ART & CULTURE

Thanh Bùi: “Nghệ thuật là tương lai của giáo dục, tại sao không?”

Feb 26, 2020 | By Hai Yen

Thanh Bùi, tên tuổi một nam nghệ sĩ đa tài đã quá đỗi quen thuộc với người yêu nhạc Việt Nam từ một thập kỷ qua. Nhưng bây giờ, gọi anh là một nhà giáo dục, một doanh nhân thì có lẽ sẽ phù hợp hơn để bắt đầu buổi trò chuyện này.

1/ Trong cuộc gặp gỡ tại căn biệt thự cổ đang được trùng tu để biến thành ngôi trường mẫu giáo, nam nghệ sĩ trẻ Thanh Bùi ngày nào giờ đây đã có dáng dấp chững chạc của một người cha, một nhà giáo dục đầy tâm huyết; nhưng nụ cười rất duyên cùng giọng nói nhẹ nhàng thì vẫn không thay đổi. Anh cười lớn khi nghe câu hỏi đầu tiên, về lý do nào đã đưa anh rẽ từ biểu diễn âm nhạc sang giáo dục sáng tạo qua những chuỗi dự án liên tiếp, khi sự nghiệp ca hát đang ở thời kỳ đỉnh cao? Câu hỏi phần nào mang tính cá nhân ấy đã gợi mở cho toàn bộ câu chuyện dài từ bước đầu khởi nghiệp đến những gì mà anh đang làm trong thời điểm hiện tại.

Tôi nghĩ, điều gì cũng có giai đoạn của nó. Tôi bắt đầu con đường âm nhạc của mình từ năm 10 tuổi và theo đuổi tình yêu âm nhạc cho riêng mình không ngơi nghỉ. Âm nhạc trong trình diễn hay âm nhạc trong giáo dục và đào tạo, tuy khác hình thức nhưng cũng cùng một ngôn ngữ, một cốt lõi. Nên tôi không rẽ ngang, tôi chỉ đi tiếp con đường của mình mà thôi.

Tuy nhiên, từ khi có gia đình và được nhận thiên chức làm cha, tôi càng có thêm sức mạnh để dám khẳng định âm nhạc trên một con đường lớn hơn, thênh thang hơn, nơi tôi tin con cái của mình & thế hệ tương lai của đất nước mình sẽ được tự do phát triển qua nền tảng giáo dục tân tiến hơn, một hệ thống giáo dục “có âm nhạc”.

“Thầy không cần bất cứ đền đáp nào, nhưng hãy hứa với thầy một điều, một khi có cơ hội, hãy tạo điều kiện cho những người khác, như thầy đã làm cho em.”

Qua nhiều cột mốc quan trọng trong sự nghiệp ca hát và sáng tác của mình, tôi dạt dào cảm xúc và trân trọng nhất khi nhìn lại những cơ hội được cùng ekip của mình đưa hình ảnh và chất lượng sáng tạo qua âm nhạc Việt Nam ra thế giới khi hợp tác với những nghệ sĩ quốc tế đỉnh cao. Sau những nỗ lực và thành công đó, tôi hỏi bản thân: “Vậy tiếp theo mình sẽ làm gì?”

“Thầy thật sự thấy một điều đặc biệt ở em. Với tất cả những gì thầy đã dạy, thầy không cần em đền đáp hay ghi ơn cho riêng thầy. Thầy chỉ mong muốn em hứa với thầy một điều, hãy tạo điều kiện và cho đi như thầy đã làm cho em.” – trong quá trình đi tìm câu trả lời cho riêng mình, tôi nhớ lại lời của một người thầy tôi vô cùng kính trọng, người đã dạy dỗ và dẫn dắt tôi từ những ngày đầu tiên bước vào con đường âm nhạc ở Úc. Những ngày đầu sự nghiệp, ngoài ca hát, tôi còn dạy nhạc và có những trung tâm dạy nhạc của riêng mình. Có lẽ đúng như vậy, tôi luôn song hành giáo dục âm nhạc và biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp – ngọn lửa của lòng tin vào giáo dục âm nhạc chưa bao giờ kịp tắt trong tôi.

