ART & CULTURE

People to know: Ocean Vương và những vết thương xuyên thấu

May 06, 2021 | By Nguyen Huu Hon

Cuộc đời phức tạp hơn rất nhiều so với những dòng tiêu đề, và thơ ca xuất hiện khi tin tức không đủ để giãi bày tất cả.

Nhà thơ Việt trên đất Mỹ

Ngày 25 tháng 9 năm 2019 có lẽ là cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời và sự nghiệp của Ocean Vương khi anh trở thành nhà thơ/nhà văn gốc Việt trẻ tuổi duy nhất nhận được giải Thiên tài “Genius Grant” của MacArthur Foundation. Đây là giải thưởng thường niên có giá trị rất cao (trị giá 625.000 USD) nhưng không kèm theo bất cứ điều kiện ràng buộc nào, do John D. và Catherine T. MacArthur sáng lập để vinh danh sự cống hiến của những cá nhân có khả năng sáng tạo phi thường nhằm giúp họ “tiếp tục sáng tạo, đương đầu với thử thách và theo đuổi tầm nhìn của mình”.

Trước đó, vào ngày 20/6, cuốn tiểu thuyết đầu tay của Ocean Vương – On Earth We’re Briefly Gorgeous – đã được ra mắt và nhanh chóng có tên trong bảng xếp hạng sách bán chạy của tờ The New York Times. Được viết theo phong cách thể nghiệm dưới dạng một lá thư của nhân vật Little Dog gửi đến người mẹ mù chữ, On Earth We’re Briefly Gorgeous đã nhận được cơn mưa lời khen từ những tờ báo uy tín cũng như đông đảo bạn đọc, thậm chí được đề cử giải thưởng sách quốc gia của Mỹ.

People to know: Ocean Vương và những vết thương xuyên thấu

Ocean Vương tên thật là Vương Quốc Vinh. Chào đời tại vùng ngoại ô Sài Gòn vào năm 1988 rồi theo gia đình sang Mỹ định cư tại Connecticut từ năm lên 2, đối với Ocean Vương, tiếng Anh chính là đích đến của mình. Từ một người “đánh vật” với các con chữ để hiểu được ngôn ngữ xứ người, Ocean Vương đã trở thành nhà thơ với tuyển tập thơ đầu tiên Night sky with exit wounds – đã được xuất bản tại Việt Nam với tên gọi Trời đêm những vết thương xuyên thấu. Đây cũng chính là tập thơ mang về cho anh giải thưởng Whiting Award, Thom Gunn Award, và Forward Prizes – một giải thưởng thơ quan trọng của Anh quốc được ví như giải Oscars trong lĩnh vực thi ca – vào tháng 9/2017.

Andrew Marr, Trưởng Ban giám khảo của Forward Prizes, đã nhận xét về nhà thơ khi ấy chỉ mới 28 tuổi: “Ocean Vương là một tiếng nói mới đáng kinh ngạc. Tác giả đã băng qua nhiều vùng cảm xúc, từ những thương tổn tâm lý cá nhân đến lịch sử và cả những câu chuyện tưởng tượng bằng khả năng liên tưởng bậc thầy. Táo bạo và giàu hình ảnh, Night sky with exit wounds là tập thơ đầu tay hoàn hảo được viết bởi một tài năng xuất chúng”.

Tấm canvas nhiệm màu

Ký ức tuổi thơ và những tháng ngày gian khó mưu sinh cùng bà, mẹ và dì được Vương trải dài qua trang giấy. Câu chuyện về Ocean Vương bắt đầu từ hai thế hệ trước khi anh chào đời, khi người lính trẻ Michigan mang theo ước mơ “trở thành Miles Davis” với chiếc kèn trumpet trên lưng, gia nhập quân đội Mỹ và phải lòng “cô thôn nữ mù chữ đến từ cánh đồng ruộng lúa”. Để rồi sau đó là sự ra đời của hai thế hệ nối tiếp gồm mẹ và Ocean Vương. “Nhưng sau tất cả, ông bà tôi đã yêu nhau, và bài học lớn cho một người nghệ sĩ như tôi là cuộc đời phức tạp hơn rất nhiều so với những dòng tiêu đề. Và thơ ca xuất hiện khi tin tức không đủ để giãi bày tất cả”, Vương cho biết.

Bà ngoại là người có ảnh hưởng lớn đến Vương. Chính bà đã dạy anh cách nhìn vào những bức tường trống như tấm vải canvas để cho trí tưởng tượng bay cao bay xa. Và khi bắt đầu làm thơ, Vương đã học cách chừa lại một phần của tấm canvas đó cho độc giả. Các tác phẩm của Vương, dù là thơ hay tiểu thuyết, đều giống như những cuốn hồi ký được anh viết ra từ chính trải nghiệm của mình, và trong chừng mực nào đó có thể được xem như tiếng nói đại diện cho thế hệ người Việt trẻ xa xứ thời hậu chiến.

