Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Nghệ sĩ cảnh quan Andy Cao: Bậc thầy biến những thứ bình thường trở nên mê hoặc

Aug 28, 2019 | By Trang Ps

Từ năm 2018, khi đặt chân lên ngọn đồi Mâm Xôi của xứ sở hoa ban Tây Bắc, người ta vẫn thường nhắc đến giấc mơ pha lê ngắn mà đẹp, ở đó có người nghệ sĩ cảnh quan đã nỗ lực hết mình để xây đắp nên một tác phẩm nghệ thuật huyền diệu giữa ngọn đồi hẻo lánh đã phần nào bị lãng quên. Anh ấy là Andy Cao, người đã biến bao giấc mộng hão huyền thành hiện thực.

Một chiều cuối tháng 8 nắng đẹp tại Sài Gòn, chúng tôi có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện cùng anh. Thời gian này, Andy Cao trở về Việt Nam cùng cộng sự Xavier thực hiện một số dự định, trong đó có dự án Khu vườn Âu Cơ tại Việt Nam.

Từ công trình Crystal Cloud (Mây pha lê) rộng lớn 1.400 m2 ở Áo đến Vườn Thủy Tinh (Los Angeles) hay Crystal Cloud ở sân bay Jewel Changi… Ở đó, trong khi những du khách có dịp ngụp lặn vào thế giới mộng ảo, cũng là thời điểm Andy Cao rời khỏi công trình vừa xây nên của mình, để đi xây tiếp một giấc mộng nữa từ một vùng đất khác…

Chào Andy Cao! Anh và cộng sự Xavier Perrot gắn bó với nhau gần hai thập niên nay trên con đường nghệ thuật cảnh quan. Mối nhân duyên này bắt đầu ra sao và bằng cách nào để có sự hợp tác ăn ý đến như vậy?

Tôi gặp Xavier vào năm 2001 khi bản thân đang thực hiện một triển lãm tại Pháp. Lúc ấy, Xavier vẫn đang là sinh viên thực tập, nhưng đúng là hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, mối nhân duyên của chúng tôi bắt đầu từ đó. Sau khi nhận giải thưởng Rome Prize Fellowship, tôi qua Ý một năm với Xavier, cùng sống ở American Academy in Rome và hòa nhập vào cộng đồng người Ý. Đó là một bước ngoặt cực kỳ quan trọng khiến tôi và cậu ấy nhận ra cả hai quá hợp ý nhau, nên quyết định hợp tác từ đó đến bây giờ.

Mỗi người đều có một tiếng nói riêng, Xavier đậm cá tính Pháp còn tôi lại “rất Mỹ” nhưng chảy trong tôi vẫn là dòng máu Việt Nam. Sau một thời gian gắn bó, chúng tôi không quan tâm rằng tác phẩm cảnh quan này là ý kiến của ai, sáng tạo của ai, mà điều quan trọng là nó xuất phát từ một tiếng nói chung. Công việc của nghệ sĩ cảnh quan đòi hỏi chúng tôi phải thực hiện cùng đội thi công. Nếu tôi quản lý đội bên này, Xavier sẽ quản lý đội bên kia.

Nếu không có Xavier, tôi nghĩ rằng tôi sẽ phải làm việc một mình vì khó tìm thấy ai ăn ý với mình như vậy.

Chúng tôi hoàn toàn tin vào bản năng và trực giác của mình, và khi hợp tác lâu dài với nhau, đó là điều quan trọng nhất cho cả hai sự tự do, và khiến mình không còn bận tâm để đặt một dấu chấm hỏi vào đó nữa. Nếu không có Xavier, tôi nghĩ rằng tôi sẽ phải làm việc một mình vì khó tìm thấy ai ăn ý với mình như vậy.

Theo học chuyên ngành thiết kế cảnh quan, lẽ dĩ nhiên là ra trường sẽ trở thành kiến trúc sư cảnh quan, nhưng Andy Cao hay Xavier lại nhận mình là những nghệ sĩ cảnh quan?