Nếu cuộc đời là một hành trình của những chuỗi sự kiện kết nối, thì tôi đã nhận ra và trả lời cho câu hỏi bên trên của mình: Tiếp theo tôi tiếp tục chọn cống hiến cho âm nhạc qua nền tảng giáo dục – nơi tôi tiếp tục sẽ đồng hành với sứ mệnh đưa Việt Nam ra thế giới, nhưng lần này không chỉ riêng tôi, mà là cho tất cả chúng ta và con em chúng ta.

2/ Rời xa con đường ca hát lâu như thế, anh có ý định sẽ quay trở lại sân khấu trong tương lai gần không?

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Tôi rất thích câu hỏi này vì câu trả lời của tôi là: Có chứ. Tôi nhớ sân khấu, nhớ khán giả của tôi và cảm giác được cống hiến cho những người yêu âm nhạc của tôi. Tôi đã và đang chuẩn bị một dự án âm nhạc mới của riêng mình. Tuy nhiên, tôi muốn trau chuốt thật kĩ để không phụ lòng khán giả đã yêu thương và chờ đợi mình.

Tôi biết, thời kì Renaissance – Phục Hưng không phải là thời kì đỉnh cao của chỉ riêng âm nhạc, và cũng không phải thời kì kiến tạo dương cầm. Nhưng đó là một thời kỳ của “nhân loại”. Tôi không khoa trương khi muốn “phục hưng” cội rễ của âm nhạc tại Việt Nam ngay tại lúc này đây để có thể mang lại “sự tự do phát triển bên trong mỗi cá nhân, mỗi con trẻ.” – Let Music Empower.

3/ Anh có thể chia sẻ thêm về dự án Renaissance Collection, một trong những dự án mới nhất và tâm huyết nhất của anh?

Renaissance Collection là một dự án đầy tâm huyết của tôi. Tôi đã muốn tạo ra một điểm đến chất lượng và có sự chắt lọc kĩ càng về nhạc cụ cho các em học sinh của mình từ rất lâu. Tuy nhiên để chính thức độc quyền mang những thương hiệu như Blüthner và Bösendorfer về Việt Nam cũng không hề đơn giản. Cho nên đến bây giờ, sau nhiều năm tổ chức hệ thống giáo dục âm nhạc ở Việt Nam, tôi đã tự hào trình làng hệ thống nhạc cụ mà mình đã tuyển lựa dựa trên tiêu chí “các con em phải được tiếp cận với chất lượng đẳng cấp nhất ngay từ những ngày đầu tiên bắt đầu với âm nhạc”. Tôi và các đại diện/chuyên gia âm nhạc của tôi gồm: anh Nguyễn Bảo Anh – Giám đốc Nghệ thuật của Dàn nhạc Giao Hưởng (SPO) & Dàn nhạc Giao hưởng trẻ Sài Gòn (SPYO) sẽ giám tuyển cùng tôi những dòng nhạc cụ từ cấp vỡ lòng đến chuyên sâu cho các nhạc cụ của dòng cổ điển như vĩ cầm, sáo, cello, v.v. và anh Michael Choi – Giám đốc mảng phần mềm và sản xuất nhạc, từng làm việc với Rihanna, và cũng là người đứng sau album của Vũ Cát Tường và Ngọt – sẽ tuyển chọn những nhạc cụ cho dòng Rock N Pop tại Renaissance Collection.

Tôi và các chuyên gia của mình luôn tin rằng về mặt khoa học, việc học nhạc sẽ giúp trẻ nhỏ kết nối giữa não phải và não trái một cách tốt nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất. Thông qua âm nhạc, đứa trẻ sẽ kết nối được với chính bản thân nó. Đó là một loại ngôn ngữ kết nối trong cả lúc buồn, vui, giận hờn… Trong cuộc sống, nơi nào cũng có âm thanh. Một đứa nhỏ biết hát trước khi biết nói chuyện. Chính vì thế, khi một đứa trẻ được học âm nhạc, nó sẽ biết cách kết nối với bản thân, với mọi người xung quanh hơn.

Rõ ràng, người Việt Nam rất giỏi, nhưng lại khá hạn chế trong việc tiếp xúc và trao đổi với nhau. Tôi nghĩ, âm nhạc là bước không thể thiếu để các em phát triển được trí não, cũng như có thêm một ngôn ngữ, quan trọng hơn là xây dựng được văn hóa.

