Có gì bên trong 10 bảo tàng quái dị và nổi tiếng trên thế giới?

Jun 16, 2019 | By Trang Ps

Cuộc dạo thăm lịch sử và phiêu lưu trong bao điều kỳ lạ của đời sống khiến du khách quốc tế khó lòng bỏ qua những trải nghiệm khó quên ở các viện bảo tàng. Nhưng, ngoài địa điểm tái hiện văn hóa, truyền thống cổ xưa đơn thuần, chúng tôi muốn mang bạn đến hành trình khám phá 10 bảo tàng quái dị và lạ kỳ bậc nhất thế giới.  

Từ những căn phòng ảm đạm, tối tăm trưng bày hàng trăm xác ướp con người đến khoảnh khắc hình dung bản thân là chàng James Bond trong Điệp viên 007 khi chứng kiến hàng trăm hiện vật mà gián điệp quốc tế mọi thời đại sử dụng, Luxuo tin rằng bài viết này sẽ khiến bạn đọc thêm phần tò mò và mong muốn ghé thăm trong thời gian gần nhất.

Nguồn ảnh: MICHELE TANTUSSI, GETTY IMAGES.

Plastinarium (Đức)

Sau 39 năm nghiên cứu y học, giải phẫu và hóa học, nhà giải phẫu – bác sĩ “tử thần” – tiến sĩ  Gunther von Hagens (1945) cuối cùng đã được mở bảo tàng Plastinarium ở Đức. Nơi đây trưng bày nhiều cơ thể người chết đã được nhựa hóa, được đặt ở các tư thế khác nhau giống như trong đời thật, mô phỏng nhiều hoạt động trong đời sống của chính họ. Được biết, những thi thể này phần lớn được hiến tặng.

Bản thân ông Hagens cũng gặp nhiều rắc rối về mặt pháp lý khi liên quan đến những cáo buộc về vận chuyển, giải phẫu tử thi trái phép. Tuy gặp phải nhiều chỉ trích, nhưng các cuộc triển lãm Body Worlds 2, 3 và 4 của ông thu hút hơn 26 triệu người tham quan trên toàn thế giới. Hiện nay, đã có khoảng 10.000 người đăng ký hiến tặng xác cho bảo tàng Plastinarium.

Khách tham quan bảo tàng sẽ được cung cấp kiến thức về quá trình giải phẫu, chứng kiến quá trình phác đồ họa của con người lẫn động vật. Được biết, vào năm 1979, tiến sĩ Hagens đã phát minh phương pháp plastic hóa để bảo quản tử thi và từ đó chuyển sang theo đuổi lĩnh vực giải phẫu tạo hình, sáng tạo ra Viện phẫu thuật tạo hình plastic hóa tại Heidelberg, năm 1993.

Nguồn ảnh: JUNKO KIMURA, GETTY IMAGES.

The Momofuku Ando Instant Ramen Museum (Nhật)

Ando Momofuku là doanh nhân người Nhật gốc Đài Loan đã sáng lập nên công ty thực phẩm Nissin. Ông cũng là người đầu tiên phát minh ra mỳ ăn liền và mì ly trên toàn thế giới. Ngày 25 tháng 8 năm 1958, Ando cuối cùng cũng hoàn thành quá trình chiên nhanh và sáng chế mì chiên trước khi ăn, được gọi là Chicken Ramen. Lúc đầu, nó được cho là hàng xa xỉ, với giá 35 yên, gấp sáu lần giá mì Udon và soba truyền thống thời đó.

Bảo tàng Momokufu Ando Instant Ramen được thành lập vào năm 1999, tại Ikeda thành phố Osaka để vinh danh món mì ăn liền Chicken Ramen đầu tiên tiên được phát minh trên thế giới. Đến đây, du khách phần nào hiểu hơn về lịch sử của nó và cha đẻ của loại mì ăn liền này. Tại đây có trang bị một dây chuyền sản xuất để du khách có thể tự mình trải nghiệm quá trình làm ra một ly mì. Điều này đã thu hút hàng triệu người trên thế giời dành bữa trưa của mình để xì xụp những sợi mì nóng hổi mà không cần quan tâm đến xuất xứ thương hiệu của nó.

