ART & LIFE

‘Vết căn nguyên’ của Huỳnh Lê Nhật Tấn: Những chiêm nghiệm mang tính nguồn gốc

Mar 24, 2022 | By Trang Ps

Tranh của Huỳnh Lê Nhật Tấn gợi cho ta về những con người giàu chiêm nghiệm mà đặc trưng trong đó là sự lắng sâu như đang đi vào huyết mạch của tâm hồn. Triển lãm và ra mắt sách “Vết căn nguyên” của Tấn hứa hẹn sẽ mang đến những khoảnh khắc thưởng thức đầy mới lạ. 

Có lẽ tôi đồng điệu với tranh của Tấn nhiều hơn là thơ, vì sự vô ngôn đôi khi lại chạm vào phần đâu đó sâu thẳm và khuất lấp trong tâm hồn, thứ mà ngôn từ đôi khi gây ra những rối rắm hay khó hiểu. Hội họa của Tấn khá lạ vì hình ảnh trong tranh vừa nguyên thủy vừa hiện đại, vừa cổ vừa mới, vừa hướng nội sâu xa vừa hướng ngoại để đối thoại trực diện và đôi phần thách thức suy tư.

Ở mỗi bức tranh, tôi thấy Tấn đặt câu hỏi về một vấn đề nào đó và tự chính anh dường như cũng đã có câu trả lời cho nó. Từ đây, anh thể hiện cuộc độc thoại, suy tư ấy lên tranh. Sự vô ngôn chắc chắn tạo ra những “kết luận” hay cảm nhận mang tính đa chiều từ khán giả. Nhưng về phần mình, tôi thấy anh đặt ra những suy tư mang tính con – người, đời – đạo.

“Vết căn nguyên” phải chăng là sự tìm về nguồn gốc đích thực của chúng ta? Phải chăng con người đã và đang sống với những bộ mặt giả ngã của mình, thay vì sống thật với chính mình. Ta có thấy Tấn đang tạo ra những cuộc đối thoại, những sự xúc chạm trong tranh để gợi mở những cuộc đối thoại và sự xúc chạm giữa những cá thể người trong cuộc sống. Thông qua các cuộc xúc chạm ấy, phần con – người trong ta bộc lộ một cách mạnh mẽ, phần đời – đạo của ta được vạch trần.

Những bộ mặt trong tranh của Tấn sinh động và đầy gợi tưởng, điều khiến tôi nhớ đến muôn hình vạn trạng bộ mặt của chính mình qua rất nhiều trải nhiệm với tha nhân giữa cuộc đời đa đoan. Ở đó ta thấy những hình hài của suy tư, của lo toan, của truy vấn, của tìm cầu, của tĩnh tại…  Nhưng chúng ta thật sự là gì, không lẽ là những bộ mặt ấy sao, những vai diễn ấy sao? Chúng ta không thể là sự biến đổi – biến dịch, và “vết căn nguyên” bắt đầu đi sâu hơn vào vai trò của nó.

Khi đi sâu hơn vào “Vết căn nguyên” của Huỳnh Lê Nhật Tấn, người ta nhìn ra muôn hình vạn trạng của mình có lẽ nảy sinh từ những tư tưởng huyễn hoặc của chính anh ta. Tận cùng đó là sự rỗng lặng dường như không một sự xúc chạm nào có thể thay đổi hay phá hủy.

Màu mà Tấn sử dụng có đôi phần “lạnh” và “cổ kính”, hình tượng nom vẻ “nguyên thủy”, vừa lạ vừa quen, tất cả tạo ra những bí ẩn để mỗi người tò mò khám phá về “căn nguyên” xuất phát từ sâu thẳm chính mình.


Triển lãm “Vết căn nguyên” diễn ra từ ngày 26/3 đến 3/4 tại Mây Artspace, 36/70 Nguyễn Gia Trí, P.25, Quận Bình Thạnh, Tp.HCM. 


 
Back to top