Tôi nghĩ, tên của dự án Renaissance Collection cũng là một điểm thú vị. Vì Renaissance – Phục Hưng không phải là thời kì đỉnh cao của chỉ riêng âm nhạc, và cũng không phải thời kì kiến tạo dương cầm, nhưng đó là một thời kỳ của “nhân loại”. Tôi không khoa trương khi muốn “phục hưng” cội rễ của âm nhạc tại Việt Nam ngay tại lúc này đây để có thể mang lại “văn hoá âm nhạc” và “sự tự do phát triển bên trong mỗi cá nhân, mỗi con trẻ.” Hãy để âm nhạc thật sự gắn kết, và tạo sức mạnh mà lời nói hay hành động cũng sẽ là không đủ. “Let music empower” – đó là tiền đề của Renaissance Collection chúng tôi. Mà có lẽ không phải một mình tôi nghĩ như thế, Beethoven trong một lần được hỏi câu chuyện của Bản Sonate Ánh Trăng là gì, ông đã trả lời “nếu có thể nói bằng lời được có lẽ tôi đã không dùng đến âm nhạc”.

4/ Tại Việt Nam, các bậc phụ huynh vẫn có suy nghĩ rằng âm nhạc là một môn ngoại khóa, không quan trọng bằng các môn như Toán hay Ngoại ngữ. Làm thế nào để anh vượt qua rào cản đó?

Đó chính là nhiệm vụ của tôi. Tôi nghĩ, điều này cần thời gian và các dự án mang lại thông điệp quan trọng cho phụ huynh, vì phụ huynh nào cũng chỉ muốn mang đến điều tốt nhất cho con mình thôi. Trong thời gian vừa qua, tôi có các chương trình như Kindermusik, chương trình dạy âm nhạc cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Càng ngày, phụ huynh sẽ càng hiểu được rằng 90% sự phát triển của một đứa trẻ nằm ở độ tuổi 0 đến 5 tuổi. Khi phụ huynh hiểu hơn về điều đó, thì nó không còn là vấn đề nữa.

Tôi đang xây dựng một hệ thống sinh thái để hỗ trợ sự sáng tạo của từng bạn trẻ. Tôi bắt đầu với Embassy Education, trường mẫu giáo đầu tiên chính thức áp dụng Reggio Emilia Approach ® tại Việt Nam. Trường có quy mô 80 học sinh, và theo tỷ lệ của Reggio Emilia, cứ 10 em sẽ có 1 em đặc biệt, nên ở đây sẽ có 8 em đặc biệt.

Từ nền tảng này, tôi sẽ xây dựng thêm các trường cấp 1, 2, 3. Âm nhạc – nghệ thuật là một phần trong hệ thống giáo dục ở đây. Tại các trường khác, âm nhạc là một môn ngoại khoá, nhưng tại đây, âm nhạc sẽ được lồng vào chương trình học của chúng tôi. Đây là điều rất quan trọng với tôi, vì tôi muốn tôn vinh và tiếp cận những ngôn ngữ sáng tạo của các em theo cách tốt nhất có thể.

Dàn nhạc Giao hưởng Sài Gòn (SPO), Saigon Contemporary & Ballet Dance Company cùng với Đỗ Hải Anh, The Lyricist Dance Company và tiến sĩ Alexander Tú, là những tổ chức tôi xây dựng để hỗ trợ các tài năng. Nếu không có các nền tảng hỗ trợ, các tài năng không thể nào nở rộ. Việt Nam có đến 97 triệu dân, vì sao không có nhiều hơn các nền tảng hỗ trợ như thế này? Chúng ta cần có sân chơi, cùng với các bạn tạo nên những tổ chức như thế.

5/ Với góc nhìn của anh, Việt Nam có tiềm năng như thế nào để phát triển nền âm nhạc trong tương lai?

Tiềm năng của Việt Nam là cực kỳ tốt, nhưng chúng ta cần chiến lược rõ ràng, không chỉ là về xây dựng cơ sở vật chất, mà còn tạo dựng các tổ chức, có nguồn quỹ để đưa những đối tác quốc tế về Việt Nam xây dựng nền tảng, để âm nhạc, nghệ thuật trở thành một phần của giáo dục trẻ nhỏ và xây dựng văn hoá. Với lòng tin và tư duy phát triển đó, âm nhạc sẽ là một phần không thể thiếu của giáo dục, hay có thể nói ngắn gọn, “nghệ thuật là tương lai của giáo dục” tại sao không?

Cảm ơn anh về những chia sẻ này!

Ảnh: RABHUU STUDIO


 
Back to top