẳng. Hồi xưa, tôi theo học Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Lúc ấy, ngành tôi học là mỹ thuật ứng dụng, thiết kế tạo dáng sản phẩm mà bây giờ gọi là “thiết kế công nghiệp”. Ở ngôi trường này, tinh thần hội họa cực kỳ cao với nhiều giảng viên là họa sĩ yêu nghề nên bản thân tôi cũng có điều kiện vẽ vời. Và thực tế, mỹ thuật ứng dụng và mỹ thuật tạo hình (tức vẽ tranh) cũng có nền thẩm mỹ chung, dù ít hay nhiều.

Thật may mắn vì ngọn lửa ấy chưa bao giờ tắt. Giờ đây, khi mọi thứ đã yên bình, tôi bắt đầu vẽ chuyên nghiệp và có thể hy sinh nhiều thứ khác để chỉ tập trung vẽ.

Thực hành vẽ của tôi kéo dài xuyên suốt từ những năm tháng sinh viên cho tới hôm nay, cũng khoảng hơn 30 năm. Thế nhưng, khi tốt nghiệp ra trường, tôi là một họa sĩ ứng dụng. Tôi bắt đầu làm việc ở công ty phần mềm, rồi sau đó cùng vài anh em xây dựng công ty riêng về đồ họa và in ấn. Mở mắt dậy thì làm công việc này, tối về lại vẽ tranh. Và vẽ đã song hành suốt chiều dọc ấy, dù nồng độ không nhiều như công việc kia. Đến năm 1997, tôi bắt đầu giảng dạy ngành thiết kế công nghiệp ở một số trường như Đại học kiến trúc, Văn Lang, Tôn Đức Thắng,…

Khi ngắm nhìn các bức tranh của anh, tôi cảm nhận được chất “thiền” trong đó, với sự thanh thoát và nhẹ nhàng. Liệu anh có theo một phong cách sáng tác cụ thể?

Theo cách của hầu hết họa sĩ hay trường lớp Mỹ thuật Việt Nam giảng dạy, ngày xưa có xu hướng sáng tác hiện thực, hay còn gọi là hiện thực xã hội chủ nghĩa. Các họa sĩ đi vào trong thực tế, lấy tài liệu, gọi là ký họa, sau đó xây dựng tác phẩm, gọi là giai đoạn phác thảo, rồi trau chuốt, thể hiện – gọi là giai đoạn thể hiện. Cách làm việc luôn luôn như thế.

Nhưng phong cách của tôi là không chủ ý gì, không ký họa, không sáng tác hiện thực. Thí dụ, trong hoàn cảnh đối diện với bạn, tôi quan sát nhiều hơn rồi để mọi thứ rơi vào ký ức. Tôi là người vẽ theo ký ức, từ đó gây thuyết phục và rung động.

Nếu là vẽ theo ký ức, hẳn sẽ có những hình ảnh mà anh ấn tượng, muốn lặp lại và gửi gắm vào những tác phẩm của mình?

Hình ảnh lặp lại trong tranh của tôi là cổng nhà và làn khói. Đối với tôi, làn khói là ký ức sâu đậm. Hồi nhỏ, lúc tôi đang sống ở miền nông thôn tỉnh Long An, mỗi buổi chiều người ta đốt đồng, làn khói mờ nhân ảnh phả lên rất đẹp, tôi mê mẩn làn khói ấy và nó đọng lại trong tôi nỗi buồn tê tái cõi lòng, không bao giờ có thể quên đi được. Tác phẩm tranh của tôi vì thế mà xuất hiện nhiều biểu tượng làn khói, làn khói của ký ức, nó sinh động và giàu chất thơ.

Còn về hình ảnh cổng nhà, rõ ràng, ai ai cũng có cổng nhà riêng của họ. Cổng nhà là chân dung của người chủ nhà, và khi ta vẽ cổng nhà, nghĩa rằng ta đang vẽ chân dung của người sở hữu chiếc cổng đó. Từ đây, cổng nhà vừa là tĩnh vật, vừa là chân dung, vừa là phong cảnh. Sự tổng hòa của cả ba yếu tố hình thành nên đề tài duy mỹ, tuyệt vời mà tôi tha thiết và khao khát sáng tạo.

Tác phẩm Khói chiều, Sơn dầu trên toan, 90cm x 90cm, 2019

Hầu như nghệ sĩ nào cũng có hình ảnh lặp lại trong tranh, dù ít hay nhiều, nhưng nếu vậy, anh có gặp khó khăn trong việc sáng tạo những điều mới mẻ không?

