Nghệ thuật / Nghệ sĩ

“Back to the Nature” – Trở về cội nguồn sơn mài truyền thống

Jun 12, 2022 | By Luxuo Vietnam

Với giới hội họa nói chung và sơn mài nói riêng, Claudie Vân là một cái tên mới mẻ. Nhưng mùa trái ngọt mà chị thu hoạch được và trân trọng gửi tới công chúng yêu nghệ thuật Thủ đô trong triển lãm cá nhân “Back to the Nature” vừa qua đã chứng minh rằng nỗ lực lao động nghệ thuật nghiêm túc và hết mình cùng ngọn lửa đam mê sáng tạo rực cháy có thể làm nên những điều kỳ diệu.

“Back to the Nature” là triển lãm cá nhân thứ hai của họa sĩ Claudie Vân nhằm ghi lại dấu mốc hơn một thập kỷ trên hành trình bền gan theo đuổi niềm đam mê hội họa. Ở lần trưng bày kéo dài một tháng này (27-5 đến 27-6-2022), nữ họa sĩ đã mang tới không gian sang trọng tuyệt đẹp tại Six Senses Space 66 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội, 13 bức tranh thuộc 9 tác phẩm sơn mài cùng một số tranh lụa mà chị đã gửi gắm trọn vẹn trái tim cùng biết bao tâm sức tìm tòi và thử nghiệm để hoàn thành.

Sinh năm 1974, tại Hà Nội, từng có nhiều năm gắn bó học tập và làm việc cùng các hoạ sĩ Trương Tiến Trà, Đặng Thảo Ngọc, Đinh Cảnh và Phan Cẩm Thượng, từ những người thầy – người bạn của mình, Claudie Vân dần dần nắm được các kỹ thuật hội hoạ và tạo hình, đủ để sáng tác một cách độc lập và tìm được lối đi riêng trên con đường thực hành hội họa lắm khi vô cùng khắc nghiệt này.

Nhiều năm chọn hội họa giá vẽ làm niềm đam mê, Claudie Vân đã phóng khoáng tung tẩy cùng nhiều chất liệu, từ acrylic đến sơn dầu, từ mềm mại đầy nữ tính với lụa tới những kỹ thuật sơn mài truyền thống đầy thử thách, không hề tương thích với những nghệ sĩ chân yếu tay mềm.

Không gian trưng bày sang trọng tại Six Sense Space

Ý tưởng xuyên suốt, cũng là thông điệp mà triển lãm muốn gửi gắm là “quay về với tự nhiên”. Với Claudie Vân, điều này còn bao hàm nghĩa quay về, tìm về cội nguồn truyền thống thông qua việc làm quen rồi dần dần làm chủ được chất liệu sơn mài. Không chỉ kiên trì, quyết liệt chọn lựa lối đi gập ghềnh, chị còn nhất quyết lao vào kỹ thuật khó nhất là gắn vỏ trứng.

Hoạ sĩ đã biểu hiện được cái tôi độc đáo, duy nhất trong ngôn ngữ gợi cảm của sơn mài, ở những lớp màu chồng tầng và phát lộ đầy biến ảo trong quá trình mài. Một sự gợi cảm mang tính trừu tượng, không cần thông qua hình khối cụ thể.

Là người yêu thiên nhiên và có nhiều năm gắn bó với thiền, không  ngạc nhiên khi hai lần trưng bày cá nhân của Claudia Vân đều có chữ tự nhiên “nature” trong tên gọi, từ “Nature in the Garden” tới “Back to the Nature”.

Sắc xanh mát mắt của không gian ngập tràn cỏ cây hoa lá mang tên Tằm Art Cafe & Residence nhiều năm qua đã mang lại nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho chủ nhân. Nó giúp chị thỏa sức cầm cọ, gửi gắm những hình khối – đường nét – mảng màu trong trẻo lên lụa, lên toan ở lần đầu ra mắt hay miệt mài cùng sơn mài trên vóc ở cuộc ra mắt lần hai. Nó gợi những xúc cảm trong veo, để chị có cả Tằm sơn khắc khổ to (140cmx195cm) và Tằm sơn mài khổ nhỏ hơn chút ít (70cmx150cm), hai tác phẩm đã tìm được con đường ngắn nhất để chạm tới trái tim người thưởng lãm.

Là một người ưa vận động, ưa trải nghiệm và không chịu bỏ qua bất kỳ khoảnh khắc quý giá nào của cuộc đời, bước chạy bền bỉ mỗi sáng qua những đầm sen thơm ngát ven hồ Tây đã khơi dậy cảm xúc và thôi thúc Claudie Vân hình thành tác phẩm “Back to the nature” – điểm nhấn gây ấn tượng thị giác đặc biệt trong triển lãm lần này. Kích thước “khủng” (140cmx300cm) chiếm trọn cả bức tường cùng những mảng gắn trứng rất lớn đã mang lại cảm giác được thu vào tầm mắt cả một đầm sen ngát hương mênh mông.

Tôi không theo đuổi hình mà đi vào khai thác phẩm chất của hoa sen. Tôi sử dụng chất liệu gắn trứng để mô tả gần như toàn bộ đầm sen. Theo đuổi ý tưởng bằng cách tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy trình được thực hiện hoàn toàn thủ công của sơn mài truyền thống ở các làng nghề là một quyết định táo bạo, thậm chí mạo hiểm vì công sức bỏ ra rất lớn”.

