Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Nguyễn Hiếu Tâm: Người đàn ông đứng sau những show diễn đình đám

Jul 05, 2019 | By Trang Ps

Xuyên suốt 20 năm kinh nghiệm trong ngành tổ chức sự kiện, Nhà sản xuất/đạo diễn Nguyễn Hiếu Tâm là người đàn ông khá ẩn dật, đứng đằng sau thành công của hàng loạt show diễn đình đám từ Vietnam International Fashion Week đến “Vũ Hội Ánh Dương” trên đỉnh Bà Nà trong thời gian này.

“Ở ngành này, tôi khó tính với anh em trong ekip lắm!” Những lời chia sẻ hóm hỉnh và chân thật ấy của Nguyễn Hiếu Tâm thật khó quên. Có lẽ, khác với hình ảnh một người sếp nghiêm khắc trong công việc, anh dung hòa cuộc sống bằng sự giản dị và gần gũi giữa đời thường.

Từng làm việc nhiều năm ở Unilever, anh bắt đầu bén duyên với lĩnh vực tổ chức sự kiện từ năm 2005, cung qua hàng loạt show diễn đình đám với tư cách Giám đốc sản xuất/đạo diễn chính từ Vietnam International Fashion Week, đêm nhạc Trịnh Công Sơn với quy mô hoành tráng đến show diễn thời trang của các NTK nổi tiếng như Đỗ Mạnh Cường, Võ Công Khanh… Miss Áo Dài hay “Vũ Hội Ánh Dương” trong thời gian này…

Luxuo đã có dịp chuyện trò với anh vào một buổi chiều nắng ấm, trong không gian BeeTee Beauty, thương hiệu mỹ phẩm mà anh vừa mới khai trương trên đường Võ Văn Tần.

Anh từng đầu quân cho Unilever, một công việc không hề liên quan gì đến công việc hiện tại. Điều gì đã đưa anh trở thành một đạo diễn thời trang và nghệ thuật? 

“Gốc gác” của tôi chẳng liên quan gì đến ngành tổ chức sự kiện. Tôi tốt nghiệp Đại học Kinh tế, rồi cống hiến một khoảng thời gian tương đối cho Unilever ở bộ phận bán hàng và tiếp thị thương mại (trade marketing). Thật tình cờ, tiếp thị thương mại giúp tôi có cơ hội cọ xát với lĩnh vực tổ chức sự kiện, đặc biệt là sự kiện thương hiệu, nhãn hàng…

Trong một lần nọ, Unilever có dịp cộng tác với đạo diễn Phạm Hoàng Nam, cái tên lừng lẫy thuộc “top” đạo diễn cứng cựa trong dàn dựng show ca nhạc, show biểu diễn thời trang lớn. Tôi và anh Nam cũng gặp nhau loáng thoáng vài ba lần, nhưng sau khi được một người bạn làm chung giới thiệu chính thức, chúng tôi tiến tới nói chuyện sâu hơn rồi cộng tác làm việc kể từ đó.

Đạo diễn/nhà sản xuất Nguyễn Hiếu Tâm và đạo diễn Phạm Hoàng Nam.

Thoạt đầu, tôi đơn giản nghĩ mình có khiếu tổ chức sự kiện, mọi thứ dừng lại ở “thích”. Nhưng, sau khi gặp đạo diễn sân khấu “đắt show” nhất nhì Việt Nam như anh Phạm Hoàng Nam, tôi nghĩ từng bước đi lẫn hành trình sắp tới của mình đã bắt đầu rõ ràng hơn rất nhiều.

Sau khi gặp đạo diễn sân khấu “đắt show” nhất nhì Việt Nam như anh Phạm Hoàng Nam, tôi nghĩ từng bước đi lẫn hành trình sắp tới của mình đã bắt đầu rõ ràng hơn rất nhiều.

Hẳn là anh vẫn còn nhớ show diễn đầu tiên mà mình từng tổ chức? Cảm xúc hoàn thành show diễn đầu đời như thế nào, thưa anh?

