ART & CULTURE

Cách của Liu Jiakun: Tòa nhà, hạ tầng, cảnh quan và không gian công cộng – cùng một lúc

Mar 05, 2025 | By LUXUO

Khắp các kênh truyền thông của The Pritzker Architecture Prize vừa chính thức công bố kiến trúc sư Liu Jiakun đoạt Giải thưởng Kiến trúc Pritzker 2025. Đây là lần thứ hai một kiến trúc sư Trung Quốc đoạt giải thưởng danh giá này.

Chân dung kiến trúc sư Liu Jiakun, người đạt Giải thưởng Kiến trúc Pritzker 2025. Ảnh chụp bởi Tom Welsh cho Hyatt Foundation/Giải thưởng Kiến trúc The Pritzker.

“Đầu tiên, bạn cần phải là một con người, sau đó là một kiến trúc sư. Điều đó giống như một bản năng, một nền tảng, một kiểu tự trao dồi, một tiềm thức. Bạn cần phải trở thành một kiến ​​trúc sư có tính nhân văn trước khi bạn có thể thực hành kiến ​​trúc” – Liu Jiakun, trích từ video “A Person, An Architect” của The Hyatt Foundation/The Pritzker Architecture Prize.

Mới đây, Giải thưởng Kiến trúc Pritzker (từ lâu được coi là giải thưởng cao quý nhất của ngành kiến ​​trúc) đã chính thức vinh danh kiến trúc sư người Trung Quốc Liu Jiakun. Thông báo của Pritzker cũng cập nhật Liu Jiakun “vẫn tiếp tục hành nghề và cư trú tại Thành Đô, Trung Quốc, ưu tiên cuộc sống thường ngày của người dân thông qua các tác phẩm của mình”.

Ảnh: Pritzker Architecture Prize

Liu Jiakun là kiến trúc sư Trung Quốc thứ hai đoạt giải thưởng danh giá này – Giải thưởng Kiến trúc Pritzker lần thứ 54 (2025). Người đầu tiên là Wang Shu với Giải thưởng Kiến trúc Pritzker 2012. Theo world architects: “Giống như Wang Shu với Amateur Architecture Studio, Liu Jiakun không phải là một kiến trúc sư nổi tiếng trên trường quốc tế”.

“Hội đồng giám khảo của Pritzker năm nay đã nhấn mạnh lý do lựa chọn Liu Jiakun – sự gắn kết chặt chẽ giữa kiến trúc và đời sống xã hội, khả năng tạo ra những không gian có ý nghĩa mà không cần đến những cử chỉ phô trương. Họ ca ngợi cách ông sử dụng những vật liệu đơn giản nhưng tinh tế, cách ông đưa kiến trúc trở thành một phần của cộng đồng thay vì tách biệt với nó. Họ nhắc đến dự án Rebirth Brick, nơi ông không chỉ tái chế vật liệu từ đống đổ nát của trận động đất Tứ Xuyên mà còn giúp tái thiết những không gian sống, đem lại hy vọng cho một vùng đất tan hoang. Họ cũng nói về Bảo tàng Điêu khắc Luyeyuan, một công trình không cố gắng để nổi bật nhưng lại có mặt như một phần của cảnh quan, nơi con người có thể dừng lại, chiêm nghiệm và kết nối với không gian xung quanh”. (Theo Giả thuyết Kiến trúc – Architecture hypothesis)

Công trình cải tạo khu hang động Tianbao của thị trấn Erlang, Luzhou (Lô Châu), Trung Quốc, năm 2021. Ảnh: Vladimir Belogolovsky (Intercontinental Curatorial Project)

Công trình cải tạo khu hang động Tianbao của thị trấn Erlang, Luzhou (Lô Châu), Trung Quốc, năm 2021. Ảnh: Vladimir Belogolovsky (Intercontinental Curatorial Project)

Công trình cải tạo khu hang động Tianbao của thị trấn Erlang, Luzhou (Lô Châu), Trung Quốc, năm 2021. Ảnh: Arch-Exist/Pritzker Architecture Prize

Lộ trình đến với kiến trúc chuyên nghiệp của Liu Jiakun không những chậm và còn khác thường, không thể đoán trước.

Sinh năm 1956 tại Thành Đô, Trung Quốc. Thời thơ ấu của Jiakun phần lớn diễn ra trên hành lang của Bệnh viện Nhân dân Số Hai Thành Đô (Chengdu Second People’s Hospital) – được thành lập bởi Giáo hội Cơ đốc giáo Canada vào năm 1892, được xem là điểm khởi đầu của y học phương Tây tại Tứ Xuyên, nơi khai sinh Phong trào Chữ thập đỏ Tứ Xuyên và Bệnh viện Chữ thập đỏ đầu tiên – nơi mẹ ông là một bác sĩ nội khoa. Jiakun ghi nhận môi trường của viện y khoa Cơ đốc giáo đã nuôi dưỡng lòng khoan dung tôn giáo trong ông trọn đời. Mặc dù hầu hết các thành viên trong gia đình đều theo nghề y, Jiakun lại bộc lộ niềm yêu thích với nghệ thuật, đặc biệt say mê khám phá thế giới thông qua hội họa và văn học. Và ông đã đến với kiến trúc.