Đối với tôi, sáng tạo trong tranh là khi người thưởng thức nghệ thuật có thể đã thấy đề tài ấy xuất hiện ở đâu đó rồi và cũng khiến họ rung động rồi, nhưng khi quan sát đề tài ấy ở tranh mình, họ vẫn cảm thấu những điều gì mới lạ, mang cá tính riêng của tác giả.

Những đồng môn và người chơi tranh thường nhận xét tranh tôi toát lên nét nhẹ nhàng, thanh thoát, giống như thiền vậy. Đối với tôi, bút pháp không hề lặp lại, và cũng không theo một khuôn phép cụ thể nào. Ở dưới nhà, tôi có treo bức tranh “Cà phê một mình” trên tường, một tách cà phê nằm trong không gian rộng lớn. Những người ngắm bức tranh đó có thể cảm nhận được những tâm tư cuộn trào trong lồng ngực họ. Người xem lúc này nhập cuộc với sáng tạo của mình. Thế nên, cách vẽ của tôi có thể gọi là bán trừu tượng, tức là đủ để tháo mở hiện thực ra, đủ tháo mở thể tích tâm hồn trong mình rộng lớn hơn và mời những tâm hồn khác bước vào.

Nếu tranh nhẹ nhàng và thanh thoát, tại sao họa sĩ không lựa chọn chất liệu lụa để thể hiện mà lại là sơn dầu?

Chất liệu là đề tài mà tôi hết sức hứng thú. Tôi khởi đầu vẽ tranh bằng bột màu nhưng xuyên suốt 30 năm qua, tôi sử dụng sơn dầu là chủ yếu, sắp tới, tôi có khát vọng nghiên cứu và sử dụng sơn mài truyền thống hay còn gọi là sơn ta.

Trước đây, tôi có một người thầy giỏi về chất liệu lụa và cũng nghĩ với tính điềm đạm, nhẹ nhàng của mình, tôi phù hợp với lụa. Nhưng đó chỉ là ý nghĩ, vì khi thực hành, tôi mới thấy lụa không phù hợp.

Có một điều mà hầu hết họa sĩ đều thích ở chất liệu sơn dầu là mọi tâm tư, hành động của họ với chất liệu đó hàn gắn làm một. Ta thấy nó được thể hiện rất rõ ràng, ở sự mạnh tay, nhẹ tay, hay hờ hững, tất cả đều thể hiện tỉ mỉ và chân thật lên bức tranh.

Một tác giả nào đó đã từng viết rằng “Có lẽ một trong những thành quả lớn nhất của đời người là không suy nghĩ”, hàm ý trạng thái không suy nghĩ là trạng thái an yên của tâm hồn, và là trạng thái tuyệt vời nhất trong sáng tạo nghệ thuật. Anh có suy nghĩ như thế nào về điều này?

Câu nói này khiến tôi nhớ đến giai đoạn khi tôi chuyển nhà từ Bình Thạnh qua đây. Tôi phải mất 3 năm mới lấy lại được cảm xúc trong công việc sáng tạo của mình. Dù không gian ở đây đẹp hơn, tiện nghi hơn, nhưng vì đổi một căn nhà, đổi một giá sách, thay đổi một góc sáng tạo quen thuộc nào đó, sự xáo trộn ấy đã xáo trộn luôn sự bình yên bên trong con người mình.

Với một tâm hồn nhạy cảm, việc một làn gió đổi hướng cũng có thể gây mất cảm hứng. Chẳng hạn, khi ta đã quen thuộc với cái bàn để đây và dường như ta đã trò chuyện với cái bàn khi nó ở chỗ này, thì khi nó không còn ở đây nữa mà bị chuyển dịch sang bên kia, trong ta xuất hiện những cảm xúc lợn cợn vô cùng khó tả.

Nói vẽ tranh là niềm vui thì nó quá bình thường. Nhưng vẽ tranh thật sự là một sự giải thoát.

Tác phẩm “Tháng năm”, chất liệu sơn dầu trên toan, kích thước 90cmx90cm, năm 2008.

Tôi cũng có học Thái cực quyền, và trong đó có trạng thái thả lỏng toàn bộ, để năng lượng khí quay về tụ lại, cũng như ký ức tụ lại vậy. Sự tĩnh lặng, trống không, theo một ý nghĩa nào đó, mang theo nguồn năng lượng quý giá.