Từ can hình – dùng dao trổ rồi trũi nhẵn những mảng hình sẽ gắn trứng đến nướng than để tạo đa dạng sắc độ màu cho vỏ trứng, từ cắt rồi gắn chặt vào vóc, từ kẹt sơn để gắn liền các mạch cho vỏ trứng nhuyễn màu tới mài đi mài lại nhiều lần để đạt tới cái đích “tròn như ngọc” của danh họa bậc thầy Nguyễn Gia Trí. Hơn một năm trời dành trọn tâm sức và vật lực cho chỉ một bức tranh duy nhất, Vân đã có được một tác phẩm để đời, theo thiển ý của người viết.

Như góc nhìn của họa sĩ Phan Cẩm Thượng, “Vân ưa gắn trứng – kỹ thuật khó nhất của sơn mài, nhưng cô triển khai kỹ thuật này một cách mạnh mẽ, phần trứng đôi khi chiếm gần hết bề mặt tranh. Những bức họa như vậy đòi hỏi sức lao động bền bỉ và sự tính toán kỹ lưỡng cho từng mảng mầu, giữa mảng gắn trứng với chỗ còn lại. Sự đa dạng của kỹ thuật sơn mài truyền thống khiến họa sỹ thử nghiệm nhiều mặt, Vân vẽ sơn mài thuần túy với tranh trừu tượng khổ lớn, những tranh gắn trứng lấy đó làm mầu chủ đạo, tranh sơn khắc bao trùm cả khu vườn đầy hoa cỏ ở studio của cô”.

13 bức tranh thuộc 9 tác phẩm sơn mài lần này lấy đề tài “Trở về” (“Back to the nature”) được thực hiện phần lớn trong thời gian đại dịch phủ bóng đen lên khắp địa cầu, còn Hà Nội thì bức bối, ngột ngạt trong những ngày dài bị phong tỏa. Hơn bao giờ hết, cơn cuồng nộ đầy hăm dọa của tự nhiên khiến con người chợt giật mình thức tỉnh. Rằng chỉ lối sống hoà hợp với thiên nhiên, tìm về với cội nguồn bên trong thì mới có thể duy trì sự sống bền vững.

Đó là điều Claudie Vân đã cảm nhận sâu sắc từ bản thể, để tìm thấy nguồn cảm hứng vô tận và duy trì năng lượng sáng tạo dồi dào trong những tháng ngày khó khăn nhất, khi cùng cả cộng đồng chống chọi và chế ngự cơn sóng thần Covid – 19.

Thành quả sau hơn một năm trời “sơn” rồi “mài”, trăn trở với từ son đến then, từ vàng bạc tới vỏ trứng, màu cánh gián là những tác phẩm khổ lớn mà chị đặc biệt ưng ý. Ngắm những Tằm, Trở về, Bên trong 1, Châu Phi nghìn trùng…, nhiều đồng nghiệp, bạn bè đã khuyên Claudie Vân chọn sơn mài truyền thống làm chất liệu định danh, nhằm định vị một sắc màu riêng có của chính mình. Họ có cùng đánh giá với họa sĩ Phan Cẩm Thượng, rằng “có lẽ họa sỹ không dừng lại ở đây, ham vọng vẽ và tìm tòi tràn ngập. Mỗi bức họa là một sự khám phá mình, họa sỹ ngày càng cảm thấy mình có thân phận nghệ thuật hơn, dù thân phận ấy rất khắc nghiệt. Con đường nghệ thuật là đơn độc với mọi nghệ sỹ, dù bên cạnh luôn có không ít đồng nghiệp. Nhưng chính nhờ sự đơn độc mà họ tìm ra mình, ra phong cách của mình”.

“Back to the Nature” là một khởi đầu ấn tượng. Nó sẽ tiếp thêm động lực cho nữ họa sĩ vững vàng ở những bước đi kế tiếp trên hành trình nghệ thuật, dù đơn độc, để tìm ra mình, xác lập phong cách của riêng mình – như lời khuyên nhủ của người thầy đã bốn năm kiên trì truyền dạy nhiều cách thức làm sơn mài theo lối cổ mà chị vô cùng kính trọng. Bởi với Claudie Vân, học hỏi là một quá trình kiên trì và bền bỉ.

Những bậc thầy đi trước là tấm gương cho tất cả, dù là mới vào nghề hay lâu năm. Thất bại hay thành công của họ đều đáng được nghiên cứu và rút ra bài học. Rằng chúng ta sinh ra đời chỉ có một lần, cần là chính mình duy nhất, không thể là người khác. Đó cũng chính là ý nghĩa lớn lao của nghệ thuật, khi thế giới chỉ có thế và muôn đời vẫn thế nhưng luôn tinh khôi mới mẻ, luôn trong trẻo đẹp tươi khi được nhìn qua lăng kính độc bản của mỗi đôi mắt nghệ sĩ khác nhau. Mà Claudie Vân – may mắn thay – là một trong số đó!

Bài: Huyền Nga


 
Back to top