“Tôi nghĩ chúng ta thường nhìn vào khoảng trống, vào sự tĩnh lặng như một dạng thức của cái chết, của sự yếu đuối. Nhưng thơ ca dạỵ cho chúng ta rằng sự tĩnh lặng, sự trống rỗng và khoảng trống mới là nơi chứa đựng sức mạnh thực sự”.

Nỗi sợ hay lòng trắc ẩn?

Ocean Vương từng được tạp chí Foreign Policy của Mỹ bình chọn là một trong 100 Nhà tư tưởng hàng đầu thế giới (100 Leading Global Thinkers) cùng với cựu Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Hillary Clinton, cựu Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-Moon và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Anh tốt nghiệp ngành Văn học Anh thế kỷ 19 tại Đại học Brooklyn (Mỹ) và hiện đang giảng dạy tại Đại học Massachusetts ở Amherst. Bên cạnh công việc giảng dạy, làm thơ và viết lách, anh còn là người thực hành Thiền Phật giáo. Ở cuối đoạn phim giới thiệu về Ocean Vương được đăng trên trang web của MacArthur Foundation, nhà thơ trẻ đã nhắc đến việc hành Thiền của mình.

“Trong thực hành Thiền Phật giáo của tôi, một trong những trạng thái ưu việt nhất của tâm thức chưa phải là chuyên gia, chưa phải là bậc thầy, mà được gọi là tâm thức của người mới bắt đầu. Tâm thức của người sơ khởi là tâm tiếp cận thế giới tự nhiên, và các hiện tượng bên trong nó, với lòng hiếu kỳ tột bậc. Và tôi nghĩ rằng một trong những sức mạnh vĩnh cửu của tâm thức nghệ thuật là sự kính phục và luôn ngạc nhiên trước thế giới”.

Đối với Vương, nỗi sợ lớn nhất của anh là một ngày nào đó anh không còn hy vọng. Mỗi sáng thức dậy, anh thường tự hỏi bản thân rằng mình sẽ sử dụng nỗi sợ hay tình thương và lòng trắc ẩn để làm nguồn năng lượng cho công việc. Vương cho rằng nỗi sợ là một năng lượng mạnh mẽ, lòng trắc ẩn cũng là một năng lượng mạnh mẽ. Nhưng chúng ta có sự lựa chọn, vậy chúng ta sẽ chọn nỗi sợ hay lòng trắc ẩn? Và Ocean Vương đã chọn lòng trắc ẩn, chọn tình thương, chọn sự tử tế bởi anh tin rằng đó là nguồn năng lượng bền vững thực sự giúp anh vượt qua những miền thương tổn để đạt đến khả năng sáng tạo cao nhất.

Xin trích đăng một bài thơ trong tập thơ Night Sky with Exit Wounds do Tran Nam Anh chuyển ngữ:

NGÀY NÀO ĐÓ TÔI SẼ YÊU OCEAN VƯƠNG

Ocean, đừng sợ.

Đoạn cuối con đường còn xa

nhưng đã nằm lại sau ta.

Đừng lo.

Ba cậu chỉ là ba cậu

cho tới khi một trong hai quên đi. Như cách xương sống

sẽ quên rằng mình từng có đôi cánh

dẫu bao lần hai đầu gối

hôn lên những vỉa hè. Ocean,

cậu có đang nghe? Phần đẹp đẽ nhất

của cơ thể là bất cứ nơi đâu

phủ bóng hình của mẹ.

Đây ngôi nhà với tuổi thơ

(với trần nhà) bị rút xuống (chỉ cao) bằng một sợi dây bẫy đỏ.

Đừng lo. Gọi đó là “đường chân trời”

& đôi tay sẽ chẳng bao giờ chạm tới.

Đây hôm nay. Nhảy nào. Tôi hứa đó không phải

một chiếc thuyền cứu hộ. Mà là một người đàn ông

có đôi cánh tay đủ rộng để ôm cậu vào lòng. & đây khoảnh khắc,

ngay khi đèn vụt tắt, khi cậu còn đang thấy

giữa hai chân anh ta ngọn đuốc le lói

Bằng cách nào cậu dùng nó, lặp đi & lặp lại

để tìm thấy đôi tay của chính mình.

Cậu hỏi xin một cơ hội thứ hai

& nhận được chiếc miệng để nhét đầy trống rỗng.

Đừng sợ, tiếng súng

chỉ là tiếng những người

đang cố gắng sống lâu thêm chút nữa. Ocean. Ocean,

tỉnh dậy. Phần đẹp đẽ nhất của cơ thể

là nơi được đặt tên. & nhớ rằng,

sự cô đơn vẫn dành thời gian

bên thế giới. Đây

căn phòng và mọi người bên trong.

Những người bạn đã chết của cậu đi

qua cậu như cơn gió luồn qua chuông gió. Đây chiếc bàn viết

với chiếc chân kênh & một viên gạch

để đứng vững. Ừ, đây căn phòng

thật ấm áp & máu thịt

Tôi thề, cậu sẽ tỉnh dậy

và nhầm lẫn những bức tường

với làn da.

Bài: Thảo Lâm – từ Wemaster
TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://www.oceanvuong.com
https://www.macfound.org/fellows/1052/


 
Back to top