Tôi, có lẽ cũng như nhiều người thôi, việc lật lại ký ức cũng không hề đơn giản. Chỉ lúc yên ắng nhất, mà phải là yên ắng của tâm trí, hay như cách bạn mô tả “trạng thái không suy nghĩ”, ký ức mới hiện ra. Nói điều này cũng không hẳn là khi bạn rỗi rảnh, uống ly cà phê thì ký ức trở về, nó có thể trở về khi bạn nằm buông tay, buông chân. Và lúc này, ký ức ấy gần như được tuyển chọn và vô cùng ấn tượng.

Họa sĩ cũng từng nhắc đến việc “nhân cách hóa” những vật vô tri trong tranh, anh có thể chia sẻ câu chuyện này?

Tôi từng nghĩ như thế này, ai ai trong chúng ta cũng có lúc gần như muốn khóc. Một cành hoa đang rất tươi hôm nay nhưng ngày mai lại héo úa. Dường như tồn tại một khoảng cách vô hình nào đó để từ trạng thái này sang trạng thái kia, tạo nên hiện tượng đặc biệt và nghiệt ngã. Tôi gọi đó là thời điểm, và đỉnh điểm trong sáng tác nghệ thuật.

Tôi hay nghĩ đến điều đó mỗi lần cầm cọ. Từ đường nét, màu sắc, tôi có thể vẽ cho cái cổng gần như khóc, hay một cái cổng đang thở. Tôi đang nhân cách hóa vật vô tri. Trong phạm trù văn học, bạn hiểu rõ điều này hơn. Nhưng trong phạm trù hội họa, người ta gọi đó là biểu hiện.

Tôi là người vẽ nhanh nhưng cảm tưởng thì rất lâu. Trong đời sống nhạy cảm của một người họa sĩ, như tôi đã chia sẻ, ký ức không phải bao giờ cũng có thể lật lại như lý trí vốn muốn. Tôi có thể hoàn thành một bức tranh trong vài tiếng đồng hồ nhưng về cảm hứng, nó cần nhiều hơn thế.

Họa sĩ là một người ham nhạc, sáng tác thơ, vậy trong lúc cầm cọ, liệu anh có trải nghiệm đặc biệt thú vị nào?

Trong lúc sáng tác, tôi không có thói quen nghe nhạc nhưng trong đầu tôi luôn chập chờn những bản nhạc mà tôi yêu thích. Hơn thế nữa, khi vẽ, những ý thơ của tôi thoát ra, và những ý thơ ấy lại không hề liên quan đến nội dung của bức tranh. Đó là điều đặc biệt, mà tôi nghĩ, lần sau, khi sáng tác, tôi sẽ nghiên cứu nhiều hơn về cơ chế này. Vì tôi cảm nhận được những ý thơ ấy rất hay và tôi muốn lưu giữ chúng lại.

Anh cho rằng tranh giống như người thân của mình, vậy mỗi lần nhìn tranh mình vẽ ra, ắt hẳn anh sẽ vô cùng hạnh phúc?

Hầu hết họa sĩ đều thương tranh của mình, kể cả tranh thành công hay tranh thất bại, họ đều thương. Mỗi khi tôi vẽ tranh, tôi luôn treo tranh lên tường, ngắm nghía chúng và không bao giờ thấy chán. Đó là thước đo tiêu chuẩn của một bức tranh đạt, còn về những bức tranh mà mình chán, có nghĩa rằng bức tranh đó chưa đạt về độ chuyên môn.

Một bức tranh đối với người họa sĩ cũng giống như người thân của mình, vì họ thương nó như thương người thân trong nhà vậy.

Bức tranh có linh hồn, nó thực sự có sự sống. Càng vẽ, tôi càng phát hiện một điều thú vị như thế này, chỉ có bản thân mình mới cày lên được những vùng đất mà mình biết thôi. Từ đó, tiền đồ của mình mới tiến xa hơn được.

Cám ơn họa sĩ Nguyễn Văn Hảo vì những chia sẻ thú vị này!

Bài: TRANG PS | Ảnh: RAB HUU STUDIO

“nguyên” là triển lãm nhóm do Luxuo Art x GoMa tổ chức, quy tụ những cái tên đã ít nhiều gây ấn tượng với cộng đồng nghệ thuật tại Việt Nam: Doãn Hoàng Lâm, Tào Linh, Lâm Nhật Thanh, Mai Đại Lưu, Hà Hùng, Huỳnh Cường, Lê Hải, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Tùng, Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Chí Long, Trần Thảo Tú, Mạc Hoàng Thượng. 13 họa sĩ với 13 phong cách khác nhau, tất cả sẽ cùng nhau mang đến triển lãm mỹ thuật “nguyên” 52 tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác.


 
Back to top