The Modern Collectible Issue: 2023 – Những nhà giàu trên 50 triệu USD có nguy cơ mắc nợ với 1/3 tài sản để mua BST nghệ thuật
Theo một khảo sát mới nhất của Art Basel và USB, doanh thu đấu giá và số lượng người tham dự triển lãm nghệ thuật có phần giảm nhưng mức chi tiêu trung bình lại tăng cao.
Số liệu được tổng kết từ 2.828 phản hồi của các nhà sưu tập trên 11 thị trường với mức tài sản ròng trị giá trên 1 triệu USD. Về vĩ mô, thị trường nghệ thuật ghi nhận sự tăng trưởng khiêm tốn, chỉ 3% trong năm 2022 để đạt được 67,8 tỷ USD. Tuy vậy, mức chi tiêu trung bình của các nhà sưu tập giàu có cho nghệ thuật đã tăng lên 65.000 USD vào năm 2022, tăng 19% so với năm 2021. Tính đến nửa đầu năm 2023, chi tiêu trung bình đã đạt 65.000 USD.
Số liệu này được cho đi ngược với nhận định thực tế khi tổng tài sản của các triệu phú trên thế giới lần lượt giảm từ 62,5 triệu xuống còn 59,4 triệu USD trong năm 2022. Tỷ lệ sưu tập các tác phẩm có giá trị trên 1 triệu USD cũng giảm từ 12% (năm 2021) xuống 4% vào năm 2022, mặc dù con số này đã ghi nhận sự tăng trưởng trở lại lên 9% vào nửa đầu năm 2023.
Các nhà sưu tập có xu hướng tiếp cận cách thức mua trực tiếp từ đại lý với 84% lượt đăng ký tại các phòng trưng bày. Ông Paul Donovan, Chuyên gia kinh tế trưởng của UBS Global Wealth Management nhận định: “Tệp khách hàng thượng lưu không chỉ chi tiền mà còn bỏ thời gian để nghiên cứu món đồ họ sưu tầm sao cho phù hợp với giá trị và mong muốn của bản thân”.
Cùng với đó, các giao dịch tại hội chợ nghệ thuật cũng ghi nhận tình trạng ảm đạm khi giảm từ 74% vào năm 2022 xuống còn 58% trong năm 2023. Số lượng người tham gia các sự kiện nghệ thuật trung bình giảm từ 41 người (năm 2019) xuống còn 32 người (năm 2023). Kéo theo đó là doanh số bán đấu giá tại Christie, Sotheby’s, Phillips và Bonhams cũng giảm 16% trong 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022.
Tiến sĩ Clare Mc Andrew, tác giả nghiên cứu “Khảo sát thu nhập toàn cầu năm 2023” nhận định: “Mặc dù chỉ có số ít những nhà sưu tập tự coi mình là nhà đầu tư, nhưng nhiều người nhận thức rõ về tác động tài chính trong giá trị BST mang lại, từ đó sử dụng như đòn bẩy tài chính”. Cô cũng chỉ ra, 43% nhà sưu tập có giá trị tài sản ròng đã sử dụng tín dụng hoặc khoản vay để trợ lực cho quá trình mua tác phẩm nghệ thuật, trung bình cứ 29% tác phẩm họ sưu tầm được mua bằng tiền vay tín dụng.
Những nhà sưu tập sở hữu giá trị tài sản ròng cao (trên 50 triệu USD) càng có nguy cơ mắc nợ với 1/3 tài sản đã dùng để chi vào các bộ sưu tập.
Bất chấp tình hình kinh tế thế giới suy thoái cũng như giá trị tài sản giảm sút, 77% nhà sưu tập vẫn bày tỏ sự lạc quan về những diễn biến của thị trường nghệ thuật trong 6 tháng tới. Cụ thể, 54% dự định mua tác phẩm nghệ thuật trong 3 năm tới, con số này tăng lên 68% đối với các nhà sưu tập ở Trung Quốc. Chỉ 26% nhà sưu tập dự định bán các tác phẩm trong bộ sưu tập của họ trong 12 tháng tới, giảm 39% so với cùng thời điểm năm 2022.