Có chứ! Đó là vào năm 2005, khi tôi chính thức bị “lôi cuốn” và “mê hoặc” bởi lĩnh vực tổ chức sự kiện thì công ty AV Production mà tôi vừa gia nhập cũng bắt tay dàn dựng, thiết kế và tổ chức show diễn tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đó cũng là chương trình ca nhạc lần đầu tiên sử dụng công nghệ chiếu slide tuyệt đẹp. Công suất máy chiếu cách đây 15 năm không lớn như bây giờ, nhưng tôi vẫn còn nhớ, mỗi tấm hình tráng phim tiêu tốn khoảng vài trăm USD, mỗi đêm diễn như vậy cũng mất khoảng vài ngàn USD. Riêng show diễn này, tôi đóng vai trò trợ lý cho tổng đạo diễn Phạm Hoàng Nam.

Thực ra, tôi đã có xấp xỉ 20 năm trong lĩnh vực tổ chức sự kiện. Trước khi đầu quân cho AV Production, tôi chủ yếu sản xuất và đạo diễn những chương trình liên quan đến doanh nghiệp và thương hiệu. Những show diễn mang tính chất sân khấu và nghệ thuật như đêm nhạc Trịnh Công Sơn giúp tôi học thêm nhiều về kỹ thuật dàn dựng, ánh sáng, viết kịch bản, cách biên tập ca khúc… dung hòa mọi thứ sao cho chương trình hấp dẫn và thể hiện tư duy hình ảnh một cách tối đa.

Suốt 20 năm kinh nghiệm tổ chức sự kiện, các show diễn ca nhạc không còn nhiều như hồi xưa nhưng AV Production tự hào là doanh nghiệp thực hiện các chương trình thời trang đình đám nhất nước như Vietnam International Fashion Week, các Reality Show, hay các show diễn quy mô hoành tráng và dài hơi như Vũ Hội Ánh Dương trên đỉnh Bà Nà.

Trong show diễn thời trang của NTK Võ Công Khanh, anh từng chia sẻ ekip mất đến 10 ngày để khiến Lan Khuê tỏa sáng trong 30 giây với vai trò veddete? Anh chia sẻ gì về điều này?

Trong show diễn thời trang kỷ niệm 10 năm làm nghề của NTK Võ Công Khanh, tôi được giao trọng trách đạo diễn chính trong khi gương mặt vedette được trao cho Lan Khuê. Khác với sân khấu ca nhạc, show diễn thời trang đòi hỏi mỗi người mẫu phải phô diễn sát cạnh bên khán giả, vì thế nên việc lên ý tưởng cho “key moment” (khoảnh khắc vàng) cũng trở nên khó khăn và đòi hỏi tính khéo léo nhiều hơn.

Để thực hiện được điều đó, chúng tôi kết hợp giữa thời trang và công nghệ hiện đại khi áp dụng hệ thống cơ khí để thể hiện ý tưởng nở ra của chiếc kén. Hệ thống cơ khí này mất 10 ngày để hoàn thiện, từ khâu ý tưởng cho đến khi thực hiện. Không gian trình diễn lúc ấy được thiết kế và dựng theo concept “Thế giới cổ tích ma mị”, sàn runway được dàn dựng công phu với trung tâm là hình ảnh chiếc kén chứa đựng “bí mật” để thu hút khán giả đắm chìm vào vườn cổ tích của Võ Công Khanh. Chỉ khi Lan Khuê bung tỏa ra từ chiếc kén thì mọi thứ dường như bùng nổ đầy mãn nhãn.

Cũng là người đứng sau show diễn thời trang đình đám nhất Việt Nam – Vietnam International Fashion Week, anh cảm thấy thử thách lớn nhất khi thực hiện sự kiện này là gì?

Rất may mắn là chúng tôi đảm nhiệm thực hiện Vietnam International Fashion Week từ mùa thứ 3 nên công tác dàn dựng không bối rối và phức tạp như ban đầu. Nhưng, điều cần phải linh hoạt ở đây là mỗi mùa đều có sự thay đổi nhất định, mỗi mùa đều có cái mới.

Điển hình như, Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam quy tụ nhiều nhà thiết kế, mỗi nhà thiết kế đều có những đòi hỏi dàn dựng sân khấu, ánh sáng khác nhau. Ngoài nhà thiết kế Việt Nam, sự kiện còn quy tụ những nhà thiết kế nước ngoài với tư duy “tây” bắt buộc bản thân mình cần nghiên cứu sách vở và xem qua rất nhiều show diễn thời trang khác mà họ từng tham gia trước đây hoặc show diễn thời trang ở đất nước họ để cùng chia sẻ thực hiện. Sẽ có những yêu cầu cao mà ngành công nghiệp tổ chức sự kiện tại Việt Nam chưa thể đáp ứng, chúng tôi tư vấn giải pháp khác về âm nhạc, điều kiện ánh sáng… nhằm toát lên vẻ đẹp chân thực của mỗi trang phục, phụ kiện…

Gần đây, show diễn Vũ Hội Ánh Dương diễn ra ở đỉnh Bà Nà nổi tiếng thu hút sự chú ý của đông đảo khách du lịch. Hẳn là công tác chuẩn bị phải thật khắt khe để có thể duy trì show diễn dài hơi và quy mô như vậy.