Sau khi tốt nghiệp ngành thiết kế cảnh quan, tôi và Xavier đều tách rời ra để theo đuổi nghệ sĩ cảnh quan. Tức là dùng môi trường lẫn vật liệu để làm tác phẩm nghệ thuật, chính vì thế, cái tôi luôn đi trước. Nếu một kiến trúc sư cảnh quan sẽ phải làm theo yêu cầu và sở thích của chủ đầu tư thì nghệ sĩ cảnh quan cũng giống như họa sĩ, sẽ vẽ tác phẩm dựa trên sự tự do sáng tạo của mình. Đó cũng là yếu tố nền tảng để chúng tôi quyết định nhận dự án hay không.

Anh từng chia sẻ rằng mối nhân duyên giữa anh và thương hiệu pha lê nổi tiếng Swarovski bắt nguồn từ một ước mơ rất nhỏ. Và sau đó, ước mơ ấy đã trở thành hiện thực khi Cao Perrot là đơn vị được Swarovski lựa chọn để thiết kế tác phẩm cảnh quan Crystal Cloud lừng danh ở Áo. Anh có thể chia sẻ về câu chuyện thú vị này?

Tôi biết đến thương hiệu Swarovski vào năm 2000, khi đang thực nghiệm vật liệu kính và thủy tinh cho một khu vườn tại Mỹ. Lúc đó, tôi đọc được tác phẩm cảnh quan Crystal World tại Áo của Swarovski và trong chốc lát, nhìn thấy ước mơ một ngày nào đó có thể ghé thăm thiên đường mộng ảo này. Nhưng, tôi đã gạt bỏ giấc mơ ấy qua một bên vì bản thân cũng không nghĩ mình có cơ hội đến đó.

14 năm sau, cái duyên ấy bất ngờ ập đến. Giống như bạn khao khát làm việc với ai đó nhưng phải chờ đến 14 năm sau. Vào năm 2012, tôi và Xavier đang tiến hành thí nghiệm mây pha lê (crystal cloud) và muốn liên lạc với Swarovski để mượn những hạt pha lê cho một triển lãm vườn hoa Dumbarton Oaks Garden tại Mỹ. Vào năm 1944, nơi đây đã chủ trì hội nghị Dumbarton Oaks, hội nghị quốc tế mà Liên Hợp Quốc được thành lập, vì thế chúng tôi muốn làm nên một tác phẩm thật xứng đáng

Chúng tôi hỏi ngược hỏi xuôi những người trong công ty, nhưng chẳng ai quen biết Swarovski. Nhưng nhờ người nọ người kia giới thiệu, cuối cùng chúng tôi đã có thể liên lạc với người phía bên thương hiệu. Swarovski đã mời chúng tôi qua Áo. Lúc ấy, lòng tôi hạnh phúc ngập tràn vì giấc mơ đến Crystal World cuối cùng đã trở thành hiện thực.

Chúng tôi đã có buổi ăn trưa cùng nhau và họ cho chúng tôi xem dự án kỷ niệm 120 năm công ty Swarovski. Họ bảo rằng dự án này còn thiếu điểm nhấn, họ muốn sáng tạo nên một thế giới mơ tưởng và hỏi thăm liệu Cao Perrot có muốn thực hiện không. Chúng tôi lập tức đồng ý, đặc biệt ngay sau khi nhận được “brief” tự do sáng tạo của họ, nhưng vẫn ngầm hiểu rằng bằng mọi cách phải tôn trọng giá trị di sản của thương hiệu.

Sau một thời gian khá lâu, chúng tôi mới thuyết phục được Swarovski đem những hạt pha lê ra thế giới bên ngoài mặc cho đây là dự án lâu dài. Chúng tôi đã trải qua một cuộc thí nghiệm vất vả, đánh giá xem thời tiết khắc nghiệt với lượng tuyết dày đặc như thế này thì sức chịu đựng của hạt pha lê có ổn định không. Đây là một dự án có một không hai trong đời nên chúng tôi đã ngưng hết tất cả để thực hiện nó trong vòng 2 năm rưỡi.

Chúng tôi hiểu rằng không ai từ chối cơ hội làm việc với Swarovski vì họ có thể mướn bất cứ ai, và công ty của chúng tôi thì quá nhỏ.

