Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Thiện Nguyễn – Sáng tác nghệ thuật từ logic và tính toán

Nov 13, 2023 | By Pham Thu Phuong

Nhiều người nhận thấy những bộ môn thủ công đang dần mai một, “nhường sân” cho công nghệ tự động, máy móc tiện lợi và nhanh gọn hơn. Tuy nhiên, sự kiên nhẫn, kỳ công, vất vả từ quá trình tự tay làm mọi thứ vẫn thu hút rất nhiều người, trong đó có anh Thiện Nguyễn.

Phòng làm việc của anh Thiện chỉ vỏn vẹn một góc nhỏ nhưng mọi thứ ở nơi ấy đều phát sáng và lấp lánh, chúng tỏa ra từ tâm huyết và đam mê của anh: tranh kiếng dát vàng. Anh Thiện đặt tên cho “kho tàng” ấy của mình là Saigon Gold Sign – nơi có những bức tranh vẽ chữ kỳ công được dát tỉ mỉ bằng lá vàng thật.

Niềm đam mê với viết chữ, thiết kế chữ của anh Thiện Nguyễn đến từ đâu? Với anh, khi sáng tạo và khai thác con chữ sẽ khác như thế nào so với những đối tượng khác?

Thiết kế chữ đến với tôi bằng một lý do hơi… ngớ ngẩn, vì tư duy của tôi khi sáng tạo khá logic nên tôi có thể vẽ được những hình họa có bố cục, tỉ lệ cụ thể hơn là những thứ mang phong cách tự do. Và vì không giỏi trong mảng đó nên tôi nghĩ mình khó kiếm được tiền từ nó nên đã chuyển qua vẽ chữ – một lĩnh vực liên quan đến hình học, tính toán và có sự logic. Ngoài ra, tôi cũng là một người rất thích làm đồ thủ công, cộng với nguồn cảm hứng từ Davesmith – nghệ sĩ tranh kiếng đầu tiên tôi biết, tôi quyết định thử sức với con đường này.

Có chữ cái nào anh đặc biệt yêu thích và làm việc với nó không?

Tôi rất thích chữ “S”. Đây là chữ cái đầu tiên tôi phác ra giấy và cũng được học từ người thầy của mình. Đối với tôi, chữ “S” rất khó thiết kế bởi nó hoàn toàn là những đường cong, đặc biệt hơn các chữ khác có nét thẳng và nét xiên. Có thể bởi sự khó nhằn và yêu cầu cao về kỹ thuật nên tôi cảm thấy bị cuốn vào khi làm việc với chữ “S”. Ngoài ra, tôi nhận thấy bản thân rất thoải mái khi vẽ những đường cong của chữ cái này.

Làm việc với những con chữ chắc sẽ không dễ dàng gì mấy đúng không anh? Anh thường mất bao lâu để hoàn thành tác phẩm tranh kiếng của mình?

Mỗi bố cục đều sẽ có những cái khó riêng. Khi chữ đứng một mình, hay hai chữ đứng cạnh nhau, hay chữ lồng ghép với hình minh họa,… đều phải tính toán cẩn thận về khoảng cách, góc độ sao cho hợp lý và hài hòa. Đặc biệt, chữ thiết kế ra phải đúng, phải dễ nhận diện, tức là chữ “S” phải ra chữ “S”, chữ “O” phải ra chữ “O”.

Bên cạnh đó, quá trình thiết kế thủ công còn cầu kì từ việc vẽ trên máy, mua nguyên vật liệu đến khi bắt tay vào làm, mỗi công đoạn đều phải chờ 1-2 tiếng, do đó, tôi cần 1-2 tháng để hoàn thành một tác phẩm. Chưa kể, điều kiện làm việc cũng khá vất vả bởi vàng rất dễ bị thổi bay nên sẽ không thể bật quạt hay máy lạnh. Nói chung, quá trình làm ra một bức tranh kiếng dát vàng được cấu thành bởi sự kiên nhẫn, chịu khó và cân đo đong đếm kỹ lưỡng.

Anh nhận định thế nào về sự phát triển của tranh kiếng ở Việt Nam hiện nay? Anh mong muốn định vị bản thân ở đâu trong bộ môn này?

Trùng hợp là gần đây, tôi có trò chuyện với chủ của một trong những tiệm tranh kiếng hiếm hoi, bác nói giờ tranh kiếng đã mai một hết rồi. Đó cũng là điều mà tôi nhận thấy. Thời tranh kiếng phát triển mạnh nhất là khi văn hóa của người Chăm, người Hoa du nhập vào, rồi kết hợp với nhau. Bây giờ công nghệ decal, in ấn phát triển thì người ta không còn làm tranh kiếng thủ công nhiều nữa, mất nhiều thời gian mà lại không bán được bao nhiêu.

