ART & CULTURE / Nghệ sĩ

Họa sĩ Nguyễn Hoàng Trang: “Tranh của tôi nhuốm màu hiện thực tâm trạng”

Feb 21, 2019 | By Trang Ps

Một ngày đầu xuân, chúng tôi hẹn với họa sĩ Nguyễn Hoàng Trang, không chỉ để thưởng tranh mà còn thưởng cách vẽ tranh khác biệt của nữ họa sĩ gốc Huế.

Tác phẩm: Nơi cư trú an toàn, kích thước 80 x 120 cm, chất liệu: tranh sơn mài.

Nguyễn Hoàng Trang bước ra từ Đại học Nghệ thuật Huế, từng có nhiều bức tranh nổi bật tại các cuộc triển lãm như Gió Lào 1 ở Sài Gòn và Gió Lào 2 tại Hà Nội.

Người thưởng tranh nhận xét rằng tác phẩm của cô nhuốm màu tâm trạng, như phản ánh tiếng lòng người phụ nữ giữa chốn phố xá thị thành hiện đại nhưng vẫn đậm chất cổ xưa, nhìn dung dị mà vô cùng bí ẩn. Nguyễn Hoàng Trang giải thích: “Phong cách của tôi trước nay là hiện thực tâm trạng. Tôi vẽ những cảm xúc gần gũi và chân thật nhất với chính mình, và khi tôi tiếp xúc được với tâm trạng của những người hiện hữu”.

“Tôi nghĩ mình có chút bảo thủ, ấy là như bản năng, chỉ thích sáng tác tranh theo cách riêng của mình để không phải giống ai. Tôi vẽ theo ý niệm”.

Bén duyên với lụa, theo đuổi sơn mài

Tác phẩm: Tâm Thiền 4, kích thước: 70 x 90 cm, chất liệu: sơn mài.

“Trước đây, tôi lỡ duyên với khóa học sơn mài nên chuyển sang học khoa Lụa, và chất liệu lụa theo tôi kể từ ngày đó đến giờ. Nhưng cũng nhờ học bạn bè đó đây, tôi tiếp cận dòng tranh sơn mài, và rồi gắn sự nghiệp của mình với nó”. – Nguyễn Hoàng Trang chia sẻ.

Tham gia triển lãm cùng những người thành công, nữ họa sĩ cho đó là một may mắn của mình. Cô  học hỏi cách vẽ, cách tạo chất liệu từ các bậc tiền bối để khiến các bức tranh của mình không những có giá trị về mặt nghệ thuật mà còn có thể thương mại hóa.

Tác phẩm: Giác Ngộ 1, kích thước: 134 x 167 cm , chất liệu: Acrylic trên toan, sáng tác: 2018.

“Tôi thiệt thòi hơn các bạn khác ở chỗ vừa phải đi học vừa đi làm dể kiếm tiền trang trải cuộc sống, lấy cái này bù đắp cái kia để có sự duy trì. Thầy của tôi là những người bạn, lớn lên, tôi vẫn là tôi trước đây, thích được vẽ một cách tự nhiên và kết hợp những gì đã được học và sự cảm nhận để đưa vào tranh”.

Tranh cũng là “cái tôi” – “cái tôi” người phụ nữ

Tác phẩm: Nuôi dưỡng một tâm tu, kích thước 100 x 100 cm, chất liệu: acrylic, năm 2019.

Nữ họa sĩ sinh ra ở Huế, sống và lớn lên trong làn điệu dân ca Huế trên dòng sông Hương, vì vậy mà hình ảnh thùy mị nết na của người phụ nữ được ôm trọn bởi “công dung ngôn hạnh”, một nét đẹp mà cô cho là đang đi đúng với chuẩn mực đạo đức xã hội. Nhưng một phần ẩn sâu bên trong họ là sự cam chịu dẫn đến những thiệt thòi để có được yên bình, hạnh phúc.

“Tôi hiểu thân phận mình nên cũng vô cùng yêu thương những người phụ nữ giống như mình”.