Nhưng chúng tôi đã thực hiện Crystal Cloud với tư cách là nghệ sĩ cảnh quan, tức nghệ thuật công cộng hòa quyện với nghệ thuật cảnh quan để biến tác phẩm đó trở thành thế giới mơ tưởng như họ mong muốn. Về sau, chúng tôi còn phát hiện ra một điều thú vị là trước dự án này, Swarovski đã đặt ra 3 điều kiện. Thứ nhất, đơn vị thiết kế ấy phải thật nổi tiếng, mà Cao Perrot không nằm trong danh sách này. Thứ nhì là hợp tác lâu dài. Thứ ba là nếu cuộc gặp lần đầu do nhân duyên và ưng ý thì mọi điều kiện đặt qua một bên. Chúng tôi đã chinh phục họ qua điều kiện thứ ba này.

Về sự hợp tác giữa Cao Perrot và Swarovski, anh có tin vào nhân duyên hay không?

Tin vào nhân duyên? Tôi nghĩ một phần nào đó (cười).

Tôi và Xavier trở về Việt Nam như đánh một ván cờ vậy vì nhiều khi tôi tự hỏi, nếu không có dự án thì sao? Vì tầm nhìn cảnh quan của chúng tôi khác với giá trị cảnh quan ở nơi này. Nó còn hơi mới. Đó là sự tổng hòa giữa nghệ thuật công cộng và nghệ thuật cảnh quan, hơn nữa, nó thiên về cái tôi nhiều hơn. Thành ra, công việc của mình không khác công việc của một họa sĩ là bao. Không ai đứng sau lưng chỉ việc để họa sĩ vẽ bức tranh này, và người nghệ sĩ cảnh quan cũng vậy.

Nhưng, tác phẩm của chúng tôi không sinh ra để trưng bày trong nhà, trong viện bảo tàng hay gallery mà nó sống ở môi trường bên ngoài. Nó có thể là một khu vườn nhỏ hay rộng như một sân bóng đá. Nhưng công việc sáng tạo này chỉ giữa tôi và Xavier, và chỉ một tiếng nói chung mà thôi.

Hẳn là khi làm việc với chủ đầu tư Việt Nam, Cao Perrot sẽ gặp phải những thách thức mà ít xảy ra ở môi trường quốc tế khác?

So với trên thế giới, chủ đầu tư Việt Nam có nhiều điều kiện và yêu cầu. Họ thích cái này cái kia, nhưng chúng tôi rất mong muốn họ suy nghĩ ngược lại rằng: “Nếu phải tốn biết bao nhiêu đó tiền và thời gian, tại sao mình không xứng đáng để có một tác phẩm mới nhất, khác lạ nhất mà chưa ai từng thực hiện?”  Trên thế giới, chúng ta đã có những tác phẩm cảnh quan đẹp gấp 10 lần với những điểm nhấn riêng biệt, nhưng nếu mình tiếp tục “sao chép” ý tưởng ấy, thứ nhất là mình sẽ vi phạm bản quyền và chúng tôi cực kỳ kỵ điều này. Thứ hai, nếu chủ đầu tư muốn chúng tôi thực hiện một tác phẩm “sao chép” ý tưởng của ai đó, chúng tôi sẽ đề nghị họ tìm đến người này vì sẽ thích hợp hơn.

Đối với một người nghệ sĩ, lòng tự trọng luôn đi nhất, cái tôi luôn đi nhất, có như vậy mới xứng đáng với lòng tin tưởng và tâm huyết mà chủ đầu tư mời mình tham gia. Mình phải quý ý tưởng của mình vì nếu mình không quý, không một ai sẽ xem trọng nó. Bởi vậy, chúng tôi luôn tập tính nhẫn nại và chịu khó. Vì khác với người họa sĩ, bức tranh vẽ xong rồi thì coi như xong. Người nghệ sĩ cảnh quan bao giờ cũng phải sát cánh với đội thi công, mưa nắng gì cũng phải làm việc, vì lúc nào cũng có câu hỏi, lúc nào cũng có thắc mắc, lúc nào cũng cần sự quản lý của mình, vì đó là cả một tác phẩm nghệ thuật.

