Danh họa Mark Rothko: Bậc thầy của màu sắc
Một bức tranh với ba mảng màu: cam, đỏ và vàng xếp theo thứ tự lần lượt từ trên xuống dưới đã xác lập kỉ lục bức tranh đắt nhất thế giới (86,9 triệu USD) vào ngày 8/5/2012 tại phiên đấu giá Christie’s ở New York. Tác giả của bức họa – họa sĩ Mark Rothko, người đã thành thục nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau, đã giới thiệu đến công chúng cuộc cách mạng trong nghệ thuật trừu tượng với sự tiên phong của phong cách Color Field Painting.
Những tác phẩm của Mark Rothko mang đậm sự khác biệt về một phong cách nghệ thuật mới lạ, độc đáo, gây tranh cãi, nhưng cũng hoàn toàn xứng đáng với những mức đấu giá kỉ lục.
Vị họa sĩ nhập cư
Mark Rothko tên khai sinh là Markus Yakovlevich Rothkowitz, ông sinh ngày 25 tháng 9 năm 1903 tại Latvia. Năm 1913, gia đình ông di cư sang Mỹ và bắt đầu cuộc sống mới tại Portland, Oregon. Thế nhưng chỉ vài tháng sau, cha anh qua đời vì bệnh nan y, bỏ lại gia đình mới nhập cư vào miền đất hứa với sự thiếu thốn về kinh tế. Cậu bé Markus ngày nào phải tìm những công việc làm thêm để phụ giúp cho tình hình tài chính của gia đình.
Ông cũng bắt đầu đến trường ngay khi ổn định cuộc sống tại Mỹ. Markus sớm bộc lộ trí tuệ thiên bẩm của mình khi ông tốt nghiệp trung học hạng ưu vào năm 17 tuổi và nhận được học bổng vào đại học Yale danh giá. Ông cũng dành sự quan tâm đặc biệt dành cho những vấn đề về chính trị và xã hội. Cậu sinh viên Markus đã bỏ học tại Yale chỉ sau 2 năm và chuyển đến New York tìm kiếm cơ hội cho riêng mình.
New York và những nét cọ đầu tiên
Tại thủ đô của thế giới, Mark Rothko đã có cơ hội được tiếp xúc với hội họa và theo học bộ môn này một cách bài bản. Cũng chính thành phố này đã góp phần tạo nên phong cách hội họa tượng hình biểu hiện của vị họa sĩ này trong những tác phẩm đầu tiên. Một trong những bức họa tiêu biểu cho thời kì đầu của ông chính là bức “Entrance to subway” lấy cảm hứng từ các ga tàu điện ngầm tại New York. Những gam màu u ám, buồn bã cùng những chủ thể như những bóng ma của vị họa sĩ đã phản ánh cảm xúc của ông đối với cuộc sống chốn đô thị đương đại nơi thành phố “vô hồn, vô nhân đạo” này.
Sự chuyển biến
Mark Rothko dần trở nên hướng nội, ông đắm mình trong thế giới của triết học để tìm cảm hứng với những cuốn sách của Friedrich Nietzsche. Đối với vị họa sĩ này, nghệ thuật chính là “một cuộc phiêu lưu vào một thế giới vô định”. Đó cũng chính là lúc phong cách hội họa của ông dần chuyến sang chủ nghĩa Siêu thực.
Bức tranh “Slow Swirl at the Edge of the Sea” được ông vẽ vào năm 1944 là ví dụ tiêu biểu cho nghệ thuật của Mark Rothko thời kì này. Lấy cảm hứng trong thời gian theo đuổi Mary Beistel – người vợ thứ hai của mình, Mark Rothko đã mô tả hai sinh vật đang nhảy múa giữa ở phía cuối chân trời, được bao quanh bởi những chi tiết xoắn ốc và trừu tượng mang đậm phong cách Siêu thực của vị họa sĩ thời kì này. Một số người cho rằng bức tranh như một sự minh họa khá “dị” về tình yêu, nhưng đối với tác giả của nó, “không có mối liên hệ trực tiếp với bất kỳ trải nghiệm hữu hình nào, nhưng ở đó, người ta nhận ra nguyên tắc và cảm nhận được niềm đam mê.”
