ART & CULTURE

Có một thương hiệu “âm nhạc tử tế” mang tên Hà Anh Tuấn

Mar 03, 2023 | By LUXUO

Sau nhiều dư luận trái chiều về vé bán, giọng hát… “Chân trời rực rỡ” vẫn là một thành tựu lớn của Hà Anh Tuấn trong cách làm thương hiệu, phơi bày nghệ sĩ tính cũng như cách đáp lại tiêu cực quanh mình.

“Thương hiệu” Hà Anh Tuấn

Ở thời điểm này, nhắc đến nghệ sĩ với các show diễn hoành tráng diễn ra liên tục thì không thể thiếu tên tuổi của Hà Anh Tuấn. Nếu các nghệ sĩ khác cần đến những dịp kỷ niệm 10 năm, 15 năm, 20 năm để làm concert, thì cứ mỗi năm, Hà Anh Tuấn và ekip của mình lại cho ra đời những dự án và show mới. Khi “Những vết thương lành” diễn ra vào tháng 8 năm ngoái vẫn còn dư âm, thì “Chân trời rực rỡ” diễn ra chưa đầy nửa năm sau đó cho thấy khả năng sáng tạo của nam nghệ sĩ là có hoạch định và rất thông minh.

Tuy thế, ở các show diễn, ta thấy Hà Anh Tuấn luôn có những sự tính toán để đảm bảo được sự khác biệt. Nếu “Veston” ở Đà Lạt hoành tráng về mặt bối cảnh, thì “Những vết thương lành” lại khá “khiêm tốn” về mặt quy mô, khi diễn ra tại nhà hát để tập trung hơn vào nội dung. “Nâng cấp” lên từ “Veston”, “Chân trời rực rỡ” là sân khấu “hoành tráng nhất trong nghiệp làm nghề” (như anh thừa nhận) không chỉ về mặt dàn dựng, âm thanh, ánh sáng… mà cũng đồng thời là màn đáp trả đến dư luận xấu nhắm vào chính mình trong thời gian qua.

Đó là ý kiến cho rằng anh đã “quá mức” tự tin tin vào danh tiếng của mình để mang show diễn về với Ninh Bình – quê nhà của anh, và hiển nhiên là không hề thuận tiện cho việc đi lại. Nhiều người cũng nói rằng anh đang đánh mất giọng hát khi quá chú trọng vào việc trình diễn. Cũng có dư luận cho rằng anh là “ca sĩ cover”, “chiếm dụng” bản hit của nghệ sĩ khác để làm “đòn bẩy” cho bản thân… Thế nhưng mặc cho những điều bủa vây, “Chân trời rực rỡ” vẫn chứng minh được giá trị và sức hút của mình.

Theo đó, có một thực tế là tuy giá vé khá cao so với mặt bằng chung (cũng như các show trước đó của anh), thế nhưng 2 đêm kín chỗ với ước tính hơn 10 nghìn khán giả đã được lấp đầy. Điều này cho thấy thương hiệu Hà Anh Tuấn vẫn còn chỗ đứng trong người hâm mộ. Họ vẫn theo dõi và ủng hộ anh, có chăng những gì xảy ra chỉ là trùng hợp và bất khả kháng. Không phải Mỹ Đình và cũng không phải là sân vận động Quân khu 7, Sân lễ Đền Vua Đinh – Vua Lê nơi “Chân trời rực rỡ” diễn ra có thể là sự “thèm khát” mà nhiều nghệ sĩ mong muốn có được để nhìn thấy sự kết nối chặt chẽ với khán giả.

Hai đêm kín chỗ với ước tính hơn 10 nghìn khán giả đã được lấp đầy. Điều này cho thấy thương hiệu Hà Anh Tuấn vẫn còn chỗ đứng trong người hâm mộ.

Thật sự rực rỡ

Với giá vé cao, đổi lại khán giả có được những gì? Đầu tiên hẳn là sân khấu ấn tượng. Nếu “Veston” có mô hình máy phát đĩa than nằm giữa sân khấu hoành tráng về mặt kết cấu cũng như kích thước, thì “Chân trời rực rỡ” lại có sân khấu rộng đến… khổng lồ với các biểu tượng mang nhiều sức gợi. Được thực hiện bởi Cao Trung Hiếu – đạo diễn “mát tay” trong các show diễn gần đây, những gì thuộc về nam ca sĩ nhất đã được thể hiện.

Về xa phía cuối sân khấu, có những mô hình tái hiện trở lại dãy núi Yên Mã nơi quê nhà anh. Trong khi ở giữa trung tâm là quả cầu lớn dựa trên ý tưởng từ giọt nước mắt trong suốt của tuổi thơ nhìn cuộc đời này bằng những giấc mơ long lanh như giọt sương sớm. Ngoài ra, nó cũng là một viên ngọc lộng lẫy giữa núi non giống như là nơi hội tụ tinh hoa thiên nhiên ban tặng giữa đất trời quê hương. Với khả năng xoay, nó cũng đại diện cho sự luân chuyển giữa trời và đất, giữa ngày và đêm, mặt trăng – mặt trời… Từ đó phân chia show diễn thành những phần chính và phụ tương phản lẫn nhau.

Khi Kitaro – bậc thầy New Age của âm nhạc Đông Phương xuất hiện, quả cầu xoay chuyển để rồi hiện lên trên sân khấu là một mặt phẳng tựa chiếc đĩa lớn với các họa tiết gốm sứ Nhật Bản, cá Koi và nước. Trong phông nền như một thảo am phía trên núi cao với cây độc mộc vươn lên thẳng lối, khói sân khấu như mây phủ, hình núi Phú Sĩ ẩn hiện đằng sau… không gian của một ẩn sĩ vươn đến âm thanh của tinh thần, chữa lành và tâm linh như được hiện ra. Kitaro cũng đã trình diễn “Aqua” và bản hit lớn “Matsuri” từng được sử dụng trong các chương trình thời trang 2 thập niên trước, với âm thanh sống động như hình thành nên một không gian khác.