Nguồn ảnh: PIOTR A REDLINSKI, THE NEW YORK TIMES/REDUX.

Musem of Sex (Hoa Kỳ)

Mở cửa vào năm 2002, Musem of Sex (Bảo tàng Tình dục) tại New York ra đời nhằm mục đích bảo tồn lịch sử tiến hóa và ý nghĩa văn hóa tình dục của con người. Du khách đến đây có dịp tìm hiểu về hiện vật, các câu chuyện liên quan đến vấn đề tình dục, chính vì vậy, địa điểm này cũng thu hút hàng triệu du khách trên toàn thế giới vì tính táo bạo và sáng tạo của nó.

Hiện tại, Musem of Sex có hơn 15.000 hiện vật, gồm những tác phẩm nghệ thuật, tranh ảnh (nhiều trong số đó là nghệ thuật đương đại) liên quan đến chủ đề tình dục. Mặc dù, ở thời điểm khai trương, bảo tàng này nhận những phản hồi trái nhiều nhưng sau một thời gian nhìn nhận và suy ngẫm, Musem of Sex quả thực mang ý nghĩa nhân văn, có tác dụng kêu gọi con người có cái nhìn thoáng hơn về vấn đề được coi là “nhạy cảm” này.

Tình dục ở Musem of Sex không dừng lại ở con người, mà còn là các loài động vật khác. Sex qua “đôi mắt nghệ thuật” làm giàu văn hóa, hướng con người đến một góc nhìn văn minh hơn, hiện đại hơn. Serge Becker, Giám đốc nghệ thuật của bảo tàng, cũng là người khởi xướng ý tưởng thú vị này chân thành chia sẻ: “Với những người làm nghệ thuật, chủ đề sex là nguồn cảm hứng quan trọng, chưa kể, đưa thêm nhiều yếu tố nghệ thuật mới mẻ vào bảo tàng là lẽ đương nhiên”.

Nguồn ảnh: WIN MCNAMEE, GETTY IMAGES.

International Spy Museum (Hoa Kỳ)

Mở cửa vào ngày 19 tháng 7 năm 2002, Bảo tàng gián điệp quốc tế (International Spy Museum) giúp du khách thực hành, tìm hiểu về lịch sử và vai trò của các gián điệp trong thời đại trước. Đây cũng là địa điểm duy nhất dành cho gián điệp, một nghề nghiệp vô hình trong quá khứ và hiện tại.

Trưng bày nhiều bộ sưu tập hiện vật của gián điệp quốc tế, bảo tàng đã thu hút vô số chuyên gia hàng đầu, học viên tình báo và khách du lịch quốc tế đến, tham quan và nghiên cứu. Du khách sẽ cảm thấy thú vị và bất ngờ khi chứng kiến sự tinh vi của các thiết bị như khẩu súng trong hình dạng thỏi son, kính xyanua, cùng nhiều mánh khóe tình báo từ các tổ chức nổi bật như CIA, KGB, MI5 nổi tiếng… sẽ được bật mí trong lúc ghé thăm.

Lịch sự kiện tại bảo tàng luôn ngập tràn những buổi thuyết giảng lẫn hoạt động dành cho gia đình. Nếu hứng thú với hoạt động tình báo, bạn có thể mua những món quà đặc biệt tại cửa hàng lưu niệm như đồng hồ thu phát vô tuyến hay bút quay phim. Trẻ con sẽ vô cùng yêu thích điều này.

Nguồn ảnh: DANITA DELIMONT, GETTY IMAGES.

The Mummy Museum (Mexico)

Được xếp vào loại bảo tàng rùng rợn nhất thế giới, The Mummy Museum tại Guanajuato trưng bày hơn 100 xác ướp ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ sơ sinh và thai nhi.  Mỗi ngày có hàng nghìn du khách tham quan, và họ phải trả khoảng 50.000 peso (khoảng 60.000 đồng) phí vào cửa để nghe hướng dẫn viên du lịch nói về lịch sử của bảo tàng và xuất thân của các xác ướp.

