Nghệ thuật

Đà Lạt những cuộc gặp gỡ của hội họa và tâm cảnh

Aug 11, 2022 | By LUXUO

Trong không khí bảng lảng hơi sương, 40 bức tranh được trưng bày tại triển lãm “Gặp gỡ Đà Lạt” đã mang đến sự rung cảm mềm mại cho những người yêu nghệ thuật lãng mạn nơi cao nguyên. Các phong cách hội họa khác nhau được xếp đặt khéo léo giúp người xem bước vào một cuộc du hành văn hóa.

8 hoạ sĩ từ nhiều vùng miền đã giới thiệu các tác phẩm độc đáo, có bức tranh chưa từng công bố tới những vị khách đến tham gia buổi khai mạc “Gặp gỡ Đà Lạt” vừa qua. Và như nhận xét của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, “cuộc triển lãm đã thêm hương sắc cho Đà Lạt”.

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương đã chia sẻ lý do xuất hiện trong triển lãm nhóm lần này là vì Đà Lạt. Thành phố cao nguyên này là nguồn cảm hứng nuôi dưỡng đời sống tinh thần, giá trị sang cả của nhiều văn nghệ sĩ như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, danh ca Khánh Ly hay họa sĩ Lưu Công Nhân. Đà Lạt được xem là thành phố của kiến trúc, phong cảnh và đặc biệt là muôn sắc hoa. Ông François Claude Malric- Tổng quản lý Khu resort Ana Mandara Villas Dalat bày tỏ cảm xúc vui mừng vì đã được các họa sĩ tin tưởng chọn nơi đây tổ chức cuộc triển lãm.

“Tôi là người yêu nghệ thuật. Thời trang, âm nhạc hay hội họa đều yêu cầu sự khắt khe trong thẩm mỹ. Trong nhiều năm tháng “cư trú” ở nhiều nước, tôi dành nhiều thời gian để cảm thụ, thưởng lãm và học hỏi trong nhiều bảo tàng, nhà hát và các phòng tranh. Đây là lần đầu tiên thử sức trong việc tuyển chọn tranh cho một triển lãm nhóm, tôi rất vui khi được các họa sĩ và nhiều người yêu nghệ thuật ủng hộ”, giám tuyển Tống Diệu Hằng tâm sự. Để mang đến một không gian nghệ thuật hài hòa với nhịp của Đà Lạt, chị đã lựa chọn “kể” câu chuyện sắc màu ấm áp, thơ mộng song cũng nhiều suy tư. Sự kết nối giữa nhiều phong cách, chất liệu… là tinh thần tích cực và mong muốn dùng nghệ thuật hội họa như một lối đi riêng, một chiêm nghiệm nhiều thử thách nhưng cũng tràn đầy thú vị.

Đó có thể là cảm xúc bất lực trước đại dịch rồi tìm thấy bình an qua Phật pháp của hoạ sĩ Trần Quốc Long. Hoạ sĩ đang sinh sống tại Đà Lạt  mang đến triển lãm 8 bức sơn mài lấy cảm hứng từ cuộc sống và cảm xúc của mình trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19. Anh nói: “Tôi cũng giống như bao người, cảm thấy cô độc và bất lực trước mọi thứ diễn ra. Tôi tìm đến Phật pháp để tự trấn an, có niềm tin vào cuộc sống. Khi xem tranh của tôi, mọi người sẽ cảm nhận rõ  điều đó”.

Bức tranh sơn mài vẽ Phật của họa sĩ Trần Quốc Long đã được doanh nhân Dương Quốc Nam sưu tập

Hoạ sĩ Trần Giang Nam lần đầu đưa sắc màu văn hóa núi non Tây Bắc lên cao nguyên Đà Lạt với các bức tranh khắc gỗ độc đáo. Anh chia sẻ “đây là cuộc triển lãm nhiều cảm xúc mang đến cho tôi nhiều thành công mới và tình yêu mới cho nghệ thuật”. Được biết, các tác phẩm của anh trưng bày trong triển lãm đã được một nhà sưu tập mua ngay trong buổi chiều khai mạc.

Sắc màu Tây Bắc thể hiện trong tranh khắc gỗ của họa sĩ Trần Giang Nam

Một cuộc gặp gỡ ấn tượng khác là hoạ sĩ Phương Bình với các tác phẩm nhiều nhục cảm và cá tính. Chị mang đến triển lãm các tranh sơn mài khổ lớn, vẫn tôn vinh nét đẹp tinh khiết của “đàn bà” ở nhiều góc độ. Tranh của chị là một điểm nhấn khác biệt, có phần bạo liệt nhưng vẫn không hề bi phẫn. Một vẻ đẹp tự tại và tự hào.

Người xem sẽ có cơ hội thưởng thức các tác phẩm này trong không gian giao hoà thiên nhiên và văn hoá giữa lòng Đà Lạt. Những dấu ấn văn hoá của các vùng được thể hiện trong hội hoạ được nâng niu, trưng bày lịch thiệp, tinh tế dành cho những người yêu nghệ thuật khắp mọi miền. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 8/10/2022.

Cùng Luxuo ngắm thêm các bức tranh khác tại triển lãm:

Bài: Sansan 


 
Back to top