Trang vẽ đề tài người phụ nữ từ thuở sinh viên, đề tài là những giản đơn xung quanh như bạn bè, người thân, và cả chính cô nữa. “Tôi muốn thay đổi một suy nghĩ là tất cả phụ nữ đều phải được hạnh phúc, phải yêu thương bản thân trước tiên rồi mới san sẻ tình yêu ấy cho người khác được. Điều gì đến hãy để nó đến một cách tự nhiên, vui vẻ chấp nhận, học cách buông bỏ mới có thể an yên”.

Vẽ cũng là để tu

Tác phẩm: Giác Ngộ 3, kích thước: 133 x 212 cm , chất liệu: Acrylic trên toan, sáng tác: 2018.

Bức tranh ba gương mặt mà Trang đưa đi triển lãm tranh nhóm “Gió Lào” mang tên “Giác ngộ 3”. Đó cũng là bức tranh nổi bật nhất, sở hữu ý nghĩa, nội dung, gam màu và chi tiết thể hiện chân dung của những bậc Giác Ngộ với chân lý “vô thường”.

“Tôi theo đạo Phật, cũng tìm hiểu và học Phật pháp, đó là khi tôi cảm nhận được mọi thứ vô thường đã và đang diễn ra xung quanh mình”. – Nữ họa sĩ bộc bạch.

Tác phẩm: Giác Ngộ 2, kích thước: 100 x 167 cm , chất liệu: Acrylic trên toan, sáng tác: 2018.

Nguyễn Hoàng Trang cảm thấy may mắn khi được sống trong môi trường có từ trường lành và tâm linh, miền đất hứa cho phép cô thỏa sức khám phá và tìm hiểu.

“Trong tranh hay trong cuộc sống đều như vậy, biết sai để sửa sẽ cải thiện cái nghiệp không tốt của mình”.

“Vẽ cũng là để tu, tu là để sửa đổi. Bất cứ ai cũng phạm sai lầm do mình gây ra nhưng mấy ai biết đó là lỗi? Và đôi lúc, chính những việc làm mình cho là thiện lành lại không mấy thiện cảm trong ánh mắt người khác.

Tôi áp dụng những điều đó vào tranh, lúc đầu khá khó diễn giải đầy đủ ý nghĩa mình muốn. Nhưng chỉ cần bản thân tôi thấy đúng lúc này, tôi giữ lại. Sau một thời gian, tôi nhận ra chân lý đúng hơn, tôi vẫn còn khả năng sửa”.

Tác phẩm: Thiền Tâm, kích thước: 90 x 90 cm, chất liệu: lụa, năm 2013.

Trong thư viện tranh đầy màu sắc của Nguyễn Hoàng Trang, chúng tôi tìm thấy một vài tác phẩm vẽ nude. Cũng không nhất thiết phải giấu diếm sự tò mò và nữ họa sĩ lại càng là một phụ nữ vô cùng thẳng thắn, cô không ngại bộc lộ: “Trong các tác phẩm vẽ nude, chỉ một vài bức tôi vẽ vẻ đẹp người phụ nữ nhưng không nhằm gợi dục mà là sự bứt ra khỏi những phiền hà, tục lụy, không bị vướng víu bởi quần áo trang sức hay phụ kiện”.

Trong ý niệm của Nguyễn Hoàng Trang, nude là dục, mà dục là nguyên nhân dẫn đến hạnh phúc và đau khổ của loài người. Ấy là sự đồng cảm với những ước mơ thoát khổ, sự tự do không ràng buộc bởi định kiến xã hội.

Họa sĩ Nguyễn Hoàng Trang tại triển lãm Gió Lào.

Sắp tới, nữ họa sĩ tiếp tục tham gia cuộc triển lãm tranh chủ đề Mùa Xuân và Con giáp thường niên tại tòa soạn Tạp chí Sông Hương TP. Huế. Cô muốn gửi gắm thông điệp qua tranh là con đường thiện, tu tập để nhận biết và để có một cuộc sống đơn giản, hạnh phúc trong đời sống hiện tại.

Bài: TRANG PS


 
Back to top