Trong khi ở Việt Nam, người ta quan niệm cảnh quan phần nhiều là phong thủy thì chúng tôi tin đó cũng là một cơ hội quý để mình mở rộng tầm nhìn về thế giới cảnh quan. Từ đó đặt ra những câu hỏi ngây ngô nhưng thật sự khó làm như: “Nếu không có cái cây nào, nó có còn là vườn không? Mây pha lê trên không có thể là một khu vườn hay không?”.

Nghệ sĩ Andy Cao từng chia sẻ về vẻ đẹp của sự không hoàn hảo “wabi-sabi – the art of imperfection” nhưng nó lại không hề dễ chút nào. Vậy theo anh, một tác phẩm cảnh quan thành công ngoài đến từ yếu tố này còn đến từ yếu tố nào khác?

Sau khi mỗi dự án hoàn thành không chỉ chất xám, thời gian và tiền bạc, nó còn đòi hỏi mình sự tự tin là bản thân phải chấp nhận hết tất cả. Chúng tôi không có quyền lựa chọn đội thi công đến giúp đỡ mình. Họ có thể là những người đủ mọi lứa tuổi nhưng chưa bao giờ dùng vật liệu như thế này, và giờ lại còn phải làm việc theo ý của chúng tôi. Họ làm đẹp, làm trung bình hay làm xấu thì chúng tôi đều phải chấp nhận hết.

Người ta nói về “wabi-sabi – the art of imperfection”, nhưng thực hành lại vô cùng khó. Vì câu hỏi đầu tiên luôn là “mình có thể làm xấu hơn được không?”. Nhưng nhờ trực giác, bản năng, sự tự tin và mắt thấy, tay làm nên mình đồng thời tạo ra một cơ hội ngẫu nhiên cho tác phẩm.

Đối với mỗi tác phẩm, chúng tôi vừa làm vừa sửa. Việc khuyên người thi công thêm hay bớt một vài hạt pha lê thì dễ nhưng làm lại rất khó. Chẳng hạn như Crystal Cloud ở Áo, tác phẩm hoành tráng và rộng lớn như một sân bóng đá thì sẽ tốn biết bao nhiêu thời gian, trời mưa tuyết tháng 4 lạnh cóng vẫn phải gắng sức làm vì ngày khai mạc rơi vào tháng 5.

Điều thú vị là khi làm những công trình như Crystal Cloud, nhiều người đặt ra câu hỏi “ủa trên trời thiếu mây hả?” hay “sao vườn mà lại không có cây?” hay “tại sao phải làm tác phẩm này?”. Tôi trả lời rằng: “Đã là tác phẩm thì không cần giải thích. Mọi người đến đây để có nhiều thời gian trải nghiệm, để nhìn ngắm nó, bước vô đó, để thấy. Ý nghĩa quan trọng của mỗi tác phẩm là cho mình chứ không phải cho người”.  Đối với nghệ sĩ cảnh quan, chúng tôi quan tâm chủ đầu tư nghĩ gì về tác phẩm hơn là đám đông khán giả, nghĩa là câu chuyện giữa hai đối tượng: mình và họ mà thôi.

Đối với tôi, một tác phẩm cảnh quan thành công là người ta đến và quên đi thời gian, ngụp lặn trong thế giới đó với những mơ tưởng của riêng họ.

Với Crystal Cloud, nó gợi sự hiếu kỳ là thay vì mua trang sức pha lê hay sở hữu một viên pha lê thì bây giờ, người ta có cơ hội bước vào một vườn mây pha lê với 1 triệu hạt pha lê lung linh khoe sắc trên bầu trời. Từ một vật vô tri, mà giờ đây, tác phẩm đã tạo ra vô vàn cảm xúc cho người xem. Đối với tôi, một tác phẩm cảnh quan thành công là người ta đến và quên đi thời gian, ngụp lặn trong thế giới đó với những mơ tưởng của riêng họ.

Mây Pha Lê Mù Cang Chải. Ảnh: CAO PERROT.

Nhưng có những người lại không đủ duyên để nhìn thấy những điều mơ tưởng trong tác phẩm. Giống như giấc mơ pha lê Mù Cang Chải của anh, nó chỉ xuất hiện trong 2 tuần và chỉ cần đến sau một ngày, người ta đã không còn được sống trong thế giới huyền ảo ấy nữa.