Thành thực mà nói, “Vũ Hội Ánh Dương” là show diễn nghệ thuật quy mô lớn nhất mà tôi từng thực hiện với tư cách Giám đốc sản xuất. Đây cũng là một trong những chương trình nghệ thuật quy mô và kéo dài lâu nhất (trong vòng 4 tháng) mà tôi từng biết đến ở Việt Nam.

“Vũ Hội Ánh Dương” quy tụ hơn 200 diễn viên, nghệ sĩ quốc tế tham gia biểu diễn. Trước khi sự kiện mở màn vào tháng 6/2019 thì ekip của chúng tôi đã phải làm việc từ trước đó 4 tháng để có thể duy trì một show diễn dài hơn trong vòng 4 tháng (đến hết tháng 9/2019) như vậy. Thử thách lớn nhất là show diễn ra ban ngày, dễ dàng lộ ra những khuyết điểm về makeup, diễn xuất, trang phục…. Người ta bảo “nghệ thuật là ánh trăng lừa dối”, khi chương trình diễn ra ban đêm, mình có thể che giấu được những khuyết điểm nhưng show diễn xảy ra ban ngày đã thử thách anh em trong ekip lắm. (cười)

Hơn nữa, việc tuyển chọn diễn viên và lên kịch bản đòi hỏi yêu cầu cao và chịu nhiều áp lực vì chúng tôi đang làm việc với những nghệ sĩ nước ngoài chuyên nghiệp.

Điều mà anh mong đợi nhất từ những show diễn quy mô như “Vũ Hội Ánh Dương” là gì? Anh có thể chia sẻ show diễn nghệ thuật mang tính du lịch mà anh cùng đội ngũ cùng thực hiện trong tương lai?

Tôi từng xem rất nhiều show ở nước ngoài, điển hình như tại Disneyland hay Universal với quy mô vô cùng hoành tráng và chuyên nghiệp. Chúng tôi cũng mong muốn tổ chức những sự kiện dài hơi vừa tôn vinh tính chất nghệ thuật vừa tạo điểm nhấn cuốn hút trong lòng khách du lịch Việt Nam và quốc tế. Chỉ bằng chừng ấy lý do thôi đã đủ để tôi cùng anh em trong ekip lao vào làm!

Tuy nhiên, cái khó của “Vũ Hội Ánh Dương” là nó diễn ra đều đặn hàng ngày, không thử thách nào lớn hơn việc duy trì phong độ của một show diễn dài hơi. Tinh thần của người nghệ sĩ trong 10 ngày đầu có thể sẽ hứng khởi, nhưng sau đó, mọi thứ cứ lặp đi lặp lại khiến bất cứ ai cũng có thể chán nản.

Chưa kể, việc đầu tư công phu trong biên đạo với 1.000 trang phục thiết kế độc quyền bởi NTK trẻ Tom Trandt, “Vũ Hội Ánh Dương” ắt hẳn khiến mỗi nghệ sĩ phải kiên nhẫn vượt qua phần chuẩn bị cầu kỳ và phức tạp trước mỗi show diễn. Chính vì thế, dù công tác chuẩn bị trước đó đã hoàn thành nhưng mỗi ngày, tôi và ekip đều phải duy trì liên lạc đều đặn với nhau thông qua các nhóm chat trên Messenger để nếu sơ suất nào diễn ra thì sẽ lập tức chấn chỉnh.

Hiện tại, chúng tôi tiếp tục lên ý tưởng thực hiện và dàn dựng show “Vũ Hội Trên Mây” cho tập đoàn Sun Group, diễn ra tại Sapa. Đây cũng là một sự kiện có quy mô lớn dạt dào âm hưởng Tây Bắc.

Cũng từng thực hiện những show diễn tại nước ngoài, anh đánh giá ra sao về độ chuyên nghiệp trong hình thức tổ chức sự kiện tại Việt Nam và nhìn nhận về tương lai của ngành công nghiệp này?

