Cuộc gặp gỡ của những tâm hồn hội họa
Trước thềm triển lãm nhóm của họa sĩ Đỗ Hữu Khôi và Phạm Văn Trọng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, PGS.TS Trang Thanh Hiền, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, chia sẻ về những cuộc gặp gỡ, về thứ “nước cất” chắt chiu từ một tình yêu hội họa luôn dạt dào qua năm tháng.
Biết Đỗ Hữu Khôi từ rất nhiều năm về trước, từ lúc anh mới bắt đầu làm báo rồi để tâm đến mỹ thuật. Trong những lần gặp gỡ, câu chuyện giữa chúng tôi xoay một hồi lại trở về với hội họa. Khôi thường nói về các bậc thầy mỹ thuật Đông Dương cũng như thế hệ họa sĩ kế cận như Đỗ Sơn, Đỗ Phấn, v.v. với một niềm ngưỡng mộ đến say mê.
Một ngày, Khôi đưa cho tôi xem vài bức phấn màu, bột màu tĩnh vật và bảo “em vẽ đấy”. Lúc bấy giờ, tôi có phần ngỡ ngàng bởi dường như trong những nét vẽ có phần vụng về đó, Khôi có một cái duyên khó lý giải với hội họa. Tôi nhớ rằng tôi đã khuyến khích Khôi vẽ tiếp đi, vẽ nhiều vào, bởi “hội họa vốn là tình yêu, không phải đặc quyền của riêng ai”. Ấy vậy mà cũng thấm thoát hơn mười năm cho đến cuộc triển lãm “Gặp gỡ 2024” này của Đỗ Hữu Khôi và Phạm Văn Trọng thì tôi nhận ra rằng, tình yêu hội họa của anh thật sự đã đủ lớn, đủ để biến những niềm ngưỡng mộ thành những sắc màu hiển thị trên toan.
Màu có lẽ là một thế mạnh trong những tác phẩm của Đỗ Hữu Khôi. Những sắc vàng của nắng, vàng của lúa, vàng tường, vàng của đất cùng những sắc xanh của cây, thi thoảng điểm thêm những hòa sắc rực rỡ tương phản khiến cho những bức tranh của anh khá cuốn hút. Không quá chú trọng đến kỹ thuật, bố cục lẫn hình họa nhân vật, mọi thứ trên tranh của Khôi dường như vụng về một cách tự nhiên không gò ép. Đặc biệt là những tranh anh tự họa chính mình, khi già, khi trẻ, khi suy tư, khi yêu đời. Những bức tranh anh vẽ nhân vật đơn hay đôi cũng vậy, giữa họ và không gian là một cuộc đối thoại tự thân khá thú vị.
Hình và nét đôi khi được nhấn, được buông hay bị anh cố tình xóa nhòa trên gương mặt, chỉ để giữ lại một dáng nét nào đó trong một tổng thể chung nhằm bộc lộ ra một trạng thái. Học tập nhiều từ các bậc thầy hội họa Ấn tượng, Đỗ Hữu Khôi đã tự rút ra cho mình những cách thức biểu cảm riêng. Dẫu người ta có thể nhận ra đâu đó, hình như có một Matisse rực rỡ trong các nhân vật phụ nữ; một Van Gogh cùng những nét cọ mạch lạc ở một vài bức phong cảnh hay tĩnh vật. Tuy nhiên, xuyên suốt trong những tác phẩm này có lẽ vẫn là một tâm hồn và tình yêu của riêng anh, chúng đủ tư chất cho một nhân cách hội họa. Điều mà không phải người nghệ sĩ cầm cọ nào cũng có thể có được. Dẫu tự học, dẫu không có “cơ bản” nhưng rõ ràng tình yêu đó đã được anh nâng niu chắt chiu để có được thứ “nước cất” của riêng mình. Nó có phần giản dị nhưng cũng sóng sánh, dạt dào.
Nếu ở Khôi ta có thể nhận ra những ảnh hưởng từ Matisse đầy mẫn cảm trên những sắc màu thiên về vàng, thì với Phạm Văn Trọng ta lại có thể thấy một ảnh hưởng khác đến từ Cezanne. Đó là giai đoạn đầu khi chủ nghĩa Hậu Ấn tượng được thành hình và bắt đầu chuyển dần sang Lập thể. Ta có thể nhìn thấy ẩn dấu đâu đây trong những nét vẽ về núi, cây và những ngôi nhà. Những lớp màu tương phản ẩn hiện đan xen tạo nên những cảm xúc về nắng, về gió, về sương hay cái se se lạnh lạnh của ánh trăng tĩnh tại.
Có thể nói, chính những nhát màu kiểu Ấn tượng và có phần tạo khối như Cezanne ở một số tranh, đã khiến không gian của Trọng trở nên xao động hơn. Đồng thời, bên cạnh Ấn tượng thì xu hướng tranh của anh còn có phần thiên về việc mô tả hiện thực. Tính bài bản trong kỹ thuật vẽ tranh cũng được anh chú trọng như việc tạo nền, tạo chất hay diễn tả không gian xa gần. Dẫu vậy, trên hết tất cả sự thuần thục đó thì cảm xúc mới là điều quan trọng để dẫn dụ hội họa của Trọng cũng như của Khôi đạt đến đích mà nó cần đến.
Xem tranh của các anh mới thấy rằng, nếu không có cảm xúc thì kỹ thuật hay chất liệu không thể tạo ra được những bức tranh đầy rung cảm. Cảm xúc trong tranh của Khôi và Trọng dường như trong veo thuần khiết giữa một xã hội xô bồ, lý trí. Và, cũng có thể nói rằng dẫu hội họa Ấn tượng là một trường phái “đã cũ” từ cuối thế kỷ 19, nhưng cảm xúc và bút pháp của nó dường như vẫn luôn đem lại những giá trị tươi mới cho những tình yêu hội họa. Trong tranh của cả Đỗ Hữu Khôi lẫn Phạm Văn Trọng, trường phái này như được gặp gỡ trở lại để kết giao trong một mối thâm tình mới. Cuộc gặp gỡ của những tâm hồn và tình yêu đích thực dành cho hội họa.
Trang Thanh Hiền
THÔNG TIN TRIỂN LÃM
Triển lãm nhóm “Gặp gỡ 2024” của họa sĩ Đỗ Hữu Khôi và họa sĩ Phạm Văn Trọng
- Thời gian: Từ ngày 1 đến ngày 8 tháng 8 năm 2024
- Địa điểm: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – 66 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội
- Số lượng tác phẩm: 33 tranh sơn dầu sáng tác trong 5 năm qua của 2 họa sĩ
- Giám tuyển: Họa sĩ Phạm Bình Chương, Trưởng nhóm Hiện thực
- Trợ lý giám tuyển: Võ Nguyễn Tường Minh
VỀ HỌA SĨ
– Đỗ Hữu Khôi (sinh năm 1975) là một họa sĩ tự học và nhà báo, hiện đang làm việc tại Báo VietNamNet. Tác phẩm của anh có trong bộ sưu tập của một số cá nhân trong và ngoài nước.
– Phạm Văn Trọng (sinh năm 1978) tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương vào năm 2000. Anh đã đạt giải Nhất tại Triển lãm Mỹ thuật tỉnh Hải Dương năm 2003. Họa sĩ cũng đã có nhiều triển lãm cá nhân và tham gia nhiều triển lãm nhóm trong nước, bao gồm Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 2005, triển lãm “TRIO” (2017) và “Mộng mị” (2019) tại Vicas Art Studio (Hà Nội), triển lãm “Tụ” (2023) tại Nhà Triển Lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội) v.v…