Người ta nói rằng, khi đứng trước một bức tranh, có những người có thể nhìn nó cả tiếng đồng hồ. Càng nhìn, càng thấy, càng khám phá càng có cái gì đó mới lạ. Và đôi khi tôi tự hỏi: “Nếu bước vô bức tranh đó, họ sẽ thấy cái gì khác? Và từ đó làm sao để đưa người tham quan vào thế giới mơ tưởng của mình?”

Có những người đến những khu vườn pha lê bị kích động các giác quan, nó tạo cho họ ấn tượng khó quên và khiến họ ngụp lặn trong thế giới mơ tưởng ấy. Nhưng, khi cái duyên chưa đủ, có người chỉ thấy nó hoàn toàn tầm thường và vô cùng thất vọng. Vì cái tuyệt vời đôi khi chỉ đến trong tích tắc thôi, một nhiếp ảnh gia xuất chúng chưa hẳn đã bắt được. Tự dựng, cơn gió thổi làm những hạt pha lê đung đưa long lanh, phản xạ ra sắc cầu vồng trên mặt nước.

Khoảnh khắc ấy đến như một món quà, màu nhiệm và huyền bí. Vì thế, nếu người ta không chậm lại, họ sẽ chẳng thấy gì. Người ta có câu: “Những nơi đẹp nhất thường được biết đến do đi lạc” và có thể những bất ngờ sẽ xuất hiện khi mình không trông đợi hay cố gắng tìm kiếm.

Giấc mơ pha lê Mù Cang Chải là ước mơ viển vông mà đã thành hiện thực. Chúng tôi quyết định thực hiện một triển lãm ở một vùng đất xa xôi nhưng cái quan trọng hơn cả là có thể kết nối với người dân ở đó. Chúng tôi tâm niệm rằng càng tìm càng không thấy. Nếu cứ đi với mong muốn thấy thứ gì thì bản thân chẳng thể nào thả lỏng.

Cái sai trong thiết kế cảnh quan đã đưa đến cho Andy Cao những khám phá bất ngờ về chất liệu. Và anh còn nhấn mạnh rằng thí nghiệm vật liệu là phần khó nhất trong thiết kế cảnh quan, vì sao vậy?

Mỗi lần thí nghiệm vật liệu là mỗi lần gian nan vì làm tới đâu, sai đến đó. Nhưng đồng thời, nó cũng mang đến món quà lớn nhất là từ cái sai đã đưa đến phát hiện mới về vật liệu. Chúng tôi ít khi nào làm nghiên cứu mà muốn dùng trực giác và bản năng để khám phá mọi thứ một cách chân thật. Vì khi biết quá nhiều, mọi thứ không còn “thật thà” nữa. Càng nhiều kinh nghiệm càng bớt sáng tạo và khó nhất là vừa làm vừa quên.

Thí nghiệm vật liệu là điều khó khăn hàng đầu vì một là nó trở thành khám phá mới, hai là nó sẽ thất bại. Nhưng chúng tôi không định nghĩa nó là một thất bại. Đó là một quá trình xoay vòng, một khi gắn bó vào vật liệu nào, mình sẽ thấy cái người khác không thấy, nhưng, nó cũng không cần mới vì tôi tin rằng trên đời này, không có gì là mới cả. Nhưng ít nhất, nó phải mới đối với mình.

Vì thế, giấc mơ trong cuộc đời tôi là tạo ra một khu vườn Âu Cơ gồm 100 vườn ở những điểm đến “tùy duyên”.

Khi về Việt Nam, tôi nhận ra ở đây, phần lớn mọi người chưa nhìn thấy được giá trị của nghệ thuật cảnh quan. Nhưng tôi đã hỏi ngược lại: “Tại sao phải chờ người khác mướn mình thiết kế vườn cho họ mà tại sao mình không tự làm vườn và bán?”. Vì thế, giấc mơ trong cuộc đời tôi là tạo ra một khu vườn Âu Cơ gồm 100 vườn. Nó không nằm ở một địa điểm nhất định nào, cũng không cần người hiểu nghệ thuật, hay biết cao hiểu rộng về thiết kế cảnh quan đến xem. Nó chỉ cần cảm xúc của người xem, như vậy là quá đủ.