Tôi cũng may mắn vì bản thân là một trong những người Việt có cơ hội thực hiện những show diễn tại nước ngoài nhiều nhất. Trong những chuyến đi cùng “ông trùm” Vũ Khắc Tiệp để tổ chức những Đêm hội chân dài, tôi có đủ thời gian và sự tiếp cận để cọ xát với người nước ngoài. Ngành tổ chức sự kiện tại nước ta nhìn chung còn thiếu chuyên nghiệp, hoặc sự chuyên nghiệp đang chỉ dừng lại ở người sếp thôi, còn bộ phận dưới gần như chưa có.

Tại Hàn Quốc, người ta thường gửi tất cả các bộ phận trong ekip sang nước ngoài học, từ đạo diễn, kịch bản phim đến nhóm âm thanh, ánh sáng… Sự chuyên nghiệp của họ là trọn vẹn chứ không phải như Việt Nam chỉ mình cấp trên có đào tạo bài bản. Cũng giống như các ngành công nghiệp khác, tổ chức sự kiện cần nhiều người giỏi để tạo ra những show diễn đột phá hơn, đổi mới hơn, khác lạ hơn. Cũng có những người trẻ đi du học về làm, song việc thiếu hiểu biết thị trường trong nước khiến họ đưa ra những ý tưởng thiếu tính thực tế.

Tầng lớp trung lưu ở nước ta ngày càng có điều kiện về tài chính hơn khiến cho nhu cầu giải trí, thưởng thức cũng trở nên đa dạng hơn bao giờ hết.

Trong kỷ nguyên hiện đại này, tổ chức sự kiện sẽ trở thành một ngành hết sức hấp dẫn. Chẳng hạn, tại bất cứ khách sạn, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp nào cũng đều có phòng hội nghị, sự kiện đỉnh cao với không gian rộng lớn và trang thiết bị tân tiến. Tầng lớp trung lưu ở nước ta ngày càng có điều kiện về tài chính hơn khiến cho nhu cầu giải trí, thưởng thức cũng trở nên đa dạng hơn bao giờ hết.

Trong ngành tổ chức sự kiện, điều gì khiến anh mong muốn thử thách bản thân nhiều nhất?

Tôi muốn thử thách mình ở một vai trò khác. Hiện tại, tôi chủ yếu làm giám đốc sản xuất nhưng về sau, tôi hi vọng có thể trải nghiệm vị trí tổng đạo diễn để có thể thỏa sức sáng tạo, chứng kiến đứa con tinh thần của mình phát triển ra sao từ khâu ý tưởng cho đến lúc thực hiện.

Tôi là người con Đà Lạt, tôi cũng mong muốn tổ chức một show diễn lan tỏa giá trị du lịch của thành phố ngàn hoa. Hiện tại, bản thân đang ấp ủ ý tưởng thực hiện, tìm kiếm những mạnh thường quân, đối tác thích hợp để lên kế hoạch triển khai chương trình.

Công việc tổ chức sự kiện, theo như anh chia sẻ là phải làm việc gần như 24 giờ đồng hồ, vậy hẳn là anh phải vô cùng đam mê nó. Ngoài công việc, anh còn thú vui nào khác?

Tôi nghĩ ngoài yếu tố đam mê thì bản thân cần chịu khó. Trải qua một thời gian ngắn, ngành này sẽ có nhiều thay đổi bắt buộc người trong cuộc phải cập nhật nhiều, học hỏi nhiều thông qua những đồng nghiệp giỏi giang, rồi thông qua internet, qua những chuyến đi du lịch, công tác…  Hiện tại, tôi duy trì 79 nhóm chat công việc thì bạn có thể hiểu áp lực của ngành này như thế nào rồi. (cười)

Tôi khá yêu thích thời trang, cũng xem nhiều tài liệu, tạp chí, show diễn thời trang trong và ngoài nước nhiều. Riêng trong 10 năm nay, tôi có thói quen sưu tầm thắt lưng. Hiện tại, bộ sưu tập cũng được 50 chiếc của các thương hiệu như Louis Vuitton, Gucci… Người mập quá hiếm khi “đóng thùng” mà cứ ghiền “tào lao” vậy đó. (cười)

Cám ơn anh vì cuộc chuyện trò thú vị này!


 
Back to top