Khí hậu tại thành phố Guanajuato, Mexico đủ điều kiện để tạo nên quá trình ướp xác tự nhiên,  có nhiều môi trường ướp xác tự nhiên khác nhau được tìm thấy ở vùng cực kỳ giá lạnh, nơi rất khô và đầm lầy cho đến khi người ta tìm thấy thì xác đã mục nát đi ít nhiều.  Những xác ướp này được khai quật và sau đó vào những năm 1900, nơi đây bắt đầu thu hút khách du lịch và nhanh chóng trở thành bảo tàng. Ngoài những thi thể được khai quật ở nghĩa trang Paola Saint, bảo tàng còn trưng bày xác ướp của những nạn nhân trong các vụ giết người, tội phạm bị chôn sống hay trẻ em bị bệnh.

Bảo tàng mở cửa liên tục từ các ngày trong tuần và cứ 2 tháng lại mới đóng cửa một ngày để nhân viên làm sạch các xác ướp.

Nguồn ảnh: JASON DECAIRES TAYLOR, EPA/REDUX.

Cancun Underwater Museum (Mexico)

Sau Mummy Museum, Mexico còn sở hữu một bảo tàng không kém phần đặc biệt, ấy là Cancun Underwater tại thành phố ven biển Cancun trong tiểu bang cực đông của đất nước. Đây là địa điểm được xây dựng nên từ năm 2009 nhằm nâng cao ý thức của người dân địa phương và khách du lịch trong việc bảo vệ hệ sinh biển đang dần bị phá hủy ở vùng Isla Mujeres. Bảo tàng bao gồm hơn 400 tác phẩm điêu khắc có kích thước bằng người thật do nghệ sĩ Jason Caires Taylor sáng tác. Du khách ghé thăm nơi đây thông qua bộ đồ lặn chuyên nghiệp để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ lạ và ngoạn mục của bảo tàng.

Những bức tượng của Cancun Underwater khắc họa theo nhiều chủ đề khác nhau, mô phỏng hình dáng, tư thế, biểu cảm đa dạng trong chất liệu bê-tông với độ pH trung tích để không ảnh hưởng đến môi trường lý tưởng của san hô. Theo số liệu năm 2017, bảo tàng này thu hút xấp xỉ 750.000 du khách quốc tế mỗi năm.

Nguồn ảnh: ARCTIC IMAGES/ALAMY STOCK PHOTO.

Iceland Phallogical Musem (Iceland)

Là nơi chứa đựng hàng trăm “của quý” lớn nhỏ, có mẫu dài tới 170 cm, Iceland Phallological (Bảo tàng dương vật) tại thủ đô Reykjavik của Iceland được thành lập năm 1997, là tâm huyết của vị giáo sư đã nghỉ hưu Sigurdur Hjartarson, và bây giờ do con trai ông Hjörtur Gísli Sigurdsson quản lý.

Từ nhỏ, giáo sư Sigurdur đã quan tâm nghiên cứu dương vật của các loài dưới góc nhìn khoa học. Ngày này, bảo tàng Iceland Phallological là nhà của hơn 280 mẫu dương vật động vật, lấy từ 93 loài, bao gồm 55 mẫu lấy từ cá voi, 36 từ hải cẩu và 118 từ động vật có vú, thậm chí là cả dương vật người. Dương vật lớn nhất và dài nhất 170 cm là của một con cá voi nặng khổng lồ.

Bảo tàng đã trở thành một điểm thu hút du lịch nổi tiếng với hàng ngàn du khách mỗi năm và đã nhận được sự chú ý của truyền thông quốc tế, trong đó có một bộ phim tài liệu Canada tên là The Final Member, trong đó bao gồm quá trình tìm kiếm một dương vật của con người của bảo tàng này. Theo tuyên bố sứ mệnh của mình, bảo tàng nhằm mục đích để cho phép “các cá nhân để thực hiện các nghiên cứu nghiêm trọng vào các lĩnh vực dương vật học theo một cách có tổ chức, khoa học”.