Khi nói về “xa xỉ cuối cùng”, những khu vườn có thể được liệt kê vào danh sách này. Vì trên thế giới, chúng ta có thể tìm thấy người có 100 ngôi nhà, 100 khách sạn, nhưng đã bao giờ có ai sở hữu 100 khu vườn hay chưa?

Có một điểm mà tôi thực sự tò mò trong những chia sẻ của anh. Ấy là tại sao lại lựa chọn một vùng đất xa xôi như Đồi Mâm Xôi để thực hiện tác phẩm Mây Pha Lê và hơn nữa, đây cũng là tác phẩm có sự góp sức của cộng đồng?

Câu hỏi này làm tôi nhớ đến dự án tuyệt vời của một người bạn học cùng lớp ở trường đại học Harvard mà tôi rất ngưỡng mộ. Anh là nghệ sĩ lừng danh Theaster Gates. Theaster đã chọn một khu người da đen ở khu Dorchester, Chicago, một nơi không an toàn nhất, thiếu thốn nhất, bị kỳ thị nhất để thực hiện tác phẩm Dorchester Projects.  Trong dự án kế tiếp, anh ta phát hiện một ngôi nhà ngân hàng có tuổi đời trăm năm và sắp sửa bị dỡ bỏ.  Theaster cho rằng đây là di tích lịch sử nên đã mua tòa nhà với giá 1 USD với điều kiện sửa sang lại để biến nó trở thành dự án nghệ thuật công cộng Stony Island Arts Bank. Chỉ có như vậy, người trong cộng đồng mới không phá phách, ngược lại, thêm trân quý giá trị nguồn cội và văn hóa, truyền thống của mình.

Cũng giống như câu chuyện Mây Pha Lê Mù Cang Chải, thành công lớn nhất là sự kết nối giữa mình và người dân ở đó. Ấy là giấc mơ ngắn mà đẹp. Giấc mơ ấy khiến tôi tin rằng tác phẩm ấy sinh ra để dành cho chính người dân trong vùng chứ không phải du khách thập phương. Khi người mình không trân trọng giá trị của nơi chôn rau cắt rốn của mình, liệu có thể đòi hỏi người ngoài cuộc hiểu hay không?

Andy Cao có thể chia sẻ thêm một chút về khu vườn Âu Cơ, dự án đã trở thành giấc mơ cuộc đời anh?

Về Việt Nam, chúng tôi vẫn làm để sống và nhân duyên khiến chúng tôi gặp gỡ được những người hiểu mình. Chúng tôi không muốn đi đường chính mà đi đường lẻ, vì cảm thấy thú vị với những bất ngờ đón chờ phía trước.

Tôi thấy ở Việt Nam có nhiều dự án đẹp nhưng thiếu điểm nhấn. Chúng cần một âm thanh, tiếng nói và màu sắc riêng. Vẻ đẹp ấy đã có ở nhiều nước Đông Nam Á và thế giới, trong khi truyền thống văn hóa ở Việt Nam là riêng biệt, là độc nhất. Khu vườn Âu Cơ bắt nguồn từ câu hỏi: “Trong 50 năm qua, ở Việt Nam có khu vườn nào để thế giới ghé thăm hay chưa?” Chúng ta có rất nhiều di sản văn hóa lịch sử, nhưng nó là của cái thời đã qua. Nếu không có tầng lớp tiên phong tạo điểm nhấn trong thời điểm này, 50 năm sau, thế hệ tương lai sẽ hỏi tại sao không?

Dự án Khu vườn Âu Cơ là 100 vườn nhỏ, mỗi khu vườn ở một nơi riêng biệt nhau, và nơi nào thì tùy duyên. Và trong kế hoạch này, quý nhất là các bạn trẻ thực hành với mình, đó là thế hệ dám nghĩ dám làm và là ngày mai tươi sáng của ngành thiết kế cảnh quan nói riêng và đất nước nói chung.

Cám ơn anh rất nhiều!

Bài: TRANG PS | Ảnh: RAB HUU STUDIO


 
Back to top