Thêm vào đó, khi kiến trúc phương Tây thịnh hành thì tranh kiếng mang văn hóa phương Đông lại trở nên không phù hợp để trang trí hay thờ nữa. Có những ngôi nhà ở quận 5, dù chủ sở hữu là người Hoa nhưng họ xây theo kiến trúc Tây nên không còn thờ tranh kiếng nữa, do không hợp thẩm mỹ. Trong khi đó, ở phương Tây, họ trưng bày tranh kiếng rất nhiều trong các tiệm xăm, quán pub, nhà thờ nhưng ở Việt Nam thì rất hiếm thấy điều đó.

Tranh kiếng ở Việt Nam mặc dù mai một đi rất nhiều nhưng khi ghé vào một số cửa hàng tranh ở Chợ Lớn, tôi lại nhận ra rằng kỹ thuật và chất liệu của người Việt mình cũng có nhiều cái hay mà phương Tây họ không làm nên ta hoàn toàn có thể phát triển tiếp. Tôi cũng đã và đang cố gắng đem văn hóa phương Tây mình học được, hòa nhập với văn hóa Việt Nam để sáng tạo ra những thứ đặc trưng cho riêng tôi và đưa ngành này phát triển rộng hơn.

Về artwork Saigon Gold Sign, anh có chia sẻ đây là lần đầu tiên đưa yếu tố Việt Nam – cụ thể là Sài Gòn vào tác phẩm của mình. Tại sao đến tác phẩm kỉ niệm 5 năm, anh mới nghĩ đến điều đó? 

Thật ra, kể từ khi biết đến bộ môn này, tôi đã học hỏi theo kỹ thuật của người phương Tây và quá trình thực hành đều đi theo phong cách của họ. Tuy nhiên, vô tình một lần đến Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM xem triển lãm và nhìn thấy hoa văn thời Đông Dương – Indochine trên cổng, tôi nghĩ đến việc thử đem văn hóa Việt Nam vào sáng tác. Có thể nhiều người không nhìn nhận Indochine là một phần văn hóa của Việt Nam nhưng tôi thì ngược lại. Đối với tôi, Indochine đã du nhập vào và gắn liền với một thời kỳ lịch sử Việt Nam cho nên không thể phủ nhận điều đó.

Lấy đó làm tiền đề, tôi sẽ tiếp tục đem những hoa văn Việt Nam khác vào trong tranh của mình. Ví dụ miền Tây là một nơi mà tôi thấy đa dân tộc, đa văn hóa, đa tôn giáo,… nên đó có thể là một “mảnh đất” màu mỡ mà tôi khai phá sức sáng tạo của mình, nhưng cần kha khá thời gian để nghiên cứu thật kỹ trước khi bắt tay vào làm.

Saigon Gold Sign – anh mong muốn truyền tải điều gì thông qua những tác phẩm ở đó? “Saigon” sẽ đóng vai trò gì trong thực hành nghệ thuật của anh?

Là một người yêu thích thủ công nên tôi luôn mong mọi người có thể trân trọng và bảo tồn giá trị của việc chế tác thủ công trong thời đại AI, công nghệ phát triển, đặc biệt là lĩnh vực tranh kiếng. Còn “Saigon” trong Saigon Gold Sign chỉ đơn giản là nơi tôi sinh ra và lớn lên. Nhiều người tự hào về quê hương của họ và đem nó vào trong nghệ danh để thể hiện văn hóa mình theo đuổi, tôi cũng vậy.

Bên cạnh Saigon Sold Sign, anh còn đồng thời vận hành Callimotion – một đơn vị chuyên thiết kế chuyển động, làm các video thương mại, MV,… do chính mình thành lập. Cả hai công việc này đều đòi hỏi đầu tư thời gian, kiên nhẫn, tỉ mỉ thì liệu anh có ưu ái “đứa con” nào hơn không?

Tôi gần như dành toàn bộ thời gian cho công việc. Trước đây, ngoài thời gian đi làm ở công ty 8 tiếng/ngày, tôi sẽ dành thêm 4 tiếng cho Callimotion và 4 tiếng cho Saigon Gold Sign. Điều đó có thể khiến tôi không đủ sức tập trung làm mọi thứ cho sâu nhưng tôi chấp nhận. Bởi tôi nghĩ, muốn tất cả phát triển đều hết, để người ta biết đến mình nhiều nhất thì tôi phải đẩy cả 3 việc cùng lúc. Quan điểm của tôi là thay vì tập trung làm một thứ để được 10 điểm thì tôi sẽ làm nhiều thứ 6 điểm, đủ để tạo được nền tảng cho mình đi lâu dài là được.