Cao Trung Hiếu cho thấy khả năng sắp đặt của mình khi dùng tấm màn gauze khổng lồ để tái hiện lại hiệu ứng độc đáo. Không dùng màn LED như các show khác, ở trên quả cầu là tấm màn chiếu mà như Hà Anh Tuấn nói, họ đã phải dùng đến máy chiếu khổng lồ từng được sử dụng ở Olympic Bắc Kinh để tối đa hóa khả năng thị giác. Trên đó, những visual 3D mới lạ và nhiều sức gợi trong các hình tượng đã được thể hiện, cho thấy một tư duy mới và tiệm cận hơn với việc nghe – nhìn của thời đại này, khi đó cũng là bữa tiệc hoành tráng hòa cùng âm thanh làm nên tổng thể hài hòa.

Chú ngựa tự do

Bên cạnh tên gọi Yên Mã, thì ngựa cũng đã ẩn hiện xuất hiện phần lớn trong đêm diễn này, từ các video intro, thiết kế mỹ thuật cho đến visual 3D. Như Hà Anh Tuấn chia sẻ, anh chọn ngựa vì đó chính là con vật đại diện cho sự tự do cũng như tinh thần khẳng khái. Thế nhưng nhìn nhận xa hơn, nó cũng là sự kiên nhẫn đi đến tận cùng, là biểu tượng của khao khát tự do dù rằng trên lưng là những vết roi mà không hề ca thán.

Trong cuốn “Bọn đạo chích”, nhà văn đoạt giải Nobel Văn chương Williams Faulkner đã viết rằng: “Một con la chỉ cần một lần phi nước đại nửa dặm về hướng nào đó do người cưỡi nó chọn cũng đủ để trở thành huyền thoại trong xóm; con la trước sau như một, lần nào cũng làm như vậy sẽ là một hiện tượng không thể tưởng tượng. Vì khác với ngựa, loài la quá thông minh để chịu đứt tim chỉ vì hào quang chạy quanh vòng đua dài một dặm”. Vậy liệu ngựa có ngu ngốc, hay nó vẫn luôn sống đúng bản năng của mình?

Hà Anh Tuấn qua hình tượng này đã cho thấy mình cũng là một người như thế. Vượt xa khỏi những tranh cãi có phần nhỏ nhặt, anh “đáp trả” lại những chỉ trích đó bằng tình yêu lớn và sự cống hiến, khi mang tinh thần nguồn cội vào show diễn này. Mở màn bằng màn hát xẩm và kết thúc bằng sự giao thoa với âm nhạc truyền thống, Hà Anh Tuấn cho thấy khả năng tạo ra concept và một câu chuyện mang tính thống nhất.

Với những bài hát tràn đầy tự hào như “Tình ca” (Phạm Duy), “Bonjour Việt Nam”, “Người Việt Nam” (Võ Thiện Thanh)… tình yêu non nước đã được thể hiện. Anh yêu tiếng Việt bằng cách mời Đen – người anh cho rằng là rap hay nhất bằng thứ tiếng Việt tử tế, và anh cũng đã không quên đồng bào ngoại kiều với các bài hát như “Nước ngoài” (Phan Mạnh Quỳnh) hay “Đường cố hương” được viết thêm lời từ bản “The Silk Road” của Kitaro…

Anh cũng mang đến một show âm nhạc cực kỳ hoành tráng với nhiều dòng nhạc, từ Pop, Jazz, Rock’n’Roll… cho đến độc đáo hơn như Broadway, Hip-Hop và New Age. Ở đây không chỉ có những bản cover, mà còn những bài hát mới đánh dấu sự hợp tác trở lại cùng nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, cũng như những màn “đổi hit”, “remake” với Kitaro. Sự xuất hiện của huyền thoại Nhật Bản cũng nằm trong mạch Đông Phương mà anh mong muốn truy về nguồn cội, từ đó tạo ra câu chuyện lớn hơn bao trùm một câu chuyện nhỏ mà anh muốn kể.

Mở màn bằng màn hát xẩm và kết thúc bằng sự giao thoa với âm nhạc truyền thống, Hà Anh Tuấn cho thấy khả năng tạo ra concept và một câu chuyện mang tính thống nhất.

Có mới có cũ, Hà Anh Tuấn cho thấy bản thân dù có dùng nguyên liệu cũ thì cách chế biến cũng sẽ thật mới. Anh cũng mở rộng hệ sinh thái âm nhạc – concert bằng cách kết hợp quảng bá du lịch Ninh Bình, trồng rừng ở Vườn Quốc Gia Cúc Phương cũng như đem nguồn tài trợ đến cho người cần.

Như vậy, có thể thấy “Chân trời rực rỡ” là một show diễn hoành tráng ở khắp mọi mặt, từ trình diễn, âm nhạc cho đến âm thanh, ánh sáng và cả ý nghĩa về mặt xã hội. Hà Anh Tuấn từ đó vẫn chứng minh rằng chính anh là một nghệ sĩ tử tế, người có cách làm nghề chỉn chu, liên tục đổi mới cũng như không ngừng thay đổi. Với tham vọng “xuất khẩu” show diễn ra ngoài thế giới, Hà Anh Tuấn ngày càng cho thấy bản lĩnh của mình, một người tự do nhưng cũng hết lòng đối với nghệ thuật.

Theo L’officiel Việt Nam

 


 
Back to top