Cuộc cách mạng
Đến cuối những năm 1940, Mark Rothko đã giới thiệu đến công chúng một phong cách nghệ thuật vô cùng độc đáo, thứ đã đưa tên tuổi của vị họa sĩ này lên đỉnh cao, đó là Color Field hay còn gọi là Tranh Tường Màu. Những bức tranh “đa hình/multi-forms” của ông gồm những mảng màu loang hình chữ nhật rất lớn (thường gồm nhiều lớp màu mỏng khác nhau) bố trí song song với nhau, thường theo chiều thẳng đứng, với các mép biên mềm mại, không đều, tạo cảm giác lờ mờ, nhấp nháy, như thể chúng được treo và trượt trên mặt vải. Sự tương phản giữa sáng và tối, màu nóng và màu lạnh là những nỗ lực không hề giấu giếm của ông nhằm thể hiện quan điểm của mình về những xung đột và khó khăn của đời sống hiện đại.
Những bức tranh này của Mark Rothko luôn tạo cho người xem một cảm xúc khó tả, nhưng nhìn chung luôn có sự choáng ngợp khi những bức tranh như trùm lấy người xem, thôi miên và đưa họ đến những trải nghiệm chưa từng có về nghệ thuật.
Ý đồ của vị họa sĩ là muốn ‘”xóa đi mọi rào cản giữa người vẽ và ý niệm, giữa ý niệm và người quan sát”. “‘Đấy là hiệu ứng siêu việt” – Mark Rothko cho biết.
Người nghệ sĩ khác biệt
Là một người có cá tính và cái tôi lớn, Mark Rothko luôn có những phản ứng gắt gao với những nhận xét về nghệ thuật cũng như phong cách của mình. Giới phê bình dành cho ông những lời tán dương rằng ông là một họa sĩ duy cảm và sành sỏi về màu sắc, nhưng ông không ưa những lời ca tụng này bởi ông cho rằng chúng làm mất đi tầm quan trọng trong tác phẩm của mình.
Mặc dù được giới nghệ thuật coi là một họa sĩ trừu tượng thiên tài, bản thân Rothko lại kiên quyết phủ định: “Tôi không phải là họa sĩ trừu tượng. Tôi không quan tâm đến các mối quan hệ giữa hình thức và màu sắc. Điều duy nhất tôi quan tâm là sự biểu hiện của những cảm xúc cơ bản của con người: cái bi kịch, sự thăng hoa, và định mệnh.” Ông kịch liệt chỉ trích trào lưu nghệ thuật Pop Art rất nổi tiếng những năm 1960 tại Mỹ và đồng thời cũng không ưa gì giới phê bình nghệ thuật. Ngay cả khi đã trở thành một nhân vật cực kỳ quan trọng và cũng thành công trên thị trường nghệ thuật, ông vẫn rất hiếu chiến, vẫn luôn cực lực phản đối mọi nỗ lực gán cho nghệ thuật của mình những đặc trưng của “hội họa trừu tượng”. Càng thành công, ông càng có những căng thẳng với một số bạn bè gần gũi nhất, đấy cũng là một trong những nguyên nhân đẩy ông tới tuyệt vọng.
Là một thiên tài trong giới hội họa, Mark Rothko gần như tự học cả đời nhưng sự quý trọng dành cho những tác phẩm của ông đã nói lên giá trị nghệ thuật trong cuộc đời vị họa sĩ này. Những tác phẩm của họa sĩ người Mỹ này liên tục lập những kỉ lục về bức họa đắt giá nhất thế giới và được giới nghệ thuật cùng những nhà sưu tầm trên khắp thế giới săn lùng. Họ nghiện tranh của ông cũng như nghiện những trải nghiệm trong cuộc đời của vị họa sĩ này, thứ đã được ông gửi vào những bức họa của mình. Những giá trị nghệ thuật đặc trưng, riêng biệt mà vị họa sĩ gửi gắm vào những tác phẩm của mình, thứ đã đem đến những trải nghiệm vô giá không gì có thể sánh bằng đối với người xem, sẽ luôn sống mãi với thời gian, như một sự khẳng định rằng nghệ thuật của Mark Rothko là bất tử.
“A painting is not a picture of an experience, is the experience.” – Mark Rothko.