“Tôi luôn khao khát được như nước – thấm nhuần vào một nơi mà không mang theo một hình dạng cố định của riêng tôi, hòa tan vào môi trường địa phương và hoàn toàn vào đó. Theo thời gian, nước dần đông lại, biến thành kiến ​​trúc, và thậm chí có thể thành hình thức sáng tạo tinh thần cao nhất của con người. Tuy nhiên, nó vẫn giữ lại tất cả những phẩm chất của nơi đó, cả tốt lẫn xấu” – Liu Jiakun, trích từ thông báo Người đoạt giải của Pritzker Architecture Prize.

Liu Jiakun tốt nghiệp cử nhân ngành Kỹ thuật Kiến trúc tại Học viện Kiến trúc và Kỹ thuật Trùng Khánh (Đại học Trùng Khánh) vào năm 1982. Ông là một trong các thế hệ cựu sinh viên đầu tiên được giao nhệm vụ tái thiết Trung Quốc trong thời kỳ chuyển đổi của quốc gia. Jiakun từng thừa nhận rằng thuở ban đầu tuy không hiểu về kiến trúc, nhưng “như một giấc mơ, tôi đột nhiên nhận ra cuộc đời mình có ý nghĩa”. Dù vậy, quá trình làm việc tại Viện Nghiên cứu và Thiết kế Kiến trúc Thành Đô thuộc sở hữu nhà nước trong hai năm sau khi tốt nghiệp, đã khiến Liu Jiakun nản lòng và gần như từ bỏ nghiệp kiến ​​trúc.

Jiakun đã tình nguyện chuyển đến Nagqu, Tây Tạng (1984–1986), vùng cao nhất trên trái đất, bởi vì “điểm mạnh chính của tôi vào thời điểm đó dường như là không sợ hãi điều gì, và ngoài ra, là kỹ năng hội họa và viết lách của tôi”. Trong những năm đó và nhiều năm sau, ban ngày Liu Jiakun là một kiến ​​trúc sư, nhưng là một tác giả vào ban đêm, đắm chìm vào sáng tác văn học.

“Viết tiểu thuyết và thực hành kiến ​​trúc là những hình thức nghệ thuật riêng biệt, và tôi không cố ý kết hợp cả hai. Tuy nhiên, có lẽ do xuất thân kép của tôi, nên có một mối liên hệ cố hữu giữa chúng trong tác phẩm của tôi – chẳng hạn như tính chất tường thuật và theo đuổi thơ ca trong các thiết kế của tôi” – Liu Jiakun, trích từ thông báo Người đoạt giải của Pritzker Architecture Prize.

Ông đã trải qua một thập niên sống ở Tây Tạng và Tân Cương của Trung Quốc. Ông thực hành thiền định, hội họa và viết lách, cũng sáng tác một số truyện hư cấu với tư cách nhà văn trong khoảng thời gian làm việc tại Học viện Văn học.

Năm 1993, Jiakun đến thăm triển lãm kiến trúc cá nhân của Tang Hua – bạn học cũ thời đại học, tại Bảo tàng Nghệ thuật Thượng Hải, và niềm đam mê của Jiakun đối với kiến trúc đã được khơi dậy với một tư duy mới, niềm tin mới, rằng ông cũng có thể thoát khỏi tính thẩm mỹ do xã hội quy định. Liu Jiakun coi nhận thức mang tính chuyển đổi này là thời điểm sự nghiệp kiến ​​trúc của ông thực sự bắt đầu. Đến năm 1999, Liu Jiakun chính thức hành nghề, với công ty Jiakun Architects được thành lập tại quê hương Thành Đô.

Khoa Điêu khắc, Học viện Mỹ thuật Tứ Xuyên, Trùng Khánh, 2004. Ảnh: Arch-Exist/world architects.

Bảo tàng Đồng hồ, Cụm Bảo tàng Jianchuan (Jianchuan Museum Cluster), Thành Đô, năm 2007. Ảnh: Bi Kejian/world architects

Bảo tàng gạch nung Hoàng gia Tô Châu (Suzhou Museum of Imperial Kiln Brick), Tô Châu, năm 2016. Ảnh: Arch-Exist/world architects

Bảo tàng gạch nung Hoàng gia Tô Châu (Suzhou Museum of Imperial Kiln Brick), Tô Châu, năm 2016. Ảnh: Jiakun Architects/world architects

Bảo tàng gạch nung Hoàng gia Tô Châu (Suzhou Museum of Imperial Kiln Brick), Tô Châu, năm 2016. Ảnh: Pritzker Architecture Prize

Dự án ấn tượng nhất của Jiakun Architects là West Village , một khu phức hợp đa năng lớn được xây dựng tại Thành Đô vào năm 2015. West Village tập trung vào việc cung cấp các tiện nghi thể thao và giải trí cho cư dân của các khu dân cư cao tầng xung quanh, tòa nhà sân trong năm tầng này cũng có không gian cho các sự kiện văn hóa và nghệ thuật, cũng như không gian cho các ngành công nghiệp sáng tạo và thời trang. Đây là dự án lớn nhất của Liu kể từ khi thành lập văn phòng kiến trúc của mình. West Village thể hiện những gì mà chủ tịch ban giám khảo Pritzker – Alejandro Aravena, mô tả: “cách thức [của Liu] là xây dựng những nơi vừa là tòa nhà, cơ sở hạ tầng, cảnh quan và không gian công cộng cùng một lúc”.

Ảnh: Vladimir Belogolovsky (Intercontinental Curatorial Project)

Dự án West Village của Jiakun Architects, Thành Đô, 2015. Ảnh: Pritzker Architecture Prize

 


 
Back to top preload imagepreload image