Trong quá trình sáng tác nghệ thuật, một ý tưởng hay ho, một khám phá bất ngờ khiến anh thấy tự hào về bản thân nhất là gì?

Nói về thiết kế, không có tác phẩm nào tôi làm ra mà phải kinh ngạc bởi việc thực hành nghệ thuật 5 năm trước và 5 năm sau luôn có nhiều thay đổi. Còn điều thật sự khiến tôi tự hào nhất, hài lòng với bản thân nhất là luôn được học nhiều thứ mới mẻ. Từ 5 năm trước, tôi biết đến và có động lực học dát vàng qua video của thầy Davesmith cho đến 5 năm sau, tôi “cắp sách vở” qua Anh học trực tiếp từ thầy, rồi hiện tại, tôi đang học thêm dát vàng trên giấy. Hành trình đó không gọi là thành công nhưng tôi đã đạt được nguyện vọng của mình khi được học từ người giỏi nhất trong ngành và có cơ hội tiếp xúc với môi trường sáng tạo nước ngoài.

Đến đây, tôi lại nghĩ đến gen Z – một thế hệ rất quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cá nhân. Anh có thể chia sẻ một chút góc nhìn của một người đã có hai “cái tên” về vấn đề này?

Theo tôi, gen Z ngày nay xây dựng thương hiệu hơi nông. Xây dựng thương hiệu không phải chỉ là chuyện lên mạng xã hội khẳng định mình là người này người kia mà nó phải thể hiện qua tác phẩm, cách cư xử, con người mình,… Nhiều người cứ mải mê tuyên bố mình là ai nhưng làm việc thì rất thiếu chuyên nghiệp. Do đó, không quan trọng bên ngoài mình bỗ bã, suồng sã như thế nào, một khi đã vào việc thì nhất định nghiêm túc và những gì mình làm ra phải có giá trị, người khác nhìn vào là thấy.

Sự sang trọng từ chiếc túi LV không đến từ việc người ta cứ nói rằng “đeo vào là sang” mà sẽ bộc lộ từ chất vải, kiểu dáng,… Làm nghệ thuật cũng vậy, xây dựng thương hiệu không phải là vẽ hàng trăm bức tranh một ngày rồi tuyên bố mình là nghệ sĩ mà quan trọng là cốt lõi và giá trị bên trong.

Anh có ý định đem những thiết kế chữ của mình ứng dụng vào một lĩnh vực khác không?

Kì thực, tôi chưa nghĩ đến điều đó bởi việc đem chữ của mình đi xa hơn là một cuộc chơi rất dài. Mọi người có thể dùng chữ bằng cách gõ tên phông là xong nhưng người làm chữ phải cân rất nhiều kiểu nét, góc độ mới ra được một con chữ chất lượng, đó là điều cực kỳ khó. Chữ căn bản là công cụ để mình truyền tải thông tin nhiều hơn hình ảnh nên phải làm sao cho rõ ràng và dễ hiểu là một quá trình cần nhiều thời gian để học hỏi và trau dồi.

Khi thực hành sáng tạo, anh có quan trọng việc phải trở nên khác biệt không hay cứ làm bằng tâm huyết của mình là được?

Tôi luôn có niềm tin rằng nếu mình làm đúng thì mình sẽ đi được xa nên tôi cũng không quá bận tâm về những người khác. Khi làm nghệ thuật, thực sự chưa bao giờ tôi “đu trend” hay làm việc bộc phát. Nhiều người thường hay làm những tác phẩm góp vui không khí trung thu, tết thiếu nhi, ngày phụ nữ,… nhưng tôi không! Tôi sẽ quan tâm đến các vấn đề xã hội hoặc thấy có gì đó hay hay mà mình đọc được, xem được, tôi sẽ tích lũy lại. Dù mấy năm trôi qua đi, mọi thứ cũ rồi nhưng nếu thấy có cảm hứng, tôi vẫn sẽ lục lọi, khơi chúng ra để sáng tạo. Tôi nghĩ cứ bắt tay vào làm thì mình sẽ biết nên làm gì và làm sao cho tốt, vậy thôi!

Cảm ơn chia sẻ của anh.


 
Back to top