Nguồn ảnh: RAVEENDRAN, AFP/GETTY IMAGES.

Sulabh International Museum of Toilet (Ấn Độ)

Trưng bày những hệ hống vệ sinh thời Trung cổ, bảo tàng Sulabh là bảo tàng toilet độc đáo nhất thế giới, nằm trong một sân nhỏ yên tĩnh ở vùng ngoại ô thành phố New Delhi, Ấn Độ.  Bảo tàng khá nhỏ, với căn phòng dài nhưng những hướng dẫn viên nơi đây luôn hào hứng đón chờ du khách đến tham quan.

Sulabh ra đời như một cách truyền thông cho thói quen an toàn vệ sinh và cung cấp toilet công cộng trên toàn Ấn Độ. Tổ chức đã xây dựng hàng trăm nhà vệ sinh công cộng ở các thành phố lớn, kể cả những khu du lịch hút khách như Pháo đài Đỏ ở Delhi hay đền Taj Mahal ở Agra.

Bảo tàng trưng bày nhiều loại nhà vệ sinh làm bằng gạch của người Harappa cổ xưa cho đến những toilet thời hiện đại với hệ thống xả nước tự động. Nơi đây cũng đưa du khách ghé quan sát chuỗi xí bệt, loại chậu đựng nước tiểu, đồ đạc trong nhà vệ sinh, chậu rửa và rất nhiều tài liệu tranh ảnh, đồ hộ…

Nguồn ảnh: MICHIEL VAARTJES, ALAMY STOCK PHOTO.

Torture Musem (Hà Lan)

Là Bảo tàng Tra tấn nổi tiếng ở Amsterdam, Hà Lan, du khách ghé thăm nơi đây cảm thấy hãi hùng và tò mò về những dụng cụ tra tấn phổ biến của mọi thời đại. Nơi đây trưng bày hơn 1.000 dụng cụ tra tấn với nhiều hình dạng khác nhau được loài người sử dụng suốt nhiều giai đoạn lịch sử, như: máy chém, máy nghiền hộp sọ, răng cưa và cùm, đến các thiết bị tra tấn nhỏ hơn như ốc vít ngón tay, kẹp ngón, roi da… Tất cả tạo ấn tượng về những nỗi đau, thống khổ cùng cực mà tù nhân nói riêng và con người thời xưa nói chung đã từng phải chịu đựng.

Các hiện vật được trưng bày trong không gian tối, nhỏ, tạo nên màu sắc ảm đạm, tù túng hệt như các phòng giam.

Nguồn ảnh: EDWARD ROTHSTEIN, THE NEW YORK TIMES/REDUX.

Vent Haven Ventriloquist Musem (Hoa Kỳ)

Bảo tàng Con rối Ven Haven tọa lạc ở Fort Mitchell, Kentucky, Hoa Kỳ là một trong những viện bảo tàng có một không hai, trưng bày khoảng 1.000 nhân vật hình nộm dùng để biểu diễn nói tiếng bụng. Mỗi hình nộm màu mè nhìn chằm chằm vào mắt du khách, tạo nên sự đối đáp đầy ly kỳ và đôi khi tạo cảm giác kinh hãi. Nơi đây trở thành một cuộc hành hương dành cho những người đam mê thú hình nộm.

Chính thức khai trương vào năm 1973, những hình nộm trong bảo tàng là công sức và tâm huyết của nghệ sĩ biểu diễn nói tiếng bụng nghiệp dư William Shakespeare Berger. Sau đó, nhiều nghệ sĩ hát rong nổi tiếng như Jeff Dunham và Terry Fator đã quyên tặng Vent Haven một số nhân vật của họ.

Hiện nay, Vent Haven là bảo tàng duy nhất trên thế giới dành riêng cho nghệ thuật nói chuyện bằng bụng.


 
Back to top